Một thanh niên đang ngồi ăn trưa ở nhà hàng để ý đến một phụ nữ duyên dáng đang ngồi ở một bàn khác và lập tức bị sắc đẹp của cô ấy thu hút. Lòng anh rạo rực, và anh ao ước được thấy cô ấy lần nữa.
Thật ra anh đã thấy cô nhiều lần vì hai người làm cùng hãng. Anh đã để ý đến cô vì tính tình niềm nở, nụ cười vui tươi và cách đối xử tử tế của cô với mọi người. Anh bị thu hút bởi cá tính của cô cũng như bởi vẻ đẹp của cô.
Những thu hút như trên xảy ra thường xuyên giữa người nam và người nữ. Đôi khi họ cảm nhận được rất nhanh: Một người đứng xắp hàng chờ lên xe tự nhiên bị thu hút bởi một người phụ nữ chỉ đi lướt qua. Một phụ nữ chợt thấy một người đàn ông đang cầu nguyện trong nhà thờ mà sau đó cứ nghĩ đến người ấy hoài. Đôi khi người ta phải mất một thời gian dài mới cảm nhận được những thu hút thâm sâu thầm kín: Hai người nam nữ cùng làm việc và đối xử với nhau nhiều năm như bạn bè, từ từ hai người cùng cảm thấy hấp dẫn lẫn nhau cả về tình cảm lẫn thể lý.
Trong cuốn “Tình Yêu và Trách Nhiệm”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã mổ xẻ sự thu hút này. Điều gì thật sự xảy ra cho hai người nam nữ khi họ thấy bị thu hút bởi nhau?
Mổ Xẻ Một Thu Hút
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách giải thích một số từ ngữ mà Đức Thánh Cha dùng. Ở mức độ căn bản, thu hút ai có nghĩa là được người đó cho là tốt (tr. 74). Trong khi đó, bị ai thu hút có nghĩa là tôi thấy người ấy có một giá trị nào đó (như sắc đẹp, nhân đức, cá tính,…), và tôi đáp lại giá trị ấy. Sự thu hút này liên quan đến giác quan, lý trí, tình cảm và ước muốn của chúng ta.
Lý do mà người nam và người nữ dễ dàng thu hút nhau là bởi vì thôi thúc tính dục. Xin nhắc lại thôi thúc tính dục là khuynh hướng tìm người khác phái như đã trình bày ở Bài 1. Với thôi thúc tính dục, chúng ta đặc biệt hướng về những đặc tính tâm sinh lý của thân xác và nam tính hay nữ tính của một người khác phái. Đức Thánh Cha gọi những đặc tính tâm sinh lý này là “những giá trị phái tính” của một người.
Cho nên một người có thể bị một người khác phái nào đó thu hút cách dễ dàng bằng hai cách: thể lý và tâm lý. Trước hết, người đàn ông bị thân hình của một người phụ nữ thu hút, và người phụ nữ bị thân hình người đàn ông thu hút. Đức Thánh Cha gọi sự thu hút này là “quyến rũ nhục lạc”.
Thứ hai, một người đàn ông bị thu hút vì nữ tính của một người phụ nữ, và một người phụ nữ bị thu hút bởi nam tính của người đàn ông. Đức Thánh Cha gọi sự thu hút về tình cảm này là “quyến rũ tình cảm”.
Cảm Giác và Nhục Lạc
Như chúng ta đã thấy, quyến rũ nhục lạc liên quan đến giá trị phái tính dính liền với thân xác của một người khác phái. Một quyến rũ như thế tự nó không phải là xấu bởi vì thôi thúc phái tính là phương tiện để lôi kéo chúng ta không những về phía thân xác, nhưng về phía thân xác của một người. Cho nên, một phản ứng nhục lạc ban đầu có mục đích đưa đến một sự hiệp thông giữa con người với nhau, chứ không phải chỉ giữa thân xác, và có thể được dùng làm chất liệu cho một tình yêu chân chính nếu nó được xát nhập chung với những chiều kích khác cao cả và cao thượng hơn của tình yêu như ý ngay lành, tình bạn, nhân đức, quyết tâm hy sinh (tr. 108).
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng quyến rũ nhục lạc, nếu để tự nó, có thể đưa đến những nguy hiểm lớn lao. Trước hết, “nhục lạc tự nó không phải tình yêu mà còn dễ trở thành đối nghịch với tình yêu” (tr. 108). Lý do mà nhục lạc có thể trở thành nguy hiểm vì nó dễ dàng rơi vào chủ nghĩa vị kỷ. Khi mà chỉ có nhục dục của chúng ta bị khuấy động, chúng ta có thể coi thân xác của người khác như “một dụng cụ có thể dùng để hưởng lạc”. Chúng ta hạ giá con người xuống theo những đặc tính thể lý của họ, là vẻ đẹp và thân xác. Và chúng ta chỉ nhìn đến người ấy theo những lạc thú mà chúng ta nhận được từ những đặc tính này.
Điều bi thảm nhất ở đây là ao ước nhục dục, đáng lẽ có mục đích quy hướng chúng ta về việc hiệp thông với một người khác phái, thì lại có thể cản trở việc chúng ta yêu thương người ấy. Thí dụ, một người đàn ông có thể suy nghĩ về thân xác của một người phụ nữ, hay đang tìm cách dùng thân xác người ấy làm phương tiện để thỏa mãn nhục dục. Anh ta có thể làm như vậy mà không thực sự lưu tâm đến cô ấy như một con người. Anh ta có thể chú ý đến những giá trị phái tính của cô và những lạc thú mà anh được hưởng từ những giá trị ấy, đến độ sự quyến rũ nhục lạc hướng về thân xác của cô thực sự cản trở việc anh đáp lại giá trị của cô như một người. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha nói rằng nhục lạc, để tự nó, sẽ làm mù mắt con người. “Nhục lạc tự nó có ‘khuynh hướng tiêu thụ’, nó hướng cách trực tiếp và lập tức về một ‘thân xác’: nó chỉ gián tiếp chạm đến con người, và có khuynh hướng tránh tiếp xúc trực tiếp” (tr. 105).
Thích Chô-cô-la?
Thứ nhì, Đức Thánh Cha nói nếu để tự nó, nhục lạc không những chỉ không nhắm đến con người, mà còn không thể hiểu được vẻ đẹp thật sự của thân thể.
Ngài nói rằng chúng ta có thể cảm nghiệm được cái đẹp thế nào qua chiêm niệm, chứ không phải qua thèm muốn lạm dụng người khác đang sôi xục trong lòng chúng ta. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên, cảnh hoàng hôn, một bản nhạc hoặc một công trình nghệ thuật, người ta say mê vì cái đẹp. Chiêm ngắm cái đẹp đem lại bình an và vui mừng. Điều này khác hẳn với “thái độ tiêu thụ” là lạm dụng một đồ vật để hưởng lạc, một thái độ đem lại bất an, thiếu kiên nhẫn, và một ước ao được thỏa mãn mãnh liệt.
Để làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin đưa ra một thí dụ điển hình như sau. Có một lần tôi được xem những tác phẩm làm bằng chôcôla của một nghệ sĩ. Nghệ sĩ này trưng bày hàng tá những tượng hình tàu thủy, hoa quả, chim trời, các biệt thự và các tháp. Điểm đặc biệt của những tượng này là tất cả làm bằng chôcôla màu nâu, đen và trắng. Trước những tác phẩm này tôi có thể có hai thái độ.
Một là tôi ngắm nghía các tượng này như những tác phẩm nghệ thuật, để chiêm ngưỡng những đường nét điêu luyện, những hình dáng tuyệt vời, những chi tiết tỷ mỉ mà người nghệ sĩ đã dùng đường và chôcôla mà làm ra, và trầm trồ khen ngợi kỳ công của người nghệ sĩ.
Hai là tôi có thể hoàn toàn bỏ qua diện nghệ thuật của các tượng này, và chỉ coi chúng như những bánh kẹo ngon miệng để làm thỏa mãn sự thèm khát của tôi. Khi chọn thái độ này, tôi đã coi thường tất cả các kỳ công của người nghệ sĩ, và hạ giá các tượng này từ những tác phẩm nghệ thuật xuống thành những bánh kẹo, hay những đồ vật, mà tôi có thể dùng để thỏa mãn tính tham ăn và khẩu vị của tôi mà thôi.
Cũng thế, nhục dục, nếu để tự nó, nó sẽ không có khả năng coi thân xác con người như một công trình mỹ thuật của Thiên Chúa, vì nó hạ giá thân xác xuống thành dụng cụ được dùng để thỏa mãn nhục dục. “Cho nên nhục lạc thực sự cản trở việc thưởng thức các vẻ đẹp, ngay cả vẻ đẹp của thân xác và cảm giác, bởi vì nó đề ra một thái độ tiêu thụ đối với đối tượng: ‘thân xác’ được coi là một vật dụng có thể lạm dụng được” (Tr. 106-107).
Michelangelo hay Playboy
Điều này cũng giúp chúng ta giải thích sự khác biệt giữa những hình ảnh khiêu dâm và những tác phẩm nghệ thuật cổ điển tốt đẹp trình bày thân hình không che đậy của một người. Cả báo Playboy và một số tác phẩm nghệ thuật ở Viện Bảo Tàng Vatican đều trình bày những chỗ kín của thân thể con người. Thực sự, có một số người trong kỹ nghệ khiêu dâm đã lý luận rằng các hình ảnh của họ chỉ là một hình thức nghệ thuật khác, trình bày vẻ đẹp của thân xác. Một số người bênh vực các phim ảnh khiêu dâm đã chất vấn rằng tại sao Hội Thánh lên án các hình ảnh khiêu dâm mà lại để cho những hình vẽ khỏa thân được trưng bày ở chính viện bảo tàng của mình!
Các hình ảnh khiêu dâm của báo Playboy chẳng hạn, không làm cho người ta chú ý đến vẻ đẹp của thân thể, mà chỉ lôi kéo sự chú ý của người ta đến những sự vật được dùng để thỏa mãn nhục dục của mình. Kết quả là chỉ đánh giá con người theo giá trị tính dục của thân xác. Ngược lại các tác phẩm nghệ thuật trình bày vẻ đẹp của thân xác mà không hạ giá con người, nhưng làm cho con người nên cao quý hơn, bằng cách dẫn chúng ta đến việc suy niệm về mầu nhiệm của con người như một kỳ công của việc tạo dựng của Thiên Chúa.
Các hình ảnh nghệ thuật tốt đưa chúng ta đến việc bình thản chiêm niệm về chân, thiện, mỹ, kể cả cái chân, cái thiện và cái mỹ của thân thể con người. Còn hình ảnh khiêu dâm không đưa chúng ta đến chiêm niệm như thế, mà lại khuấy động trong lòng chúng ta những thèm muốn cảm giác nơi thân xác người khác như một vật dụng được dùng để thỏa mãn lạc thú của mình. Nói cách khác, có bao nhiêu người chiêm ngắm bức hình ông Ađam và bà Evà của Michelangelô trong Nhà Nguyện Sistine mà sa ngã phạm tội, và có bao nhiêu người xem những hình ảnh khiêu dâm trong báo Playboy mà không phạm tội dâm dục trong tư tưởng?
Làm Nô Lệ cho Nhục Dục
Lý do thứ ba mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quan tâm đến là nếu không kiềm chế được nhục lạc thì chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho tất cả những gì kích thích ước ao thỏa mãn nhục dục của chúng ta. Thí dụ, một người buông xuôi theo nhục dục cảm thấy ý chí của mình trở thành quá yếu đuối, nên chiều theo bất cứ một giá trị tình dục nào mà anh ta thấy cấp thời nhất. Khi gặp một phụ nữ ăn mặc cách nào đó, anh không thể tránh nhìn cô ta với những tư tưởng dâm dục. Khi anh thấy hình ảnh phụ nữ trên truyền hình, trên Internet, hay trên những bảng quảng cáo dọc theo xa lộ, anh ta không thể nào tránh nhìn đến chúng mà không đồng thời thèm muốn giá trị tính dục của những người phụ nữ trên ấy, cùng muốn thưởng thức lạc thú mà anh có thể tìm thấy trong những cái nhìn của mình.
Đặc biệt là trong một nền văn hóa đặt nặng về tính dục như nền văn hóa của chúng ta, chúng ta bị tràn ngập hằng ngày bởi những hình ảnh khai thác nhục dục, làm cho chúng ta chú ý đến thân xác của những người khác phái. Dĩ nhiên là chúng ta dễ trở thành nô lệ, nhảy từ giá trị tính dục này đến giá trị tính dục khác mỗi khi chúng xuất hiện trước giác quan của chúng ta. Như Đức Thánh Cha Gioan Phalô II đã nêu lên, nhục lạc tự nó “có tính cách thay đổi, xoay qua bất cứ hướng nào mà nó có thể tìm thấy giá trị tính dục, bất cứ lúc nào mà ‘một đối tượng để hưởng lạc’ xuất hiện” (tr. 108).
Tôi Có Thể Nhìn, Nhưng Tôi Không Thể Sờ Mó”
Hơn nữa, ở một trong những điểm sâu sắc nhất của phần này, Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng một người có thể lạm dụng thân xác người khác ngay cả khi người kia vắng mặt. Thí dụ, một người đàn ông không cần phải thấy, nghe, hay sờ mó một người phụ nữ, mà vẫn có thể khai thác thân xác cô ta để tìm khoái cảm. Qua trí nhớ và trí tưởng tượng, anh ta “có thể tiếp xúc ngay cả với ‘thân xác’ của một người vắng mặt, bằng cách thưởng thức giá trị của thân xác ấy nếu nó trở thành ‘một đối tượng có thể dùng được để hưởng lạc’” (tr. 108-109).
Chúng ta sống trong một nền văn hoá mà trong ấy nhiều người đàn ông tự nhủ, “Có những tư tưởng dâm dật về một người phụ nữ thì sai lỗi ở chỗ nào? Tôi không làm hại ai khi tôi làm thế!” Ngay cả một số người có gia đình cũng nghĩ: “Tôi không ngoại tình khi tôi nhìn người phụ nữ khác cách này. Tôi vẫn trung thành với vợ tôi. Tôi có thể nhìn, miễn là tôi không sờ mó thì thôi”. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ lời cảnh cáo của Đức Kitô về vấn đề này: “Bất cứ ai nhìn một người phụ nữ cách dâm dật là đã phạm tội ngoại tình với nàng trong lòng rồi” (Mt 5:28).
Đức Thánh Cha Gioan Phalô II đã giải thích cho chúng ta việc gì thật sự xảy ra khi một người đàn ông nhìn một người phụ nữ cách dâm dật, và tại sao chiều theo những tư tưởng nhơ bẩn và những mơ ước tính dục luôn luôn sai về mặt luân lý, cùng hạ giá người phụ nữ. Trong tâm trí của một người dâm dật, người phụ nữ bị hạ xuống bằng giá trị tính dục của thân xác người ấy. Anh ta đối xử với cô không phải như một người, mà như một thân xác để khai thác mà làm cho anh ta vui thú trong cái nhìn và trong tư tưởng của anh. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi người phụ nữ không có mặt, vì anh ta vẫn còn có thể tiếp xúc với thân xác của cô ấy để thỏa mãn nhục dục của mình trong trí nhớ và trí tưởng tượng của anh. Đây là chủ nghĩa vị lợi thô bỉ – hoàn toàn khác với tình yêu chân chính.
Kết Luận
Để kết luận, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng nhục lạc tự nó không phải là tình yêu. Nó có thể trở thành “nguyên liệu’ cho việc phát huy một tình yêu chân chính. Nhưng sự thèm khát giá trị tính dục của thân xác này phải được bổ túc bằng những yếu tố cao thượng hơn của tình yêu, như lý ngay lành, tình bằng hữu, nhân đức, một quyết tâm hoàn toàn, và tình yêu vị tha (là những đề tài sẽ được bàn đến ở các bài sau). Nếu nhục dục không được tháp nhập cách cẩn thận vào những yếu tố cao thượng hơn của tình yêu, thì những thèm muốn nhục dục sẽ làm phương hại đến mối liên hệ. Trên thưc tế, nó có thể tiêu hủy tình yêu giữa đôi nam nữ, và làm cho tình yêu không thể nảy sinh được giữa họ.
GLV Phaolô Phạm Văn Khôi; Viết theo bài Avoiding Fatal Attractions, by Dr. Edward P.Sri từ báo Lay Witness Magazine, Jan/Feb 2005
tento says
tạ ơn Chúa