Bài này được trích từ Sống trong sạch – Con đường dẫn đến tình yêu chân thật và tự do đích thực, do Heather Gallagher – Peter Vlahutin. Gm. Luy Nguyễn Anh Tuấn – Gioan Lê Quang Vinh chuyển ngữ
Đa số các bạn tuổi mới lớn đều mong được tự do thoát khỏi những ràng buộc của cha mẹ, của giáo huấn của Giáo Hội, kỷ luật nhà trường và thậm chí một cuốn sách như cuốn sách này, mà họ cảm thấy dường như muốn bảo họ phải làm gì. Những người có quyền, đôi khi cả bạn bè, cũng có thể đến gặp để mà ra lệnh thôi. Mặc dù dường như tứ bề chung quanh chúng ta toàn là luật lệ nguyên tắc và nội qui, nhưng người khác không thể quyết định thay cho chúng ta.
Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta thích, vào bất cứ lúc nào chúng ta muốn làm. Chúng ta có tự do mà. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta được tự do chọn lựa các hành vi, chúng ta lại không được tự do miễn trừ hậu quả của các hành vi đó. Chúng ta có tự do để đưa ngón tay mình vào ngọn lửa nếu chúng ta muốn, ngay cả khi người khác bảo chúng ta không nên làm như thế. Nhưng chúng ta không miễn khỏi bị phỏng tay và đau đớn phát sinh từ hành vi đó.
Vậy, Đức Giêsu nói…: “Nếu các con ở lại trong Lời của Thầy, thì các con thật là môn đệ Thầy; các con sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các con… Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8,31-32,34). Qua Kinh Thánh, Thiên Chúa ban cho chúng ta Lời của Ngài, Lời chứa đựng những hướng dẫn và dạy dỗ, giúp chúng ta biết chọn lựa một cách khôn ngoan. Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta ý chí tự do; chúng ta không được tạo thành để làm con rối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chọn sống theo lệnh truyền của Thiên Chúa thì kết quả tốt đẹp sẽ đương nhiên đi theo sau. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên mọi điều Ngài mời gọi chúng ta thực hiện là những điều đầy yêu thương nhất. Những thánh chỉ của Ngài đôi khi rất thách thức, nhưng luôn đầy ắp yêu thương.
Chúng ta có thể dễ dàng chọn lựa sử dụng ý chí tự do để phạm tội, không tuân giữ Lời Chúa. Những hậu quả tự nhiên cũng xảy ra sau các hành động ấy, và những hậu quả này có thể là điều chúng ta không hề mong đợi. Những hậu quả của tội lỗi có thể, và thường thường, làm cho chúng ta thành nô lệ. Chúng tôi, các tác giả cuốn sách này, biết rằng không ai tự nguyện chọn làm nô lệ bao giờ. Tuy nhiên, khi chúng ta sử dụng ý chí tự do của mình để chọn lựa sai lầm, chúng ta thường gánh lấy những hậu quả, lớn hoặc nhỏ, làm cho chúng ta trở thành nô lệ thay vì được tự do.
Giống như đa số các sinh viên năm nhất ở đại học, Dave có tự do để đi đến dự các bữa tiệc và cũng uống vài ly. Anh cũng có tự do để quyết định có lái xe về nhà sau khi đã uống vài ly rượu hay không. Một lần đi dự tiệc, anh không say sưa xét về mặt luật pháp; anh chỉ hơi choáng một chút. Anh còn tỉnh táo nhất trong đám bạn thân của mình, vì thế cũng hợp lý nếu anh lái xe về. Nhưng vài sự việc đã khiến anh mất tập trung, và anh bất ngờ tông vào cây lớn bên đường. Anh và người bạn ngồi sau anh nhảy ra khỏi xe, chỉ trầy sướt chút ít. Tuy nhiên, cô bạn gái của anh ngồi ghế trước thì phải giải phẫu nhiều chỗ trên mặt do tai nạn này. Cô gái trẻ ngồi ghế sau đã chết trong đêm ấy. Dave mất tự do vì phải vào tù vài tháng. Tệ hơn nữa, Dave nói, hễ cứ nhắm mắt là lại hồi tưởng cái chết của cô bạn buổi tối hôm ấy. Dave cứ thấy cô ấy nằm trong vũng máu. Các hậu quả ấy đã không thể cho anh được miễn trừ, anh phải gánh lấy.
Như thế, tự do có phải là khả năng có thể làm bất cứ cái gì người ta muốn và bất cứ khi nào họ muốn làm hay không? Nếu thế thì Dave tự do, nhưng thật ra là anh không có tự do. Tự do mang ý nghĩa sâu xa hơn, không chỉ có nghĩa là có thể làm những gì chúng ta thích. Tự do là thái độ bên trong. “Tự do là khả năng sống sự thật về mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác một cách có trách nhiệm”11. Tự do là sống và yêu thương trọn vẹn mà không bị làm nô lệ cho những hậu quả tiêu cực xảy đến.
Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà tính dục, và chúng ta được tự do để làm bất cứ điều gì chúng ta muốn với món quà ấy. Chúng ta có thể chọn sử dụng món quà ấy với đầy yêu thương hay sử dụng nó mà không quan tâm gì đến hậu quả. Chọn quan hệ tình dục ngoài hôn nhân có vẻ như chọn điều gì đó mang tính “giải thoát”. Xét cho cùng, nền văn hóa ngày nay gọi đó là giải phóng tình dục. Tuy nhiên, có những hậu quả xảy ra sau khi chúng ta quyết định sử dụng tự do theo kiểu này, và những hậu quả đó biến chúng ta thành nô lệ.
Đàng khác, nếu chúng ta chọn sống trong sạch, một lựa chọn khôn ngoan và lành mạnh, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tự do mà Chúa Giêsu nói đến: những kết quả đầy yêu thương và lành mạnh. Đức trong sạch thật sự cung cấp cho chúng ta tự do ở hai mức độ: tự do không bị ràng buộc bởi nhiều hậu quả tiêu cực sinh ra do tình dục trước hôn nhân, và tự do sống một cuộc sống hứng thú, lành mạnh và lãng mạn theo nhiều cách khác nhau.
Sống trong sạch sẽ cho chúng ta được
- Tự do cảm nghiệm tình dục say mê và sâu sắc trong hôn nhân
- Tự do hẹn hò một cách đầy sáng tạo
- Tự do chia tay khi không phù hợp
- Tự do tin tưởng và được tin tưởng… Đọc tiếp
11 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “Bài giảng thứ hai của Đức Thánh Cha ở Trung tâm Kiel”, Đại Hội Giới Trẻ 26/01/1999, Trung tâm Kiel, St. Louis, Missouri.
Leave a Reply