Chúng ta hết thảy đều biết mình có thể nói bằng ngôn ngữ cơ thể mà không cần thốt ra một lời. Cái vẫy tay để nói “chào” hoặc “goodbye.” Bạn nhún vai để nói “tôi không biết.” Bạn vung nắm đấm để nói lên sự tức giận.
Quan hệ tình dục diễn tả điều gì? Ngôn ngữ đích thực của nó, ý nghĩa đích thực của nó là gì? Theo ĐTC Gioan Phaolô II, sự kết hợp thân thể của người nam và người nữ là để diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Đây là điều chúng ta được gọi và là điều chúng ta mong ước. Không gì kém hơn có thể thỏa mãn ước muốn sâu thẳm nhất của chúng ta. Chúng ta biết điều này từ tận trong trái tim mình.
Ngay ở đây, trong việc hoàn thành lời hứa của bí tích Hôn nhân, cặp vợ chồng được tham gia cách trọn vẹn nhất vào “mầu nhiệm cao cả” của tình yêu Thiên Chúa, của sự hợp nhất giữa Đức Kitô với Hội Thánh (x. Êphêsô 5:31-32). Dù họ nhận thức được nó hay không, điều này vẫn là quyền lực của bí tích trong “ngôn ngữ thân xác của họ.” Như ĐTC diễn tả thẳng thắn, “Qua những cử chỉ và phản ứng lại, qua sự trọn vẹn… động lực của sự căng thẳng và hưởng thụ—bắt nguồn trực tiếp từ thân xác trong nam tính và nữ tính của nó, thân xác trong hành động và sự tương tác—qua tất cả con người , nhân vị này, ‘lên tiếng’… Chính là qua ‘ngôn ngữ của thân xác’ này… nam và nữ được trao ban quyền có thể diễn tả chính mình cho nhau cách trọn vẹn nhất và sâu thẳm nhất nhờ… nam tính và nữ tính của họ. (TOB 123:4).
Nhưng nếu “tình yêu thân xác” là để diễn tả “ngôn ngữ của ‘agape (tình yêu trao ban vô điều kiện như tình yêu của Chúa)’” (TOB 92:7), chúng ta phải hiểu cách đúng đắn ngôn ngữ này. Tình yêu của Chúa Kitô dường như có thể phân biệt được qua bốn đặc tính riêng biệt này. Trước hết, Chúa Giêsu trao ban thân xác Ngài cách tự do (“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” Gioan 10:18). Thứ hai, Ngài trao ban thân xác Ngài cách trọn vẹn—không chút dè dặt, không điều kiện, hoặc tính toán ích kỷ (“Ngài yêu họ đến cùng,” Gioan 13:1). Thứ ba, Ngài trao ban thân xác của Ngài thật chung thủy (“Thầy ở cùng các con luôn mãi,” Mátthêu 28:20). Và thứ tư, Ngài trao ban thân xác Ngài với tràn đầy sức sống (“Ta đến để họ có sự sống,” Gioan 10:10). Nếu những người nam và nữ muốn tránh sa vào hố của tình yêu giả tạo, và sống ơn gọi của mình đến mức trọn vẹn, sự kết hiệp của họ phải diễn tả cùng một tình yêu tự do, trọn vẹn, chung thủy, và tràn đầy sức sống như thân thể Chúa Kitô diễn tả.
Một từ khác của thứ tình yêu này là hôn nhân. Đây chính là điều mà cô dâu và chú rể cam kết trước bàn thờ. Vị linh mục hoặc vị phó tế hỏi họ: “Anh chị có tự do và thực lòng đến đây, chứ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không? Anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không? Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?” Cô dâu và chú rể từng người trả lời “Thưa có.”
Và rồi vợ chồng được gọi để diễn tả câu trả lời “có” này bằng thân xác của họ khi họ trở thành một xương một thịt. “Thực vậy, chính qua lời, “Anh nhận em làm vợ/Em nhận anh làm chồng,” ĐTC nói, “chỉ có thể được hoàn thành qua việc giao hợp” (TOB 103:2). Với việc giao hợp “chúng ta đi đến thực tại tương ứng với lời này. Cả lời tuyên hứa và việc giao hợp quan trọng đối với cấu trúc dấu chỉ của bí tích” (TOB 103:3). Việc giao hợp vì thế, là khi mà lời hứa hôn nhân được nhập thể. Đây là lúc mà nam nữ được gọi để làm cho tình yêu Thiên Chúa được nhập thể. Khi một cặp đôi tuyên thệ lại lời hứa hôn nhân trong nhà thờ trong năm kỷ niệm đặc biệt, điều này không nên làm suy yếu thực tại là mỗi khi người chồng và người vợ giao hợp, họ được gọi để lặp lại tuyên thệ lời hứa hôn nhân với “ngôn ngữ của thân xác họ.”
Chuyển ngữ từ Theology of The Body For Beginners của Christopher West
Leave a Reply