Làm thế nào để chúng ta đưa tính dục vào một trật tự đạo đức — với tầm nhìn hướng về chân, thiện, mỹ? Trong thế giới quan mục đích luận, mọi tạo vật đều loan báo vinh quang Thiên Chúa. Việc con người sinh sản nhờ tình dục không phải là nhờ sự tiến hoá mầu nhiệm nào đó. Nó là một phần của chương trình sáng tạo biểu hiện sự kỳ diệu và vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa.
Điều này có nghĩa là cơ thể “nói” ngôn ngữ của chính nó. Tất cả chúng ta đều biết nụ cười mang nghĩa thân thiện, trong khi một cú đấm vào mặt mang nghĩa thù địch. Mặc dù có sự khác biệt giữa các nền văn hóa, nhưng vẫn có những điểm tương đồng. Khi bạn nắm tay ai đó, hành động đó có ý nghĩa gì? Nó có truyền đạt sự quan tâm và tình cảm không? Còn một nụ hôn thì sao? Điều đó truyền đạt điều gì?
Nhà thơ John Donne đã viết rằng thân xác giống như một cuốn sách nơi chúng ta đọc được những ý định của tâm hồn: “Bí ẩn của tình yêu ngày càng lớn lên trong tâm hồn / Nhưng thân xác vẫn là cuốn sách mở.”60
Điều này giải thích tại sao thân xác của chúng ta có thể nói lời nói dối. Bạn đã bao giờ hôn hoặc nắm tay một người mà bạn không thực sự thích chưa? Có lẽ vì bạn cảm thấy bị áp lực? Hay bởi vì bạn muốn người đó nghĩ rằng bạn quan tâm dù bạn không hề như vậy? Trong cả hai trường hợp, chúng ta có thể cảm nhận được rằng mình đang nói dối – cử chỉ của chúng ta “nói” điều gì đó không đúng với sự thật.
Đó là lý do tại sao cách Giu-đa phản bội Chúa Giêsu là một sự mỉa mai đến đau đớn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lu-ca 22, 48).
Cử chỉ có những ý nghĩa của riêng nó. Quan hệ tình dục, hình thức kết hợp thân xác mật thiết nhất, diễn tả sự nên một của hai cá vị trong hôn nhân. Các cụm từ phổ biến khi quan hệ tình dục cho thấy rằng đây là sự kết hợp sâu xa nhất bạn có thể đạt được về mặt tình dục – chẳng hạn “tiến đến bước cuối cùng” hoặc “tiến xa hơn” hoặc “hòa làm một”. Đó là lý do tại sao nó chỉ nên nằm trong mối quan hệ mà ta “tiến đến bước cuối cùng” ở tất cả những phương diện khác nữa — khi bạn cam kết với người khác về mặt pháp lý, kinh tế, xã hội và tinh thần. Ta chỉ nên trần trụi và yếu đuối về mặt thể lý, khi toàn bộ con người ta (bao gồm tinh thần và cảm xúc) đã sẵn sàng trở nên trần truồng và yếu đuối. Như C. S. Lewis đã nói, những người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân “đang cố gắng tách biệt sự kết hợp thân mật (tình dục) khỏi tất cả những sự kết hợp cần thiết khác.”61
Các học trò của tôi luôn luôn hỏi: “Yêu thôi chưa đủ sao?” Câu trả lời là ngay cả cảm xúc yêu đương cũng không thể so sánh với sự cam kết dâng hiến toàn bộ bản thân và tương lai của mình cho người khác theo đúng nghĩa từ “trần trụi” trong Kinh thánh. Đạo đức Kinh thánh yêu cầu chúng ta phải nhất quán trong những gì chúng ta nói bằng thân xác và những gì chúng ta nói trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Ta nói sự thật qua thân xác của chúng ta.
Timothy Keller viết, “Tình dục là ngôn ngữ mà Chúa thiết lập để hai người nói với nhau ‘Anh hoàn toàn thuộc về em, vĩnh viễn và thủy chung’ [và ngược lại]”62. Khi chúng ta quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, về cơ bản chúng ta đang nói dối với cơ thể của mình. Hành động của chúng ta đang “nói” rằng chúng ta kết hợp làm một ở mọi khía cạnh nhưng thực tế thì không như vậy. Chúng ta đang mâu thuẫn với chính mình. Chúng ta đang diễn một vai diễn. Chúng ta đang không trung thực.
Một số người cho rằng Thiên Chúa cao cả và không quan tâm đến những điều tầm thường, như chúng ta làm gì về mặt tình dục. Một nhà hoạt động nữ quyền Công giáo viết: “Thiên Chúa không quan tâm chúng ta làm gì với thân xác của nhau, Ngài chỉ quan tâm liệu chúng ta có đối xử với nhau như người với người không.” Nhưng liệu chúng ta thực sự có thể làm bất cứ điều gì đối với thân thể của ai đó mà vẫn tôn trọng họ như một con người hay không? Sự phân chia thân xác / nhân vị sắc nét như vậy là của phái Ngộ đạo hơn là dựa trên nền tảng Kinh thánh. Đạo đức Kinh thánh thể hiện một quan niệm trang trọng về con người toàn diện. Thân xác của chúng ta quan trọng.
60. John Donne, “The Ecstasy,” Poetry Foundation, https://www.poetryfoundation.org/poems-and-poets/poems/detail/44099.
61. C. S. Lewis, Mere Christianity (New York: Macmillan, 1960), 96.
62. Timothy Keller, The Meaning of Marriage (New York: Penguin, 2011), 257.
Leave a Reply