Một lý do khiến các vấn đề như an tử rất nổi bật ngày nay là vì con người không còn có những cách tích cực để đối phó với đau khổ. Kinh thánh cho chúng ta biết đau khổ và cái chết không nằm trong kế hoạch của Chúa thuở ban đầu. Sự dữ đã xâm nhập vào công trình sáng tạo tại một thời điểm cụ thể trong lịch sử, gây nên một sự thay đổi thảm khốc, làm biến dạng công trình sáng tạo ban đầu. Đó là lý do tại sao sự dữ thì đầy sự căm thù, ghê tởm, và bi thảm. Khi chúng ta chùn bước trước bệnh tật và cái chết, phản ứng ấy là hoàn toàn phù hợp. Điều quan trọng cần nhớ là Chúa đứng về phía chúng ta. Thiên Chúa không tạo ra sự dữ. Ngài thậm chí còn ghét nó hơn chúng ta.
Nhưng Kitô giáo cũng dạy sự thật đáng kinh ngạc rằng, chính Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người, trải qua đau khổ và cái chết vì án tử hình trên cây thập tự của người Rôma. Qua hành động đó, Thiên Chúa đã biến cái chết thành một phương tiện để đạt được sự sống mới. “Người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is. 53, 5).
Chúa có thể dùng những sự kiện khó khăn và đau đớn để nó trở thành phương tiện cứu độ, biến đổi nhân cách của chúng ta, và hòa giải các mối quan hệ của ta. Một phép so sánh tôi thích dùng là một chiếc xương gãy đã lành nhưng bị di lệch. Bác sĩ phẫu thuật phải đục gãy lại diện xương gãy cũ và kết hợp xương lại; điều này gây nên đau đớn, để nó phát triển thẳng lại và khỏe mạnh. Về mặt thiêng liêng, chúng ta có đầy những khúc xương gãy. Nhân cách của chúng ta bị tổn thương bởi những thói quen tội lỗi khó bỏ. Đó là lý do tại sao chúng ta thường phải trải qua những khủng hoảng và khó khăn mới có thể “phá vỡ” những thói quen có hại của mình, để chúng ta có thể phát triển thẳng thắn và mạnh mẽ.70,
Dù sự dữ vẫn là sự dữ, nhưng điều kỳ diệu là Thiên Chúa vĩ đại hơn và có thể biến nó thành điều tốt lành.
Ngay cả các nhà tâm lý học thế tục cũng lưu ý rằng đau khổ có thể biến đổi, và họ đã đặt ra một thuật ngữ cho nó: “sự phát triển sau chấn thương”. Một bài báo trên tờ Tâm lý học ngày nay/ Psychology Today báo cáo rằng nhiều người đã thực sự trưởng thành sau những biến cố đau thương trong cuộc đời như mất người thân, ly hôn, bệnh nặng, mất việc, hoặc chiến tranh: “Họ dễ động lòng trắc ẩn hơn với nỗi đau khổ của người khác. . . vì thế họ có những mối quan hệ sâu sắc hơn. Một trong những thay đổi phổ biến nhất là họ đã phát triển một quan điểm triết học, hoặc có những giá trị thiêng liêng cho cuộc sống.”71
Nghĩa là, cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy việc tìm kiếm đời sống thiêng liêng. Nhà tâm lý học Judith Neal nghiên cứu bốn mươi người đã trải qua quá trình trưởng thành sau chấn thương tâm lý, và mô tả quá trình này như sau:
Ban đầu, hầu hết đều trải qua “đêm đen của tâm hồn”, nơi mà những giá trị trước đây của họ bị nghi ngờ và cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Sau đó, họ trải qua giai đoạn tìm kiếm thiêng liêng, cố gắng hiểu những gì đã xảy ra với mình và tìm ra những giá trị mới. Cuối cùng, khi họ đã tìm ra những nguyên tắc thiêng liêng mới để sống theo, họ bước vào giai đoạn “tích hợp thiêng liêng” khi họ áp dụng những nguyên tắc mới này. Tại thời điểm này, họ tìm thấy ý nghĩa và mục đích mới trong cuộc sống, biết ơn vì được sống, và nhìn nhận những điều tốt đến từ những biến động.72
Điều đáng kinh ngạc nhất là ý thứ ba: Họ cảm thấy biết ơn ngay cả chính những biến động, vì đó là động lực thúc đẩy sự phát triển nội tâm. Kết luận là chúng ta không nên cho rằng ai đó cần an tử chỉ vì họ đang chịu đau khổ.
Tất nhiên, không phải lúc nào đau khổ cũng đem lại sự chuyển hóa. Đau khổ có thể làm chúng ta sâu sắc hơn nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta tức giận, cay đắng, và oán giận. Điều quan trọng là liệu chúng ta có thể phản ứng bằng việc hướng về và đến với Chúa Giêsu trong lúc đau khổ hay không. Khi đó, chúng ta có thể đi theo con đường của Chúa Giêsu, Đấng “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Híp-ri 5:8).
70. See my chapter on suffering, “Does Suffering Make Sense?” in How Now Shall We Live? (Carol Stream, IL: Tyndale, 1999).
71. Steve Taylor, “Can Suffering Make Us Stronger?” Psychology Today, November 4, 2011.
72. Cited in Taylor, “Can Suffering Make Us Stronger?” The phrase “dark night of the soul” is from St. John of the Cross, a sixteenth-century Catholic mystic.
Leave a Reply