Câu chuyện 1: Khi một thanh niên gặp một thiếu nữ, cậu nhìn thấy nơi cô bé vẻ xinh xắn đáng yêu, nét dịu dàng nữ tính khiến cậu trong chốc lát muốn làm quen và kết thân với cô. Cùng lúc đó, cô gái thấy chàng đẹp trai, lịch lãm và đầy sức mạnh nam tính. Trong lần đầu tiên trò chuyện, họ cười với nhau và câu chuyện dường như không dứt. Cả hai ra về lòng hoan hỷ. Cảm xúc giữa họ bắt đầu bùng nổ. Họ gọi đây là tiếng sét ái tình.
Câu chuyện 2: Có thể bắt đầu một cách khác. Cô gái và chàng trai vốn quen biết và rất xung khắc. Mỗi lần gặp nhau là họ lại cãi cọ và bỏ đi trong sự tức giận. Tuy học cùng lớp mà họ chẳng mấy khi nhìn nhau vì họ cảm thấy ghét đối phương lắm. Thế rồi một ngày, lớp tổ chức cắm trại và cả hai cũng tham gia. Trong chuyến đi picnic, lần đầu tiên chàng trai nhìn thấy cô gái chẳng mấy dễ ưa kia trổ tài nấu nướng, khéo léo hơn hẳn những bạn nữ khác. Còn cô gái bỗng để ý chàng trai tháo vát lạ lùng, từ dựng lều, xách đồ cho đến mọi việc đều xông xáo. Buổi tối khi đốt lửa trại, cô gái chú ý đến chàng trai ôm đàn hát đậm chất lãng tử, còn chàng trai thấy cô gái chăm chú nghe bên ánh lửa sao dễ thương lạ. Mọi xung đột trước nay dường như tan biến hết. Cuối buổi trại, họ đã “cảm” nhau đến nỗi họ tự hỏi, tại sao từ trước đến giờ mình không nhận ra vẻ cuốn hút của đối phương sớm hơn.
Trong các bộ phim, chúng ta thường thấy nhất các kiểu cặp đôi: ghét đến nỗi không đội trời chung rồi lại thương đến mức không rời nhau nửa bước, hoặc họ gặp nhau rồi đùng một cái mỗi trái tim dính một mũi tên Cupid… Những phản ứng về tình cảm như thế đối với những người khác phái xảy ra rất thường xuyên. Chúng có thể phát triển từ từ giữa một người nam và một người nữ, hay có thể xảy ra ngay giây phút đầu tiên hai người gặp nhau. Nhưng những phản ứng mãnh liệt này thường là mù quáng!
Cảm xúc thường mù quáng vì chúng không quan tâm đến sự thật về người kia. Trong mắt của hai người có cảm xúc với nhau thì giá trị của người kia lớn lên một cách khổng lồ.
Đặc tính của tình yêu theo cảm xúc là trong đó chúng ta có khuynh hướng thổi phồng giá trị của người mà chúng ta có cảm tình, làm nhẹ những sai lỗi của họ, và không đếm xỉa gì đến những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong mối quan hệ.
Cảm xúc có thể là chất keo giúp chúng ta nối kết, gần gũi và xoay quanh quỹ đạo của nhau, nhưng nó chưa đủ để cấu thành một tình yêu chân chính.
Chúng ta cần phải bước vào mối quan hệ với trái tim ấm nồng nhưng đồng thời, đôi mắt phải rộng mở. Chúng ta phải nhìn thấy người yêu của mình với những giá trị thật sự của người đó, không phải những giá trị lý tưởng được gán cho họ. Đó là lý do ĐTC Gioan Phaolô nói: “Cảm xúc của chúng ta phải theo kịp quyết tâm trung thành với người ta yêu, như thế mới làm cho mối dây liên hệ được chặt chẽ, và đem lại cho chúng ta một kinh nghiệm kết hợp với người khác sâu xa hơn. 1” Quyết tâm này chính là ý chí chọn lựa tiếp tục hay rời bỏ một người sau khi ra khỏi trạng thái choáng ngợp và bồng bềnh của vòng vây cảm xúc. Đó là lúc bạn tự hỏi: Tôi sẽ đi với nàng/chàng cho đến cuối cuộc đời ngay cả khi tôi không còn có cảm xúc dữ dội như thuở ban đầu chứ? Trả lời câu hỏi này là lúc chúng ta bắt đầu bước vào địa hạt của ý chí, quyết tâm và hiểu được ý nghĩa của hai chữ “chung thủy”!
[1] Karol Wojtyla (1960), Love and Responsibility, p.75.
Leave a Reply