Còn về an tử không tự nguyện, khi cá nhân không có khả năng đưa ra sự đồng ý với sự hiểu biết thì sao? Nếu họ không đủ sáng suốt để tự mình đưa ra quyết định, chính điều đó nói là họ không còn là con người nữa. Peter Singer khẳng định rằng những người bị mất khả năng trí tuệ nghiêm trọng là ứng cử viên cho an tử vì họ “đã từng là nhân vị” nhưng nay không còn là nhân vị nữa. “Cuộc sống của họ không có giá trị nội tại. . . . Họ sống về mặt sinh học, nhưng không phải về mặt tâm hồn.”26
Joseph Fletcher thậm chí còn biến đạo đức sự sống thành một hình thức tàn ác: “Kéo dài sự sống một cách vô ích, trong khi những phẩm chất cá nhân như tự do, kiến thức, sự tự quản, kiểm soát và trách nhiệm bị hy sinh, là tấn công vào giá trị đạo đức của một con người”.27
Các tác phẩm nghệ thuật cũng đang nói về vấn đề này. Một vở opera của nhà soạn nhạc theo phong cách tối giản Steve Reich tìm hiểu về những mối đe dọa khác nhau đối với cuộc sống con người, với một lời nhạc kịch song song với những ghi âm của các nhà khoa học. Nhà vô thần nổi tiếng Richard Dawkins được biết là đã nói con người “là những cỗ máy được tạo ra bởi gen của chúng ta”. Nhà sinh vật học Robert Pollack ngay lập tức rút ra kết luận logic: “Tôi không có cảm giác tội lỗi khi rút ống đưa thức ăn nước uống khỏi bất cứ cỗ máy nào.”28
Nếu con người bị biến thành máy móc, tại sao mọi người lại phản đối việc rút ống thức ăn nước uống?
Đây không chỉ là tranh luận về những vấn đề đạo đức trừu tượng. Tôi thường được mời thuyết trình về các chủ đề trong cuốn sách này, và khi tôi nói đến an tử, hầu như lúc nào cũng có ai đó trong phòng bắt đầu khóc. Nói chuyện với họ sau đó, tôi biết rằng họ đã trải qua kinh nghiệm thực hiện quyết định khó khăn về sinh tử đối với cha, mẹ hoặc ông bà.
Trong một bài thuyết trình, tôi nhìn thấy một người phụ nữ da đen lớn tuổi, ăn mặc trang nghiêm đã rơm rớm nước mắt. Tự giới thiệu mình là Evelyn, cô giải thích rằng cha cô đã phải nhập viện vì bệnh tim nhưng chưa chết. Tuy nhiên, các bác sĩ quyết định thời điểm của ông đã đến. Thật không may, Evelyn đã phải đi xa và các bác sĩ đã thuyết phục những người còn lại trong gia đình đồng ý tiêm thuốc gây chết người. Qua những cú điện thoại khẩn cấp, Evelyn cầu xin người nhà đừng quyết định cho đến khi cô về đến nhà, nhưng cô đã quá muộn. Khi cô xuống máy bay, cha cô đã không còn.
Hỗ trợ đáng tin cậy duy nhất cho nhân quyền là niềm tin được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập (của nước Mỹ) rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, ngay cả khi họ bị khuyết tật hoặc là người già. Thế giới quan của Kinh thánh cho rằng người khuyết tật chỉ là vậy – người khuyết tật. Kinh Thánh coi thân xác là sự hiện thân của con người. Như Meilander đã nói, trong đạo đức sinh học, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng khi đối xử với thân thể con người, chúng ta đang đối mặt với “nơi mà qua đó chúng ta biết đến một con người”.29
Những người ủng hộ an tử về cơ bản đang nói rằng nhân vị của chúng ta chỉ bao gồm các chức năng tinh thần cao hơn. Ý là thân xác không phải là một phần bản sắc con người của chúng ta. Nhưng ý tưởng về nhân vị dựa trên chức năng của não thì rất mỏng manh. Nhân vị của tôi có thể kết thúc vào thời điểm vỏ não của tôi bắt đầu gặp trục trặc. Ngược lại, quan điểm của Kinh Thánh thì nhẹ nhàng và vững bền hơn nhiều. Bác sĩ John Wyatt viết: “Trong suy nghĩ của Kitô giáo, bất cứ điều gì xảy ra với bạn trong tương lai, bất kể bệnh tật hay tai nạn nào có thể xảy ra với hệ thần kinh trung ương của bạn, ngay cả khi bạn bị sa sút trí tuệ hoặc rơi vào tình trạng thực vật dai dẳng, bạn vẫn sẽ là bạn: một người độc đáo và tuyệt vời được Chúa biết đến và yêu thương.”30 Chúng ta không bị áp lực để chứng minh giá trị của mình hoặc thuyết phục mọi người rằng cuộc sống của mình có giá trị.
Vào thời sau hết, với sự cứu chuộc thân xác, chúng ta sẽ cuối cùng nhận ra vẻ đẹp và sự cao cả của mỗi con người. Ngay bây giờ chúng ta có thể bắt đầu rèn luyện bản thân để nhìn thấy mọi người theo quan điểm cánh chung đó. Theo lời của nhà thần học David Hart, chúng ta có thể học cách nhận ra rằng có “một vinh quang ẩn giấu sâu thẳm nơi mỗi một người, ngay cả kẻ nhỏ bé nhất trong chúng ta – ngay cả ‘những người khiếm khuyết’, ‘những kẻ ngu ngốc’ và ‘những người thấp kém về mặt di truyền’ – đang chờ để được bày tỏ một vẻ đẹp, sự trang nghiêm và sức mạnh lộng lẫy và huy hoàng đến mức, nếu chúng ta nhìn thấy con người mai sau của chúng ta lúc này, chúng ta sẽ tôn kính hoặc kinh hoàng với hình ảnh ấy.”31
26. Peter Singer, Practical Ethics, 2nd ed. (New York: Cambridge University Press, 1993), 192.
27. Fletcher, Morals and Medicine, 191. Ông cũng viết, “Một bệnh nhân đã mất hoàn toàn khả năng thông truyền đã chuyển sang trạng thái đạo đức hạ đẳng, nằm ngoài lãnh vực của lương tâm và ngoài con người trong lãnh vực đạo đức luân lý” (201).
28. Steve Reich, “Three Tales” opera (2002). Read the libretto online here: http://www.stevereich.com/threetales_lib.html.
29. Meilander, Bioethics, 11.
30. John Wyatt, “What Is a Person?” Nucleus (Spring 2004): 10–15.
31. David Hart, “The Anti-Theology of the Body,” The New Atlantis 9 (Summer 2005): 65–73. Hart dường như đang diễn giải C. S. Lewis, kêu gọi những người theo Kitô giáo “hãy nhớ rằng người buồn tẻ nhất và kém thú vị nhất mà bạn nói chuyện cùng có thể một ngày nào đó có thể là một sinh vật mà nếu bạn nhìn thấy lúc này, bạn muốn sụp lạy để thờ phượng”. C. S. Lewis, The Weight of Glory (Grand Rapids: Eerdmans, 1949), 14–15.
Leave a Reply