Nhưng có phải chính Kitô giáo dạy rằng thân xác thấp kém hơn linh hồn không? Chẳng phải thân xác là một trở ngại và là nguyên nhân dẫn đến tội lỗi sao?
Đúng là đôi khi những thái độ tiêu cực về thân xác đã xâm nhập vào suy nghĩ của một số tín hữu. Nhiều người có ý kiến cho rằng Kitô giáo chống lại mọi hình thức vui sướng hay tận hưởng. Điều này gọi là chủ nghĩa khổ tu, quan niệm rằng con đường nên thánh là khổ chế thân xác một cách cực đoan. Nhưng nguồn gốc của chủ nghĩa khổ tu không bắt nguồn từ Kinh Thánh; nó đến từ triết học Platon và phái ngộ đạo. Bởi vì những triết lý này coi thế giới vật chất là vốn dĩ xấu xa, họ kết luận rằng sự thánh thiện chỉ có thể đạt được thông qua sự từ bỏ vật chất – nhịn ăn, nghèo khó, cô tịch, thinh lặng, lao động chân tay vất vả, mặc quần áo đơn giản, từ chối hôn nhân và gia đình, và các hình thức khắc khổ khác.
Những người tin vào chủ nghĩa khổ tu của thế giới cổ đại được coi như là các “vận động viên thiêng liêng” của thời đó (từ khổ tu được bắt nguồn từ một thuật ngữ Hy Lạp cho huấn luyện thể thao). Kết quả là, họ đã ảnh hưởng đến cả các Kitô hữu. Điều này giải thích tại sao ngày nay vẫn có những nhóm Kitô giáo dạy một sự khắc khổ nghiêm khắc, không bao giờ bộc lộ cảm xúc yếu đuối, như thể sự thánh thiện chỉ đơn giản là nói không với niềm vui và khoái lạc. Những phiên bản Kitô giáo này đề cập đến thân xác như thể nó đáng xấu hổ, vô giá trị, hoặc không quan trọng. Họ coi tội lỗi về tình dục là tội nặng nề nhất trên thước đo tội lỗi. Họ có một khái niệm về sự cứu rỗi mang tính thoát ly, như thể Chúa Giêsu đã chết để đưa chúng ta lên thiên đàng.
Tôi từng thăm một nhà thờ của giáo hội Luther và mục sư lặp đi lặp lại về việc xin Chúa tha thứ “để chúng ta có thể lên thiên đàng,” về việc tự tin rằng “chúng ta sẽ lên thiên đàng,” về việc tạ ơn Chúa rằng “chúng ta sẽ lên thiên đàng.” Tôi bắt đầu tự hỏi, Vị Mục sư này có nghĩ rằng Kitô giáo đưa đến bất kì sự khác biệt gì ngay trong đời này không? Những bài giảng như thế này theo triết lý phái ngộ đạo hơn là từ Kinh Thánh.40 Chúng tạo ra ấn tượng rằng Kinh Thánh chỉ quan tâm đến những gì xảy ra sau khi chúng ta chết.
Tất nhiên, những kỷ luật thiêng liêng như ăn chay có thể hữu ích, nhưng không nên được thúc đẩy bởi quan niệm sai lầm rằng thân xác là xấu xa hoặc vô giá trị. Bản văn Kinh Thánh có thể gây nên sự hiểu lầm vì trong một số đoạn, thánh Phaolô sử dụng từ xác thịt để chỉ bản chất tội lỗi (xem Rô-ma 8; Ga-lát 5). Giống như trong tiếng Anh, một từ có thể có nhiều nghĩa tùy thuộc vào ngữ cảnh.
Tuy nhiên, thánh Phaolô hoàn toàn bác bỏ quan niệm rằng sự thánh thiện chỉ có thể đạt được thông qua sự chối bỏ thân xác. Ngài mô tả những người theo chủ nghĩa khổ tu là những người “cấm được kết hôn và bắt phải kiêng một số thức ăn” — những người nói, “Đừng chạm vào! Đừng nếm! Đừng sờ!” (1 Ti-mô-thê 4:3; Cô-lô-xê 2:21). Thánh Phaolô lập luận rằng các quy tắc như thế này không hiệu quả. “Những điều ấy có vẻ khôn ngoan… nào là “khắc khổ”, nhưng không có giá trị gì đối với tính xác thịt lăng loàn.” (Cô-lô-xê 2:23). Thánh Phaolô còn cảnh báo rằng việc cấm kết hôn là một dạng dị giáo: “Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1 Ti-mô-thê 4:4).
40. Để có một cuộc thảo luận mở rộng về lý do tại sao Kinh Thánh không tán thành chủ nghĩa khổ hạnh, xem Ranald Macaulay and Jerram Barrs, Being Human: The Nature of Spiritual Experience (Downers Grove, IL: IVP Academic, 1998).
Leave a Reply