Cách tốt nhất để nắm bắt sự phân mảnh thân xác/nhân vị là thông qua một ví dụ. Cách đây vài năm, một phát thanh viên người Anh tên là Miranda Sawyer đã viết một bài báo, cô tự nhận mình là một nhà nữ quyền cấp tiến. Trong bài báo, cô nói cô đã luôn ủng hộ sự tự do lựa chọn.
Cho đến khi cô mang thai đứa con của chính mình.
Từ đó, cô phải vật lộn với chính tư tưởng của mình. “Tôi gọi sự sống bên trong mình là một đứa bé vì tôi muốn nó. Tuy nhiên, nếu không, tôi sẽ coi nó chỉ là một nhóm tế bào và giết nó không là vấn đề… Điều đó có vẻ phi lý với tôi. Thậm chí có thể là vô đạo đức.”2 Những đứa trẻ trong bụng mẹ không là con người chỉ khi có ai đó muốn chúng.
Sawyer đã đối mặt với thực tế, và thực tế không phù hợp với hệ tư tưởng của cô. Vì vậy, cô bắt đầu nghiên cứu chủ đề này và thậm chí còn sản xuất một bộ phim tài liệu. Cuối cùng cô đi đến kết luận: “Cuối cùng, tôi phải đồng ý rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Vì vậy, đúng vậy, phá thai là kết thúc sự sống đó.” Rồi cô nói thêm, “Nhưng có lẽ thực tế của sự sống không phải là điều quan trọng, mà là sự sống đó đã trưởng thành đủ chưa. . . để bắt đầu trở thành một con người.”3
Nhưng chẳng phải thai nhi là một con người về mặt khái niệm sao? Khái niệm này đã bị phân mảnh. Nếu đứa bé là một con người từ khi thụ thai, nhưng chưa phải là một nhân vị cho đến một lúc nào đó, thì hai khía cạnh này rõ ràng khác nhau.
Đây là một quan điểm bị phân mảnh, đứt gãy, nhị nguyên về con người.
Tất nhiên, trong cuộc trò chuyện thông thường, chúng ta sử dụng cụm từ con người với ý nghĩa giống như nhân vị. Hai từ này đã bị Tòa án Tối cao tách biệt trong án lệ Roe kiện Wade, quyết định về phá thai, phán quyết rằng mặc dù đứa trẻ trong bụng mẹ là con người nhưng nó không phải là một nhân vị theo Tu chính án thứ mười bốn.
Vì vậy, chúng ta có một loại cá nhân mới: con người không có nhân vị.
Để hình dung ra thuyết nhị nguyên hiện đại này, chúng ta có thể áp dụng hình ảnh hai tầng trong một tòa nhà của Schaeffer (xem phần giới thiệu). Ở những giai đoạn đầu, thai nhi nằm ở tầng dưới. Ở đây nó được thừa nhận là con người ngay từ khi thụ thai, theo nghĩa nó là một sinh vật sinh học có thể nhận ra được bằng các phương pháp khoa học thực nghiệm. Nhưng người ta cho rằng nó không có bất kỳ giá trị đạo đức nào và cũng không có sự đảm bảo được bảo vệ bởi pháp luật. Sau đó, tại một thời điểm không xác định nào đó, nó nhảy lên tầng trên và trở thành một nhân vị, thường được xác định theo một mức độ nhất định của chức năng nhận thức, ý thức và sự tự nhận thức. Chỉ khi đó nó mới đạt được vị thế đạo đức và pháp lý.
Đây được gọi là thuyết về nhân vị, và nó là kết quả của sự phân chia thực tế/giá trị: Để là con người về mặt sinh học là một thực tế khoa học. Nhưng trở thành một nhân vị là một khái niệm đạo đức, được xác định bởi những gì chúng ta cho là có giá trị.
Hàm ý của quan điểm hai tầng này là: là con người thôi thì chưa đủ để có được quyền lợi. Hãy nhớ lại lời của Sawyer: “Thực tế của sự sống không phải là điều quan trọng.” Bản thân mạng sống con người được cho là không có giá trị và những gì chúng ta làm với nó không có ý nghĩa đúng sai về mặt đạo đức.
Tất nhiên, một cá nhân khi có quyết định phá thai có thể không suy nghĩ một cách có ý thức về những hàm ý triết học này. Một số người nói với tôi rằng họ có thể ủng hộ việc phá thai mà vẫn cảm thấy đứa bé có giá trị. Nhưng một hành động có thể có logic riêng của nó, cho dù chúng ta có chủ ý hay không.
Nếu bạn ủng hộ việc phá thai, bạn đang ngầm nói rằng trong những giai đoạn đầu đời, một bào thai chưa sinh ra có rất ít giá trị đến mức nó có thể bị giết vì bất kỳ lý do gì – hoặc không cần lý do – mà không phải chịu bất kỳ hậu quả đạo đức nào. Dù cảm xúc của bạn là gì đi nữa, thì đó là một cái nhìn rất thấp về sự sống. Sau đó, theo logic thuần túy, bạn phải nói rằng vào một thời điểm nào đó sau đó đứa bé sẽ trở thành một con người, lúc đó nó có giá trị cao đến mức giết nó sẽ là một tội ác.
Hàm ý là cho tới khi đứa trẻ trước khi sinh ra được coi là con người chứ không phải là nhân vị, thì nó chỉ là một vật thể có thể bị loại bỏ — một nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ hoặc ngô. Nó có thể được sử dụng cho nghiên cứu và thí nghiệm, biến đổi gen, thu hoạch để lấy nội tạng và sau đó xử lý cùng với các chất thải y tế khác.
Vì thế, giả định cốt lõi của việc phá thai là thuyết nhân vị, với quan điểm hai tầng về con người—một quan điểm coi thân xác con người còn sống không có giá trị gì và đặt tất cả giá trị của con người chúng ta ở tâm trí hoặc ý thức.4
Do đó, thuyết nhân vị có một cái nhìn rất thấp về thân xác con người, và điều này cuối cùng làm mất nhân tính của tất cả chúng ta. Vì nếu thân xác chúng ta không có giá trị cố hữu thì một phần quan trọng trong danh tính của chúng ta sẽ bị mất phẩm giá. Những gì chúng ta sẽ nhìn thấy là sự phân đôi thân xác/nhân vị này, với sự chê bai, phỉ báng thân xác, là một giả định ngầm thúc đẩy các quan điểm thế tục về an tử, tình dục, đồng tính luyến ái, chuyển giới và một loạt các vấn đề đạo đức có liên quan khác.
2. Miranda Sawyer, “I Knew Where I Stood on Abortion. But I Had to Rethink,” The Guardian, April 7, 2007.
3. Ibid.
4. Phân tích của Schaeffer về thuyết nhị nguyên phù hợp với phân tích tương tự của cựu Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Xem bài tiểu luận của tôi, “Evangelium Vitae: John Paul Meets Francis Schaeffer,” The Legacy of John Paul II, ed. Tim Perry (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 2007). Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng phân tích của Schaeffer về thuyết nhị nguyên có thể được áp dụng cho các tranh luận về phá thai khi tôi đọc Robert George, , A Clash of Orthodoxies (Wilmington, DE: Intercollegiate Studies Institute, 2001). Và đọc Robert George and Christopher Tollefsen, Embryo: A Defense of Human Life (New York: Random House, 2008); Patrick Lee and Robert George, Body-Self Dualism in Contemporary Ethics and Politics (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2008); Gerard V. Bradley and Robert P. George, “Marriage and the Liberal Imagination” Scholarly Works (1995), paper 878.
Các nguồn bổ sung về thuyết nhị nguyên trong lập luận phá thai là các bài viết của William E. May, như “Philosophical Anthropology and Evangelium Vitae,” http://www.christendom-awake.org/pages/may/philanthropol.htm; “What Is a Human Person and Who Counts as a Human Person?” http://www.christendom-awake.org/pages/may/humanperson.htm.
Leave a Reply