Giáo huấn Công giáo về tình dục đồng giới là một chủ đề rất khó để trình bày. Nó khó, không phải vì giáo huấn không được rõ ràng hay Giáo hội dựa vào đâu mà đưa ra một giáo huấn như vậy, nhưng là vì chủ đề này luôn đi đôi với cảm xúc, thường là đau thương và khổ sở dành cho cả những ai có xu hướng đồng tính luyến ái, lẫn những người thân yêu của họ.
Tình dục đồng giới đã trở thành một đề tài quan trọng và khẩn thiết. Nó đã là một vấn đề dân quyền đối với cánh truyền thông và văn hoá. Tình dục đồng giới có liên hệ với việc bảo vệ chủ nghĩa cá nhân, và tự do cá nhân (thực chất là giả tạo) trong việc quan hệ tình dục với bất kỳ ai theo bất cứ cách nào… “Miễn là tôi không làm hại ai là được mà”. Điều này được thúc đẩy mạnh mẽ trong phim ảnh và âm nhạc. Con cái của chúng ta đến trường thì bị dạy là có hai ông bố hay hai bà mẹ thì cũng như là có cả bố lẫn mẹ. Các cô cậu học sinh trung học thì thấy đó là chuyện bình thường; quan hệ trước hôn nhân hay quan hệ đồng tính cũng chỉ là một hương vị mới mẻ của cuộc vui. Đối với chúng, điều đó cũng chỉ như là yêu thích vị kem này hơn so với vị kem kia. Những ai đẩy mạnh lối sống đồng tính thì giờ đây dùng cả chính trị để bảo vệ nó bằng mọi giá trong luật dân sự. Chương trình nghị sự đồng tính đã trở thành quy chuẩn, và chúng ta đang tiến dần đến chỗ có người tin rằng những ai kết hôn theo giá trị truyền thống Do Thái-Kitô giáo thì sẽ có ngày bị bắt bớ và cầm tù vì tội ác do thù ghét.
Tình dục đồng giới và hấp dẫn cùng giới thấu đến tận cốt tuỷ của cảm xúc nơi nhân vị. Đó là lý do vì sao thật khó có thể vượt qua giới hạn cảm xúc để trình bày một cách thuần lý trí về một đề tài này. Tuy thế, có một cái gì đó ẩn sâu hơn nữa: đó là khát vọng để yêu và được yêu – và nó thường bị đánh đồng, nhầm lẫn với tình dục. Vì thế bằng cách tập trung vào bản chất thật sự tình yêu, chúng tôi hy vọng có thể đạt được một vài sự tiến bộ về chủ đề này.
Đức GH Gioan Phaolô II – một con người của sự hiệp thông
Trong cuốn sách này, tôi muốn được tiếp cận và nâng đỡ những ai có xu hướng tình dục đồng giới, những ai muốn khám phá tình yêu đích thực trong lòng Giáo hội và sống theo lời Giáo hội dạy. Vẫn còn nhiều người cảm thấy giáo huấn này khó mà chấp nhận và thực hành, cũng như họ không được giúp đỡ gì mấy trong nỗ lực sống đời khiết tịnh.
Ý tưởng của Đức GH Gioan Phaolô II về một “con người của sự hiệp thông” mang đến một giải pháp để hỗ trợ những cá nhân này, làm cho giáo huấn của Giáo hội được tô điểm một bộ mặt nhẹ nhàng và hấp dẫn:
Một con người của sứ vụ và đối thoại … được mời gọi để làm chứng trong mọi mối tương quan của mình về tình huynh đệ, tinh thần phục vụ và sự truy cầu chân lý, cũng như biểu lộ sự quan tâm đến công cuộc thúc đẩy chân lý và hoà bình… đến với những người có thiện chí, đặc biệt là người nghèo và người cô thế, cũng như đến với những ai đang khao khát chân lý và ơn cứu độ của Đức Kitô, ngay cả khi họ không biết hay không biết cách bộc lộ niềm khao khát ấy, bởi chính Chúa Giêsu đã nói: “người mạnh khoẻ không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần; Ta đến không để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi” (Mc 2, 17).
Để là một “con người của sự hiệp thông”… đòi hỏi vị linh mục không được kiêu ngạo, dễ cáu gắt, nhưng phải nhã nhặn, hiếu khách, chân thành trong lời nói và trong con tim, khôn ngoan và thận trọng, quảng đại và sẵn sàng phục vụ, có khả năng mở rộng cõi lòng ra cho tình bác ái huynh đệ và khuyến khích tha nhân cũng làm y như vậy; đồng thời, ngài phải nhanh hiểu, chóng tha thứ và không chậm trễ ủi an (x. 1 Tm 3, 1-5; Tt 1, 7-9). Con người ngày nay thường bị mắc kẹt trong sự tiêu chuẩn hoá và nỗi cô đơn… và do đó họ càng trân trọng giá trị của tình hiệp thông san sẻ hơn bao giờ hết. Đây là một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất, và cũng là một trong nhiều phương thế hữu hiệu nhất để truyền tải sứ điệp Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
Sự sáng suốt của Đức GH Gioan Phaolô II
Tôi nhận thấy, nơi Đức GH Gioan Phaolô II, các phương pháp tiếp cận những đề tài nhạy cảm – được đánh động bởi lòng trắc ẩn – và nhân cách của ngài là công cụ hữu hiệu và mạnh mẽ để thấu hiểu tình dục đồng giới. Những điểm mạnh đó của ngài luôn thể hiện sự rõ ràng trong việc dẫn đường cho những ai muốn tự mình nắm lấy quyền quyết định trong việc hình thành nên bản dạng của bản thân, cảm quan về chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và thế giới.
Ngày nay, nhiều người mắc sai lầm bởi họ đặt lòng tự trọng dựa trên khả năng, ví dụ như lối cư xử đúng mực, thành tích hay khả năng làm hài lòng người khác. Điều này có thể khiến cho bản dạng bị bóp méo, và ý thức về giá trị của bản thân bị lệ thuộc một cách lầm lẫn dựa vào thành tích hay ngoại hình, tệ hơn nữa là vào sự hấp dẫn tính dục, hay kinh nghiệm đau thương bị lạm dụng trong quá khứ, vân vân. Trong nhiều trường hợp, ai định dạng bản thân dựa trên khả năng sẽ hay bị mắc vào tình cảnh: coi bản thân như một món đồ, và họ sẽ tự cho rằng nếu muốn được “yêu” thì phải đạt được nhiều thành tích, hay thậm chí phải biết thoả mãn những “nhu cầu” của kẻ khác.
Một nhân dạng bị khách quan hoá như thế – “tôi là một người quan trọng và đáng yêu, vì người ta thấy tôi hấp dẫn…thông minh…vui vẻ…” – là mầm mống của chủ nghĩa cá nhân, là thứ kích thích sự lợi dụng yếu điểm của người khác, bằng cách khiến cho họ theo đuổi cảm giác “thật” về chính mình, mà không kể đến việc điều đó có ảnh hưởng tới những mối quan hệ của họ ra sao.
Trong tất cả những trường hợp này, mối tương quan của họ đối với Thiên Chúa, gia đình hay bạn bè đã không còn đóng một vai trò chủ yếu đối với nhân dạng của người ấy nữa. Trái lại, chủ nghĩa cá nhân Kitô giáo giúp cho con người phát triển cá tính và tiềm năng của họ, bằng cách tập trung vào phẩm giá nội tại và ơn gọi của mỗi người – họ được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Kitô. Đặc biệt, điều đó giúp mỗi cá nhân tìm thấy được cái “tôi”, cái tính chủ quan độc đáo của mình – rằng mỗi người là một chủ thể có quyền tự quyết cho bản thân – trong việc hình thành nên nhân dạng của bản thân dựa trên những mối tương quan mà họ xây dựng.
Chúng ta khám phá ra trọn vẹn ý nghĩa của tự do nơi chính mình khi ta học cách nhận lấy toàn bộ trách nhiệm cho những hành động của bản thân; cũng như khi chúng ta học cách trở nên một món quà chân tình cho tha nhân và ta đón nhận quà tặng của họ với niềm vui thích. Bằng cách này, chúng ta đã xây dựng nên các mối tương quan – một sự hiệp thông giữa các ngôi vị – cũng chính là điều làm nên nền tảng chân thật cho nhân dạng chúng ta. Đức GH Gioan Phaolô II thường xuyên nhắc nhở điều này: con người chỉ tìm thấy chính mình – tức là nhân dạng đích thực của mình – thông qua tặng phẩm chân thành là chính mình cho tha nhân, bằng cách hiện hữu trong mối tương quan với một cái “tôi” khác – đó là Thiên Chúa và người anh em. Nhờ vào việc được sinh ra trong những mối tương quan, cũng như hình thành một số cho riêng mình, chúng ta sẽ phát triển một nền tảng vững chắc và đảm bảo cho nhân nhân dạng, giá trị và phẩm giá của bản thân.
Con người “không thể tìm thấy chính mình cách trọn vẹn, trừ khi họ chân thành dâng chính mình như một quà tặng”. Người ta nói rằng sự mô tả này, hay đúng hơn là sự định nghĩa về ngôi vị này, tương ứng với… Thiên Chúa khi Người sáng tạo nên con người – có nam có nữ – theo giống hình ảnh mình. Nó cũng tương tác trong việc biểu thị làm người là như thế nào, đồng thời nhấn mạnh giá trị của tặng phẩm là chính bản thân, là món quà của ngôi vị.
Leave a Reply