Một người không thể chỉ là phương tiện để người khác sử dụng để đạt được mục đích của họ. Đối xử với người khác như một dụng cụ để đạt được mục đích riêng là xúc phạm đến nhân phẩm của người ấy như một người có quyền tự quyết. (Love & Responsibility, JPII tr. 26-27)
Điều làm cho chúng ta khó mà sống được theo nguyên tắc này là tinh thần của thuyết vị lợi đang làn tràn khắp nơi trong xã hội hiện đại. Theo quan điểm của thuyết này thì việc hay nhất của một người là làm điều gì có lợi nhất cho mình. Và điều lợi nhất là làm cho tôi được sung sướng cùng thoải mái càng nhiều càng tốt bằng một nào cách đỡ khổ cực nhất. Người ta thừa nhận và nhấn mạnh rằng con người được hạnh phúc là nhờ khoái cảm. Cho nên tôi phải luôn theo đuổi những gì đem lại cho tôi sự thoải mái, lợi ích, bổng lộc, và tránh những gì làm tôi đau khổ, bất lợi hay thua thiệt.
Cái nhìn vị lợi này ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với nhau. Nếu mục đích chính của đời tôi là theo đuổi thú vui, thì tôi sẽ cân nhắc những chọn lựa dựa theo tiêu chuẩn là chúng làm cho tôi vui nhiều hay ít. Cho nên nhiều người thời nay, kể cả nhiều Kitô hữu tốt, đánh giá một mối liên hệ dựa theo tiêu chuẩn là người kia ích lợi cho tôi thế nào trong việc đạt được mục đích của tôi, hoặc tôi được “vui thú” bao nhiêu khi gần người ấy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng một khi chúng ta đồng ý với những thái độ vị lợi này, chúng ta bắt đầu coi người khác trong cuộc đời mình như những vật dụng được dùng để làm ta vui thích (trang 37).
Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao ngày nay nhiều liên hệ bạn bè, “bồ bịch”, và ngay cả hôn nhân, quá mỏng dòn và rất dễ đổ vỡ. Nếu tôi đánh giá một người phụ nữ chỉ dựa theo việc nàng có lợi cho tôi hay tôi có tìm được những khoái cảm khi gần nàng hay không, thì liên hệ này không có nền tảng. Khi nào tôi cảm thấy không còn vui thú hay không còn có lợi khi gần nàng, hoặc tôi thấy một người phụ nữ khác có lợi cho tôi hay làm cho tôi thích thú hơn, thì nàng không còn giá trị gì đối với tôi. Quan niệm này quá khác biệt với nguyên tắc nhân vị và còn khác hẳn với sự liên hệ của tình yêu chung thủy.
Bài này được dịch do Phạm Văn Khôi từ Getting It Right: The Foundation of Friendship by Dr. Edward Sri
Leave a Reply