Những người theo chủ nghĩa siêu nhân thường nói với giọng điệu phấn chấn, như thể một điều không tưởng do công nghệ tạo ra sắp đến gần. Adrian Woolfson của Đại học Cambridge cho biết chúng ta đang “trên đà của một sự khai sáng mới”. Cuối cùng chúng ta có thể “có khả năng sửa đổi bản chất của chính mình và tạo ra cuộc sống nhân tạo.”56 Nhưng tầm nhìn không tưởng này chỉ là ảo ảnh. Điều quan trọng nhất trong việc tạo ra một xã hội nhân đạo thực sự không phải là trình độ công nghệ mà là một thế giới quan chiếm ưu thế. Một thế giới quan cho rằng cuộc sống con người không có giá trị hay phẩm giá cố hữu sẽ không bao giờ dẫn đến những điều không tưởng, cho dù công cụ và công nghệ có tiên tiến đến đâu.
Triết gia Luc Ferry – trong một cuốn sách quảng bá chủ nghĩa vô thần nói cách ngạc nhiên rằng chính Kitô giáo đã đưa ra khái niệm về quyền bình đẳng. Nó lật đổ hệ thống phân cấp xã hội cổ xưa giữa giàu và nghèo, chủ nhân và nô lệ. Ferry viết: “Theo Kitô giáo, tất cả chúng ta đều là ‘anh em’, cùng là những thụ tạo Chúa dựng nên”. “Kitô giáo mở ra tư tưởng phổ quát.”57
Một người vô thần khác, Richard Rorty, đồng ý. Trong một bài giảng tại UNESCO, ông nêu ra rằng trong suốt lịch sử, các xã hội đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để loại trừ một số nhóm nhất định khỏi đại gia đình nhân loại. Những người thuộc một bộ tộc, thị tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo khác đều bị coi là chưa đạt được tiêu chuẩn con người. Ngược lại, Rorty nêu ra, Kitô giáo đã làm cho các quyền phổ quát được chú ý đến, xuất phát từ niềm tin “rằng tất cả con người đều được tạo ra theo giống hình ảnh của Chúa”.
Tuy nhiên, trong thời hiện đại, Rorty nói, do Darwin mà chúng ta không còn chấp nhận câu chuyện sáng thế nữa. Vì vậy, chúng ta không còn bị ràng buộc về mặt đạo đức để bắt buộc phải khẳng định rằng mọi người về mặt sinh học đều có cùng phẩm giá như nhau.58
Ngụ ý của nó rất rõ ràng: Một khi một nền văn hóa từ bỏ niềm tin rằng tất cả con người đều được tạo ra theo giống hình ảnh của Thiên Chúa thì nhân quyền không có nền tảng vững chắc. Bất kỳ hạng người nào đều bị loại trừ hoặc thậm chí bị loại bỏ. Đó là lý do tại sao cuộc tranh luận này rất quan trọng. Như Wesley Smith viết, “Nếu mạng sống con người không quan trọng chỉ vì nó là con người, thì điều này có nghĩa là giá trị đạo đức trở nên chủ quan và ai cũng có quyền quyết định giá trị này.” Chúng ta đã biết điều gì sẽ xảy ra sau đó: “Lịch sử cho thấy rằng một khi chúng ta tạo ra những hạng mục có giá trị khác nhau, những con người bị cơ cấu quyền lực chính trị bôi nhọ bảo là có ít giá trị hơn sẽ bị bóc lột, áp bức và giết chết.”59
Lịch sử của chế độ nô lệ ở Mỹ và các hệ thống toàn trị của thế kỷ 20 đưa ra bằng chứng rõ ràng về những hậu quả khủng khiếp về mặt đạo đức của việc coi con người đơn thuần chỉ là đồ vật. Các chủ nô lập luận rằng người châu Phi không phải là con người hoàn toàn, sau đó các chủ nô đem bán, đánh đòn, săn lùng, hãm hiếp và giết chết họ. Tuyên truyền của Đức Quốc xã đã hạ nhục người Do Thái, gọi họ là “chuột” và “loài sâu bọ của nhân loại”, sau đó sát hại sáu triệu người trong số họ. Trong cuộc Khủng bố Đỏ, Lenin gọi nhiều nhóm người là “những kẻ mất nhân tính” hay nói một cách màu mè hơn là “những kẻ hút máu”, “ma cà rồng”, “kẻ ký sinh” và “kẻ thù giai cấp”. Hạ giá nhân phẩm người khác khiến việc chuyển họ đến các trại tập trung hoặc đơn giản là bắn chết họ trở nên dễ dàng hơn. Trong vụ thảm sát ở Rwanda năm 1994, người Hutu đã bị kích động để thi hành bạo lực, bởi các đài phát thanh của chính phủ gọi người Tutsi là “những con gián” cần phải “tiêu diệt”.
Ngoài bằng chứng của lịch sử, tác động của thuyết nhân vị đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Trong một nghiên cứu xã hội học rất thông minh, John H. Evans đã so sánh quan điểm đạo đức của những người theo Kitô giáo với những người chấp nhận thuyết nhân vị. Thí nghiệm cho thấy thuyết nhân vị thực sự có liên quan đến việc ít ủng hộ nhân quyền hơn. Những thành viên công chúng đồng ý với thuyết nhân vị sẽ ủng hộ việc mua nội tạng từ người nghèo, thí nghiệm trên các tù nhân trái với ý muốn của họ, tra tấn người khác với hy vọng cứu sống nhiều hơn – và ít sẵn sàng hy sinh để ngăn chặn nạn diệt chủng hơn.60
Chúng ta có xu hướng tìm hiểu logic cho những niềm tin cơ bản của mình. Vì Darwin mà nhiều người không còn cơ sở đạo đức cho nhân quyền phổ quát nữa. Chúng ta sẽ thấy những hậu quả xảy ra theo logic trong việc phủ nhận nhân quyền đối với những người được coi là không là nhân vị.
56. Adrian Woolfson, An Intelligent Person’s Guide to Genetics (New York: Overlook Press, 2006), preface.
57. Luc Ferry, A Brief History of Thought: A Philosophical Guide to Living (New York: Harper Perennial, 2011), 77, italics in original.
58. Richard Rorty, “Moral Universalism and Economic Triage,” presented at the Second UNESCO Philosophy Forum, Paris, 1996. Reprinted in Diogenes 44, no. 173 (1996).
59. Zmirak, “Welcome to Our Brave New World.”
60. John H. Evans, What Is a Human? What the Answers Mean for Human Rights (New York: Oxford University Press, 2016). Evans cũng phát hiện ra rằng những người chấp nhận thuyết nhân vị hầu hết là các triết gia, nhà khoa học và nhà đạo đức học chuyên nghiệp. Phần lớn công chúng không chấp nhận thuyết này. Tuy nhiên, chưa rõ họ có cơ sở vững chắc để chống lại nó hay không.
Leave a Reply