Việc các nhà đạo đức sinh học đưa ra những định nghĩa cực kỳ mâu thuẫn nhau về nhân vị cho thấy rằng khái niệm này hầu như không thể định nghĩa được khi nào nhân vị bị tách rời khỏi con người về mặt sinh học. Một thực tế không thể bị bỏ qua. Vai trò trọng tâm của sinh học trong cuộc tranh luận đã mang lại một góc nhìn mới đáng ngạc nhiên về điều mà cả hai bên thực sự đang nói đến.
Ví dụ, người ta thường nói rằng những người ủng hộ sự sống được thúc đẩy bởi những tín lý tôn giáo về linh hồn, trong khi những người ủng hộ phá thai hoàn toàn dựa vào khoa học. Blogger Libby Anne viết: “Đại đa số những người ủng hộ việc chống phá thai đều phản đối việc phá thai vì họ tin rằng hợp tử/thai nhi có linh hồn”. Cô kết luận rằng phản đối “việc phá thai dựa trên hợp tử có linh hồn thực sự là nhằm thúc đẩy đức tin tôn giáo cụ thể nào đó trên công chúng. . . [đó là] sự vi phạm trắng trợn luật pháp về sự tách lìa quyền lực cơ quan tôn giáo và quyền lực thống trị chính phủ nhà nước.”35
Nhưng sự phản đối này thông thườnglà sự đảo ngược của thực tế. Đúng là nhiều người ủng hộ việc bảo vệ sự sống là thành viên của các cộng đồng tôn giáo và tôn giáo dạy rằng con người có (hoặc con người là) linh hồn. Đó là một thực tế xã hội. Tuy nhiên, những tranh luận ủng hộ sự sống không bắt đầu từ linh hồn; chúng bắt đầu từ khoa học.36 Không ai tranh cãi về giá trị đạo đức của sự sống con người cho đến khi khoa học lần đầu tiên chứng minh rằng sự sống tồn tại.37
Tại Hoa Kỳ, nhiều luật chống phá thai được thông qua vào thế kỷ 19, khi kiến thức y khoa lần đầu tiên xác nhận rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Đó là lúc có sự rõ ràng. Dựa trên cơ sở khoa học thuần túy, các khái niệm cũ hơn được cho là không thích đáng, chẳng hạn như “thời điểm mẹ bắt đầu cảm thấy con cử động” hoặc thời điểm con thở hơi đầu tiên. Kết quả là, chính các bác sĩ—không phải các giáo hội—là những người ủng hộ hàng đầu cho luật hình sự hóa việc phá thai.38
Suy cho cùng, chính phủ không có quyền quyết định có nên từ chối bảo vệ những người trưởng thành 35 tuổi, dựa trên việc họ có linh hồn hay không. Luật pháp phải bảo vệ họ, vì họ là con người.
Tất nhiên, con người còn hơn cả những sinh vật sinh học và sinh học không phải là khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống. Tuy nhiên, sinh học đưa ra cơ sở để xác định ai là con người. Nó là một dấu hiệu khách quan, có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm, trên toàn cầu người ta có thể phát hiện dấu hiệu về thân thể con người. Thân xác là thứ mà chúng ta có thể nhìn thấy và xác định một cách khoa học – điều mà tất cả chúng ta đều có thể đồng ý. Con người sinh sản “theo loài của họ”, như sách Sáng thế ký chương 1 đã nói. Như vậy ai là con người thì cũng là một nhân vị; họ không cần phải đạt đến bất kỳ tiêu chí bổ sung nào.
Ngược lại, thuyết về nhân vị cho rằng một số người không đủ tiêu chuẩn để trở thành một nhân vị. Như vậy, làm thế nào để chúng ta xác định được con người nào đủ điều kiện? Làm thế nào để chúng ta xác định các tiêu chí bổ sung mà họ phải đáp ứng? Như chúng ta đã thấy, không có hai nhà đạo đức sinh học nào đồng ý về tư cách con người là gì và nó bắt đầu khi nào. Định nghĩa của họ hoàn toàn mang tính chủ quan, phản ánh những gì họ coi trọng đối với bản thân họ.
Tại sao chúng ta thậm chí cần khái niệm về tính nhân vị khác biệt với việc đơn giản là con người? Như nhà báo khoa học Dick Teresi đã chỉ ra, khi nói về thú cưng của bạn, bạn không nói về giống có tính mèo hoặc giống có tính chó như một thứ gì đó khác biệt với thực tế sinh học là mèo hay chó. Không, nếu thú cưng của bạn về mặt sinh học là một con chó, thì nó là chó. Teresi kết luận rằng khái niệm hai tầng về nhân vị là một khái niệm “thuộc về triết học/ thuộc về tôn giáo”39—không phải một khái niệm thực tế, mà là một tuyên bố về các giá trị. Mỗi nhà đạo đức sinh học đưa ra một danh sách khác nhau về những năng lực khả năng cần thiết để ai đó có đủ tiêu chuẩn trở thành một nhân vị, dựa trên những gì họ đánh giá cao nhất/cho là quan trọng nhất.
Do đó, thuyết nhân vị phản ánh sự phân chia thực tế/giá trị, trong đó nói rằng các giá trị đạo đức không có cơ sở thực tế, mà chỉ là những lựa chọn chủ quan (xem phần giới thiệu). Bài học là khi bạn chấp nhận một khái niệm hiện đại về thân xác ở tầng dưới, chắc chắn bạn sẽ kết thúc với một khái niệm hậu hiện đại về nhân vị ở tầng trên. Điều này có nghĩa là “nhân vị” không còn mang một tiêu chí khách quan nữa (mạng sống con người trở thành một giá trị bị định đoạt bởi người khác).
Cuối cùng, ai đó sẽ phải vạch ra ranh giới xác định ai đủ tư cách là một nhân vị. Nhưng nếu không có tiêu chí khách quan, khái niệm này sẽ được xác định chỉ bằng quyền lực. Ai có quyền lực cao nhất – cụ thể là nhà nước – sẽ quyết định ai đủ tiêu chuẩn làm nhân vị.
Năm 2016, một nhóm các nhà đạo đức sinh học quốc tế đã công bố một tuyên bố kêu gọi các cơ quan nhà nước bắt đầu đưa ra quyết định tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuyên bố ấy kêu gọi các chính phủ thành lập “tòa án” để ép buộc các bác sĩ và nhân viên y tế thi hành việc phá thai, giết trẻ sơ sinh và an tử, ngay cả khi họ tin rằng những hành vi đó là sai trái về mặt đạo đức. Và nếu các bác sĩ tiếp tục phản đối, bản tuyên bố cho biết, họ sẽ bị trừng phạt bằng cách buộc phải thực hiện nghĩa vụ phục vụ cộng đồng và tham gia các buổi cải tạo.40
Chính sách giết trẻ sơ sinh đã có từ lâu. Chỉ cần mở Kinh thánh của bạn đến chương 1 trong sách Xuất hành:
Vua Ai-cập nói với những bà đỡ đi giúp sản phụ… “Nếu là trai thì giết đi, nếu là gái thì để cho sống.” Nhưng các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên không làm như vua Ai-cập đã truyền, và cứ để cho con trai sống. (Xuất hành 1:15–17)
Khi nhà nước có thể quyết định ai đủ tư cách là một nhân vị, nhà nước sẽ trở nên chuyên chế và áp bức. Nếu nhà nước tạo ra quyền thì nhà nước cũng có thể lấy đi quyền đó. Bất kỳ ai ở bất kỳ giai đoạn nào của sự sống đều có thể bị giáng xuống trạng thái không là nhân vị và bị từ chối quyền sống. Khi những người sáng lập nước Mỹ viết trong Tuyên ngôn Độc lập rằng con người có những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm “Tạo Hóa đã ban cho họ”, họ muốn nói rằng những quyền của con người phải đến từ một nguồn siêu việt—một nguồn cao hơn nhà nước. Nếu không thì chúng không phải là “tất yếu và bất khả xâm phạm”.
35. Libby Anne, “Abortion, Heartbeats, and Souls,” Love, Joy, Feminism, February 11, 2012, http://www.patheos.com/blogs/lovejoyfeminism/2012/02/abortion-heartbeats-and-souls.html. Tương tự, Liên minh Hành động Phá thai Quốc gia / National Abortion Action Coalition cho biết luật phá thai “thực sự là một phương thế để thực thi quan niệm tôn giáo rằng linh hồn hiện diện trong cơ thể kể từ thời điểm thụ thai”. Được trích dẫn trong Pamela Winnick, A Jealous God: Science’s Crusade Against Religion (Nashville: Thomas Nelson, 2005), 18.
36. Những người nói về việc phá thai dưới góc độ linh hồn có xu hướng chấp nhận những ý tưởng của phương Đông hoặc Thời đại mới về sự tái sinh – và trớ trêu thay họ lại thường chấp nhận việc phá thai. Starhawk, một tác giả hàng đầu về chủ nghĩa tân ngoại giáo nữ quyền và việc thờ cúng nữ thần, viết: “Tôn giáo Nữ thần không có phán quyết cứng rắn và nhanh chóng về thời điểm một khối tế bào bào thai trở thành một sinh vật. . . . Phụ nữ là những tác nhân đạo đức, và theo truyền thống Nữ thần và Pagan, mỗi chúng ta đều có thẩm quyền tinh thần của chính mình. Chúng ta có quyền tự mình giải quyết những vấn đề này chứ không phải để các cơ quan chính phủ xác định trước cho chúng ta. Chúng ta có quyền quyết định điều gì đang diễn ra bên trong cơ thể mình. Từ chối quyền đó của phụ nữ là mời gọi chính phủ can thiệp vào mọi hình thức lựa chọn riêng tư và cá nhân.” (Starhawk and M. Macha Nightmare, The Pagan Book of Living and Dying [San Francisco: HarperSanFrancisco, 1997]; excerpts at https://www.onfaith.co/onfaith/2008/09/25/abortion-and-the-goddess/4187)
Tương tự, Erin Pavlina tự nhận mình là một nhà ngoại cảm “người kết nối với những linh hồn hướng dẫn của bạn”. Cô ấy nói rằng một đứa trẻ được thụ thai khi một linh hồn trong cõi tinh linh quyết định tái sinh trong một gia đình cụ thể. “Cho dù bạn mất một đứa con do phá thai, sẩy thai hay khi nó mới chào đời. . . hãy yên tâm rằng không có cảm giác khó khăn, buồn bã, hối tiếc hay tức giận nào về phần linh hồn sớm quay trở lại cõi tinh linh. Tất cả đều là một phần của vòng tròn cuộc sống. Và cuối cùng thì mọi chuyện cũng diễn ra hoàn hảo.” Từ bài đăng trên blog của cô ấy, “Những đứa trẻ bị phá thai hoặc sảy thai có quay trở lại không?”Erin Pavlina, http://www.erinpavlina.com/blog/2010/04/do-aborted-or-miscarried-babies-come-back/.
37. Nhà hóa sinh Dianne N. Irving viết: “Câu hỏi về thời điểm bắt đầu của sinh vật người hoàn toàn là một câu hỏi khoa học và cần được trả lời bởi các nhà nghiên cứu phôi học con người—chứ không phải bởi các triết gia, nhà đạo đức sinh học, nhà thần học, chính trị gia. . . . Câu hỏi về thời điểm bắt đầu của nhân vị là một câu hỏi mang tính triết học.” “When Do Human Beings Begin? ‘Scientific’ Myths and Scientific Facts,” International Journal of Sociology and Social Policy, February 1999.
38. See Marvin Olasky, The Tragedy of American Compassion (Wheaton, IL: Crossway, 1992).
39. Dick Teresi, The Undead: Organ Harvesting, the Ice-Water Test, Beating Heart Cadavers—How Medicine Is Blurring the Line between Life and Death (New York: Vintage Books, 2012), 127, 98. Teresi is the former editor-in-chief of Science Digest and Omni.
40. “Consensus Statement on Conscientious Objection in Healthcare,” Practical Ethics, August 29, 2016, http://blog.practicalethics.ox.ac.uk/2016/08/consensus-statement-on-conscientious-objection-in-healthcare/.
Leave a Reply