Thần học thân xác của người nữ
Bạn đã bao giờ nghe ai đó nói: “Nếu Chúa muốn chúng ta tin vào Ngài, tại sao Ngài không tự tỏ lộ mình ra?” Yêu cầu đó có vẻ hợp lý, nhưng nó bỏ qua sự thật rằng Người đã bày tỏ chính Người, rồi chúng ta đã đóng đinh Người. Người cần phải làm gì nữa? Viết một cuốn sách về bản thân? Người đã làm điều đó. Hoặc Người có thể thiết lập một thẩm quyền nào đó để những lời dạy của Người được tiếp tục qua các thế hệ? Thông qua Giáo hội, Người cũng đã làm điều đó. Bất kể Chúa đã làm hết thảy những điều này, vẫn có người cho rằng Người đã làm chưa đủ. Thường đây là những người sẽ không gặp khó khăn khi lên mạng để tìm nhà thờ gần nhất.
Vậy những lập luận của họ có đáng tưởng thưởng không?
Thiên Chúa không thể bị giản lược thành một lập luận triết học hay một bằng chứng khoa học. Người là một ngôi vị, và là Chàng Rể. Một phụ nữ nhận xét:
Hãy tưởng tượng một người cầu hôn trẻ tuổi đến tìm kiếm bàn tay của một công chúa. Sau một khoảng thời gian trao đổi ánh mắt và giết những con rồng dữ tợn, cô mời anh đến thăm cô. Chàng trai trẻ ấy đáp lời – mang theo một cuốn sách gồm ba tập trình bày chi tiết những lý do buộc cô phải yêu anh, bằng lý lẽ và lời đe dọa về sự đau khổ đời đời. Phản ứng ban đầu của chúng ta với người đàn ông này sẽ là nhạo cười, nhưng nếu vì một lý do nào đó, đây là một chuyện thật, thì chúng ta sẽ coi anh ta là một kẻ tự phụ và tên khờ khạo không biết gì về lãng mạn.[7]
Đây không phải là cách Chúa đối xử với chúng ta. Thật vậy, đôi khi Chúa dường như đang ẩn nấp, giống như người yêu trong sách Diễm ca, “Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ. Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà” (Diễm Ca 2, 9). Trong khổ thơ của bài thơ tình tuyệt vời này, người yêu nhìn người mình yêu, mặc dù cô ấy không thể nhìn thấy anh ấy trọn vẹn. Anh ta gọi cô ấy: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi… Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng” (Diễm Ca 2, 10–14). Người yêu đang ẩn mình và kêu mời cô đến gặp anh.
Chúa là người tình, và những người yêu nhau đưa ra lời cầu hôn. Chắc chắn, Thiên Chúa có thể bày tỏ vinh quang của Người cho chúng ta nếu Người muốn. Vậy Người đang chờ đợi điều gì? Trong cuốn sách Heaven’s Song / Bài Ca của Thiên Đàng, Christopher West kể lại cuộc trò chuyện của Thánh Phanxicô Assisi với Chúa:
Người ta kể rằng Thánh Phanxicô Assisi đã từng xin Chúa cho phép ngài nghe được âm nhạc của thiên đàng. Chúa nói với thánh Phanxicô là ngài không biết điều mình cầu xin, vì chỉ vinh quang của bài hát thôi, đủ để đưa đến cái chết. Thánh Phanxicô cố khẩn nài: “Con không thể nghe dù chỉ một nốt nhạc sao?” Chúa chấp thuận lời khẩn nài ấy. Chuyện kể rằng vài ngày sau, thánh Phanxicô tỉnh dậy sau cơn hôn mê.[8]
Trái tim con người—dù là thánh thiện—vẫn chưa sẵn sàng đón nhận sự uy nghi của thiên đàng. Nó giống như cố gắng đổ dồn cả đại dương vào một cốc nước. Đức Bênêđictô XVI đã viết:
Con người đã được tạo dựng cho sự cao cả—cho chính Thiên Chúa; con người đã được tạo dựng để được lấp đầy bởi Thiên Chúa. Nhưng tâm hồn con người thì quá nhỏ so với sự cao cả mà nó đã được trù định trước. Nó cần được nới rộng ra. [Thánh Augustinô] đã sử dụng một hình ảnh rất đẹp để mô tả tiến trình mở rộng và chuẩn bị tâm hồn con người. “Giả dụ Thiên Chúa muốn lấp đầy tâm hồn bạn bằng mật ong [một biểu tượng về sự dịu dàng và lòng tốt của Thiên Chúa]; nhưng nếu lòng bạn đầy dấm chua, bạn đổ mật ong vào nơi nào?” Cái bình, vốn là tâm hồn chúng ta, trước tiên phải được nới rộng và sau đó rửa sạch, không còn dấm và mùi vị của nó nữa. Điều đó đòi phải làm việc cật lực và gây đau đớn, nhưng chỉ theo cách ấy thôi mà chúng ta trở nên phù hợp với điều mà chúng ta đã được trù định trước. [9]
Để được Thiên Chúa đổ đầy, trước hết chúng ta phải làm cho mình trống rỗng. Chúng ta phải làm phần việc của mình và để Chúa làm phần việc của Người. Người đã không thất bại khi sẵn sàng bày tỏ chính Người cho chúng ta. Nếu có bất cứ điều gì cản trở, ấy là chúng ta hiếm khi sẵn sàng với Người. Người đã đưa cho chúng ta một đề xuất và chúng ta có thể tự do chấp nhận hoặc từ chối. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn nhìn thấy vinh quang của Người được bày tỏ, trước tiên chúng ta cần phải chấp nhận đề nghị của Người.
Cũng như những người hoài nghi đòi hỏi Chúa bày tỏ vinh quang của Người để chứng tỏ về mình, nền văn hóa hiện đại nói với phụ nữ: “Nếu cơ thể của bạn quá tuyệt vời, hãy cho chúng tôi xem!” Người phụ nữ hiểu giá trị của mình, sẽ từ chối lời mời như vậy và trả lời: “Vì giá trị của mình, tôi che đậy chính mình. Cơ thể của tôi không được trao phó cho tôi để phơi bày nó cho bạn. Nếu tôi thể hiện quá nhiều, tôi sẽ không tiết lộ giá trị thực sự của mình cho bạn. Tôi sẽ làm bạn mất tập trung khỏi những gì quan trọng nhất.”
Có lẽ những cảm nhận này được thể hiện rõ nhất bởi một cô gái tuổi teen đã tiếp cận tôi sau buổi thuyết trình ở Los Angeles. Cô ấy nói, “Tôi không có ý tỏ ra tự mãn, nhưng tôi không muốn kết hôn với một chàng trai trừ khi anh ta xứng đáng với thân xác của tôi.” Với những lời đó, cô ấy không có ý nói cô ấy nghĩ rằng dáng người của mình là hoàn hảo. Cô ấy muốn nói cô ấy hiểu giá trị của việc được tạo dựng giống hình ảnh của Chúa. Cô ấy không có vấn đề gì với ý tưởng bày tỏ bản thân với một người bạn đời xứng đáng. Nhưng cô không thấy ích lợi gì khi phơi bày bản thân để thu hút sự chú ý của các chàng trai, hay chỉ để cảm thấy hài lòng về bản thân. Cô biết rằng sự khiêm tốn là thái độ đúng đắn của một người phụ nữ biết giá trị của sự bí ẩn của mình. Do đó, thật phù hợp khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi phụ nữ là “người làm chủ về mầu nhiệm của chính bản thân”.[10] Người nữ chọn cách thức và người mà họ sẽ bộc lộ chính mình. Đừng bao giờ quên điều này: Kinh Thánh nói Thiên Chúa đổ tràn vinh quang trong những gì Người che giấu. Bạn cũng vậy.
Khi một người phụ nữ quan sát cách Thiên Chúa đã chọn để mặc khải về chính Người, cô ấy học được sự thật về bản thân: Chỉ người phối ngẫu xứng đáng mới có vinh dự để lãnh nhận sự vén mở của một mầu nhiệm.
[7] Theology of the Body, 115:2.
[8] Theology of the Body, 48:1.
[9] Deus Caritas Est, 3.
Leave a Reply