(Crystalina) Là người nữ, khi các mối quan hệ hẹn hò của chúng ta trở nên thể xác, xu hướng tự nhiên của chúng ta là giữ gìn các mối quan hệ đó. Nếu chúng ta trao đi bản thân mình theo cách thân mật, chúng ta không muốn đánh mất chàng trai ấy. Với người nữ Kitô giáo, sự căng thẳng bắt đầu tăng lên ở lương tâm. Chúng ta bắt đầu lý lẽ với bản thân về những hành vi tình dục được chấp nhận, và xem tình yêu còn quan trọng hơn những quy luật đạo đức. Chúng ta nghĩ một cách sai lầm rằng: Mình là ngoại lệ và tình yêu của mình rất khác biệt. Đây là cám dỗ của mọi cặp đôi: Đặt bản thân trên luật lệ của Chúa, như thể cảm xúc nâng những hành vi lên mức hoàn hảo, không có gì đáng trách.
Để biết bao xa là quá xa, một số người khuyên bạn nên dành thời gian để khám phá giá trị của bản thân – những gì mà bạn cảm thấy “sẵn sàng” để làm với một chàng trai. Nói cách khác, thế nào là quá xa cho bạn? Tất cả những điều này đều liên quan với nhau. Bạn có thể diễn giải cách khác rằng:
“Giá trị đạo đức của tôi khác với giá trị đạo đức của bạn, điều đúng với tôi có thể không đúng với bạn. Nếu tôi và bạn trai cảm thấy đủ mạnh mẽ về nhau và mối quan hệ đã kéo dài đủ lâu, liệu chúng tôi có thể bộc lộ tình yêu bằng bất cứ cách nào chúng tôi muốn?”
Vấn đề của cách nói này là bạn nghĩ cảm xúc bản thân là quyền lực tối thượng. Nó bắt chúng ta quay về phục vụ cho lợi ích của bản thân, ta là chúa của ta, là tác giả của chân lý, đúng và sai. Đây là cốt lõi của vấn đề khi chúng ta tự chọn mọi điều thuộc về thân xác và tính dục. Mỗi cặp đôi có cần xác định những quy luật đạo đức riêng không?
Bởi vì sự kiêu ngạo và cứng đầu, chúng ta có thể cho rằng Chúa tạo ra luật luân lý để làm khổ chúng ta.
Đặc biệt là trong khoảng luân lý tính dục – khi sự thỏa mãn là tức thời, chúng ta có xu hướng đẩy Chúa ra xa. Đối với phần còn lại của các điều răn, chúng ta không cảm thấy bị phiền: “Đừng giết người? Được thôi. Đừng ăn cắp? Vâng, đó là công bằng. Đừng tham lam của cải hàng xóm? Tôi có thể làm được. Nhưng đừng dâm dục? Cái gì cơ?”.
Luật của Chúa không phải là gánh nặng cho những ai ao ước yêu thương thật sự. Trái lại, luật của Chúa giải phóng cho chúng ta được tự do yêu thương. Thật không may, nhiều người nhận định một cách sai lầm về giới luật, điều răn, cho rằng chúng là trọng tâm của đời sống Kitô giáo. Họ có thể nghĩ, “Nếu tôi muốn làm vui lòng Chúa, tôi cần tuân theo luật Ngài. Rồi tôi mới được lên thiên đàng khi tôi chết.” Đó không phải là Kitô giáo. Nó giống với cách nói “tiền trao cháo múc” hơn: “Con cho Chúa cái này, Chúa phải giữ để con không sa hỏa ngục (nơi tối tăm, tuyệt vọng vì mãi mãi xa Chúa).” Một ý tưởng bị hạ thấp tới mức như vậy hầu như không có sức mạnh thúc đẩy một người từ bỏ mọi thứ để theo Chúa Giêsu.
Chỉ có một Thiên Chúa. Hoặc chúng ta chỉ huy đời mình, hoặc chúng ta đặt niềm tin vào những gì Thiên Chúa đã cho chúng ta biết trong Kinh Thánh. Theo ý Chúa, bạn sẽ biết khi nào mình sẵn sàng cho tình dục – là khi bạn được đeo nhẫn trên tay. Nói cách khác, bạn chỉ vén màn che thân xác cho người đàn ông sau khi anh ta nâng tấm voan trên khuôn mặt bạn trong ngày cưới.
Trong sạch là khiêm nhường để đón nhận thánh ý của Chúa. Thay vì hỏi bao xa chúng ta có thể đi mà không phạm tội, hãy bắt đầu hỏi bao xa chúng ta cần đi để đến với tình yêu đích thực. Điều này không có nghĩa chúng ta có thể thoát khỏi mọi cám dỗ. Nó có nghĩa là khi cám dỗ đến, chúng ta không hướng về bản thân rồi tự hỏi, “Tôi đã sẵn sàng cho điều này chưa? Tôi có cảm thấy thoải mái khi làm điều này với anh ấy?” Mà hơn thế, chúng ta cần hướng trái tim về Chúa, hỏi Ngài một câu hỏi khó khăn: “Trong sạch là gì trong mắt Ngài, lạy Chúa, Ngài muốn con sống thế nào?”. Thay vì nhìn đức trong sạch như một điều tiêu cực – chỉ là sự vắng mặt của tội dâm ô – thì nên nhìn về đức trong sạch với cái nhìn tích cực. Hiểu rằng đức trong sạch là sự tự do để diễn tả tình yêu Thiên Chúa qua thân xác bạn. Thay vì nhìn vào đức trong sạch như một danh sách gồm toàn những chữ “Không”, hãy nhìn vào đó như là một chữ “Vâng” với tình yêu.
Một số cô gái nghe xong có thể nói, “Tôi không phải là con chiên ngoan đạo, tôi không biết những điều này có thể áp dụng cho tôi hay không. Hơn nữa, tôi cũng có những khát khao.” Nhưng ai đã đặt những khát khao đó vào trong trái tim và thân xác của bạn? Ham muốn về tình dục của bạn là do Thiên Chúa lập nên, đó là dấu hiệu bạn được tạo nên để biến đổi đời mình thành một món quà. Thiên Chúa chỉ muốn bảo đảm bạn không hạ thấp mình từ một món quà xuống thành một món nợ. Bạn ao ước tình yêu, và Thiên Chúa cũng mong muốn cho bạn điều giống như vậy. Ngài không muốn bạn ổn định với bất cứ điều gì kém hơn.
Khi tôi còn ở trong một mối quan hệ tồi tệ, trực giác khiến tôi cảm thấy nghi ngờ. Nhưng, nỗi sợ mất Chúa trở nên mờ đi dần do tôi tập trung giữ người bạn trai và bạn bè của cả hai. Những lời biện hộ hình thành trong tâm trí tôi như những đám mây chắn ngang luồng sáng của lương tâm. Tôi biết Thiên Chúa sẽ luôn ở đó khi tôi cần đến, nên tôi đặt Ngài qua một bên, không để ý đến. Để dập tắt nỗi bất an đang quấy rầy linh hồn và làm yên lòng bạn bè, gia đình – những người phản đối mối quan hệ của tôi – tôi bắt đầu sử dụng đến những lời biện hộ.
Chúng ta cần sự khiêm tốn và trung thực để thừa nhận những lời biện hộ này bởi chúng giống như một tấm chắn an toàn cho chúng ta. Chúng ngăn chúng ta thừa nhận có gì đó không đúng trong mối quan hệ. Nếu chúng ta bỏ đi những lời biện hộ này, chúng ta lo sợ sẽ chẳng còn gì lại trong tình yêu. Khi mọi thứ mất đi, điều duy nhất còn lại là sự thật, nhưng chúng ta không nên sợ sự thật. Tình yêu, như Kinh Thánh nói, là “hân hoan trong sự thật.” (1 Côrintô 13:6)
Thay vì đối diện với sự thật, chúng ta thường biện minh cho sự dâm dục (và các mối quan hệ xấu nói chung), điều này làm suy yếu khả năng của chúng ta để trao và nhận tình yêu. Dưới đây là 10 cách hàng đầu chúng ta dùng để biện minh:
- “Anh ấy thật sự ngọt ngào.”
- “Chúng tôi không luôn làm thế. Có nhiều điều trong mối quan hệ của chúng tôi hơn là tình dục.”
- “Chúng tôi đã ở bên nhau rất lâu rồi.”
- “Tôi đã trao thân cho anh ta rồi.”
- “Gia đình tôi thật sự thích anh ấy.”
- “Nhưng chúng tôi thật sự yêu nhau.”
- “Anh ấy không ép tôi phải quan hệ.”
- “Anh ấy sẽ bị hủy hoại nếu chúng tôi chia tay.”
- “Anh ấy sẽ thay đổi.”
- “Dù sao đi nữa chúng tôi cũng sẽ cưới nhau.”
Trở về chương 5 của Trang Mục lục
Leave a Reply