Nhân đức không những chỉ là một điều gì mà thế giới hiện đại thiếu, mà còn là điều nhiều người trong thế giới hiện đại chống lại.
Đó là một điểm mà ĐTC Gioan Phaolô II – khi ấy còn là Cha Karol Wojtyla – đã đưa ra khi ngài dạy về đức trong sạch trong cuốn sách Tình Yêu và Trách Nhiệm.
Tại sao nhiều người thời nay chống lại nhân đức? Trước hết, sống một đời nhân đức không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi nhiều cố gắng, thực tập và hy sinh. Chúng ta không ngừng chiến đấu chống lại bản tính sa ngã và ích kỷ của mình. Ở bên này của Vườn Địa Đàng, chúng ta dễ đầu hàng cảm tình và ước muốn của mình hơn là kiểm soát chúng. Thí dụ, chúng ta dễ dàng thoả mãn cơn đói của mình hơn là ăn uống điều độ. Chúng ta dễ dàng nổi nóng khi không vừa lòng hơn là kìm hãm cơn giận. Chúng ta dễ dàng đầu hàng sự nản lòng và than phiền hơn là vui vẻ chịu đựng các thử thách một cách can đảm.
Các nhân đức nhắc nhở cho chúng ta tiêu chuẩn luân lý cao hơn mà chúng ta được mời gọi để theo đuổi. Nhắc nhở này phải khích lệ chúng ta dấn thân nhiều hơn trong việc trau dồi nhân đức và sống giống Đức Kitô hơn, thay vì sống một đời nô lệ cho những đam mê.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều muốn được nhắc nhở điều này. Vì lòng người ta không muốn từ bỏ một số thú vui và tiện nghi nào đó – lòng người ta không muốn làm những việc hy sinh cần thiết để lớn lên trong nhân đức – bất cứ bàn luận nào về nhân đức cũng có thể như tấm kiếng soi cho họ thấy sự lười biếng về luân lý của họ.
Nhân Đức bị Lật Đổ
Đây là lý do tại sao một số người chống lại nhân đức. Thay vì được khuyến khích để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn, người ta phá hủy tiêu chuẩn luân lý và kéo nó xuống thấp cho bằng mức độ của họ. Nói cách khác, họ hạ thấp ý nghĩa của các nhân đức để chính họ khỏi phải cố gắng, và để bào chữa cho những thất bại về luân lý của họ.
Thí dụ, có một vài phụ nữ làm việc trong sở đưa tin thất thiệt và nói hành người khác. Nhưng một trong những bạn đồng nghiệp của họ là Kitô hữu, chị không muốn nói những lời tục tĩu và không tham gia vào việc nói hành của họ. Thay vì được khích lệ bởi gương sáng của, các bạn đồng nghiệp của chị lại chê cười chị. Họ chế nhạo chị là một “bà thánh”, là người “quá tốt so với chúng ta.” Vì không làm như tất cả những người khác, chị trở nên người nhắc nhở họ về cách cư xử vô luân của họ. Chính vì thế mà nhân đức của chị đã không được họ ca tụng mà còn bị họ chống đối.
ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng nhiều người hạ thấp giá trị của các nhân đức để bào chữa cho mình ngõ hầu họ không phải sống theo một tiêu chuẩn cao hơn. Bởi vì họ không muốn cố gắng thay đổi, họ coi thường các nhân đức hoặc ngay cả công khai đả kích chúng để biện minh cho việc thiếu luân lý của họ. “Việc chống đối… không những bóp méo những nét tốt mà còn hạ giá những điều đáng lẽ người ta phải tôn trọng để con người không phải chiến đấu mà nâng chính mình lên đến mức tốt lành thật, nhưng chỉ có thể ‘vui vẻ’ nhìn nhận là tốt những gì thích hợp với họ, những gì thuận tiện và thoải mái đối với họ” (tr. 144).
Chống Lại Đức Trong Sạch
Có lẽ nhân đức bị chống đối nhiều nhất thời nay là đức trong sạch. Người ta không còn coi đức trong sạch là điều gì tốt lành, cao qúy, là điều mà tất cả mọi người đều phải theo đuổi. Ngược lại, đức trong sạch bây giờ thường được coi là điều xấu – điều có hại cho con người.
Có một số người lý luận rằng giữ đức trong sạch có hại cho sức khỏe tâm thần của những người trẻ. Họ nói rằng ao ước tính dục là điều tự nhiên. Cho nên, giới hạn nó bất cứ cách nào là điều phản tự nhiên.
Lại có người nói rằng đức trong sạch là kẻ thù của tình yêu. Nếu hai người yêu nhau, họ không có quyền diễn tả tình yêu của mình qua việc làm tình sao? Đức trong sạch có thể đóng một vai trò trong những lãnh vực khác của đời sống, nhưng khi hai người lớn cùng ưng thuận và đang yêu nhau, giới hạn của đức trong sạch là một trở ngại lớn lao cho việc hai người diễn tả tình yêu của họ qua tính dục.
Còn rất nhiều những lập luận khác chống lại đức trong sạch phản ảnh việc chống lại đức trong sạch trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta chứng kiến sự chống đối đức trong sạch này trong nhiều lớp học ở đại học ngày nay, trong nhiều chương trình “giáo dục về tính dục”, và nhất là trên các phương tiện truyền thông. Khi mà một cuốn phim của Hollywood hay một vở tuồng ăn khách diễn tả những liên hệ lãng mạng, có khi nào đức trong sạch được đề cao như một ý tưởng luân lý không? Đức trong sạch có thường được trình bày như là một điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc, như điều mà các anh hùng cố ý đưa ra làm một ưu tiên trong đời sống họ không?
Tại sao lại có Sự Chống Đối này?
ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng lý do chính làm cho người thời đại nhìn đức trong sạch như là một trở ngại cho tình yêu vì chúng ta chỉ liên kết tình yêu với tình cảm hay với thú vui xác thịt mà chúng ta nhận được từ một người khác phái. Nói cách khác, chúng ta có khuynh hướng chỉ nghĩ đến tình yêu theo diện chủ quan. Nếu chúng ta muốn phục hồi nhân đức trong sạch trong thế giới của mình, “chúng ta phải trước hết loại trừ sự phát triển vĩ đại của tính chủ quan trong quan niệm của mình về tình yêu và hạnh phúc mà tình yêu có thể đem lại cho người nam người nữ” (tr. 144).
Để hiểu điểm này rõ hơn, chúng ta hãy nhớ lại hai bình diện của tình yêu, mà chúng ta đã nói đến trong một bài suy niệm trước đây. Đối với TĐC Gioan Phaolô II, diện chủ quan của tình yêu chỉ đơn thuần là một “kinh nghiệm tâm lý” – là điều gì xảy ra bên trong tôi. Khi hai người nam nữ gặp nhau, họ có thể tự động cảm thấy cả hai đều thu hút nhau về thể lý vì “vẻ đẹp” của nhau (ngài gọi đó là hấp dẫn về cảm giác). Và họ cũng có thể thu hút nhau về tình cảm vì nam tính hay nữ tính của nhau (ngài gọi đó là tình cảm). Những ước muốn về cảm giác và những đáp ứng về tình cảm này không phải là điều xấu. Thật ra, chúng có thể được dùng làm “vật liệu thô” mà từ đó yêu chân chính được phát triển. Tuy nhiên, những đáp ứng này không tiêu biểu cho chính tình yêu. Ở mức độ này, chúng chỉ là những hấp dẫn đối với thân xác hay nam tính hoặc nữ tính của người kia, chứ không phải tình yêu dành cho chính người kia.
Bình diện khách quan của tình yêu còn hơn kinh nghiệm thể lý xảy ra trong tôi nhiều. Nó là “một sự kiện giữa hai nguời.” Nó liê quan đến điều gì thật sự xảy ra trong liên hệ giữa hai người, chứ không phải chỉ những cảm giác thú vị tôi cảm nghiệm được khi tôi ở với người kia. Bình diện khách quan của tình yêu liên quan đến một quyết tâm hỗ tương của ý chí để làm điều gì tốt nhất cho người kia, và nhân đức có thể giúp người kia theo đuổi điều gì tốt nhất cho họ. Hơn nữa tình yêu trọn nghĩa liên quan đến việc hiến thân – một sự từ bỏ ý mình, một quyết định giới hạn sự tự quyết định của bản thân để được tự do hơn mà phục vụ người kia.
Cho nên những thắc mắc chân chính trong tình yêu không phải là những thắc mắc chủ quan: “Tôi có những cảm giác hay những ước muốn mãnh liệt đối với người yêu của tôi không? Nàng hay chàng có những cảm giác hay những ước muốn giác quan mãnh liệt đối với tôi không?” Ai cũng có thể có cảm giác hay ước muốn đối với người khác. Nhưng không phải mọi người đều có nhân đức và quyết tâm để làm cho tình yêu tự hiến xảy ra.
Giá Trị Tính Dục
Bây giờ hãy trở lại vấn đề đức trong sạch. ĐTC Gioan Phaolô II vạch ra rằng diện chủ quan của tình yêu được phát triển nhanh hơn và được cảm thấy cách mãnh liệt hơn diện khách quan. Trên mức độ khách quan, cần rất nhiều thời gian và cố gắng để vun trồng một tình bạn nhân đức. Những liên hệ đặt trọng tâm vào một tình yêu hoàn toàn hiến mình và một tinh thần trách nhiệm sâu xa đối với người kia như là một món quà không tự động xảy ra.
Tuy nhiên, ở bình diện chủ quan, người ta không mất nhiều thì giờ và không cần cố gắng gì hết để cảm nghiệm được ước muốn cảm quan hay mong nhớ tình cảm đối với một người khác phái. Những phản ứng như thế có thể xảy ra ngay lập tức. Hơn nữa, những hưởng ứng về cảm giác và tình cảm này có thể rất mãnh liệt đến nỗi chúng chi phối việc chúng ta nhìn người khác thế nào. Trong bản tính hay sa ngã của mình, chúng ta có thể có khuynh hướng chỉ nhìn vào những người khác phái qua lăng kính của những giá trị phái tính – những giá trị cho chúng ta những thú vui tình cảm hay tính dục. Kết quả là chúng ta làm mù quáng nhận thức về họ như những con người, và chỉ nhìn họ như những dịp để chúng ta vui thỏa (x. tr. 159).
ĐTC Gioan Phaolô II vạch ra rằng những cuộc gặp gỡ của chúng ta với những người khác phái thường bị pha trộn với loại ích kỷ về tình cảm hay cảm giác này. “Chân lý của Tội Tổ Tông giải thích sự dữ rất căn bản và phổ thông này – là một người khi gặp một người khác phái không chỉ đơn thuần cảm thấy “yêu” ngay lập tức, nhưng là một cảm tình bị lẫn lộn với ao ước được hưởng thụ” (tr. 161).
Khuynh Hướng Dùng Người Khác Phái của Chúng Ta
Bạn đã nhận ra điều ấy chưa? ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng khi chúng ta gặp một người nào khác phái (một người lạ, một người bạn, một đồng nghiệp, bạn trai/bạn gái, vợ/chồng hay ngay cả vợ chồng của một người khác), chúng ta không nghĩ rằng một thái độ vô vị lợi của lòng nhân ái Kitô giáo phát sinh lập tức từ tâm hồn mình. Bởi vì chúng ta là loài hay sa ngã, những sự thu hút phức tạp của chúng ta thường bị pha lẫn với một thái độ ích kỷ muốn ở với người kia không phải vì những quan tâm đến ích lợi của người ấy, nhưng vì những đợt khoái cảm hay thú vui cảm giác mà chúng ta có thể nhận được chỉ vì gần người ấy. Nói cách khác, khi một thiếu niên gặp một thiếu nữ, họ không tự động rơi vào một tình yêu chân chính, hy sinh, quyết tâm cho người kia. Thay vào đó, trong khi cảm thấy bị lôi cuốn lại với nhau, họ bị cám dỗ nhìn đến nhau như những đối tượng để thỏa mãn những nhu cầu tình cảm hay những thèm muốn xác thịt của mình.
Một lần nữa, những phản ứng này đối với những giá trị phái tính tự chúng không phải là xấu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cẩn thận, nhiên liệu thô này có thể bị dùng làm lối thoát cho những thú vui tình cảm hay cảm giác của mình. Và bao lâu điều đó xảy ra, thì tình yêu vô vị lợi đối với người khác sẽ không bao giờ phát triển được. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một nhân đức có thể giúp chúng ta phối hợp những lôi cuốn về cảm giác và tình cảm với tình yêu chân chính đối với người khác như một người. ĐTC Gioan Phaolô II tiếp tục, “Bởi vì những rung cảm và hành động phát xuất từ những phản ứng thuộc tính dục, và những tình cảm liên quan đến chúng, có khuynh hướng làm cho tình yêu mất đi sự trong sáng rõ ràng của nó – nên cần có một nhân đức đặc biệt để bảo vệ tính chất thật sự khách quan của nó. Nhân đức đặc biệt này là nhân đức trong sạch” (tr. 146).
Đức Trong Sạch: Nhân Đức Bảo Vệ Tình Yêu
Bây giờ chúng ta có thể thấy tại sao đức trong sạch lại quá cần thiết cho tình yêu như thế. Thay vì là điều cản trở tình yêu của chúng ta, đức trong sạch là điều làm cho có thể phát sinh tình yêu. Nó bảo vệ tình yêu khỏi rơi vào những thái độ ích kỷ, vị lợi và giúp chúng ta yêu cách vô vị lợi – bất chấp những tình cảm mãnh liệt hay những khoái cảm chúng ta có thể nhận được từ người yêu của mình.
Nếu chúng ta thật sự yêu một người khác phái, chúng ta phải nhìn rõ hơn chỉ những giá trị tính dục của người ấy. Chúng ta phải nhìn vào giá trị đầy đủ của người ấy như một con người và đối xử lại với người ấy trong một tình yêu vô vị lợi. ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng đức trong sạch chỉ cho phép chúng ta làm như thế. “Bản chất của đức trong sạch bao gồm sự mau mắn xác nhận giá trị của một người trong mọi hoàn cảnh và việc nâng lên mức độ con người tất cả mọi phản ứng về giá trị của ‘thân xác và tính dục’” (tr. 171).
Tuy nhiên, một người không có đức trong sạch thì ở trong một tình trạng rất đáng buồn: người ấy không được tự do để yêu. Người ấy có thể có một số ý định tốt và một ước muốn chân thành săn sóc cho người yêu của mình, nhưng vì không có đức trong sạch, tình yêu của người ấy không bao giờ thăng hoa, bởi nó không tinh tuyền. Tình yêu này sẽ bị pha trộn với một khuynh hướng nhìn người yêu của mình chỉ theo những giá trị tính dục của nàng, là những gì làm cho lòng anh vui thích về tình cảm hay làm cho những thèm muốn xác thịt dậy lên trong thân xác anh. ĐTC Gioan Phaolô II giải thích rằng “một người không có đức trong sạch không thể yêu người yêu của mình một cách vô vị lợi vì nàng là một con người, bởi vì lòng anh ta chỉ bận tâm đến những thú vui tình cảm và giác cảm mà anh ta nhận được từ nàng” (tr. 164).
Nhưng đức trong sạch làm cho người ta thấy rõ không những chỉ các giá trị tính dục của người yêu mà còn hơn nữa, giá trị của nàng như một con người. Được giải thoát khỏi những thái độ vị lợi, một người trong sạch được tự do để yêu. “Chỉ những người thanh niên và phụ nữ trong sạch mới có khả năng yêu thật. Bởi vì đức trong sạch giải thoát sự liên hệ của họ, kể cả việc chăn gối vợ chồng, khỏi khuynh hướng dùng người khác. . . và nhờ vậy, việc giải thoát khỏi khuynh hướng này đưa vào đời sống chung của họ và quan hệ chăn gối của họ một thái độ đặc biệt đối với ‘việc yêu thương nhân ái’” (tr. 171).
Phaolô Phạm Xuân Khôi. Viết theo Resenting Chastity của Eward P. Sri.
Leave a Reply