Phẩm chất của một người đàn ông không thể được đo lường bằng khả năng thể thao, sự nổi tiếng hay thành công của anh ta. Sách Huấn ca tuyên bố, “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.” (Huấn ca 27, 5). Nhưng tại sao lại được đo lường bằng lời nói? Hãy xem ba vị thánh sau đây trả lời câu hỏi đó như thế nào:
Thánh Giacôbê viết: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân.” (Giacôbê 3, 2).
Chúng ta có thể che giấu nhiều thiếu sót của mình, nhưng như Thánh Basiliô Cả đã nhận xét: “Lời nói thực sự là hình ảnh của tâm hồn.”43
Tuy vậy, đừng chỉ tẩy chay những lời nói hoặc cuộc trò chuyện không hay. Như Thánh Faustina đã nói: “Một người hay nói thì bên trong trống rỗng.”44 Thế giới không phải lúc nào cũng cần ý kiến của bạn.
Để phát triển đức tính tĩnh lặng, hãy biết rằng biết kiềm chế miệng lưỡi chỉ là một nửa nhiệm vụ. Chúng ta cũng cần hạn chế những gì lọt vào tai. Không phải lúc nào chúng ta cũng cần cắm tai vào nguồn âm thanh ồn ào bên ngoài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lưu ý rằng nếu bạn muốn gặp gỡ Chúa Kitô thì: “Trên hết, hãy tạo ra sự tĩnh lặng trong nội tâm của bạn. Hãy để niềm khao khát mãnh liệt được nhìn thấy Thiên Chúa nảy sinh từ nơi sâu thẳm của trái tim bạn, một ước muốn đôi khi bị bóp nghẹt bởi sự ồn ào của thế giới và sự quyến rũ của thú vui.”45 Khi chúng ta học cách bảo vệ sự tĩnh lặng này, Chúa sẽ có nhiều cơ hội nói với chúng ta hơn, làm trái tim chúng ta rung động và có thể lớn lên trong tình yêu.
HÀNH ĐỘNG
Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về đoạn viết ngắn này của Cha Anthony Paone, S.J., qua đó Chúa Kitô nói với bạn về sự cần thiết của tĩnh lặng trong cuộc sống:
Con của Ta, có những lúc con phải tìm cách ở một mình và tránh trò chuyện. Những lúc nói chuyện không tử tế, ngang ngược, hoặc không đứng đắn thì không đem lại ích lợi nào. Có ích gì khi lãng phí thời gian vào những cuộc tranh cãi vu vơ hoặc khoe khoang?
Đúng, có cuộc trò chuyện nhẹ nhàng mang lại sự nhẹ nhõm và giải trí cần thiết. Nhưng cũng có những cuộc trò chuyện không giúp người nói hoặc người nghe có cuộc sống tốt hơn, chúng là sự lãng phí thời gian đáng xấu hổ, vì thời gian quý báu sẽ không bao giờ quay trở lại.
Do đó, hãy suy nghĩ trước khi nói, và con sẽ không bao giờ hối hận về lời nói của mình. Lời đã nói không thể thu lại được. Không phải lúc nào con cũng có thể thu lại tác hại của những phát ngôn thiếu suy nghĩ.
Nhiều thánh đã tránh sự đồng hành của loài người bất cứ khi nào có thể để được kết hợp gần gũi hơn với Ta. Một người trong số họ từng nhận xét: “Khi tôi đi ra giữa loài người, tôi trở về với ít “con người” hơn.” Điều này có đúng khi con nói chuyện quá lâu không? Giữ tĩnh lặng hoàn toàn thì dễ hơn là ngừng nói khi cần phải ngừng.
Trong tĩnh lặng, Ta sẽ nói với con ít gián đoạn hơn. Lời nói của Ta sẽ đến dưới dạng ý tưởng, mong muốn, ý định và quyết tâm nảy sinh trong tâm hồn con. Con sẽ nghe thấy giọng nói của Ta mà ít bị phân tâm hơn. Yêu thích sự im lặng và học cách sử dụng nó thật tốt. Rồi con sẽ đến gần Ta hơn, như Ta ở gần con.46
Hãy ghi nhớ những lời này và rút khỏi mọi tiếng ồn ngày hôm nay: Không nhìn màn hình, không chơi game, không truyền thông xã hội, không nhạc, không podcast và không nói chuyện vô ích. Chỉ sử dụng máy tính và điện thoại của bạn cho những việc thực sự cần thiết ở trường học và công việc… rồi xem sự việc sẽ như thế nào. Đây không phải là một bài tập tùy chọn. Chúng tôi yêu cầu bạn không chuyển sang ngày 28 trừ khi bạn vượt qua thử thách này. Bằng cách chinh phục thử thách, bạn sẽ khám phá ra hoa trái của sự tĩnh lặng thuần túy là cần thiết và có sự tỉnh táo để nhận ra: tất cả chúng ta đã gắn bó với tiếng ồn và sự mất tập trung như thế nào. (Video cho ngày 27)
43 Rosemary Guiley, The Quotable Saint (New York: Visionary Living, Inc., 2002), 304.
44 St. Maria Faustina Kowalska, Diary: Divine Mercy in My Soul (Stockbridge, MA: Marians of the Immaculate Conception, 2002), 118 / Nhật ký Lòng Thương Xót.
45 Pope John Paul II, “Message for 2004 World Youth Day,” Vatican City, March 1, 2004.
46 Anthony Paone, S.J., My Daily Bread (New York: Confraternity of the Precious Blood, 1954).
Leave a Reply