“Người vợ hãy phục tùng chồng mình” có nghĩa là gì? (video)
Nếu khái niệm làm đầu / lãnh đạo theo Kinh Thánh không có nghĩa là “người cai trị gia đình mình,” thì nó có nghĩa là gì? Hầu hết các cặp vợ chồng Kitô giáo bảo thủ không định nghĩa quyền lãnh đạo theo nghĩa quyền lực và đặc quyền, mà là một trách nhiệm đặc biệt vì lợi ích của gia đình.
Ví dụ, một người đàn ông tham dự việc thờ phượng của nhóm Tin Lành không bị giới hạn hoặc thuộc về một giáo phái tôn giáo cụ thể (nondenominational) nói: “Là đầu không có nghĩa là bạn là một kẻ cai trị hay gì đó. Nó là về lãnh trách nhiệm hơn.” Một người đàn ông trung niên thuộc phong trào đặc sủng (charismatic) nói: “Tôi đã học được rằng làm người lãnh đạo, như bạn nói, thực sự là trở thành người phục vụ, vì bạn phải hạ cái tôi xuống và nghĩ đến người khác trước.” Một phụ nữ theo giáo phái Trưởng Lão nói rằng khái niệm lãnh đạo theo Kinh Thánh “thực ra làm cho gánh nặng của người đàn ông càng thêm nặng nề, vì anh ấy phải là một người biết lắng nghe nhu cầu của vợ mình, có thể ở bên cạnh vợ, có thể tôn trọng vợ… và đó là một trách nhiệm rất lớn.”
James Dobson, người sáng lập tổ chức Focus on the Family, giải thích rằng khi một người đàn ông kết hôn, anh ta không còn sống vì những tham vọng riêng của mình nữa, mà dồn năng lượng vào việc hỗ trợ gia đình: “Anh ta khám phá ra một niềm tự hào—đúng vậy, niềm tự hào nam tính—vì anh ta được vợ và gia đình cần đến.” Không chỉ cần đến để bảo vệ và chu cấp tài chính, mà còn để yêu thương và bày tỏ tình cảm.
Từ thẩm quyền (authority) bắt nguồn từ tác giả (author), do đó, về mặt ngữ nguyên, nó gợi ý về người chịu trách nhiệm khởi xướng hoặc dẫn đầu một hành động – người đi trước, người chủ động. Tác giả và blogger theo phái Cải Chánh, Tim Challies, viết: “Sự lãnh đạo của một người chồng trước hết không phải là việc giải quyết những bế tắc hay xung đột, mà là trở thành người đầu tiên yêu thương, người đầu tiên phục vụ, người đầu tiên ăn năn, người đầu tiên tha thứ.”
Hôn nhân của con người phản ánh mô hình của Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài: “Chúng ta yêu thương vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (1 Gioan 4:19).
Nói cách khác, một người chồng biết kính sợ Chúa sẽ đi trước và nói, giống như Chúa Giêsu: “Hãy theo tôi”. Nếu anh ta muốn có một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn, anh ta sẽ dẫn đầu trong việc vun đắp cảm xúc và nói: “Hãy theo tôi”. Nếu anh ta muốn vợ mình có đời sống tâm linh sâu sắc hơn, anh ta sẽ làm gương trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời và nói: “Hãy theo tôi”. Nếu anh ta muốn con cái mình đứng vững trước những cám dỗ của văn hóa thế tục, chính anh ta sẽ làm gương về niềm tin và sự chính trực, rồi nói: “Hãy theo tôi”. Lãnh đạo có nghĩa là đi trước, sống một cuộc đời đáng để noi theo.
Gary Thomas, tác giả nổi tiếng của cuốn Sacred Marriage (Hôn nhân thánh thiện), nói rằng vai trò lãnh đạo của một người chồng có nghĩa là anh ta phải chủ động, đặc biệt là khi vợ chồng đối mặt với những thử thách khó khăn:
Nếu ai đó cần làm thêm một công việc thứ hai, thì đó là tôi. Nếu ai đó cần đứng lên nói chuyện với cha mẹ ruột hoặc cha mẹ vợ/chồng về sự xen vào chuyện gia đình tôi quá đáng, thì đó là tôi. Nếu ai đó cần có một cuộc trò chuyện khó khăn với con cái về người mà chúng đang hẹn hò, thì đó là tôi. Nếu ai đó cần nói “Không” với những yêu cầu khác để dành nhiều thời gian hơn cho hôn nhân và gia đình, thì đó là tôi.
Có hai cách méo mó nguy hiểm về nam tính: thứ nhất, đàn ông có thể lạm dụng quyền hạn của mình (biểu hiện hung hăng của nam tính); thứ hai, đàn ông có thể chạy trốn khỏi trách nhiệm của mình (biểu hiện thụ động của nam tính). Nhưng một sự hiểu biết đúng đắn về quyền lãnh đạo theo Kinh Thánh sẽ tránh cả hai sự lệch lạc đó và giúp người đàn ông bước đi trong ơn gọi cao trọng mà Chúa định ra cho họ.
Trích từ The Toxic War on Masculinity: How Christianity Reconciles the Sexes
Leave a Reply