Chúng ta hãy đi tới luận điểm trong Thần học về thân xác của ĐGH Gioan Phaolô II. Đây chính là ngòi bút đã viết lên toàn bộ tầm nhìn của ngài: “Thật vậy, thân xác và chỉ có thân xác, mới có khả năng làm cho điều vô hình – như cái tâm linh và thần linh – thành hữu hình. Thân xác đã được tạo dựng để chuyển giao vào trong cái thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, và như thế nó là dấu chỉ của mầu nhiệm ấy” (TOB 19:4 –trong phiên bản tiếng Anh; Thần học về Thân xác ngày 20 tháng 2 năm 1980 trong phiên bản tiếng Việt).
Hãy bắt đầu “giải mã” lời tuyên bố trên. Bạn hãy nghĩ về cảm nghiệm của chính mình. Thân xác bạn không chỉ là cái vỏ để bạn cư ngụ trong đó. Nó không chỉ là một cái xác hay bất cứ cái xác nào cả. Thân xác của bạn chính là bạn! Nhờ vào sự hiệp nhất đậm sâu giữa hồn và xác, thân xác bạn bày tỏ, làm cho thực tại vô hình – là linh hồn bạn – trở nên hữu hình. Con người bạn không chỉ là một linh hồn nằm trong thân xác. Và thân xác không phải là thứ gì đó bạn sở hữu bên cạnh mình. Thân xác bạn chính là bạn. Đó là lí do tại sao nếu ai đó trong cơn tức giận đấm vỡ hàm bạn, bạn sẽ không kiện người đó tội phá hoại tài sản, nhưng là tội hành hung. Những gì ta làm cho thân xác mình thì cũng là làm cho chính mình, và những gì người khác làm cho thân xác ta thì cũng là làm cho chính ta vậy.
Một lần nữa, thân xác ta làm cho những gì vô hình trở nên hữu hình – đó là cái tâm linh và thần linh. Chính từ khía cạnh này mà ĐGH Gioan Phaolô II đã học hỏi về thân xác con người – không phải như một bộ môn sinh học về cơ quan nội tạng, nhưng là một môn thần học, là “học về Thiên Chúa”.
Thân xác này dĩ nhiên không phải là thần linh. Nhưng trong toàn thể công trình tạo dựng, thân xác lại là dấu chỉ hùng hồn nhất biểu lộ về mầu nhiệm Thiên Chúa. Dấu chỉ là một điều gì đó hướng chúng ta tới một thực tại cao cả hơn chính bản thân nó, và theo một cách nào đó, làm cho những thực tại siêu việt ấy được triển hiện cho chúng ta. Mầu nhiệm về Thiên Chúa sẽ luôn luôn cao vời khôn thấu, không thể nào bị hạ xuống còn là một dấu chỉ. Tuy nhiên, dấu chỉ là yếu tố không thể thiếu để khiến cho mầu nhiệm vô hình ấy nên hữu hình. Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1146 dạy rằng: “Con người có tính xã hội, nên cần dấu chỉ và biểu tượng để giao tiếp… Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế”.
Đau xót thay, chỉ vì tội lỗi, “thân xác đã đánh mất đặc tính của một dấu chỉ” (TOB 40: 4, ngày 17 tháng 9 năm 1980) – không theo tính khách quan, nhưng là chủ quan. Nói cách khác, trong thân xác vẫn còn lưu giữ đặc tính dấu chỉ của tính tâm linh và thần linh, chỉ có điều ta đã ra mù loà, không thể nhìn thấy được nữa. Chúng ta “nhìn mà không thấy” (Mt 13, 13). Và hậu quả là, chúng ta đã hình thành nên xu hướng xem thân xác con người chỉ là một “thứ” vật chất thể lý, hoàn toàn tách biệt với tính tâm linh và thần linh. Và đó là lí do tại sao tựa đề “thần học về thân xác” lại rất lạ lẫm với con người ngày nay, thậm chí là với Kitô hữu. Nhưng nếu ta tin vào mầu nhiệm Nhập Thể, thì ta không nên lấy làm lạ. ĐGH Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Bởi Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người, nên thân xác đi qua cổng chính vào thần học” (TOB 23:4, ngày 2 tháng 4 năm 1980).
Mọi sự trong Kitô giáo đều xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm của Thiên Chúa đã được mặc khải nới xác thịt con người, biến cơ thể con người thành một nghiên cứu về Thiên Chúa, một thần học. “Thần học về thân xác”, do đó, không chỉ là tiêu đề của một loạt bài nói chuyện của Đức thánh cha về tính dục và hôn nhân; thần học về thân xác chính là luận lý của Kitô giáo. Vì “Con Thiên Chúa đã nhận làm của mình những nét nhân dạng của thân thể Người, để khi người tín hữu tôn kính những đặc điểm ấy được họa lại trong tranh ảnh thánh, họ “cung chiêm chính Đấng mà tranh ấy diễn tả”” (GLCG 477).
Leave a Reply