Sự kiện khoảng một nửa số hôn nhân đi đến ly dị thường đươc người ta đề cập đến rất nhiều. Nhưng người ta không mấy khi bàn đến số phận của nửa còn lại, tức là số hôn nhân không bị đổ vỡ. Có phải những cuộc hôn nhân này thật sự hạnh phúc không? Các cặp vợ chồng hiện đang chung sống này có thật cảm thấy sự gần gũi nhau không? Họ có đạt được một tình yêu cá nhân mật thiết thật sự và bền vững không?
Hình ảnh ở phía bên kia của lằn ranh ly dị thực sự cũng chẳng tốt đẹp gì bao nhiêu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các cặp vợ chồng không cảm thấy rằng họ kết hôn với một người bạn tri kỷ. Thật vậy, chỉ có một phần mười các cặp vợ chồng tại Mỹ nói rằng họ cảm nghiệm được một sự mật thiết về tình cảm trong liên hệ hôn nhân của họ.
Một hôn nhân hạnh phúc không phải chỉ là một hôn nhân mà hai người còn chung sống với nhau. Một hôn nhân hạnh phúc là một hôn nhân mà trong đó hai vợ chồng cảm nghiệm được một sự hiệp thông sâu xa với nhau. Chúng ta muốn những cuộc hôn nhân mà trong đó sau khi đã sống với nhau 10, 20, 30 năm, người ta có thể nói, “Bây giờ tôi yêu chồng tôi hay vợ tôi hơn ngày mới thành hôn nhiều.”
Đối với ĐTC Gioan Phaolô II, khi ấy là Cha Karol Wojtyla, thì chìa khóa để mở cửa vào sự hiệp thông cá nhân trong đời sống hôn nhân là tình yêu tự hiến cho nhau đi kèm với ý thức rằng trách nhiệm đối với nhau như là một món quà. Quả thật, đề tài về trách nhiệm này quá quan trọng đến nỗi ngài dùng nó làm tựa đề cho cuốn sách về tình yêu, hôn nhân, cùng liên hệ giữa người nam và người nữ của ngài. Cuốn sách ấy không chỉ được gọi cách đơn thuần là Tình Yêu, mà là Tình Yêu và Trách Nhiệm.
Vậy trách nhiệm này là gì? Nó biến đổi những liên hệ giữa vợ chồng, hôn thê/hôn phu, và “người quan trọng khác” như thế nào? Đó là điều chúng ta sẽ khám phá trong bài suy luận này.
Trách Nhiệm
Chúng ta hãy nghĩ về điều gì xảy ra trong tình yêu của hai người đính hôn. Trong bài trước, chúng ta đã thấy rằng ý nghĩa đầy đủ nhất của tình yêu liên quan đến việc hai người tự hiến cho nhau. Và việc tự hiến cho nhau này không phải là gì khác ngoài việc hoàn toàn trao phó chính mình cho người kia – một sự từ bỏ sở thích, tự do, và ý muốn của mình vì người kia.
Điều đó có nghĩa là trong tình yêu hôn nhân, người yêu của tôi hoàn toàn hiến mình cho tôi. Nàng tự do và vì yêu thương mà hy sinh quyền tự trị của nàng cùng quyết chí vì ích lợi của hôn nhân và gia đình của chúng tôi. Cho nên, bởi vì người yêu của tôi hoàn toàn hiến cuộc đời của nàng cho tôi cách đặc biệt này, tôi cũng phải có một tinh thần trách nhiệm sâu xa đối với nàng – với sự an sinh, hạnh phúc, sự an toàn về tình cảm và sự thánh thiện của nàng. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích,“ Trong tình yêu có một trách nhiệm đặc biệt – trách nhiệm dành cho một người đươc thu hút vào một sự chung thân gần gũi nhất trong đời sống và sinh hoạt của người khác, và theo một nghĩa nào đó, trở thành tài sản của người được ích lợi từ món quà tự hiến này” (tr. 130).
Ở đây, ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra một tiêu chuẩn cho tình yêu, là tiêu chuẩn xem ra trái ngược với trào lưu văn hóa hiên đại: “Càng cảm thấy có trách nhiệm nhiều đối với người mình yêu thì tình yêu càng chân thật” (tr. 131). Chúng ta thấy ngài không nói rằng cảm tình càng mạnh thì tình yêu càng chân thật bấy nhiêu mà nói rằng ý thức trách nhiệm. Thước thật để đo tình yêu không phải là một người cảm thấy thích thú bao nhiêu khi ở gần người yêu hay người ấy nhận được bao nhiêu thú vui từ nàng. Tình yêu chân chính không phải là tình yêu ích kỷ, luôn quy về những cảm giác hay ước muốn của mình như thế. Ngược lại, tình yêu chân chính nhìn ra ngoài với lòng kính nể đến người yêu là người đã trao phó mình cho tôi, và có một ý thức trách nhiệm sâu xa về điều tốt cho nàng, nhất là vì sự kiện là nàng đã hiến trọn cho tôi cách này.
Chấp Nhận Món Quà
Để giúp chúng ta biết nâng cao giá trị của vai trò quan trọng của trách nhiệm trong một mối liên hệ, chúng ta hãy nghĩ đến hai bình diện của tình yêu tự hiến. Một mặt, có sự tự hiến: Người yêu của tôi hiến mình cho tôi và tôi hiến mình cho nàng. Mặt khác, có sự chấp nhận lẫn nhau: Tôi chấp nhận người yêu của tôi như một món quà đã được trao phó cho tôi, và nàng chấp nhận tôi như một món quà. ĐTC Gioan Phaolô II ghi nhận rằng làm sao trong tình yêu hôn nhân có một bí mật vĩ đại trong việc cho đi và nhận lại lẫn nhau. Thực ra, ngài đưa ra một câu nói hấp dẫn về điều này: “Lãnh nhận cũng phải là cho đi, và cho đi cũng phải là lãnh nhận” (tr. 129).
Làm sao mà lãnh nhận lại là cho đi? Nói cách khác, theo nghĩa nào việc lãnh nhận người yêu của tôi lại thật sự là một món quà cho nàng? Ở đây sự hiểu biết từ Thần Học Thân Xác của ĐTC Gioan Phaolô II sẽ trở nên hữu dụng [1]. Khi bình luận về hôn nhân của ông Ađam và bà Evà, ngài đã giải thích rằng khi Thiên Chúa đầu tiên ban bà Evà cho ông Ađam, ông đã hoàn toàn đón nhận bà, và cả hai kết hợp cách mật thiết làm một. “Người đàn ông nói: ‘Đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi’…. Vì thế nên người nam sẽ lìa xa cha mẹ mà kết hợp vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một xương thịt.” (St 2:23-24).
Bởi vì tội lỗi chưa lọt vào thế gian, nên ông Ađam đã không phải vật lộn với tính ích kỷ. Ông yêu vợ không phải vì những gì ông có thể được qua sự liên hệ (một bạn đồng nghiệp trong vườn, một bạn đồng hành, thú vui tình cảm, thú vui xác thịt, v.v…). Trái lại, ông yêu bà vì con ngưởi bà như một con người. Ông chấp nhận vợ ông như một món quà vĩ đại mà ông sẽ giữ gìn và săn sóc. Ông có một ý thức trách nhiệm thật sâu xa đối với bà, và ông luôn tìm những gì tốt nhất cho bà, chứ không phải chỉ tìm tư lợi. Ông đã không làm điều gì làm cho bà đau lòng.
Bí Quyết để có một Liên Hệ Mật Thiết
Hãy đặt bạn vào tình trạng của bà Evà. Hãy tưởng tượng có một người chồng như thế! Hãy tưởng tượng bà cảm nghiệm thế nào khi thấy mình được hoàn toàn chấp nhận cách này. Thật vậy, có được một người chồng vui vẻ chấp nhận bà như một món quà và yêu bà vì bà là một hồng ân lớn cho bà, vì lúc này ao ước hiệp thông cá nhân của bà được thỏa mãn. Việc ông Ađam hoàn toàn chấp nhận bà Evà đem lại cho bà sự an toàn bà cần đến để cảm thấy an tâm đủ mà hoàn toàn trao phó trái tim và ngay cả trọn cuộc đời của bà cho ông mà không sợ bị thất vọng một chút nào, tình yêu chung thủy của ông và sự chấp nhận của ông nuôi dưỡng trong bà một niềm tin tưởng làm cho sự mật thiết về tình cảm có thể xảy ra [2].
Đó là bí quyết để hiệp thông cá nhân trong hôn nhân. Bởi vì bà Evà hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu mà ông Ađam dành cho bà, bà đã không bao giờ cảm thấy sợ bị ông sử dụng, bị ông hiểu lầm, hay bị ông làm cho đau khổ. Cho nên, trong phạm vi này của tình yêu dứt khoát và trách nhiệm, bà cảm thấy tự do để hiến mình bà cách trọn vẹn cho chồng bà – theo tình cảm, tâm linh, thể lý – mà không giữ lại một điều gì.
Trở Lại Vườn Địa Đàng
Đây là loại động lực mà chúng ta muốn cho hôn nhân của chúng ta: một hôn nhân hoàn toàn tin tưởng, là điều làm cho sự mật thiết cá nhân có thể xảy ra. Tuy nhiên, mức độ tin tưởng của người tôi yêu– và việc tỏ lộ lòng nàng cho tôi – chỉ cân xứng với mức độ mà nàng cảm thấy tôi quyết tâm hy sinh cho nàng, hoàn toàn chấp nhận nàng, và cảm thấy có trách nhiệm lớn lao đối với những gì là tốt đẹp nhất cho nàng thế nào.
Điều này không phải là một điều dễ dàng mà đạt được. Không giống như ông Ađam và bà Evà trong Vườn Địa Đàng, chúng ta là những người đã sa ngã. Chúng ta ích kỷ và thường làm nhiều điều khiến cho nhau phải đau lòng đến nỗi làm mất sự tin tưởng cua nhau, và như thế cản trở việc xây dựng một liên hệ mật thiết. Thí dụ như khi một người chồng bận tâm nhiều về những gì cần phải làm ở sở làm hơn là săn sóc cho những nhu cầu của vợ, người ấy làm cho vợ có ấn tượng rằng bà ta không phải là một ưu tiên của ông – rằng ông cho những điều khác quan trọng hơn bà. Điều này, đương nhiên là không có giúp ích gì trong việc xây dựng lòng tin tưởng mà chỉ làm cho bà ấy cảm thấy xa cách chồng hơn. Tương tự, một bà vợ luôn luôn phàn nàn và chỉ trích chồng vì những yếu điểm của ông, vì không làm xong những việc nhà, hay vì không kiếm được việc làm tốt hơn, có thể làm cho chồng cảm thấy mình bị vợ khinh khi hay không được vợ quý chuộng. Những than phiền như thế chỉ đẩy ông ta xa bà về diện tình cảm mà thôi.
Chúng ta phải đối xử thế nào khi chúng ta có kinh nghiệm trực tiếp về những yếu điểm của người mình yêu và cảm thấy đau lòng vì việc nào đó người ấy đã làm? Khi chúng ta bị đau lòng, chúng ta bị cám dỗ cảm thấy thất vọng vì người yêu, và tự nhủ. “Tại sao cô ta luôn làm như thế? Cô ấy chẳng bao giờ thay đổi!” Chúng ta có thể trở thành tự bào chữa (“Đâu phải lỗi của tôi! Tại sao cô ta không hiểu!”). Chúng ta có thể dựng nên một bức tường (“Tôi sẽ không bao giờ nói cho hắn ta biết điều tôi thật sự cảm thấy nữa.. . . Hắn ta có màng gì đâu”). Chúng ta có thể bắt đầu rút lại tình yêu của mình (“Tôi biết rằng nếu tôi đã lấy người khác thì tôi đã không bị đối xử như thế này”).
ĐTC Gioan Phaolô II nhắc cho chúng ta rằng trong những giây phút như thế, việc chấp nhận và trách nhiệm của chúng ta đối với người kia bị thử thách nhiều nhất. Dù vậy, chúng ta phải “yêu người ấy hoàn toàn với tất cả mọi đức tính tốt và khuyết điểm của người ấy, và yêu đến mức hoàn toàn độc lập với các đức tính tốt ấy cùng bất chấp những khuyết điểm ấy” (tr. 135). Ngài không nói rằng chúng ta phải bỏ qua hay không nhìn đến tội lỗi và khuyết điểm của người yêu, nhưng thách đố chúng ta tránh nhìn người yêu qua cặp mắt của một công tố viên. Ngay cả khi chúng ta bị đau lòng, chúng ta phải có một cái nhìn vượt quá những dữ kiện thuần pháp lý (“Cô ấy đã làm điều ấy cho tôi!”) và nhìn đến người ấy, là người vẫn giữ được giá trị cao quý của mình, mặc dù phải vật lộn với những khuyết điểm và tội lỗi của mình. Sau cùng, như chúng ta đã thấy qua những suy nghĩ này, tình yêu chân thật hướng về con người – chứ không phải chỉ nhắm đến điều người ấy làm cho tôi. Cho nên khi người yêu có những giây phút không được tốt đẹp lắm – không làm cho tôi hài lòng và thật ra còn làm cho tôi đau khổ – tôi có còn hoàn toàn yêu và chấp nhận chàng hay nàng không?
Đó là loại câu hỏi đưa đến một cách đo lường thật sự tình yêu của một người, Như ĐTC Gioan Phaolô II tóm lược,
“Sức mạnh của một tình yêu như thế thể hiện một cách rõ ràng nhất khi người yêu vấp ngã, khi sự yếu đuối hoặc ngay cả tội lỗi của người ấy bị lộ ra. Người thật sự yêu khi đó không rút lại tình yêu của mình, nhưng còn yêu nhiều hơn, yêu một cách ý thức hoàn toàn về những khuyết điểm và lỗi lầm của người khác, dù không một chút tán thành những lỗi lầm ấy. Vì là con người, người ấy không bao giờ mất giá trị căn bản của mình. Tình cảm gắn liền với giá trị của một con người vẫn trung thành với con người ấy.” (tr. 135).
Dĩ nhiên là điều này tương tự như cách Chúa yêu chúng ta. Bất chấp bao nhiêu tội lỗi và vấp phạm của chúng ta, Thiên Chúa vẫn một mực trung thành với chúng ta, kiên nhẫn và nhân từ nhìn đến chúng ta trước những lỗi lầm của chúng ta. Ngài chịu đựng chúng ta ngay cả khi chúng ta làm những điều tổn thương đến sự liên hệ giữa chúng ta với Ngài.
Cho nên, nếu chúng ta muốn giống Đức Kitô hơn trong hôn nhân của mình, trước hết và trên hết chúng ta phải phát triển một thái độ yêu thương và chấp nhận sâu đặm hơn đối với vợ/chồng mình như con người của họ, với tất cả các khuyết điểm của họ. Thay vì cố gắng thay đổi họ hay trở thành khó chịu vì những sai lỗi của họ, chúng ta phải vẫn quyết tâm trung thành với họ như những người được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta như một món quà. Thái độ căn bản của chúng ta đối với người yêu của mình giữa những yếu đuối của họ không thể là thái độ bối rối, chữa minh, hay khó chịu, nhưng là chấp nhận cách không nao núng trong lòng mình con người của người vợ hay người chồng của mình, kiên nhẫn chịu đựng những khuyết điểm của người ấy. Khi chúng ta làm được điều này là chúng ta bắt đầu yêu như Thiên Chúa yêu.
Phaolô Phạm Xuân Khôi. Viết phỏng theo bài Love and. . . Responsibility? Eward P. Sri, From the Nov/Dec 2005 Issue of Lay Witness Magazine
[1] Xem John Paul II, The Theology of the Body: Human Love in the Divine Plan (Boston: Pauline Books & Media, 1997), đặc biệt trang 54–72.
[2] Trong khi tôi nói đến việc ông Ađam chấp nhận bà Evà trong bài suy luận ngắn này, chúng ta cũng có thể nói như thế về việc bà Evà hoàn toàn chấp nhận ông Ađam như là một món quà, và thành một món quà cho ông, làm cho niềm tin tưởng và sự liên hệ mật thiết trong tương quan của họ thêm vững mạnh.
Hậu says
Có câu này mình nghĩ do đánh máy lộn nên bị nhầm từ: “Việc ông Ađam hoàn toàn chấp nhận bà Evà đem lại cho bà sự an toàn bà cần đến để cảm thấy an tâm đủ mà hoàn toàn trao phó trái tim và ngay cả trọn cuộc đời của bà cho ông mà không sợ bị thất vọng một chút nào, tình yêu chung thủy của ông và sự chấp nhận của bà nuôi dưỡng trong bà một niềm tin tưởng làm cho sự mật thiết về tình cảm có thể xảy ra [2]”. Tình yêu chung thủy của ông và sự chấp nhận của “ông”, làm ý nghĩa rõ hơn phải ko ạ?! Xin cảm ơn
Trongsach says
Những bài này do Phan Văn Khôi dịch và trongsach.com lượm từ mạng… và tìm được nguồn:
https://www.catholiceducation.org/en/controversy/marriage/love-and-responsibility.html
Adam’s total acceptance of Eve provided her with the security she needed to feel safe enough to entrust her heart, indeed her whole life, fully to him without any fear of being let down. In other words, his committed love and acceptance of her fostered in her the trust that makes emotional intimacy possible.[2]
Bạn đã suy luận đúng. Cám ơn bạn rất nhiều.