Sâu thẳm bên trong, chúng ta biết khi nào chúng ta sai phạm. Hãy cứ nghĩ đi: các ô cửa của tiệm sách có nội dung dành cho “người lớn” không chỉ bị làm đen để bên ngoài không thấy bên trong nhằm bảo vệ sự trong trắng của công chúng mà còn để che giấu danh tính của khách hàng. Sự ẩn danh làm cho tội lỗi trở nên quyến rũ hơn.
Nếu chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta sẽ thừa nhận sự thật này: Chúa cần phải thanh lọc chúng ta. Trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa hỏi: “Đến bao giờ lòng ngươi còn ấp ủ những tư tưởng hư đốn?… Ngươi còn không chịu thanh tẩy cho đến bao giờ nữa?” (Gr 4,14; 13,27). Mặc dù những lời này của Chúa có vẻ khắc nghiệt, nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi mình điều tương tự chưa? Bạn đã bao giờ trong lúc tức giận tự hỏi mình đến khi nào thì bạn sẽ thoát khỏi những khó khăn của bạn? Bạn có thể cảm thấy trước Chúa tôi vô dụng và làm hỏng mọi thứ hết rồi. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ những gì Chúa nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong một vài chương sau đó:
Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giê-rê-mi-a rằng: ‘Ngươi hãy trỗi dậy và xuống nhà thợ gốm, ở đó Ta sẽ cho ngươi nghe lời Ta.’ Tôi xuống nhà thợ gốm, và này anh ta đang sử dụng chiếc bàn xoay hai bánh. Nhưng chiếc bình anh đang nắn bị hỏng, như có lúc xảy ra khi thợ gốm nặn đất sét. Anh làm lại một chiếc khác đúng như anh thấy cần phải làm. Bấy giờ có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: ‘Hỡi nhà Ít-ra-en, đối với các ngươi, Ta lại không thể làm được như người thợ gốm này hay sao? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Này hỡi nhà Ít-ra-en, đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy; (Gr 18, 1–6).
Khi đất sét bị hư hỏng trong tay người thợ gốm, anh ta không vứt bỏ nó. Anh ấy sẽ làm lại lần nữa. Cho dù bạn thấy mình ở đâu trong cuộc hành trình, bạn cũng không ở ngoài tầm với của lòng thương xót Chúa, nếu bạn sẵn sàng chấp nhận điều đó. Rất may, Chúa Giêsu đã thiết lập cho chúng ta một bí tích.
Thật tuyệt vời khi bạn có những người anh em, bạn bè biết về những khó khăn bạn gặp phải, song, thực tế họ vẫn không thể ban ơn tha thứ cho bạn. Ngay khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Chúa nói lời bình an với các tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Sau đó, Ngài thổi hơi vào họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Gioan 20: 21–23). Lần duy nhất khác, Thiên Chúa thổi hơi vào con người trong Kinh Thánh là thời điểm sáng tạo. Vì vậy, rõ ràng là một cái gì đó vĩ đại đang xảy ra ở đây. Thiên Chúa trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và ban cho họ quyền tha tội, cũng như Ngài đã ban quyền để họ chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và làm cho người ta sống lại từ cõi chết.20
Khi xưng tội, chúng ta không chỉ nhận được ơn tha thứ, mà còn nhận được ân sủng để có khả năng tránh những tội đó trong tương lai. Vì vậy, nếu chúng ta muốn vượt qua những tính xấu của mình mà không thường xuyên tiếp cận với các ân sủng đang chờ đợi chúng ta trong bí tích Hòa Giải, chúng ta mắc lỗi tự dựa vào khả năng của mình. Đừng làm bản thân túng thiếu: Hãy tận dụng việc đi xưng tội ít nhất mỗi tháng một lần.
HÀNH ĐỘNG
Việc đi xưng tội với lòng chân thành sám hối không chỉ cần thiết mà còn rất quan trọng. Dưới đây là ba bước để thực hiện việc này:
Thứ nhất: Đừng nhảy từ linh mục này sang linh mục khác. Nói cách khác, hãy tìm một Cha giải tội có sự hiểu biết, vững vàng và hãy thường xuyên xưng tội với Cha ấy. Nếu bạn muốn tiến bộ trong bất kỳ môn thể thao nào, bạn sẽ không thay đổi huấn luyện viên của mình vài tuần một lần. Cũng vậy, khi Cha giải tội hiểu bạn và những thách thức của bạn, người linh mục ấy sẽ có thể tùy chỉnh tốt hơn những lời khuyên cho bạn.
Thứ hai: Hãy kiểm tra lương tâm của bạn một cách cẩn thận trước khi bước vào tòa giải tội. Vì bạn đã xem xét lương tâm của mình mỗi tối như một phần của chương trình này nên xét mình để xưng tội sẽ trôi chảy một cách tự nhiên hơn. Nếu bạn không còn thói quen xem xét mình mỗi tối, hãy trở lại đúng hướng và duy trì việc này như một việc đạo đức suốt đời mình.
Thứ ba: Hãy minh bạch. Hãy coi tâm hồn bạn như một căn phòng thiếu ánh sáng bị ngổn ngang bởi những mảnh vụn tội lỗi sau một thời gian. Đôi khi, chúng ta liếc nhìn vào phòng và nắm lấy một vài thứ rõ ràng cần phải bỏ đi và đem chúng đến tòa giải tội. Nhưng chúng ta biết có những góc của căn phòng đó mà chúng ta không muốn ghé thăm hoặc kiểm tra. Đó là những nơi tăm tối nhất và có lẽ chúng ta đã không nhìn góc đó nhiều năm rồi, bởi chúng ta muốn quên đi những gì đã được che giấu ở đó. Nếu có những tội mà bạn đã phạm và bạn cảm thấy quá xấu hổ để thú nhận, thì đã đến lúc để đem ánh sáng của Chúa chiếu vào bóng tối đó. Bạn không còn phải gánh chịu sức nặng của tội lỗi đó nữa. Ngay khi bạn có cơ hội, hãy đi xưng tội và nói ra tất cả. Không để lại điều gì trong xó xỉnh nào. Hãy làm điều này, và bạn sẽ đem đến cho mình tràn đầy ân sủng đang chờ đợi bạn trong bí tích kỳ diệu của lòng thương xót này.
Nếu bạn sợ làm điều này, hãy suy ngẫm sâu sắc những gì Thánh Claude de la Colombière đã nói về lòng thương xót của Chúa. Hãy đọc nó cách chậm rãi và không chỉ đọc một lần. Hãy mời Chúa đến với bạn lúc này:
Con xin tôn vinh Chúa vì Chúa tỏ cho chúng con biết Chúa tốt lành như thế nào đối với tội nhân, lòng thương xót của Chúa chiến thắng mọi ác ý và không gì có thể tiêu hủy được lòng thương xót của Chúa, bất kể chúng con đã ngã bao nhiêu lần hoặc sa ngã cách xấu hổ chừng nào, dù tội lỗi ra sao đi nữa, tội nhân không cần phải thất vọng về ơn tha thứ của Chúa. . . . Thật là vô ích khi kẻ thù của Chúa và con đặt những cái bẫy mới cho con mỗi ngày. Nó chỉ có thể làm cho con mất tất cả mọi thứ khác nhưng không thể làm còn mất hy vọng vào lòng thương xót của Chúa.
“https://www.youtube.com/watch?v=gMAy98GciH0”>(Video cho ngày 11)
20 Mát-thêu. 10:8
Leave a Reply