Cầm tay nhau, ôm ấp nhau hay tặng cho nhau nụ hôn – tất cả có thể là những cách diễn tả tình yêu đơn sơ vô tội. Nhưng nếu thiếu cảnh giác và nhân đức, những sự diễn tả bên ngoài này có thể dễ dàng trở nên một hình thức vị kỷ mà cuối cùng sẽ đẩy hai người xa nhau và cản trở không cho tình yêu phát triển cách hoàn toàn.
ĐTC Gioan Phaolô II – khi ấy còn là Cha Karol Wojtyla đã giải thích điểm này khi ngài trình bày đề tài “Âu yếm” trong cuốn sách Tình Yêu và Trách Nhiệm.
ĐTC Gioan Phaolô II giải thích rằng bản chất của việc âu yếm được tìm thấy “trong khuynh hướng biến cảm tình và tâm trạng của người khác thành của riêng mình.” (tr. 201). Đây là kinh nghiệm chung trong những liên hệ tình cảm, như người nam và người nữ cảm thấy liên hệ cách gần gũi với đời sống nội tâm của người yêu, bằng cách đi vào những cảm tình và tâm trạng của người khác.
Việc ân cần săn sóc cũng có những cách diễn tả bên ngoài. Ý thức về điều gì xảy ra trong lòng người khác chưa đủ. Một người cũng có khuynh hướng tìm cách truyền cảm giác gần gũi này cho người yêu. “Tôi cảm thấy sự cần thiết để ‘cái tôi’ khác biết rằng tôi đang để tâm đến những cảm tình và tâm trạng của người ấy, để làm cho người khác này cảm thấy rằng tôi đang chia sẻ với người ấy tất cả mọi sự, rằng tôi đang đồng cảm với người ấy” (tr. 201-202). Như thế chúng ta diễn tả sự ân cần săn sóc này qua những hành động bên ngoài như ôm người ấy vào lòng, vòng tay choàng qua người ấy, hôn người ấy.
Săn Sóc Quá Sớm
Việc ân cần săn sóc có thể là vô vị lợi và vô tội khi nó dựa trên sự chăm lo cho người khác và những gì mà người ấy trải qua trong lòng. Tuy nhiên, ĐTC Gioan Phaolô II cảnh giác rằng những cử chỉ bên ngoài như ôm nhau hay hôn hít có thể làm mất tính vị tha của chúng và mau rơi vào tinh trạng vị kỷ một khi chúng được dùng với mục đích chính làm phương tiện để cho mình được vui thú. Một khi “nhu cầu thỏa mãn những cảm giác của mình” bắt đầu che khuất những ưu tư thuần túy vô vị lợi đối với người khác, những cách diễn tả ân cần đã đi sang phía ích kỷ và sẽ cản trở không cho tình yêu được hoàn toàn phát triển (tr. 203).
Việc bước qua lằn ranh sang phía ích kỷ là điều chúng ta dễ vấp phạm vì hai lý do. Trước hết như ĐTC Gioan Phaolô II nhắc cho chúng ta rằng tình yêu giữa một người nam và một người nữ được thúc đẩy phần lớn vì tính mê thú vui nhục dục và tính đa cảm, là hai điều không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn, đồng thời chúng đòi hỏi một số lượng vui thú mỗi ngày một nhiều hơn. Cho nên, vì bản tính hay sa ngã của con người, chúng ta có thể dùng những cách diễn tả về ân cần săn sóc bề ngoài để tìm những thú vui nhục dục và tình cảm hơn là một ước muốn đi vào cuộc sống nội tâm của người kia cách vô vị lợi. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Nhiều hình thức ân cần săn sóc có thể dễ dàng bị lạc hướng từ tình yêu đối với con người đi trật sang hướng ích kỷ nhục dục hay tình cảm, với bất cứ tốc độ nào” (tr. 205).
Thứ đến, những bình diện chủ quan của tình yêu (sự vui thú về xúc cảm hay giác cảm mạnh mẽ mà chúng ta cảm nghiệm được) phát triển nhanh hơn những bình diện khách quan (nhân đức, tình bạn, hy sinh, trách nhiệm). Vì cảm xúc về tình yêu thường được người ta cảm nghiệm như “một vụ nổ bất ngờ và mãnh liệt,” nhiều người bị cám dỗ cho đi hay nhận lại những cử chỉ âu yếm trước khi những bình diện khách quan của tình yêu có dịp phát triển (tr. 205). Và, như chúng ta đã thấy trong những bài trước, những bình diện khách quan rất quan trọng để đảm bảo rằng sự liên hệ vẫn ở mức độ tình yêu tự hiến mà không rơi vào tình trạng vị kỷ. Đó là lý do tại sao những hành động âu yếm quá sớm rất có hại cho tình yêu, bởi vì chúng chỉ tạo nên “ảo tưởng về tình yêu, một tình yêu không có thật” (tr. 205).
Thật ra, khi chúng ta cho đi hay nhận lại một cái ôm, một nụ hôn hay những cử chỉ âu yếm quá sớm – trước khi những yếu tố khách quan của tình yêu được trưởng thành – chúng ta thật sự đặt ra những trở ngại cho tình yêu. ĐTC Gioan Phaolô II giải thích: “Chắc chắn rằng có xuất hiện một khuynh hướng … tìm thú vui (hành động âu yếm) quá sớm khi cả hai chỉ mới ở giai đoạn kích thích cảm xúc, và cùng với nó nhục dục, trong khi vẫn còn thiếu bình diện khách quan của tình yêu, và sự kết hợp của hai người. Những sự âu yếm quá sớm trong tương quan giữa người nam và người nữ như thế thường phá hủy tình yêu, hay ít ra cản trở sự phát triển hoàn toàn của nó, sự chín mùi cả về nội tâm lẫn khách quan để trở thành một tình yêu chân chính” (tr. 105-106).
Đi Quá Xa?
Kinh nghiệm của nhiều người trẻ xác nhận điều này. Ở những bước đầu của một liên hệ, một người nam và nữ có thể bắt đầu phát triển một tình bạn tốt đẹp. Họ có thể bỏ rất nhiều thì giờ đi dạo với nhau, đi uống cà phê, tham gia những nhóm sinh hoạt xã hội – luôn có những cuộc đối thoại tốt với nhau, biết nhau nhiều hơn. Nhưng một khi sự liên hệ trở thành thể lý, những hình thức thân mật về thể lý ấy càng ngày càng trở nên quan trọng trong mối liên hệ, trong khi sự cảm thông chân chính, như cùng nhau giải quyết những khó khăn, việc tăng trưởng nhân đức từ từ bị đặt vào hàng thứ yếu.
Và điều này không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nếu chúng ta cảm nghiệm những cảm xúc mãnh liệt liên quan đến thú vui nhục dục này quá sớm, chúng ta sẽ không mấy quan tâm đến việc vun trồng những bình diện khách quan của tình yêu (nhân đức, tình bạn, quyết tâm, tự hiến), bởi vì những bình diện này đòi hỏi nhiều thì giờ, cố gắng và hy sinh để phát triển. Tại sao đi qua tất cả những cố gắng ấy trong khi người ta có thể đạt được thú vui xác thịt của tình yêu một cách quá dễ dàng và tức thời? Trên thực tế, cho đi và nhận lại những sự âu yếm, nếu tách rời khỏi bình diện khách quan của tình yêu, chỉ tạo nên một ảo ảnh của tình yêu, và nó thường che khuất thái độ thật sự làm động lực cho mối liên hệ: đó là một sự ích kỷ, là điều hoàn toàn trái ngược với tình yêu.
Đó là lý do tại sao chúng ta phải rất cẩn thận trong việc cho đi và nhận lại những cử chỉ âu yếm. ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng những cách diễn tả âu yếm phải luôn luôn được đi kèm với một ý thức trách nhiệm lớn hơn nhiều đối với người kia. “Không thể có sự âu yếm thật sự nếu không có một thói quen hoàn toàn tiết dục, là thói quen bắt nguồn từ một ý chí luôn sẵn sàng tỏ ra sự tử tế yêu thương, và cũng thắng được cám dỗ chỉ để hưởng lạc…. Nếu không có một sự tiết dục như thế, năng lượng tự nhiên của tính xác thịt, và năng lượng của cảm xúc sẽ bị kéo vào quỹ đạo của chúng, và sẽ trở thành ‘nguyên liệu thô’ thuần túy cho giác cảm hay tốt nhất là sự ích kỷ về cảm xúc” (tr. 207).
Rung Động của Hôn Nhân
Sau khi bàn đến những nguy hiểm của việc âu yếm quá sớm, là điều áp dụng đặc biệt cho những liên hệ hẹn hò và thời gian tìm hiểu. ĐTC Gioan Phaolô II tiếp tục bàn về vai trò quan trọng của việc âu yếm trong hôn nhân. Ở đây ngài không những chỉ diễn tả những sự biểu lộ bề ngoài của âu yếm, nhưng căn bản hơn, chính việc âu yếm. Trong hôn nhân, việc âu yếm phải liên quan đến “việc tham gia của tình cảm một cách đều đặn, của một quyết tâm yêu thương bền bỉ, bởi vì chính những điều ấy đưa người nam và người nữ lại gần nhau, tạo nên một bầu khí nội tâm của ‘việc thích chuyện trò’” (tr. 206). Rồi ngài nói rằng “một số lớn” loại âu yếm này cần thiết trong hôn nhân.
Trong phạm vi này, ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra một định nghĩa thứ nhì, đầy đủ hơn về việc âu yếm, dựa theo việc làm thế nào để áp dụng nó vào liên hệ vợ chồng: “Sự ân cần săn sóc (âu yếm) là khả năng cảm nhận được với và cho đi toàn thể con người, cảm thấy được cả những rung động thầm kín về tinh thần, và luôn luôn nghĩ đến những điều tốt thật sự của người ấy” (tr. 207). Thật là một định nghĩa tuyệt vời! Để cảm thấy được “những rung động thầm kín nhất về tinh thần”. Bạn có cảm thấy điều gì đang xảy ra ở thâm cung của linh hồn người bạn trăm năm của bạn không? Những ước vọng, những sợ hãi, những gánh nặng, và những vết thương của nàng không? ĐTC Gioan Phaolô II thách đố các cặp vợ chồng có tâm hồn thật sự kết hợp, thật sự có thể đi vào đời sống nội tâm của nhau. Ngài viết, “Sự âu yếm tạo ra một cảm giác không bị cô đơn, một cảm giác rằng toàn thể cuộc đời nàng hay chàng cũng là nội dung đời sống người kia, đời sống của một người rất thân yêu. Xác tín này làm cho dễ dàng và củng cố ý thức hợp nhất rất nhiều” (tr. 207).
Phụ Nữ và Sự Âu Yếm Săn Sóc
ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng phụ nữ không những mong muốn loại âu yếm này từ người chồng, nhưng họ còn thật sự có đặc quyền được âu yếm trong hôn nhân. Ngài đưa ra ba lý do tại sao người chồng phải đi sâu vào đời sống tình cảm của vợ.
Trước hết, ở mức độ căn bản nhất, đời sống tình cảm của người phụ nữ thường sâu hơn của đàn ông. Cho nên, người phụ nữ có một nhu cầu lớn hơn về âu yếm, đến nỗi đàn ông khó mà hiểu được bởi vì họ không cần nhiều như thế.
Thứ đến, người nữ hiến mình cho người nam. Khi một phụ nữ kết hôn, thường thì nàng bỏ nhà mình cùng cha mẹ mình để kết hợp với chồng. Bởi vì phụ nữ thường có một đời sống tình cảm phong phú hơn, họ có thể cảm thấy việc từ bỏ gia đình này nghiêm trọng hơn đàn ông, đặc biệt là khi họ từ một gia đình rất gần gũi và một liên hệ chặt chẽ với cha mẹ. Trong khi hầu hết người nam mong rời xa gia đình và bắt đầu cuộc mạo hiểm mới của đời sống hôn nhân, một số phụ nữ, trong khi cảm nghiệm tình trạng hứng thú này, cũng cảm thấy mất mát khi rời xa những người mà họ đã đầu tư tình cảm nhiều nhất suốt cả đời họ để kết hợp với chồng. Cho nên, người phụ nữ cần người chồng đi vào những cảm xúc và tâm trạng của nàng nhiều hơn khi nàng trải qua tình trạng chuyển tiếp này và từ bỏ mình trong hôn nhân.
Thứ ba, người phụ nữ trải qua những kinh nghiệm rất quan trọng và khó khăn trong đời sống (thí dụ như mang thai, sinh con, nuôi con, chăm sóc trẻ sơ sinh, nghỉ sở làm, ở nhà). Một số phụ nữ cảm thấy rất côn đơn giữa những kinh nghiệm mới này. Cho nên họ có một nhu cầu đặc biệt về sự ân cần săn sóc từ người chồng khi họ trải qua những chuyển tiếp này.
Thách Đố đối với Đàn Ông
ĐTC Gioan Phaolô II thách đố các người nam làm nhiều hơn nữa để cung ứng cho vợ về tài chánh và chăm sóc mọi sự quanh nhà. Ngài thách thức các người chồng đi sâu vào “đời sống tình cảm” của vợ “để cảm thấy cùng và cho toàn thể con người”. Những người đàn ông quá bận rộn với việc làm, thể thao, tin tức mỗi tối, hay những dự án ở nhà trong khi xa cách vợ mình về tình cảm đã thất bại trong việc cung cấp cho vợ loại săn sóc âu yếm mà ĐTC Gioan Phaolô II diễn tả – loại âu yếm mà người phụ nữ có đặc quyền trong hôn nhân.
Thách đố này của người đàn ông rất quan trọng khi người vợ trở thành người mẹ, có thể đó là lúc người phụ nữ cần sự âu yếm săn sóc của người chồng nhiều nhất. Nền văn hóa của chúng ta không công nhận phẩm giá và giá trị của việc làm mẹ cách đầy đủ. Những người làm ở sở luôn được ca ngợi, kính trọng, và công nhận vì những thành quả nghề nghiệp của họ, nhưng những bà mẹ chọn ở nhà và hy sinh đời mình để nuôi nấng dạy dỗ con cái thường hiếm được thế giới công nhận như thế. Thực ra, nhiều khi họ còn bị khinh khi.
Lấy đời tôi làm ví dụ: Người ta thường cám ơn tôi vì những quyển sách, những bài báo và những gì tôi dạy. Nhưng ít người trên đời này đi xa hơn nữa cám ơn vợ tôi vì đã hiến đời nàng cho các con tôi, dù là về vấn đề tâm linh như dạy chúng về Chúa Giêsu và đào luyện chúng về nhân đức, hay vì những việc có tính cách trần thế hơn như thay tã, đổ nước vào bình, đọc sách “Con Sâu Rất Đói” năm lần một ngày. Làm việc tông đồ Công Giáo bằng cách viết và dạy học có thể là một điều tốt, nhưng chả là gì so với việc vợ tôi làm ở nhà với các con tôi.
Tuy nhiên, nền văn hóa của chúng ta lúc nào cũng xác nhận những hiệu năng và thành quả người ta đạt được ở ngoài gia đình, nhưng thương hại một người phụ nữ chọn lựa ở nhà nuôi con. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều bà mẹ cảm thấy rất cô đơn và bắt đầu nghi ngờ tình trạng của mình trong đời khi họ chuyển tiếp từ việc đi làm sang việc làm mẹ. Vì thế, nhất là trong một nền văn hóa như của chúng ta, người đàn ông, hơn bao giờ hết, cần phải hết sức nâng đỡ vợ mình và đi vào “những rung động tinh thần” mà các bà gặp phải qua những biến cố quan trọng của đời các bà.
Phaolô Phạm Xuân Khôi. Viết theo Men, Women, and Tenderness của Eward P. Sri, từ May/June 2006 Issue of Lay Witness Magazine
Leave a Reply