Câu hỏi trọng tâm là chúng ta định nghĩa danh tính của mình như thế nào. Ngày nay, người ta thường cho rằng con người được thúc đẩy chủ yếu bởi ham muốn, cảm xúc và những điều thu hút chúng ta – rằng cảm xúc tính dục của bạn xác định danh tính của bạn.
Ngược lại, như Sean Doherty viết, Kinh Thánh có “một định nghĩa về tình dục rất thực tế, vật lý và thân thể: ‘Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ’ (Sáng Thế 1:27)”. Luân lý tính dục Kitô giáo được đặt nền tảng trên cách con người được tạo ra lúc khởi đầu. “Lúc khởi đầu” là nơi chúng ta học được chúng ta là ai, cách Chúa tạo ra chúng ta và ý nghĩa của việc là một con người cách trọn vẹn.
Một số hình thức trị liệu và mục vụ tìm cách giúp một người thay đổi cảm xúc tính dục của họ. Nhưng việc cố gắng thay đổi cảm xúc trực tiếp hiếm khi hiệu quả. “Đối với tôi,” Doherty viết, “một khám phá giải phóng và hữu ích hơn nhiều là danh tính tính dục của tôi như một người đàn ông đã được định sẵn và đảm bảo – bởi vì tính dục (theo nghĩa của sự khác biệt tính dục giữa nam và nữ) là một món quà Chúa ban cho nhân loại trong quá trình tạo dựng.” Anh ấy kết luận rằng thay vì tập trung vào cảm xúc, một chiến lược tốt hơn là “nhận hoặc thừa nhận những gì tôi đã có (một cơ thể nam) như một món quà tốt lành từ Chúa.”16 Tóm lại, Doherty đã học cách tin tưởng rằng danh tính sinh học mà Chúa ban cho anh ấy là vì lợi ích của anh ấy.
Kitô giáo thường bị cáo buộc là chống lại tình dục và thân xác. Nhưng thực ra chính luân lý thế tục mới là chống lại thân xác. Các nhà hoạt động đồng tính hạ thấp thân xác – danh tính sinh học của chúng ta là nam hoặc nữ – rồi lại xác định bản ngã thực sự của chúng ta bằng cảm xúc và ham muốn. Họ cho rằng thân xác không cung cấp bất kỳ điểm tham chiếu nào cho danh tính giới hoặc các lựa chọn luân lý của chúng ta. Về bản chất, thế giới quan thế tục đã hồi sinh sự coi thường thân xác của thuyết ngộ đạo cổ đại. Chính Kitô giáo mới tôn trọng thân xác là nam và nữ, thay vì hạ thấp giới tính sinh học theo cảm xúc tâm lý.17
Tất nhiên, nhiều người ủng hộ các khẩu hiệu như “hôn nhân bình đẳng” chỉ vì họ nghĩ rằng đó là điều trắc ẩn nên làm, hoặc vì họ nghĩ các quan điểm khác là phân biệt đối xử. Nhưng chúng ta không nói về cảm xúc chủ quan của mọi người hoặc sự chân thành của động cơ của họ. Chúng ta đang khám phá logic của luân lý ủng hộ các hành vi đồng giới, cho dù mọi người có nhận thức được rõ ràng hay không. Trong quyết định Obergefell, Tòa án Tối cao [Hoa kỳ]đã phán quyết rằng hôn nhân hợp pháp không có mối liên hệ nào với sinh học – rằng mục đích của nó là bảo vệ “nhân vị.” Nhưng tại sao lại thiết lập sự đối lập giữa sinh học và nhân vị? Tại sao chấp nhận một chủ nghĩa phân mảnh hai tầng làm giảm giá trị thân xác và ngăn cách mọi người khỏi giới tính sinh học của họ?
Luân lý Kinh Thánh khẳng định giá trị cao đẹp của công cuộc sáng tạo. Trong quan điểm mục đích luận, tự nhiên không phải là những vật chất thô sơ không phân biệt và không có tính cách tích cực của riêng nó. Nó thể hiện một kế hoạch, một thiết kế, một trật tự và một mục đích. Vì điều đó, nó cung cấp nền tảng hợp lý cho các quyết định luân lý của chúng ta. Danh tính tính dục của chúng ta đúng ra phải hài hòa với danh tính tâm lý của chúng ta. Mục đích cuối cùng là vượt qua sự tự tách biệt bản thân và phục hồi cảm giác nhất quán nội tại.
16. Doherty, “‘Love Does Not Delight in Evil, but Rejoices with the Truth.’”
17. Ibid.
Leave a Reply