12 câu trích sau đây được lấy từ đoạn 8-10 của Thông điệp Humanae Vitae/Về sự sống con người của ĐTC Phaolô VI. Đức Thánh Cha đã đặt nền móng cho sự hiểu biết về gia đình như một tổ chức tự nhiên và siêu hình. Bí tích Hôn Nhân là một bí tích riêng biệt giữa các bí tích vì nó là bí tích duy nhất mà cũng là cơ chế tư nhiên của xã hội.
Về Bí tích Hôn nhân, ân sủng vô hình được trao ban qua dấu hiệu hữu hình của hôn nhân hoàn hảo tổ chức tự nhiên của hôn nhân. Giáo Hội là người canh giữ mọi giới luật luân lý—cả những luật tự nhiên và do mặc khải—và vì thế Giáo Hội có thẩm quyền và bổn phận để giảng dạy về bản chất thật của hôn nhân.
Kế hoạch yêu thương của Chúa
1. Tình yêu đã lập nên gia đình
Bản chất thực tiễn và sự cao quí của Tình yêu trong Hôn nhân được biểu lộ hoàn toàn khi người ta nhìn qua Nguồn gốc tối thượng của nó là Thiên Chúa Tình yêu, “là Cha toàn năng, nguồn mạch của mọi tình cha con, trên trời cũng như dưới đất”.
2. Một tổ chức tự nhiên mà Chúa đã thiết lập
Chính vì thế nên hôn nhân không phải kết quả của ngẫu nhiên hay của các lực lượng tự nhiên, vô ý thức tạo thành. Trái lại, đó là một tổ chức khôn ngoan do Ðấng Tạo Hóa vì tình thương đã thực hiện nơi nhân loại. Ðôi vợ chồng cống hiến chính bản thân mình cho nhau, hòa đồng bản thể của đôi bên lại để hoàn thiện hóa cá nhân mình hầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống và dưỡng dục các đời sống mới.
3. Ân sủng của bí tích hoàn hảo thiết lập tự nhiên
Hơn thế nữa, đối với những người đã chịu Phép Rửa tội. Hôn nhân còn mang sắc thái cao quý của Bí tích ơn nghĩa thánh, lý do vì hôn nhân tượng trưng sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội.
Tình yêu hôn phối
4 Hữu hình và siêu hình
Ðược ý thức như thế, Hôn nhân sẽ bật nổi sáng chói với những đặc tính, những đòi hỏi đặc biệt của tình yêu hôn phối. Do đó chúng ta cần phải có một ý niệm xác thực về vấn đề này.
Trước tiên đó là một thứ tình yêu hoàn toàn nhân nghĩa là vừa hữu hình, và vừa siêu hình. Ðây không phải chỉ là một việc di chuyển tình cảm và bản năng từ người này sang người kia, mà đó chính là một hành vi của lý trí và tự do, một hành vi cần được bảo vệ và gia tăng qua những vui buồn của đời sống thường nhật, để đôi vợ chồng trở nên một tâm hồn, tinh thần và cùng nhau đạt tới đỉnh hoàn thiện của nhân loại.
5. Yêu vì lợi ích của người phối ngẫu
Ngoài ra đây còn là một thứ tình yêu trọn vẹn nghĩa là một hình thức đặc biệt của tình bạn cá nhân, nhờ đó hai vợ chồng cùng nhau chân thành yêu mến, chia sẻ mọi sự, không dấu diếm, không tính toán ích kỷ. Một người phối ngẫu yêu bạn mình không phải vì những cái bạn đã cho mình, mà chính vì bạn với niềm hân hoan vui sướng được lấy chính bản thân mình phong phú hóa cho bạn.
6. Yêu cho đến lúc chết
Ðây cũng là một thứ tình yêu chung thủy và dành riêng cho một người cho đến lúc chết, và đó chính là cảm nghĩ của đôi vợ chồng ngày hai người tự ý, tự nguyện hiến trọn thân mình cho nhau khi nói lên lời giao ước hôn nhân. Lòng chung thủy ấy tuy đôi khi khó thực hiện, song ai cũng công nhận là có thể giữ được, và lòng chung thủy ấy là một thái độ cao quí, đáng trọng. Kinh nghiệm hôn nhân qua bao thế kỷ, với những cử chỉ đáng phục của muôn vạn người chồng trong các thế hệ chứng tỏ rằng lòng chung thủy không những hợp với bản chất của hôn nhân mà còn là nguồn hạnh phúc sâu xa bền vững.
7. Sinh sản và nuôi dưỡng
Cuối cùng đây là một tình yêu phong phú không hề tiêu hao trong việc truyền thông giữa hai vợ chồng, trái lại đủ sức tiếp tục bằng việc tạo những đời sống mới. “Hôn phối và tình yêu trong hôn nhân, tự bản chất nó, được hướng về việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Trên thực tế, con cái là ân huệ tối thượng của hôn nhân và mưu ích rất nhiều cho chính cha mẹ chúng” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 50).
Cha mẹ có trách nhiệm
8. Trách nhiệm trở thành cha mẹ
Vì lý do trên tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng phải ý thức sứ mạng “trách nhiệm trở thành cha mẹ” của mình, một trách nhiệm mà người hiện đại thường xuyên nhắc tới và hết thảy chúng ta cần phải thấu hiểu ý nghĩa xác thực của nó, trách nhiệm ấy cần được cân nhắc, thảo luận dưới nhiều khía cạnh khác biệt nhưng liên hệ với nhau.
9. Luật sinh học và những khuynh hướng của bản năng
Xét về phương diện sinh lý học, nhận “trách nhiệm trở thành cha mẹ” tức là thấu hiểu và tôn trọng các tiến trình hoạt động của sinh lý: trí thức giúp ta khám phá ra khả năng sinh sản, định luật luân lý nằm ngay trong bản chất con người (Summa Theologiae, I-II, q. 94, art. 2).
Xét về phương diện các khuynh hướng của bản năng về tình dục, trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là phải dùng lý trí và lòng cương quyết để điều khiển chúng.
10. Những yếu tố của việc có con cái
Xét về phương diện các điều kiện thể lý, kinh tế, tâm lý và xã hội, trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là: biết cân nhắc suy nghĩ để rồi sẵn sàng làm cho gia đình mình tăng thêm nhân số, hoặc để rồi căn cứ vào những lý do xác đáng, và trong tinh thần tôn trọng lề luật luân lý quyết định tạm ngưng việc sinh sản trong một thời gian ngắn hay vô hạn định.
11. Trật tự luân lý trong gia đình
Ðặc biệt nhất là trách nhiệm trở thành cha mẹ bao hành sự tôn trọng trật tự luân lý do Thiên Chúa ấn định bằng cách biểu lộ một lương tâm ngay chính thẳng thắn. Vì thế việc đảm nhận trách nhiệm trở thành cha mẹ đòi hỏi đôi vợ chồng phải chu toàn nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình, xã hội trong tinh thần tôn trọng bậc thang chính thống của các giá trị.
12. Con người không thể tái tạo hôn nhân theo ý muốn của họ
Chính vì thế nên trong lãnh vực lưu truyền sự sống, họ không có quyền tự do hành động theo sở thích, tự ý lựa chọn những phương pháp cho là chính đáng, trái lại, phải hướng hành động mình theo đúng thánh ý tạo dựng của Thiên Chúa, thánh ý đó được biểu hiện bằng chính bản chất và các hành vi của hôn nhân cũng như bằng các lời giáo huấn liên tục của Giáo hội (Hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 50 và 51).
Bạn có thể đọc thêm về GIÁO LÝ VỀ VẤN ĐỀ TRÁNH THAI
Leave a Reply