Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nhiều người bình thường đang chấp nhận thuyết nhân vị, ngay cả khi họ không quen với thuật ngữ này. Nghĩa là họ đang chấp nhận quan điểm cho rằng giá trị cuộc sống của họ phụ thuộc vào khả năng thực hiện sự tự quản và kiểm soát của họ. Những người ủng hộ việc trợ tử thường sử dụng các chiến thuật gây hoang mang đánh vào sự sợ hãi cơn đau dữ dội của chúng ta. Nhưng ở những khu vực pháp lý đã hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử, điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những người chọn cái chết đều không trải qua đau đớn hay thống khổ. Một nghiên cứu cho thấy họ sợ nhất là “sự mất mát sắp xảy ra về cái tôi của mình, về khả năng và chất lượng cuộc sống”—và khi điều đó xảy ra, “họ sợ trở thành gánh nặng cho người khác.”22
Tương tự, một nghiên cứu khác cho thấy phần lớn những người tìm đến bác sĩ để kê cho họ một đơn thuốc gây chết người đều sợ họ bị mất kiểm soát. Họ đánh dấu vào các lý do như “mất quyền tự quản” (91%) và “ít có khả năng tham gia vào các hoạt động” (89%). Chỉ một thiểu số đánh dấu những lý do mà chúng ta thường nghĩ, chẳng hạn như cơn đau làm tê bại (24%) hoặc lo lắng về chi phí điều trị y tế (3%).23
Những cuộc thăm dò ý kiến này cho thấy xã hội thế tục đã thành công trong việc in sâu vào tâm trí mọi người ý tưởng rằng khi chúng ta mất kiểm soát và tự quản, cuộc sống của chúng ta sẽ mất đi giá trị.
Vào năm 2015, một người phụ nữ 75 tuổi tên là Gill Pharaoh đã kết thúc cuộc đời mình trong một phòng khám hỗ trợ tự tử, bỏ rơi những đứa con và người bạn đời yêu thương bà. Lý do của bà? “Tôi không nghĩ tuổi già là điều thú vị.” Người phụ nữ này không gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Bà ấy thậm chí còn tuyên bố: “Tôi đang tận hưởng cuộc sống của mình.” Nhưng bà lo lắng là một thời gian sau đó, bà có thể suy sút đến “giai đoạn mà tôi có thể cần rất nhiều sự giúp đỡ.”24
Thật quá đáng khi ngày nay người ta lo sợ họ sẽ cần đến “sự giúp đỡ” ngày nào đó. Chúng ta phải sát cánh bên những người đang vật lộn với nỗi sợ hãi và cho họ biết rằng ngay cả khi ngày càng mất đi sự tự lập và ít hiệu quả hơn, họ vẫn là những người xứng đáng được quan tâm và tôn trọng. Một sinh viên của tôi tên là Alison Delong, người làm việc cho đường dây nóng hỗ trợ những người muốn tự sát, nói với tôi: “Tôi dành hàng giờ mỗi tuần để thuyết phục người ta đừng tự kết liễu đời mình, và nói với họ rằng mạng sống của họ vẫn còn giá trị. Tôi thật đau lòng khi mọi người nghĩ rằng họ phải có khả năng hoạt động theo năng suất nào đó thì mới được coi là có ý nghĩa.”
Trong tương lai, chúng ta có thể không có quyền quyết định cho chính mình. Ở những bang mà trợ tử (còn gọi là an tử tự nguyện) là hợp pháp, một số bệnh nhân cho biết họ bị áp lực phải kết thúc cuộc đời để tránh việc điều trị y tế tốn kém. Ở Oregon, đã có một số báo cáo về việc bệnh nhân ung thư bị đẩy tới hướng trợ tử vì nó rẻ hơn so với việc điều trị y tế mà họ cần. Thuốc trị ung thư có thể có giá từ 3.000 đến 6.000 đô la Mỹ một tháng, trong khi chi phí cho thuốc gây chết người là khoảng 35 đến 50 đô là Mỹ.25
Bạn chẳng cần phải là thiên tài để thấy cách dễ nhất để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe là tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ. Khi mạng sống con người không còn được coi là có giá trị cố hữu nữa thì nó sẽ bị đặt thuần túy dưới sự tính toán chi phí và lợi ích.
An tử tự nguyện có thể không còn là tự nguyện nữa.
Thật là một bi kịch khi chứng kiến ngành y tế chuyển từ phòng ngừa tự tử sang hỗ trợ tự tử. Phong trào quyền được chết trình bày an tử là việc làm nhân đạo, của lòng từ bi. Nhưng chê bai mạng sống con người là thứ có thể bị vứt đi thì không phải là từ bi. Từ bi (compassion) có nghĩa đen là “đau khổ với” (com = với, passion = đau khổ). Lòng từ bi đích thực có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ thay cho người khác, yêu thương họ đủ để gánh lấy gánh nặng chăm sóc họ.
22. Wesley Smith, “The Abandonment of Assisted Suicide,” First Things, March 4, 2008. Các nghiên cứu khác phát hiện ra rằng “Bệnh tâm thần thậm chí còn làm tăng nguy cơ tự tử hơn bệnh tật thể chất. Gần 95% những người tự tử đã được chứng minh là mắc bệnh tâm thần có thể chẩn đoán được trong những tháng trước khi tự sát. Phần lớn bị trầm cảm có thể được điều trị.” Herbert Hendin, Seduced by Death: Doctors, Patients, and Assisted Suicide (New York: W.W. Norton, 1998), 34–35.
23. Emily Barone, “See Which States Allow Assisted Suicide,” Time, November 3, 2014.
24. Ali Venosa, “Healthy, Retirement-Aged Woman Chooses Death by Assisted Suicide Because Old Age ‘Is Awful,’” Medical Daily, August 4, 2015.
25. Susan Donaldson James, “Death Drugs Cause Uproar in Oregon,” ABC News, August 6, 2008.
Leave a Reply