ĐGH Gioan Phaolô II nói rằng đức khiết tịnh là trung tâm, là nền tảng của linh đạo hôn nhân (TOB 131, 2). Linh đạo hôn nhân là gì? Nó liên quan đến việc đôi vợ chồng mở cõi lòng mình ra để quyền năng Chúa Thánh Thần ngự trị, và cho phép Người hướng dẫn họ mỗi khi họ đưa ra bất cứ một chọn lựa hay thực hiện một hành vi nào đó. ĐGH Gioan Phaolô II nói tiếp rằng sự kết hợp tính dục – với trọn vẹn niềm vui nơi cảm xúc và sự đê mê nơi thân mình – là biểu hiện của “sự sống bởi Chúa Thánh Thần” (TOB 101, 6; ngày 1 tháng 12 năm 1982). Khi cặp vợ chồng mở lòng ra đón nhận ân huệ, Chúa Thánh Thần tuôn đổ “mọi sự cao nhã và đẹp đẽ”, “và chính bản thân Người, Đấng là tình yêu tối hậu” xuống trên khát vọng tính dục nơi họ (TOB 46, 5; ngày 29 tháng 10 năm 1980). Nhưng nếu họ đóng cửa lòng mình lại khỏi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, thì sự ái ân nhanh chóng bị “xuống cấp”, chỉ còn là sự lợi dụng lẫn nhau.
Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì sự yếu hèn của con người sẽ khiến cho giáo huấn của thông điệp “Sự sống con người” trở nên một gánh nặng không ai mang nổi. Nhưng giáo huấn này là dành cho ai? Có phải là cho những người bị nô lệ bởi những yếu đuối của họ? Hay là cho những người đã được tự do nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần? Điều quan trọng trong thông điệp Humanae Vitae là sức mạnh của Tin Mừng!. Giáo Hội loan truyền giáo huấn của Humanae Vitae với sự tin chắc rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ vào Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Các cặp phối ngẫu, qua lời cầu nguyện, “phải khẩn cầu (Thiên Chúa) xin Người ban cho ơn ‘sức mạnh’ đó, cũng như những ơn lành khác nữa… họ phải kín múc ân sủng và tình yêu tại nguồn mạch Thánh Thể;… phải ‘kiên trì trong khiêm tốn’ vượt qua những thiếu sót và tội lỗi của mình” nhờ vào bí tích sám hối. Đó là những phương thế – không thể sai lầm và thiết yếu – cho việc huấn luyện linh đạo Kitô giáo về đời sống vợ chồng và gia đình” (TOB 126, 5; ngày 3 tháng 10 năm 1984). Tất nhiên, những điều trên đây đều giả định rằng các cặp phối ngẫu luôn hiểu đức tin như là sự cởi mở cõi lòng để đón nhận ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Nếu họ không sống một đời sống thiêng liêng trung thực – nói cách khác, nếu họ không mở lòng ra để đón nhận quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần – họ sẽ xem giáo huấn của Giáo Hội chống lại việc ngừa thai nhân tạo như là một sự cai trị hà khắc đến từ một Giáo Hội độc đoán.
Trái lại, những đôi hôn phối nào sinh hoạt vợ chồng như cách thể hiện sự sống nhờ Chúa Thánh Thần, thì nhận ra rằng giáo huấn của Giáo Hội là con đường dẫn tới tình yêu và sự tự do – điều mà họ hằng khao khát. Đến lượt họ, cõi lòng họ chan chứa một sự tôn kính sâu xa đối với những gì đến từ Thiên Chúa, và điều đó hình thành nên đời sống thiêng liêng của họ “nhằm bảo vệ phẩm giá đặc biệt của hành vi ân ái” (TOB 132, 2; ngày 21 tháng 11 năm 1984).
Những đôi vợ chồng như thế hiểu được rằng sự kết hợp nơi họ là để thể hiện và tham dự vào tình yêu sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Nói cách khác, họ hiểu được thần học của thân xác họ. Và khi cõi lòng họ chan chứa một “cảm năng đầy kính trọng đối với các giá trị cốt yếu của sự kết hợp vợ chồng”, họ được giải thoát khỏi việc “phá vỡ hay làm hạ cấp những thực tại mang trong mình dấu chỉ của mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc” (TOB 131, 5; ngày 14 tháng 11 năm 1984). ĐGH Gioan Phaolô II thấy rằng sự sống nơi Chúa Thánh Thần dẫn đưa các cặp vợ chồng đến chỗ hiểu biết, giữa tất cả mọi sự biểu lộ có thể có của tình yêu và cảm xúc, họ hiểu được “một ý nghĩa độc đáo và biệt lệ” của quan hệ tính dục (TOB 132, 2; ngày 21 tháng 11 năm 1984).
Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo – cũng như não trạng đằng sau hành vi đó – lại cho thấy một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về ý nghĩa của hành vi tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa. Sự thiếu hiểu biết ấy, ĐGH Gioan Phaolô II cho rằng, tạo nên một sự đối lập với linh đạo hôn nhân (xem TOB 132, 2 ngày 21 tháng 11 năm 1984).
Đối lập như thế nào? Nếu linh đạo hôn nhân liên hệ với việc các đôi vợ chồng trao dâng thân xác – cũng như một thân thể duy nhất mà cả hai đã kết hợp mà thành – cho Chúa Thánh Thần, thì ngừa thai nhân tạo lại đánh dấu một sự khép kín thân xác họ khỏi “tầm tay” của Chúa Ngôi Ba. Mà Chúa Thánh Thần là ai? Như ta đã biết trong kinh Tin Kính, Người là “Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Vậy, khi hai vợ chồng sử dụng biện pháp ngừa thai nhân tạo trong khi đang quan hệ với nhau, thì chính sự quan hệ đó nói gì với Chúa Thánh Thần nếu không là nói: “Này Đấng ban sự sống, chúng tôi không muốn ông tham dự vào hành vi này”?.
Hầu hết tất cả các đôi vợ chồng sử dụng biện pháp ngừa thai nhân tạo đều không hiểu điều họ đang làm hay đang nói bằng chính thân xác họ. Họ thậm chí còn chưa hề nghe hay chưa được hiểu về “mầu nhiệm cao cả” của hành vi tính dục. Bởi thế, kết luận chúng ta đưa ra ở đây về sự trầm trọng khách quan của ngừa thai nhân tạo không phải là vấn đề về quy gán cho hành vi đó là có tội: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Tin vui là Chúa Kitô đã đến thế gian, không phải để lên án, nhưng để cứu độ (xem Ga 3, 17). Dục vọng đã xâm chiếm cuộc sống của một người tới mức nào, không quan trọng. Người đó có bị chứng “khó đọc”, hay thậm chí là “mù chữ” trong việc đọc hiểu ngôn ngữ thần linh nơi thân xác tới đâu, cũng không quan trọng. Bởi ĐGH Gioan Phaolô II đã mạnh dạn tuyên bố rằng, thông qua ân huệ của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người, “người ta luôn có thể vượt qua từ ‘sai lầm’ đến ‘sự thật’”… Họ luôn có khả năng “trở lại hay hoán cải, từ tội lỗi đến khiết tịnh, diễn tả một đời sống theo Thần Khí” (TOB 107, 3; ngày 9 tháng hai năm 1983).
Leave a Reply