Thường khi người đàn ông cố gắng thoát khỏi kiểu hành vi và suy nghĩ tình dục không mong muốn, họ nghĩ họ nên tập trung vào việc loại bỏ ham muốn tình dục ấy. Tuy nhiên, kế hoạch này giống như việc người làm vườn cố gắng loại bỏ cỏ dại bằng cách cắt bỏ lá của chúng. Nếu hệ thống rễ của cây không bị phá, chẳng bao lâu cỏ lại tái sinh, trồi lên lại và lan ra lần nữa. Cũng vậy, nếu một người sử dụng các cơ chế đối phó để kiềm chế ham muốn của mình, nhưng không bao giờ dừng lại để kiểm tra những ham muốn này từ đâu đến, chẳng bao lâu những vấn đề sẽ tái phát, anh ấy sẽ đầu hàng cam chịu, tuyên bố sống trinh khiết là một gánh nặng phi thực tế, tàn nhẫn và không lành mạnh.
Trong cuốn sách Unwanted (Không được mong muốn), Jay Stringer đưa ra một cái nhìn sâu sắc về ham muốn và hành vi tình dục của một người đàn ông: Ông đề xuất rằng những tưởng tượng của chúng ta thường là bản đồ chỉ đường, tiết lộ những tổn thương và nhu cầu chưa được giải quyết trong cuộc sống. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để nuông chiều những ham muốn của bản thân và kìm nén những tổn thương đến nỗi không bao giờ có thể ngồi yên đủ lâu để lắng nghe về nỗi đau sâu bên dưới. Ông nói: “Chúng ta dễ bị xấu hổ về những hành vi tình dục không mong muốn của mình khi chúng ta không hiểu biết về chúng.”14 Sự xấu hổ chỉ đẩy chúng ta sâu hơn vào sự cô lập, sau đó khiến chúng ta dễ rơi vào những cơn nghiện tiềm ẩn để tìm kiếm sự thoải mái.
Mỗi người đàn ông có những nguyên nhân khác nhau. Đối với một số người, đó có thể là sự cô đơn, bị từ chối, tuyệt vọng, bất an, vết thương lòng do cha mẹ gây nên, bị lãng quên, tan vỡ gia đình hoặc lạm dụng tình dục. Dưới mỗi trải nghiệm này là những nhu cầu chính đáng chưa được đáp ứng và thường được biểu hiện qua các hành vi khác nhau, quá tôn sùng thứ gì đó và nghiện ngập. Stringer nêu ra rằng: “Nội dung khiêu dâm thường liên quan đến các chủ đề sỉ nhục, bạo lực và vướng víu về tình cảm do những nguyên nhân khác nhau… Những người sử dụng nội dung khiêu dâm – những người phải chịu đựng tổn thương ấy sẽ bị kích thích bằng việc tình dục hóa những tổn thương trong cuộc sống họ sau này.”15 Ví dụ, nếu một người đàn ông muốn kiểm soát một người phụ nữ, thì việc xem nội dung khiêu dâm cung cấp cho anh ta một lối thoát. Thông qua dục vọng, người đàn ông dựng những ảo tưởng của mình lên người khác. Cô ấy không có đầu óc, nhân cách, hay ý chí nào khác ngoài những gì người đàn ông trao cho cô ấy. Người đàn ông ấy có quyền lực đối với cô (anh ấy cảm thấy vậy).
Tuy nhiên, dục vọng không chỉ đơn giản là một liều thuốc mê gợi cảm được sử dụng để làm tê liệt nỗi đau của những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống; đôi khi đó là một cách để tái tạo lại những nỗi đau và giữ nó. Nhưng tại sao người ta lại làm điều này? Tại sao phải tìm kiếm cảm giác thất bại, xấu hổ và cô đơn? Trong bộ phim The Shawshank Redemption/ Nhà Tù Shawshank, một nhân vật sống hàng chục năm trong tù đã phạm tội ngay sau khi được thả ra, bởi vì việc bị giam cầm hấp dẫn hơn việc đối mặt với sự bấp bênh của một cuộc sống không bị tù. Tâm trí anh ta không gì hơn là của một tù nhân. Vì vậy, nếu một người lớn lên trong một gia đình nghiêm khắc, lơ là hoặc lạm dụng, có lẽ anh ta sẽ xác nhận bản thân mình bằng cảm giác xấu hổ, trống rỗng hoặc tự cảm thấy ghê tởm. Trong sâu thẳm, anh nghĩ đây là những cảm giác của mình, nhưng sự thật đây chỉ là bằng chứng về con người của anh.
Đây là lý do tại sao một số người lặp lại các kiểu hành vi tình dục không mong muốn. Cho đến khi vết thương sâu hơn trong con người họ được chữa lành, họ sẽ tiếp tục đắm mình vào những kiểu suy nghĩ tiêu cực gắn liền với nó. Để đối phó với vết thương và hành vi xấu của mình, chúng ta có thể thử nhiều phương pháp quản lý tội lỗi khác nhau, như Jay Stringer chỉ ra rằng: “Việc chữa bệnh đòi hỏi bạn phải xoay chuyển từ việc lên án sự thiếu ý chí của mình sang việc giải quyết vai trò mà chấn thương để lại trong hành vi tình dục không mong muốn của bạn. Một trái tim chỉ cần chút xíu nhân hậu dịu dàng đối với câu chuyện cuộc đời mình sẽ giúp bạn đạt được nhiều hơn là một tâm trí tràn ngập căng thẳng bởi những chiến lược chống lại dục vọng.”16Vì vậy, thay vì coi những vấn đề tình dục là một vấn đề xấu xa cần được giải quyết, chúng ta phải mở lòng chấp nhận rằng những vết thương có thể chỉ cho chúng ta con đường hướng tới việc chữa lành.
HÀNH ĐỘNG
Trong số tất cả các bài đọc trong cuộc hành trình ba mươi ba ngày này, chúng tôi mời bạn suy ngẫm bài này hơn bất kỳ bài nào khác. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về quan điểm này. Đừng vội vàng với chúng.
Một lý do tại sao những ảo tưởng thì hấp dẫn là vì chúng là điều cấm kỵ, mạo hiểm và không hợp pháp. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta được phép – và thậm chí được khuyến khích – nghĩ về chúng? Để tìm được sự chữa lành tình dục thực sự, chúng ta phải nghĩ về chúng! Nói cách khác, hãy kiểm tra những ảo tưởng, ham muốn hoặc thói quen tình dục thay vì chỉ nuông chiều nó. Hãy tự hỏi bản thân mình:
- Tôi khao khát điều gì?
- Điều này đến từ đâu? Tại sao tôi lại mong muốn điều này? Điều gì đang thúc đẩy tôi? Điều gì đằng sau nó?
- Tôi bắt đầu tìm kiếm điều này từ khi nào, và điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của tôi vào thời điểm đó?
- Nhu cầu nào chưa được đáp ứng trong tôi mà dường như thỏa mãn hoặc tạm thời xoa dịu khi tôi có ảo tưởng này?
- Có phải thói quen tình dục này lôi cuốn tôi vì tôi sẽ không gặp nguy cơ bị từ chối, trong khi tôi luôn bất an vì sợ người khác khước từ?
- Khi tôi nuông chiều bản thân, có phải tôi đang tập trung tìm kiếm điều gì đó từ một người, hay muốn làm điều gì đó với họ không? Điều này có nghĩa gì?
- Có phải tôi đang tình dục hóa cơn tức giận của mình, khiêu dâm hóa sự trả thù, hoặc thù ghét sự dâm dục của tôi không?
- Tôi có đang tình dục hóa lòng khao khát được chấp nhận, ngưỡng mộ hoặc âu yếm không?
- Tôi có đang trốn tránh điều gì đó không?
- Những mong muốn và hành vi tiết lộ điều gì về con người mà tôi nghĩ tôi là?
Hãy dành một chút thời gian để cầu nguyện qua những liệt kê này. Hãy chậm rãi mang từng ước muốn này đến với Chúa, bất kể chúng có vẻ ghê tởm hay nghịch đạo đến mức nào. Đây là lời cầu nguyện chân thành. Đừng dành thời gian này chỉ để xoi mói nội tâm của bạn. Hãy cầu xin Chúa Thánh Linh bày tỏ cho bạn về chính bạn. Hãy để Chúa nhìn thấy bạn, yêu thương bạn, như bạn là lúc này, để nhân cách thực sự của bạn là con trai yêu dấu của Ngài có thể được hồi phục.
Quá trình này không phải là để tự thương hại bản thân vì điều này sẽ dẫn đến cảm giác mình là nạn nhân, tính đặc quyền, chỉ nghĩ đến mình trước hết. Đó không phải là việc đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh của chúng ta như một cái cớ để không chịu trưởng thành. Đó là về lòng nhân từ, không phải là tủi thân. Đó là về việc bạn có đủ can đảm để xử lý vết thương của mình thay vì trở thành loại đàn ông truyền chúng đến cho người khác. (Video cho ngày 6)
14 Jay Stringer, Unwanted (Colorado Springs: NavPress, 2018), 9.
15 Stringer, Unwanted, 60.
16 Stringer, Unwanted, 60.
Leave a Reply