Thân xác được hiểu như là ‘thần học’ cách đặc biệt vì Thiên Chúa đã dựng nên nó từ thuở ban đầu để nó là dấu chỉ của những bí ẩn thần thánh. Thiên Chúa dựng nên thân xác có tính cách tính dục—nam tính và nữ tính của nó—và ơn gọi để trở nên ‘một thân thể’. Con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực cho đi chính bản thân mình.1
Mục đích của ngôn ngữ là để diễn tả ý nghĩa và sự thật. Thân xác, theo ĐTC Gioan Phaolô II, diễn tả sự thật sâu thẳm của sự hiện hữu của con người như nam và nữ và ơn gọi để yêu như Thiên Chúa đã yêu. Và con người “trong một số phương diện không thể diễn tả ngôn ngữ duy nhất này về sự hiện hữu cá nhân và ơn gọi mà không cần đến thân xác.”2
Ngôn ngữ của thân xác có phương diện khách quan—ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong thân thể. Nhưng tác giả của ngôn ngữ này là con người của thân xác ấy; họ có quyền để tự quyết định cho chính bản thân mình. Qua ngôn ngữ của thân xác, họ tự chọn lấy con người tương lai của mình với những sự lựa chọn về diện luân lý.
Nếu con người tự chọn cho mình điều xấu và điều tốt trong ngôn ngữ thân xác, nó không vì thế tự nó là một điều tốt hay điều xấu. Đây là “cây biết lành và biết dữ” mà loài người không được phép ăn, vì nếu ăn, họ sẽ chết.3 Khi con người tách biệt ra khỏi điều tốt và điều xấu đã được định sẵn và tự đặt thực tại riêng cho sở thích của mình, họ lạm dụng tự do chủ quan của mình. Họ bẻ gảy sự trung tín của Thiên Chúa và giao ước với Thiên Chúa.
Trong quan hệ giữa nam và nữ, “chính thân thể của họ ‘nói’; nó nói với nam tính hay nữ tính, nó diễn tả bằng ngôn ngữ bí ẩn của sự trao ban cá nhân, nó diễn tả…cả trong ngôn ngữ của chung thủy, có nghĩa là của tình yêu, và trong ngôn ngữ của một quan hệ bất trung, đó là ‘ngoại tình’”4
Bài viết của Jason Evert về diện hóa sinh của quan hệ nam nữ nói lên luật đã được ghi khắc trong thân thể:
Khi kích thích tình dục, não tiết ra một hoóc-môn gọi là oxytocin. Nó là chất để nối kết hai người với nhau như họ đã cưới nhau, bởi vì nó tạo ra một mối liên kết cảm xúc tuyệt vời, gia tăng niềm tin tưởng, và làm bạn kém đi khả năng đánh giá, phê phán người khác. Nó làm cho người nam và nữ này ra mù quáng về nhau và ràng buộc với nhau. Điều này giúp các cặp vợ chồng kiên trì để cùng đi qua thời điểm khó khăn. Nhưng bên ngoài hôn nhân thì nó gây nguy hiểm.
Vì ảnh hưởng của oxytocin mà bạn tập trung vào khía cạnh tích cực và những kí ức ngọt ngào với người đó. Bạn dễ dàng bỏ qua các nguy cơ vì cường độ cao của những liên kết này sẽ vô hiệu hóa các mạch thần kinh não đáng lẽ có nhiệm vụ phải phán đoán về người khác!
Điều này giải thích tại sao nhiều người ở lại đến cùng trong một mối quan hệ bế tắc trong khi bạn bè của họ cảnh báo họ nên buông tay.
Vì nội tiết tố sinh dục nữ làm gia tăng phản ứng của oxytocin, phụ nữ cảm nghiệm sự kết nối chặt chẽ hơn người nam và chịu đựng nhiều hơn khi các kết nối này bị đứt gãy.
Xem video về diện hóa sinh của quan hệ nam nữ
Nguyên tắc nhân vị, nguyên tắc căn bản về các liên hệ giữa người với người:
Một người không thể chỉ là phương tiện để người khác sử dụng để đạt được mục đích của họ. Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ đối xử với người khác như những dụng cụ để chúng ta đạt được mục đích của mình.Đối xử với người khác như một dụng cụ để đạt được mục đích riêng là xúc phạm đến nhân phẩm của người ấy như một người có quyền tự quyết.5
Con người có thể nói dối với ngôn ngữ của thân thể nam tính hay nữ tính của mình khi dùng nó cách vị lợi, không phải là để trao ban chính thân xác mình như một món quà, vì yêu, để phục vụ. Nó giống như cái hôn của Giuđa. Nụ hôn là một diễn tả của tình yêu trở nên một dụng cụ để thi hành ý định phản bội.
Bài được soạn dựa trên Theology of the Body Explained: A Commentary on John Paul II’s Man and Woman He Created Them.
Trên trongsach.com, TOB là chữ tắt của Man and Women He Created Them: A Theology of the Body by John Paul II, xuất bản bởi Pauline Books & Media, Boston.
1. Gaudium et Spes 24
2. TOB 104:7
3. Sách Sáng Thế 2:17
4. TOB 104:4
5. http://www.catholiceducation.org/articles/marriage/mf0078.html
Leave a Reply