Một vài ngày sau, Sam đến nhà thờ cùng với Margie. Thấy hàng chờ giải tội không còn ai, Sam bước vào toà giải để nói chuyện với cha JP.
Sam: Cha JP? Chào cha, con đến đây với Margie. Vì con không thấy ai đến xưng tội nữa nên con quyết định vào chào cha một tiếng. Đồng thời, trong lúc Margie xét mình, con cũng muốn hỏi cha một vài điều về Jeremy.
Cha JP: Rất vui được gặp lại anh, Sam. Có chuyện gì nữa với Jeremy à?
Tình bạn
Sam: À thì cậu ta không muốn đến gặp cha nữa. Việc phải thay đổi, chia tay với bạn trai và dọn ra sống riêng thật là quá mức chịu đựng đối với cậu ấy. Dù vậy, cậu ấy và con đã dành khá nhiều thời gian để nói chuyện với nhau, và thật sự là rất nhiều đấy.
Cha JP: Anh làm tốt lắm Sam. Jeremy cần sự trợ giúp và tốt nhất là đến từ những người bạn nam giới, những ai không xem cậu ta như một đồ vật. Anh hãy cố hướng dẫn cậu ta như thể hướng dẫn một người em trai đang tiến những bước tiến lớn lao để thay đổi cuộc đời.
Giờ đây, Jeremy cần sự đồng hành của anh. Và sẽ rất tốt cho cậu ấy nếu cậu ấy có những người bạn đối đãi với mình như một anh chàng đúng nghĩa.
Đầu tiên, anh hãy thử tham gia vào những hoạt động mà Jeremy ưa thích. Ví dụ, anh biết là cậu ấy thích xem phim chiếu rạp, vậy có thể là hai anh em hãy rủ nhau đi xem phim. Và nếu có thể được, thì hãy rủ thêm một vài anh chàng nữa, những người cũng thích xem phim như Jeremy đấy. Nhờ đó, cậu ấy có thể phát triển những mối quan hệ nam tính bền vững, mà không phải phụ thuộc vào những ý tưởng rập khuôn hay bị gắn liền với văn hoá về ý nghĩa thực sự của sự nam tính.
Sam: Nghe ổn đó cha, vì con cũng thích đi xem phim và đồng thời cũng có một số người bạn có cùng sở thích đó. Nhưng, một số người bạn thân nhất của con thì lâu lâu lại thích coi bóng đá. Nếu tụi con không rủ Jeremy thì liệu đó có phải là hành vi loại trừ cậu ấy không?
Cha JP: Anh không nhất thiết phải rủ cậu ấy tham gia mọi cuộc vui đâu. Tuy nhiên, nếu thật sự anh có những thời điểm tụ họp với nhóm bạn bè thân thiết, thì đừng ngại rủ Jeremy đi cùng. Hãy nói cho cậu ấy biết rằng chẳng có gì là bất bình thường hay thiếu nam tính nếu cậu ấy không thích thể thao hay bóng đá.
Vậy nếu Jeremy đồng ý đi vì cậu ấy thích đi chơi chung với anh, thì sau cuộc chơi anh hãy cho cậu ấy một vài gợi ý – một hoặc hai là đủ – về cách làm thế nào để được nên tự nhiên. Tôi tin là cậu ấy sẽ biết ơn anh về điều đó.
Sam: Chà, cảm ơn cha JP. Nhưng con lại lo là… con cảm giác như Jeremy đang bám lấy mình. Liệu điều này có thật sự lành mạnh, và quan trọng hơn, là nó có thật sự lành mạnh cho cậu ấy khi tụi con vẫn làm bạn với nhau hay không? Cậu ấy trông có vẻ rất thiếu thốn “điều đó”, và con e ngại là mình sẽ trở thành cám dỗ cho cậu. Cha nghĩ sao về điều này?
Cha JP: Đừng lo lắng về điều đó. Jeremy đang rất cần một tình bạn nam giới đúng đắn, và nếu có được điều đó thì cậu ấy sẽ không còn khao khát hành vi tính dục đồng tính nữa.
Nhưng đúng là anh cần phải đặt ra một vài giới hạn. Hãy cho Jeremy biết là anh đã có bạn gái, và cô ấy cũng cần được anh quan tâm chăm sóc. Hãy nói cho Jeremy biết lúc nào cậu ấy có thể gọi nói chuyện, và giấc nào thì không nên. Hãy cho cậu ấy biết về những giới hạn này, nhưng đồng thời cũng đừng làm cho cậu ấy cảm thấy mình là gánh nặng cho anh.
Có thể anh nên là người mở đầu trước hết, bằng việc gọi điện trò chuyện với Jeremy hay rủ cậu ấy cùng làm một điều gì đó, thay vì chờ cậu ấy mở lời. Như thế cậu ấy sẽ nhận ra là anh thật sự quan tâm và muốn dành thời gian cho cậu ấy. Cậu ấy sẽ nhận ra là: không phải lúc nào anh cũng sẽ nói “không”.
Sam: Thế còn việc thể hiện cảm xúc cho nhau thì sao? Mỗi lần gặp nhau, Jeremy đều muốn trao cho con một cái ôm thật dài, và con thì cảm thấy không thoải mái với điều đó cho lắm.
Cha JP: Anh đang ở vị thế là người hướng dẫn, vậy nên hãy hướng dẫn cậu ấy – bởi anh giờ đây đang giống như một hướng dẫn viên vậy. Hãy nói cho cậu ấy biết cách mà các chàng trai thể hiện tình cảm với nhau, đó là bằng cái bắt tay, chạm tay (high five) hoặc bất cứ điều gì là trào lưu chào hỏi mới nhất đương thời. Hãy bảo rằng hai người bạn thân thiết có thể ôm nhau, nhưng họ chỉ làm thế khi gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách mà thôi.
Còn nữa, hãy cho Jeremy biết: đấm nhẹ vào cánh tay, hay vỗ vai, không phải là hành vi thô bạo, nhưng đó là cách thể hiện sự nam tính giữa những anh chàng thật sự hiểu nhau. Nếu Jeremy thể hiện thái độ khó chịu vì điều đó, thì hãy nói với cậu ấy rằng những anh chàng khác cũng sẽ không thoải mái với cậu ấy đâu.
Sam: Cha JP này, Jeremy có vẻ không thích thể thao cho lắm. Con có nên mời cậu ấy đi chơi thể thao với con và những anh chàng khác hay không? Cha có nghĩ là việc rủ cậu ấy đi như vậy có làm cậu ấy cảm thấy xấu hổ không?
Cha JP: Jeremy cần phải mạnh dạn bước ra thế giới đàn ông hơn, và thể thao là một phần tích cực của chất nam tính đó, nhưng anh đừng giới thiệu điều ấy cho cậu ta một cách giả tạo hay hời hợt. Chơi những môn thể thao mà cậu ấy không thích chỉ làm tăng thêm cảm giác tiêu cực trong đầu cậu ấy, rằng cậu ấy là kẻ khác người. Vì thế, hãy nói cho Jeremy biết là ngoài kia cũng có những anh chàng không mấy hứng thú hay có khiếu với thể thao cho lắm. Tuy nhiên, nếu cậu ấy tỏ ra thích thú với việc học cách chơi thì anh đừng ngại mời cậu ấy vào đội.
Nếu Jeremy đồng ý, hãy nói cho cậu ta biết cách tự giới thiệu bản thân với những anh chàng kia. Nếu các anh chơi bóng chày, thì cậu ấy nên tự giới thiệu là bản thân chưa hề chơi bóng chày ở trường bao giờ – có lẽ cậu ấy hợp với đua xe hay bóng đá hơn – nhờ đó, cậu ấy có thể chơi ở vị trí không đòi hỏi việc ném bóng quá nhiều.
Vậy nên, nếu anh có thể tiên liệu trước một vài điều như thế, có lẽ anh có khả năng dạy cho Jeremy một vài kĩ năng cơ bản đấy. Hoặc là, nếu sự phối hợp giữa tay và mắt của cậu ta không đáp ứng đủ để chơi bóng chày, thì chắc là anh có thể rủ cậu ấy cùng đi leo núi hay đạp xe đạp.
Sam: Nhưng chắc là cha cũng hiểu rằng chúng ta không thể kỳ vọng một người như Jeremy có thể thích bóng chày chứ, đúng không?
Cha JP: Đúng thế, và anh cũng không nên trông mong điều đó. Nhưng rất nhiều khi chúng ta không thích một thứ gì đó chỉ vì chúng ta không quen với nó. Vậy, anh cứ gợi ý cho Jeremy để cậu ấy có thể dần dần làm quen với một bộ môn thể thao mà cậu ấy muốn. Dù đó có là leo núi hay đạp xe, cậu ấy vẫn có thể tiếp xúc với nam giới tốt hơn, nếu cậu ấy thường xuyên tập luyện bộ môn thể thao đó.
Người bình thường nên phản ứng với người đồng tính thế nào?
Sam: Con cũng có một vài đồng nghiệp dường như bị gay. Thẳng thắn mà nói thì con không cảm thấy thoải mái khi làm việc với họ. Vậy, để mặc họ một mình không phải là sẽ tốt hơn cho họ, và cho cả con nữa, hay sao?
Cha JP: Họ là đồng nghiệp của anh và giữa các anh có một tình bằng hữu lao tác. Ai trong chúng ta cũng cần có tương quan bè bạn cả, nhưng những ai bị hấp dẫn tính dục đồng giới thì đặc biệt cần một mối quan hệ đồng giới lành mạnh và không dính bén tới ái tình. Tất cả chúng ta đều cần phải biết rằng chúng ta được Chúa yêu thương như chính mình, chứ không phải vì bất cứ thứ gì chúng ta có thể đem đến cho người khác.
Sam: Con đã học hỏi được nhiều điều, nhờ vào những lần đối thoại với cha và Jeremy. Liệu con có nên sử dụng những kiến thức mà con thu góp được đây, và ngỏ lời với những người đồng tính rằng con có thể giúp họ vượt qua khuynh hướng của bản thân hay không?
Cha JP: Nếu anh ngỏ lời muốn giúp họ, không chừng anh lại khiến họ bỏ đi đấy. Bởi chưng ngỏ lời như thế cũng đồng nghĩa với việc anh nói với họ rằng: tôi sẽ thật sự yêu mến bạn, nếu bạn chịu thay đổi.
Điều đầu tiên chúng ta cần làm là ngỏ lời kết bạn với họ. Thậm chí là đề nghị họ giúp đỡ anh. Anh có thể mở lời xin được họ giúp đỡ về mặt chuyên môn. Và khi họ thấy là anh biết trân trọng những gì tốt đẹp mà họ trao tặng, có thể họ sẽ mở lời xin anh giúp đỡ cho một vài khía cạnh của đời sống riêng tư.
Hãy cố đối xử với bạn đồng nghiệp đồng tính của anh như bất cứ người bạn bình thường nào khác, đặc biệt là trong lãnh vực tình cảm. Anh bắt tay với người bình thường như thế nào, thì cũng hãy bắt tay với người bạn đồng tính như vậy. Anh vỗ vai người bình thường như thế nào, thì cũng hãy làm y như vậy với người bạn đồng tính. Anh hãy đảm bảo là mình đừng khiến cho họ có cảm giác bị loại trừ. Nếu anh không mời họ làm một điều gì đó, chỉ vì điều đó không liên quan tới họ, thì hãy giải thích với họ cách tế nhị, hoặc có thể là anh hãy chủ động nói với họ trước về điều đó.
Sam: Đâu là cách hồi đáp tốt nhất nếu họ mang chủ đề đồng tính ra nói chuyện với con? Con có nên giả vờ rằng chủ đề đó không phải là một điều gì to tát không?
Cha JP: Nhưng nó thật sự là một điều to tát mà Sam. Đó là chuyện hệ trọng với đồng nghiệp của anh. Nếu anh cho đó là chuyện nhỏ nhặt, thì cũng đồng nghĩa với việc anh cho rằng con người của họ và cách họ nhìn nhận bản thân cũng chỉ là chuyện lặt vặt, không có gì hệ trọng.
Hãy đối diện với nó như thế này: giả như người bạn đồng nghiệp lại gần anh và bảo rằng anh ta mắc một chứng bệnh ung thư trầm trọng. Một mặt, anh không nên phản ứng thái quá, cũng không nên cho rằng anh ta sắp chết. Mặt khác, anh cũng không nên xem sự tình là nghiêm trọng, anh cho rằng anh ta sẽ bình phục thôi. Không, điều đó lại hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự tình, và thể hiện một sự thiếu nhạy cảm đối với cảm xúc của anh ta, vốn đang bị dày vò bởi bạo bệnh
Đồng tính là một chuyện hệ trọng đối với đồng nghiệp của anh, và nếu anh thật sự nghiêm túc xem anh ta như một nhân vị, thì anh cũng sẽ nghiêm túc xem xét khía cạnh này trong cuộc sống của anh ta.
Sam: Vậy con nên làm gì?
Cha JP: Hãy lắng nghe người ấy. Hãy tỏ ra mình có hứng thú. Khi anh cho người đó thấy những điều anh ta nói thật sự quan trọng với mình, thì chính là anh đang nói với anh ta rằng: bạn có một vị trí quan trọng đối với tôi.
Đừng ngắt lời anh ta khi anh ta đang cố giải thích diễn biến nội tâm của mình – thường là rất khó để diễn tả; có thể anh ta đã tích tụ rất nhiều đau thương, giận dữ và căng thẳng. Đừng cố gắng chỉnh sửa anh ta, nhưng chỉ lắng nghe mà thôi. Và khi anh ta hỏi ý kiến của anh, thì hãy cho anh ấy biết quan điểm của mình, nhưng phải luôn luôn nhắc cho anh ta nhớ rằng cuộc đời là do anh ấy quyết định – cả tôi lẫn anh đều không thể sống thay cho anh ta.
Đừng cảm thấy kinh hãi vì bất cứ điều gì anh ta nói. Người đó có thể kể cho anh nghe chi tiết về những hành vi tính dục mà anh có thể cảm thấy kinh tởm; nhưng đừng phản ứng tiêu cực, thay vào đó hãy bảo rằng anh quan tâm đến anh ta, hãy bảo rằng: “tôi viết những điều này là quan trọng đối với anh, nhưng tôi không muốn đi sâu vào từng chi tiết”. Nếu anh ta hỏi lí do, thì cứ nói là vì anh có trí tưởng tượng nhạy cảm quá mức đối với những vấn đề này.
Sam: Nhưng, khi con lắng nghe một cách chăm chú, chẳng phải là điều đó cho thấy con cũng đón nhận hành vi đồng tính hay sao?
Cha JP: Khi một người dám bước ra khỏi “căn phòng nội tâm” của họ, và tiết lộ lí do khiến họ quyết định chọn lối sống đồng tính, thì thường là người đó đang cố thuyết phục ta đồng tình với những gì người đó đã làm. Chúng ta không nên để anh ta nhân dịp này thao túng tư tưởng mình, nhằm khiến ta chấp nhận những mối quan hệ và hành vi đồng tính như là một cái gì đó thăng hoa, một điều gì đó tốt đẹp cho bản thân anh ta hoặc cho xã hội. Đúng là ta phải cảm thông và yêu mến tha nhân như họ là, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta phải yêu mến và đồng thuận với những gì họ thực hiện. Nếu bạn đồng nghiệp của ta buôn bán và sử dụng chất cấm, ta vẫn có thể yêu mến người đó, nhưng không được đón nhận hành vi của anh ta.
Anh hãy cho người bạn kia biết suy nghĩ của anh về chuyện này. Anh có thể nói với người đó đại loại như: “này bạn, tôi là người Do Thái và tôn giáo của tôi luôn coi hành vi đồng tính là tội lỗi trước mặt Thiên Chúa. Tuy vậy, tôi luôn quan tâm tới bạn như một nhân vị, và sẽ luôn tôn trọng con người bạn. Tôi sẽ không ép buộc bạn tin những gì tôi tin…”
Tôn trọng lẫn nhau là nền tảng duy nhất để đối thoại. Mặc dù việc hoàn toàn bỏ mặc anh ta, dù là ngấm ngầm hay dứt khoát khi nói “tôi không muốn có chút gì liên hệ với anh”, là điều sai trái, nhưng việc tỏ ra hờ hững trong đó có lẩn khuất sự cảm thông lại là điều tệ hại. Ví dụ như khi anh nói “chuyện của anh có liên can gì tôi đâu”, hoặc là “tôi sẽ ủng hộ anh trong bất cứ những gì anh nghĩ là mình nên làm”. Thái độ đó sẽ chỉ tạo ra thêm những hành vi mang tính huỷ hoại, chẳng hạn như bất trung tín, bỏ rơi con cái, và các hành vi nghiện ngập tự hủy hoại bản thân khác.
Sam: Vậy làm thế nào để giữ được sự trung dung? Tình huống này thật sự giống như đi trên dây vậy.
Cha JP: Hãy gắn bó với sự thật nhưng đừng quên tình bác ái (Ep 4, 15). Không có sự thật, thì chúng ta chỉ cố tình lờ đi vết thương của anh ta. Nhưng không có bác ái, thì vết thương đó sẽ không bao giờ có cơ hội được chữa lành. Một tình bạn đẹp sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chữa lành những vết thương tương quan ấy.
Sự thật sẽ dẫn chúng ta tới chỗ nhận ra rằng hành vi đồng tính – như mọi thứ tội – chối bỏ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng. Anh hãy cố giải thích cho bạn anh rằng anh sẽ không đồng tình với hành vi đồng tính, nhưng lại không xa lánh hay sợ hãi gì anh ta vì hành vi đó. Ngay cả khi bạn anh từ chối chấp nhận sự thật, đức bác ái và sự tôn trọng thẳm sâu của anh sẽ mở ra chân trời mới cho anh ta. Qua việc chăm chú lắng nghe những gì anh ta muốn nói, anh đã thể hiện bằng hành động cho anh ấy biết rằng tất cả những gì anh ta nói đều quan trọng, vì anh ta là một con người quan trọng.
Sam, tôi đề nghị anh, là một người Do Thái, anh hãy chia sẻ cho bạn anh biết tình thân với Thiên Chúa đã giúp anh vượt qua phiền muộn và bất an như thế nào. Giả như anh là Kitô hữu, tôi cũng đề nghị anh hãy kể cho anh ta biết tình bằng hữu với Đức Kitô sẽ trợ lực chúng ta. Vậy nên, anh hãy kể cho bạn anh nghe về khía cạnh đức tin, và đừng đả động gì tới chuyện đồng tính, cho tới khi anh ta sẵn sàng và tự mình nói về chủ đề đó. Đừng giơ tay hái trái trên cành khi trái vẫn còn xanh.
Sam: Con để ý là có một số người tránh dùng những từ như “gay”, “homosexual” hay thậm chí “sex”. Liệu cách tiếp cận có phần rời rạc này có tốt hơn hay không? Có thể hiện sự tôn trọng hay không, thưa cha?
Cha JP: Hãy thử dùng những từ ngữ mà bạn anh hay dùng; bởi, nói lòng vòng hay né tránh sử dụng những hạn từ ấy sẽ khiến cho anh ta có ấn tượng là anh nghĩ mình tốt lành hơn anh ta – vì anh không sử dụng ngôn ngữ thô tục như thế.
Nhưng, sử dụng hạn từ với độ chính xác cao là một điều hay. Những từ như “hấp dẫn đồng giới” (same sex attraction – SSA), khuynh hướng đồng tính (homosexual inclinations), và “cảm giác đồng tính” (homosexual feelings) là những từ ngữ, so với “đồng tính luyến ái”, thì chúng có độ chính xác cao hơn. Bởi lẽ, đồng tính luyến ái thì quá rộng và có thể gây nhầm lẫn. Vì chưng, đồng tính luyến ái có thể được áp dụng vào nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống và nỗi khổ tâm của con người. Từ “gay” cũng có ý nghĩa rộng là một sự ủng hộ tích cực cho toàn thể một lối sống, bao gồm “hôn nhân đồng tính” (gay marriage) và nhận con nuôi giữa các cặp đồng tính (gay adoption).
Sam: Vậy còn những đề tài mà đám con trai thích bàn tán, ví dụ như thể thao, xe cộ, gái gú thì sao, thưa cha? Con thấy dường như bạn đồng nghiệp đồng tính của con chẳng biết chút gì về những đề tài này.
Cha JP: Hãy rủ anh ta nói chuyện về những chủ đề đó luôn. Nhưng, nếu anh hỏi “bạn biết gì về điều này”, thì sẽ rất khiếm nhã. Thậm chí việc thay đổi đề tài nói chuyện cũng hàm ý rằng anh không nghĩ là anh ta có gì để nói. Điều quan trọng là hãy đối xử với một người đàn ông như một người đàn ông, và đối xử với một người đàn bà như một người đàn bà. Anh hãy hỏi ý kiến anh ta về những đề tài này, nhưng đừng làm anh ta cảm thấy xấu hổ nếu anh ta có nói gì đó ngớ ngẩn – hãy tìm cơ hội khi hai người nói chuyện riêng tư, và nói cho anh ta biết là anh ta nhầm lẫn chỗ nào, hoặc có thể là anh hãy đưa cho anh ta một số sách báo để đọc, nhằm giúp anh ta mở mang kiến thức về những đề tài mà các anh đang nói tới.
Quan trọng hơn nữa, hãy tán thưởng khi anh ta nói điều gì đó hay ho và có chiều sâu. Bởi lẽ, rất có thể là anh ta nhạy bén hơn về cách suy tư của người phụ nữ, cho nên anh hãy tham khảo ý kiến của anh ta về những tình huống mà có thể giúp ích cho các chàng trai trong mối quan hệ yêu đương của họ. Tất cả những điều này sẽ giúp anh ta cảm thấy mình là người bình thường và không bị loại trừ, đồng thời anh cũng tránh được viễn cảnh khiến cho anh ta cảm thấy bản thân như là một công cụ dùng để thử nghiệm.
Sam: Cám ơn cha, đây quả là những lời khuyên hữu ích. Con nghĩ là chúng sẽ giúp con trở nên nhạy bén hơn trước nhu cầu của tha nhân – bởi lẽ những ý tưởng này không chỉ được áp dụng riêng cho người đồng tính mà thôi. Con có một người bạn đang chung sống với bạn gái anh ta, và một người đồng nghiệp khác tuy đã có gia đình nhưng lại trăng hoa với một người phụ nữ.
Cha JP: Đúng thế, Sam: chúng ta cần phải hướng đến tất cả mọi người, dù là thánh nhân hay tội nhân, và khuyến khích họ tự do chọn lựa làm những điều đúng đắn.
Kết giao với nữ tử hoang đàng
(Margie bước vào toà giải tội sau khi Sam đã trao đổi xong. Rồi cô ấy tự giới thiệu bản thân. Sau khi xưng tội xong, cô xin cha JP một vài lời khuyên dành cho BillyLu)
Margie: Cha JP, cảm ơn cha đã giải tội cho con. Con luôn cảm thấy bình an sau mỗi lần xưng tội. Và nếu cha không phiền, con có một vài câu hỏi xin cha giải đáp.
Cha JP: Được thôi, Margie. Tôi có thể giúp gì cho chị?
Margie: Tuần trước con có đi ăn trưa cùng BillyLu, và chúng con có bàn luận về cuộc gặp gỡ của chúng ta tại tiệm pizza một vài tuần trước. Con đã cố gắng lắng nghe và giúp đỡ chị ấy. Con có thể nhận thấy là chị ấy quả thật cần được trợ giúp, và dường như chị cũng rất cảm kích sự hiện diện của con. Con rất muốn giúp chị, nhưng chẳng biết làm sao.
Cha JP: Hãy cứ là chính mình, và tôi có thể nói là chị đang làm rất tốt: hãy cứ tiếp tục là một người bạn chân thành, đó là điều cô ấy cần.
Tôi cũng vừa mới nói chuyện với Sam về điều này. Tôi chắc rằng anh ấy sẽ chia sẻ với chị những gì đã tiếp thu.
Margie: Chắc chắn là anh ấy sẽ làm thế rồi, thưa cha, anh ấy luôn vậy. Anh có kể cho con nghe rất nhiều về lần trò chuyện giữa cha, anh ấy và Jeremy vào tuần trước. Con thấy thật thú vị về cái cách bản dạng của chúng ta có thể được hình thành thông qua các mối quan hệ, hơn là thông qua các hành vi và hoạt động. Mà con thì chưa bao giờ xem xét áp dụng những điều này vào đồng tính luyến ái cả.
Cha JP: Chị có thể bàn luận một số điều trên với BillyLu đấy.
Margie: Nhưng nếu chẳng may con làm không tốt và khiến cho chị ấy thêm rối rắm thì sao?
Cha JP: Vậy cả hai chị có thể cùng ghé qua chỗ tôi và tôi có thể dành thời gian trò chuyện với hai người, như tôi đã từng làm với Sam và Jeremy vậy.
Margie: Vậy thì tuyệt quá!
Con còn một khúc mắc khác: cha nói rằng con nên làm bạn với chị BillyLu. Chắc hẳn là con nên tránh việc tự mình trở thành dịp tội cho chị ấy chứ. Nếu như chị ấy lại mơ tưởng về một mối quan hệ tình cảm với con thì sao? Con không muốn thế đâu. Con nghĩ rằng chị ấy có thể nảy sinh tình cảm với con, giống như cách chị ấy nảy sinh tình cảm với những phụ nữ Kitô hữu khi chị ấy trở thành một Kitô hữu vậy.
Cho nên con nghĩ vấn đề ở đây là: đâu là giới hạn dành cho chúng con trong việc tìm đến và giúp đỡ một con người, vốn vẫn còn đang tích cực sống đời đồng tính?
Cha JP: Câu trả lời đơn giản thôi, Margie. Chúa chúng ta đi tới đâu, chúng ta sẽ đi tới đó.
Tôi rất thích bài dụ ngôn của Chúa Kitô về đứa con hoang đàng (Lc 15, 11-32). Trong đó, Chúa Giêsu mô tả người con thứ đòi chia gia tài, sau đó trẩy đi phương xa và tiêu phí của cải vào lối sống phóng túng. Sau khi bị đói và phải làm tôi nhà người ta, cậu con thứ hồi tâm và quyết định trở về nhà cha mình cầu xin sự tha thứ và chỉ mong được làm đầy tớ trong nhà cha mà thôi. Thế nhưng cha cậu lại chào đón cậu trở về như một đứa con yêu dấu, và mở tiệc ăn mừng. Người anh cả thì lại nổi giận vì việc này, và anh ta không thèm vào dự tiệc chung vui với sự trở về của em mình.
Hầu hết chúng ta đều phản ứng như người anh cả đối với những đứa con đồng tính hoang đàng. Chúng ta không muốn có liên hệ gì với người anh chị em đồng tính của chúng ta cả, và chúng ta cũng giả định rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta cũng sẽ từ mặt họ. Nhưng Người đâu có làm thế, đúng không?
Margie: Không, thưa cha. Nhưng người anh cả đâu có ra đi để tìm kiếm đứa em mà đưa về nhà.
Cha JP: Đáng lẽ anh ta nên làm thế. Cho nên người anh cả quả không phải là một mẫu gương về nhân đức, nhỉ?
Margie: Chắc chắn là không rồi. Nhưng cha có nghĩ là Thiên Chúa muốn chúng ta đi tới phương xa, để tìm kiếm những đứa con hoang đàng của Người hay không?
Cha JP: Đúng, cha nghĩ thế. Đây là điều Chúa chúng ta đã làm. Người đã rời bỏ nhà của Người – là thiên đàng – để ra đi tới một miền đất xa xôi, thông qua việc nhập thể làm người:
Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. (Pl 2, 5-9).
Và khi đã mang lấy tâm tình như Đức Kitô, thì chúng ta cũng nên đi tới những phương xa để làm bạn hữu với những người con hoang đàng. Nếu Chúa Giêsu đón nhận người tội lỗi và ăn uống với họ (Lc 15, 2), thì chúng ta cũng vậy. Người nữ tử hoang đàng kia có thể đang ở trong sự quằn quại của việc phung phá gia sản của cha, nhưng chúng ta có trách nhiệm đồng hành và làm cho cô ấy tin tưởng chúng ta. Và khi cô ấy tiêu phá hết tiền, chúng ta sẽ là những người giúp đỡ cô ấy tìm ra nông trại nào cần tuyển người làm công. Và ở đó, khi phải đối diện với nỗi đau khổ của mình, chúng ta sẽ hỏi cô ấy rằng cảm giác được ở nhà cha thì ra sao, cứ từ từ khơi dẫn cô ấy cho tới khi cô thật lòng thừa nhận: “biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói” (Lc 15, 17). Có thể chúng ta sẽ gợi ý cho cô ấy hãy thử quay về nhà xem sao, thậm chí hãy thử mớm lời cho cô như sau: “Thưa Cha, con đã phạm tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng được làm con gái cha nữa; xin Cha coi con như một người làm công cho Cha” (Lc 15, 18-29).
Margie: Nhưng thưa cha, liệu con có thể làm được như thế với BillyLu hay không? Con cảm thấy chính mình mới là nữ tử hoang đàng, bởi vì con đã rời xa Thiên Chúa và đức tin lúc lên đại học, và đã phung phí gia sản của Cha. Con cũng đã lấp đầy cái bụng đói của mình bằng đậu muồng heo ăn, đó là khi con trao tặng thứ tình cảm bất hợp lẽ cho những gã bạn trai chỉ muốn lợi dụng con. Cho nên, làm sao mà con có thể chỉ bảo BillyLu phải sống thế nào được – bởi vì như thế con sẽ là một đứa đạo đức giả?
Cha JP: Chúng ta đều là những đứa con hoang đàng, Margie à. Nhưng điều làm cho lời chứng của chị được mạnh mẽ là nhờ vào sự thật rằng chị đã có lúc lỗi lầm, và đã biết được cảm giác của nó tệ ra sao. Chị đã từng bỏ Cha mà đi, nhưng giờ chị đã quay trở về. Chị biết được nỗi đau, nỗi buồn, những thương tổn, nhưng cũng đồng thời chị biết được niềm vui khi được ơn tha thứ. Và do đó chị có khả năng chia sẻ niềm vui đó cho BillyLu và cả những người khác nữa.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có nói:
“Biết hoán cải, biết ăn năn tội…biết cải biến đời sống cách triệt để… (Không chỉ là bỏ mình trong bực bội) sẽ dẫn chúng ta tới gần với sự thánh thiện của Thiên Chúa hơn (có nghĩa là chúng ta có khả năng nhận biết chân lý, biết yêu thương và biết mình được yêu thương). Đó còn là tái khám phá bản dạng chân chính của con người, vốn đã bị tội làm cho chao đảo. Đó là một sự giải phóng tận trong sâu thẳm của cái tôi, và nhờ đó con người ta lấy lại được niềm vui đã mất, niềm vui được hưởng ơn cứu độ (x. Tv 51, 12). Đây là điều mà phần lớn nhân loại ngày nay không còn có khả năng cảm nghiệm được nữa”.
Margie này, có lẽ chị nên chia sẻ với cô ấy một vài kinh nghiệm cá nhân của mình về việc thiết lập mối tình con thảo với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta.
Margie: Ồ, con chưa hề nghĩ tới điều này. Nhưng đó quả là một cách hay. Con sẽ thử làm thế với BillyLu, trở thành bạn chị ấy, lắng nghe và đồng hành với chị trên đường đời. Chỉ là con không chắc mình có thể làm tốt hay không.
Cha JP: Tôi nghĩ là chị đã giúp ích cho cô ấy rất nhiều rồi. Cứ tiếp tục thôi.
Chị hãy nghĩ rằng: đã là bạn của cô ấy, chúng ta phải mang người nữ tử hoang đàng này về nhà cha, cũng như phải chứng kiến người cha chào đón cô ấy trở về. Người cha chắc chắn sẽ cảm tạ chúng ta, sẽ mời chúng ta vào cùng chung hưởng “niềm vui to lớn trên trời”, vì đứa con hoang đàng nay đã sám hối ăn năn (Lc 15, 7).
Có thể chị sẽ muốn suy niệm về việc Chúa Giêsu đã đối đãi với người phụ nữ bị bắt quả tạng phạm tội ngoại tình ra sao (Ga 8, 3-11), hoặc là cuộc gặp gỡ của Người với người phụ nữ Samari tội lỗi (Ga 4, 7-27). Tôi có thể tưởng tượng ra Chúa chúng ta sẽ đối xử với người có khuynh hướng đồng tính cũng cùng một cách mà Người đối xử với những người phụ nữ kia. Trong từng hoàn cảnh, Người luôn cho ta thấy rằng phẩm giá con người – giá trị của họ trong mắt Thiên Chúa – là bất tận: Thiên Chúa ước muốn chúng ta cho chính Người. Tuy nhiên, Người cũng bảo những người phụ nữ kia đừng phạm tội nữa, ngay cả khi những người khác có thể phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề do hành vi tội lỗi của họ gây nên. Chịu trách nhiệm cho hành vi tội lỗi của mình cũng chính là chịu trách nhiệm cho đời mình, và đó là một cách thế để phục hồi phẩm giá con người như là chủ thể tự do. Chỉ có thế, chúng ta mới có thể cảm nhận mình được Chúa yêu thương từ muôn đời, và sẽ tìm lại được tự do của mình.
Đức Giêsu, Đấng đã lệnh truyền chúng ta phải tham gia sứ vụ của Người, nhắc chúng ta rằng: “người mạnh khoẻ không cần thầy thuốc, kẻ đau yếu mới cần. Tôi đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5, 31-32). Vì thế, chúng ta cũng phải được sai đi để đến với tội nhân.
Margie: Nhưng con nên làm thế nào? Nếu như con chẳng biết nói gì thì sao?
Cha JP: Đừng lo lắng phải nói gì, bởi Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chị (x. Mt 10, 19-20; Lc 12, 11-12).
Chị hãy tìm cách dành thời gian với BillyLu. Đó có thể là ăn trưa hay ăn tối, hoặc cùng nhau đi uống cà phê chẳng hạn. Hãy hỏi thăm về cuộc đời cô ấy, bao gồm cả những mối quan hệ mà cô ấy đã có từ trước tới nay, với cha mẹ, anh em, bạn học, bạn trai bạn gái cũ, thậm chí là với tình nhân nữa, vân vân.
Margie: Gì chứ? Liệu con có nên nói chuyện với chị ấy về các mối quan hệ chị có với tình nhân hay không? Cha có chắc về điều này không? Con nghĩ là sẽ rất khó chịu khi phải nghe chị ấy kể về những lần quan hệ tình dục.
Cha JP: Chị chỉ cần tránh không đi vào những chi tiết liên quan tới tình dục mà thôi, nhưng hãy gợi cho BillyLu chia sẻ cho chị nghe về những xung năng trong giao thiệp và tương quan của cô ấy. Chị thật sự không cần phải nói quá nhiều; cứ để cho cô ấy diễn tả mọi sự, và nhiêu đó là đủ để chị nhận ra “cái gì là tốt, cái gì là tệ hại, cái gì là xấu xí”.
Và khi chị biết nhiều hơn về tất cả các mối quan hệ của cô ấy, chị sẽ giúp cô ấy khám phá ra rằng cô ấy đã bị người khác thao túng hay lạm dụng cho nhu cầu của họ, theo nhiều cách thế khác nhau – cũng như chúng ta đều bị lạm dụng, cách này hay cách khác. Có thể cô ấy sẽ nhận ra rằng bản thân cũng đã lợi dụng những người tình y như vậy. Chị hãy nói cho BillyLu biết là chị nhận ra được vấn đề của lạm dụng bạn tình trong các mối quan hệ đồng tính, và rằng chị hy vọng cô ấy không phải là nạn nhân của những vụ lạm dụng đó.
Margie: Nếu chị ấy muốn giới thiệu con cho người bạn tình, thì liệu con có nên chỉ ra người đó đang thao túng chị ấy, hay chỉ ra những khuyết điểm của người đó cho chị ấy biết hay không?
Cha JP: Không, hãy làm điều ngược lại. Cô ấy sẽ quay ra bảo vệ bạn tình nếu như chị chỉ ra những khuyết điểm nơi người mà cô ấy quan tâm. Cho nên chị đừng làm như vậy. Nhưng, nếu chị chỉ ra những đức tính, ưu điểm nơi người tình cô ấy, thì cô ấy sẽ phản ứng để bảo vệ chính mình. Cô ấy sẽ nói những câu đại loại như: “chị làm gì biết con người thật sự của cô ấy…”, “ôi dào, chị cứ thử sống với cô ấy vài ngày mà xem…”, hoặc là “trời, ước gì chị thật sự thấy được cái cách người đó đối xử với em…”.
Tôi nói cho chị một bí mật: tôi cũng đã đem lời khuyên này cho các bậc cha mẹ vốn đang thất vọng hay không tin tưởng người bạn trai/bạn gái của con mình. Tôi đã bảo những người cha người mẹ ấy hãy thử chỉ ra những ưu phẩm của người mà con cái họ đang hẹn hò, và kết quả thường là con cái họ sẽ phát hiện ra những khuyết điểm nơi người bạn trai/bạn gái của mình.
Margie: Con có thể mời BillyLu và Jeremy cùng tham gia với tụi con để giúp đỡ trẻ em khuyết tật được hay không? Cha nghĩ điều đó có nên không?
Cha JP: Đó là một ý tưởng tuyệt vời, Margie. Qua việc dấn thân phục vụ, con người ta học được cách thoát li ra khỏi chính mình để phục vụ nhu cầu của tha nhân, nhờ đó họ học được cách hiện hữu “cho và vì” người khác trong sự hiệp thông giữa người với người. Đây là chìa khoá để tất cả chúng ta phát triển bản dạng dựa trên các mối tương quan.
Điều này có thể giúp mỗi người bọn họ nhận ra đau khổ có khả năng liên kết chúng ta với Đức Kitô thế nào. Điều này cũng có thể giúp họ nhìn khuynh hướng đồng tính của mình trong một luồng sáng mới, như là một cơ hội để chết đi con người cũ, là một dịp để tử đạo (hay làm chứng nhân) một cách đặc biệt cho tình yêu trong sáng và tự hiến mà chúng ta thấy nơi Đức Kitô. Nếu người nào bị cha mẹ, anh em, bạn hữu…bỏ rơi, thì theo lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, họ thật là được an ủi khi biết rằng “Chúa Giêsu luôn hiện diện…như một Đấng đã từng bị ruồng bỏ. Và trong hoàn cảnh đó, Người đồng hoá chính mình với họ”.
Vai trò của cha mẹ
Margie: Tuyệt quá cha ơi. Chắc chắn là con sẽ cố gắng thực hiện điều đó. Con hy vọng Chúa sẽ dùng con làm khí cụ để giúp đỡ chị BillyLu.
Con còn một câu hỏi nữa…không biết cha có thời gian hay không?
Cha JP: Chị cứ hỏi đi, tôi không có gì vội cả.
Margie: Anh Sam bảo con là cha có nói chúng ta không thể trách cứ người làm cha mẹ nếu con cái họ là người đồng tính. Tuy nhiên, cùng lúc đó nếu họ là bậc cha mẹ gương mẫu, thì khả năng cao là con cái họ sẽ không phát sinh khuynh hướng hấp dẫn tình dục đồng giới.
Vì tụi con đang xem xét việc kết hôn, cho nên con không muốn con cái con phải lo lắng về điều này. Cha nghĩ xem có cách nào để ngăn chặn sự đồng tính luyến ái nơi con cái của chúng con hay không?
Cha JP: Chị không nên lo lắng về việc ngăn ngừa đồng tính luyến ái, nhưng hãy quan tâm về việc vun trồng một môi trường gia đình lành mạnh, trong đó con cái anh chị có thể phát triển các mối quan hệ tốt đẹp, nhờ đó chúng cũng sẽ phát triển bản dạng lành mạnh.
Về phương diện này, cha mẹ có thể giúp con mình phát triển mối tương quan với Thiên Chúa và khám phá ra Người luôn dõi theo chúng ta, luôn lắng nghe những lần ta khẩn nguyện, và luôn sẵn sàng ra tay săn sóc chúng ta như thế nào. Con cái nên học cách phục vụ Chúa và làm vui lòng Người, cũng như phải nhận ra rằng những hành vi ích kỉ nhỏ nhen làm tổn hại đến tình thân giao với Người. Tuy nhiên, chúng ta phải tránh mặc cảm tội lỗi thái quá, và phải giúp con trẻ trải nghiệm được tình thương tha thứ của Chúa. Con trẻ phải nhận ra rằng Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như chúng ta là; rằng mỗi cá nhân tự thân là một ân huệ của Thiên Chúa; rằng Người tặng ban cho mỗi người mỗi tài năng khác nhau để phục vụ cho ơn gọi khác nhau trong đời; và rằng nguồn mạch hạnh phúc trên tất cả mọi sự của chúng ta phải được đặt trong mối tương quan với Người.
Margie: Con cũng đang xây đắp mối tương quan giữa mình với Chúa, bởi con biết cha mẹ không thể cho con cái bất kì điều gì mà họ không có.
Nhưng xem ra mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới là chìa khoá để phát triển bản dạng lành mạnh mà. Liệu có điều gì con có thể làm để đảm bảo sự phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ giữa chúng con và con cái mình hay không?
Cha JP: Mặc dù phát triển một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng nó cũng khá là đơn giản: anh chị hãy chân thành đón nhận mỗi đứa con như là hồng ân Thiên Chúa, chứ đừng xem chúng là gánh nặng bao giờ.
Hãy cho con cái thấy rằng mỗi đứa bé là một “hồng ân” bằng vào sự đón nhận, tình cảm và yêu thương vô điều kiện của cha mẹ nó, bất kể việc chăm sóc có phải tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, thậm chí gian truân đi chăng nữa. Đứa trẻ sẽ nhận ra rằng tình thương của cha mẹ không dựa vào hành vi hay khả năng của nó. Thường xuyên la rầy con trẻ sẽ khiến nó cảm thấy bị bỏ rơi hay không đủ tài giỏi để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, và điều đó khiến cho nó đi tìm bản dạng của riêng mình bên ngoài phạm vi gia đình.
Margie: Mặc dù đúng là bậc cha mẹ phải trân trọng nâng niu con mình như một ân ban, nhưng không phải là họ cũng cần phải sửa dạy con khi chúng nó sai lỗi hay sao?
Cha JP: Chắc chắn là thế, Margie, nhưng phải cân bằng. Cha mẹ phải tìm cách cổ vũ con cái mình sử dụng tự do cá nhân để làm điều thiện hảo.
Margie: Nhưng việc cổ vũ con cái đòi hỏi một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau!
Cha JP: Chính xác! Người làm cha làm mẹ tốt lành sẽ luôn cố tạo ra một bầu khí tin tưởng, làm cho từng đưá con cảm thấy được an toàn để bày tỏ những tâm tư lo lắng của nó, ngay cả khi nó có làm gì sai lỗi. Bậc cha mẹ nào nhạy cảm thái quá, hay ưu tư và dễ bị hoang mang sợ hãi sẽ khiến con mình sợ cảm giác bị la mắng hay sửa sai. Thậm chí, người cha mẹ quá lo lắng vì bản thân có quá ít thời gian sẽ khiến con trẻ cảm thấy mình chỉ là một gánh nặng chất thêm vào trên những vấn đề vốn đã đang tồn tại của cha mẹ mình. Do đó, người biết cách làm cha mẹ chu đáo sẽ luôn sẵn sàng đón nhận con cái mình.
Cha mẹ cũng nên khích lệ con cái mình có những người bạn cùng giới và đáng tin cậy. Nhưng nếu mọi chuyện không tiến triển, thì cha mẹ hãy thử tìm hiểu nguyên nhân và dần dần thúc đẩy tình bạn đó nơi con mình.
Nếu một đứa con trai bộc lộ những kiểu cách nữ tính, hay nó thiếu đi sự phối hợp tay mắt, thì người cha hãy lên kế hoạch hỗ trợ nó mỗi ngày, qua việc phát triển mối quan hệ tích cực giữa hai cha con. Ngoài thể thao ra thì ông cũng nên tìm những hoạt động chung để hai cha con có thể gắn kết với nhau nhiều hơn.
Margie: Vậy là, ý cha muốn nói rằng con cái nên cảm thấy thoải mái nói với cha mẹ về tất cả mọi thứ? Con biết một số phụ huynh không bao giờ nhắc đến vấn đề tính dục cho con cái họ, một số khác thì né tránh câu hỏi đó khi đứa bé đề cập. Vậy cha mẹ có nên nói về tính dục cho con cái hay không?
Cha JP: Phải, cha mẹ cần phải thoải mái nói cho con cái biết mọi thứ, và đổi lại chúng cũng sẽ cảm thấy thoải mái trong việc chia sẻ cho cha mẹ tất cả những gì chúng muốn biết, đặc biệt là trong khía cạnh về đức khiết tịnh và đoan chính.
Cha mẹ là người chịu trách nhiệm dạy dỗ con cái mình thật tốt theo tinh thần Kitô giáo về đức khiết tịnh và đoan trang, nhưng sự giáo dục đó cần phải thích hợp với lứa tuổi của đứa trẻ. Họ có thể làm điều đó bằng cách tự mình làm gương, bao gồm việc đặt ra những hạn chế và rào chắn trong việc sử dụng ti-vi, Internet, âm nhạc, vân vân.
Margie: Không phải là tụi nhỏ sẽ rất tức tối khi cha mẹ kiểm soát quyền truy cập mạng truyền thông của chúng hay sao? Đó là kinh nghiệm bản thân con, con luôn tỏ ra khó chịu khi mẹ con bảo con tắt nhạc đi trong lúc đang lái xe; cũng chỉ vì lời bài hát có vài từ chửi thề ở trong đó.
Cha JP: Người trẻ thích được biết là cha mẹ quan tâm tới chúng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc không phải lúc nào chúng cũng có được thứ chúng muốn.
Tuy vậy, chúng ta không được trở nên quá khắt khe trong việc giáo dục, đem tinh thần đặt nặng hơn thể xác. Con cái nên được dạy rằng thân xác và tính dục là điều tốt, vì chúng được Chúa tạo nên. Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng để trả lời con cái một cách từ tốn và với cung giọng tích cực đối với tính tò mò tự phát của con trẻ về thân xác con người và tính dục, nhằm mục đích không gieo rắc sự khinh miệt thân xác và tính dục như thể chúng là hiện thân của tội lỗi. Thay vào đó, cha mẹ nên trình bày khía cạnh lành mạnh về sự thiêng liêng của thân xác và tính dục như là một “bí tích” của nhân vị, và cũng là tặng phẩm người nam và người nữ trao hiến cho nhau.
Margie: Làm cách nào để con có thể biết được là con cái mình đã đủ lớn để biết về một chủ đề nào đó? Chắc hẳn bậc cha mẹ sẽ không muốn hủy hoại sự ngây thơ của con mình qua việc cho nó biết quá nhiều điều khi còn quá nhỏ.
Cha JP: Họ nên bàn chuyện với những người cha mẹ khác. Tôi đề nghị các bậc cha mẹ nên làm bạn với những người cha mẹ nào có con lớn hơn con của họ từ một tới hai tuổi. Nhờ đó họ sẽ biết được những vấn đề mà cặp cha mẹ kia đang gặp phải với con của họ, cũng như cách giải quyết vấn đề. Điều này sẽ đem lại cho những cặp cha mẹ có con nhỏ một cái nhìn toàn cảnh về những gì họ sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới, trước khi những điều đó trở thành vấn đề với con cái họ
Margie: Vậy còn việc giúp con trẻ phát triển các mối quan hệ với bạn bè thì sao thưa cha, vì điều đó có vẻ cũng rất quan trọng trong việc hình thành nên bản dạng của chúng? Con từng đọc được là những đứa trẻ nào có bạn chỉ toàn là người khác giới thì sẽ có nguy cơ cao trở thành người đồng tính.
Cha JP: Chị nói đúng đấy, cha mẹ tốt phải tìm cách giúp đỡ con mình phát triển các mối quan hệ bạn trai bạn gái lành mạnh. Điều này khởi đầu bằng việc cha mẹ làm gương sáng cho con thông qua các mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội của họ, cũng như khẳng định sự nam tính và nữ tính trong các mối quan hệ đó. Kế đó là hãy đặt con cái trong những tình huống và hoạt động vốn có thể thúc đẩy các mối quan hệ trên, ví dụ như thể thao, cùng với gia đình đi dã ngoại, họp mặt, nghỉ mát, vân vân. Còn nữa, cha mẹ nên giúp con mình tránh xa những hình thức tự cô lập, tự khép kín bản thân, ví dụ như đọc sách, nghe nhạc, chơi games, xem Tivi, sử dụng Internet một mình…
Một cách hữu hiệu để tránh điều này là hãy đặt những hoạt động trên trong bối cảnh xã hội: hãy nghe nhạc, chơi games, hoặc xem Tv như là một hình thức giải trí, thư giãn cùng với gia đình, chứ không bao giờ được làm một mình. Nhờ đó, đứa trẻ ít cảm thấy bị lôi cuốn về những loại hình giải trí tự thân, vốn có thể dẫn đến nó tự tìm những thú vui cho bản thân mà không cần ai khác. Thậm chí, nếu có thể có những giờ chung mà cả nhà cùng nhau đọc sách trong thinh lặng thì cũng là một điều rất tốt.
Margie: Nếu như một vài mối quan hệ bè bạn kia trở nên xấu đi thì sao? Có thể là do đứa trẻ bị bạn nó hay thậm chí là cả nhóm bạn nghỉ chơi, bêu xấu hoặc lăng nhục? Chúng ta có nên bảo vệ đứa trẻ đó hay không, hay là cứ để mặc và coi đó chỉ là chuyện con nít mà thôi?
Cha JP: Nhưng đó có thể là một chuyện hệ trọng đối với đứa trẻ đấy. Ngoài ra, cha mẹ và thầy cô có trách nhiệm phải dạy cho những đứa bắt nạt biết đối xử với người khác bằng lòng bác ái.
Nếu một đứa bé bị bạn bè bêu xấu, cha mẹ nên giúp nó giải quyết vấn đề và tránh cho nó bị nhục nhã, bằng cách chuẩn bị cho nó những lời đối đáp rõ ràng và mạnh mẽ. Cha mẹ cũng có thể khuyến khích nó hãy mạnh bạo hơn, nhưng phải học cách đừng lấy chuyện bắt nạt làm ân oán cá nhân, bởi vì chuyện đối xử tệ giữa những đứa nhỏ với nhau là bình thường, và có thể tránh được. Nếu cần, cha mẹ nên yêu cầu phía nhà trường hành động để loại trừ tình trạng bắt nạt, thậm chí là hãy chuyển trường nếu tình hình không thay đổi. Cha mẹ cũng có thể dạy cho đứa bé thấu hiểu lý do vì sao chuyện bắt nạt xảy ra, và tập cách tha thứ cho ai bắt nạt mình. Điều đó tập cho đứa trẻ học cách bỏ qua, không mang lấy hận thù và tha thứ cho kẻ bắt nạt nó. Đây là sự chữa lành cảm xúc vô cùng thiết yếu.
Cha mẹ cũng nên đặc biệt chú ý khi con mình bước vào giai đoạn tiền thiếu niên, nhằm mục đích canh chừng mọi hành vi bất bình thường. Ví dụ, cha mẹ có thể để ý tới những xu hướng của đứa nhỏ, như hay thui thủi một mình, không có nhiều bạn bè, nghỉ chơi với những đứa bạn lâu năm, tự dưng trở nên ít nói ở nhà, vân vân. Biết quan tâm tới sức khoẻ tinh thần và thể chất dài lâu của con cái sẽ giúp cha mẹ tìm tòi, phát hiện và hành động ngay nếu cần.
Margie: Liệu có khi nào người cha hay người mẹ quá đi sâu hoặc quá kiểm soát sự riêng tư của con cái trong việc ngăn chặn những tình huống tồi tệ hay không?
Cha JP: Hẳn là có thể, bởi vì lo sợ về những gì có thể xảy ra cho con cái họ, cha mẹ có thể trở nên bảo bọc thái quá, và điều đó khiến cho con họ không thể nào trưởng thành toàn vẹn.
Cha mẹ được mời gọi hãy để con mình được tự do. Điều đó có nghĩa là hãy bồi đắp sự tự chủ cảm xúc nơi con cái – đây là điều cha mẹ có thể làm gương nơi bản thân mình – và trong việc sử dụng tốt tự do cá nhân. Nếu cha mẹ kiểm soát con mình thái quá, chúng sẽ không bao giờ học được cách sử dụng tự do của mình.
Qua việc “tôn trọng” người trẻ – đó là, công nhận sự tự do của họ như là một nhân vị – chúng ta khẳng định món quà tự nhiên mà Chúa ban tặng cho họ, chính là được làm con người có nam có nữ. Cha mẹ thể hiện điều ấy bằng cách thật sự lắng nghe con mình với sự từ tốn và tôn trọng, và khích lệ chúng tự do trao dâng bản thân cho cha mẹ, anh em, bạn hữu, vân vân. Một lời cám ơn chân thành gửi đến con cái sau khi chúng làm xong việc nhà, hay là giúp đỡ anh chị em mình, xác nhận rằng đứa trẻ ấy đã chọn vâng lời và hành động. Từ đó, nó sẽ nhận ra rằng một nhân vị trọn vẹn có nghĩa là một chủ thể tự do trong hành động và tương quan.
Margie: Người cha đóng vai trò gì trong việc vun trồng nên một bản dạng lành mạnh, thưa cha? Bởi con sẽ chỉ cưới Sam chỉ khi anh ấy có thể trở thành hình mẫu người cha mà con cái chúng con cần.
Cha JP: Chắc hẳn người cha đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nhân cách và bản dạng của đứa trẻ. Vì thế, người cha phải tích cực tham gia vào công việc giáo dục và nuôi nấng con cái. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II có nói:
Vị trí và phận vụ của người cha trong gia đình và cho gia đình thật sự vô cùng độc đáo và quan trọng tới nỗi không thể thay thế. Như chúng ta đã thấy từ kinh nghiệm cuộc sống, sự thiếu vắng người cha sẽ gây nên sự mất cân bằng về tâm lý và đạo đức, cũng như tạo ra một nỗi khó khăn đáng kể trong các mối quan hệ gia đình, và điều này cũng đúng với trường hợp gia đình có một người cha hung bạo, đặc biệt là khi thói gia trưởng vẫn còn tồn tại. Điều đó hạ nhục phẩm giá phụ nữ và ức chế sự phát triển lành mạnh của các mối quan hệ gia đình
Bằng việc bày tỏ và tái diễn phụ tính của Thiên Chúa trên trái đất này, người nam được mời gọi nhằm đảm bảo sự phát triển hài hoà và hiệp nhất của tất cả các thành viên trong gia đình: ông sẽ thực thi nhiệm vụ này bằng cách thực hành trách nhiệm quảng đại đối với sự sống được thụ thai…nhờ vào sự toàn tâm tận hiến cho việc giáo dục – là một bổn phận ông cùng chia sẻ với vợ mình, nhờ vào tác vụ vốn không bao giờ là nguồn cơn gây chia rẽ, nhưng thúc đẩy sự hiệp nhất và bền vững nơi gia đình, và nhờ vào những chứng tá mà ông thể hiện qua đời sống của một Kitô hữu trưởng thành, là điều sẽ giới thiệu con trẻ đến với kinh nghiệm sống động của Chúa Kitô và Giáo Hội một cách vô cùng hữu hiệu.
Người cha làm được những điều này chủ yếu là nhờ vào sự hiện diện, tình thương và sự gần gũi của mình, đây là điều thậm chí còn quan trọng bội phần trong giai đoạn đứa bé đang chập chững tập đi. Người cha biểu lộ thứ tình cảm tự nhiên mang đậm nét nam tính, đó có thể là những lần đùa giỡn có phần mạnh bạo với con cái, điều này rất cần thiết trong việc hướng đứa trẻ đến với thế giới bên ngoài. Đứa trẻ, đặc biệt là con trai, thường sẽ thấy khó mà có thể gắn kết với cha nó, cũng như khó có thể xác định sự nam tính của bản thân nếu nó sợ cha nó, nếu như nó chưa bao giờ nhận được từ cha nó một cái ôm, hoặc là chưa bao giờ chơi trò vật lộn với cha nó. Các bé gái thì học được cách làm cho cánh đàn ông bày tỏ được nét dịu dàng mềm mỏng của họ, nhờ vào cái cách cha của chúng phản ứng với nụ cười và vẻ đẹp nữ tính của chúng.
Nỗ lực của người cha trong việc tạo nên một sợi dây gắn kết cha con lành mạnh sẽ giúp đứa bé phát triển bản dạng nam tính của nó. Vai trò của người cha trong gia đình là giúp con cái khám phá ra tài năng của mình, cũng như cách những tài năng đó thích ứng với ơn gọi mà Thiên Chúa dành riêng cho mỗi đứa.
Nếu người cha không ở cùng con cái trong những năm tháng đầu đời, thì đứa trẻ có thể sẽ hình thành một cái hố ngăn cách trong tương quan, hay còn gọi là vết thương phụ tử. Nó sẽ ảnh hưởng tới bản dạng của đứa trẻ.
Còn về việc Sam sẽ trở thành một người cha như thế nào, thì chị cứ việc nhìn vào cách cậu ấy gây ảnh hưởng lên con cái, và chị cũng hãy hỏi cậu ấy thử xem cha cậu ấy có ảnh hưởng lên cậu ấy như thế nào. Chỉ cần có thế thôi và chị có thể biết được rất nhiều điều đấy.
Margie: Con thấy rất ấn tượng vì anh ấy tương quan với đám trẻ con rất tốt. Anh ấy thích chơi với chúng, mà chúng cũng mến anh ấy nữa. Giờ con công nhận là việc chọn người chồng cho hôn nhân là điều vô cùng quan trọng.
Cha JP: Tất nhiên rồi, thế nhưng người phụ nữ cũng có một vai trò rất trọng yếu. Thực tế cho thấy, họ có khả năng thúc đẩy chồng mình trở thành một người cha tốt.
Một người mẹ và người vợ giỏi giang thì vừa đằm thắm, vừa hỗ trợ chồng mình, khẳng định vai trò của anh ấy với vị thế là người chồng, chứ không bao giờ được phép chiếm lấy vị trí ấy. Người mẹ nào hay thích kiểm soát, phê phán, chiếm hữu và bảo bọc con cái thái quá thường sẽ có xu hướng đè bẹp tự do cá nhân và tính chủ quan của con mình; điều này ngăn không cho đứa trẻ trở nên một chủ thể sống động trong các mối tương quan. Những bé trai thường có khuynh hướng bám lấy người mẹ nào quá ư bảo bọc con, điều này khiến đứa trẻ ấy hay sợ bị thương (cả về thể chất lẫn cảm xúc) và kế đó là chúng sẽ bắt chước những nét nữ tính của mẹ. Trong khi đó, các bé gái lại có khuynh hướng chê bác sự “kiểm soát” này, và chúng sẽ cảm thấy một ông bố tự chủ (mặc dù không gần gũi) có phần lôi cuốn hơn.
Người phụ nữ nên tránh chất gánh nặng cho đứa trẻ với những vấn đề về các mối quan hệ trong đời sống hôn nhân. Cô ấy phải yêu thương và hỗ trợ chồng, cũng như để cho anh ấy thể hiện được tự do của mình. Nếu cô ấy cần sự trợ giúp trong mối quan hệ với chồng mình, cô ấy nên tìm tư vấn từ những những người ngoài gia đình.
Sự thận trọng của cha mẹ
Margie: Cha có nói là một phần rất lớn những ai có khuynh hướng đồng tính đã từng bị lạm dụng khi còn nhỏ. Liệu cha mẹ có thể làm gì để ngăn chặn điều này hay không? Con tin rằng đây là một trong những nỗi lo sợ lớn nhất mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng có.
Cha JP: Nếu chị xây dựng được một bầu khí tin tưởng, nơi mà con chị cảm thấy thoải mái chia sẻ với chị bất kì điều gì, thì chắc chắn chúng sẽ chạy đến tìm chị ngay khi chúng phát giác ra những dấu hiệu bất ổn đầu tiên. Cha mẹ nên khuyến khích con cái kể cho họ nghe nếu có người lớn hay thậm chí trẻ nhỏ làm một điều gì đó, hay phô bày một cái gì đó không thích hợp hoặc làm cho con cảm thấy không thoải mái. Bởi lẽ giữ bí mật chỉ làm sản sinh ra thêm tổn thương. Thường thì kẻ lạm dụng sẽ doạ nạt đứa trẻ, đe doạ sẽ làm hại chúng, cha mẹ chúng hay anh chị em chúng, nếu chúng tiết lộ cho cha mẹ hay. Hoặc là, kẻ lạm dụng làm cho đứa trẻ cảm thấy mình có lỗi về vụ việc vừa mới xảy ra, và do đó nó sẽ che giấu lầm lỗi của mình, không cho cha mẹ biết.
Đôi khi, một lời đe doạ chung chung như “tao sẽ giết bất kì ai dám động vào con gái tao” có thể khiến cho đứa bé sợ không dám báo với cha nó về vụ lạm dụng, vì nó lo rằng cha nó sẽ sát hại người chú hay anh nó. Do vậy, bé gái ấy sẽ chọn cách thà tự mình ôm lấy gánh nặng ngàn cân của việc bị lạm dụng, còn hơn là gánh nặng của một vụ sát nhân có thể xảy ra.
Nếu có bất kì ai động chạm vào con trẻ và chúng thấy không thoải mái về điều đó, thì hãy cho chúng biết rằng nói “không” và tránh xa kẻ đó ngay lập tức là điều hoàn toàn đúng đắn. Con trẻ nên được dạy cho biết rằng dám nói sự thật và thậm chí nhận sai còn tốt hơn là giấu kín sự việc, bởi đó là hành động giữ bí mật cùng với quỷ dữ.
Margie: Con biết là những kẻ lạm dụng tình dục thường nhắm tới những bé trai nào có vẻ dễ bị đe doạ, hay lủi thủi một mình, hoặc là tay chân vụng về, vân vân. Chúng ta có thể làm gì để ngăn ngừa chuyện này, thưa cha?
Cha JP: Cha mẹ có thể giúp con cái đẩy mạnh sự tự tin, rằng chúng không bao giờ đơn độc, và biết nhận ra tài năng đặc biệt mà Chúa ban cho chúng, bao gồm cả những ân sủng trên cơ thể mình. Con trẻ có thể học biết rằng chúng là quý tử của Thiên Chúa, rằng Người hằng dõi theo chúng, và đã sai thiên thần hộ thủ bảo bọc và che chở chúng.
Cha mẹ cũng nên dạy cho con cái đừng quá lo lắng về ngoại hình, cũng đừng sợ bản thân vụng về lóng ngóng, bằng cách dạy cho chúng hãy tự cười chính mình khi bị té ngã, cũng như biết trân trọng tài năng chúng có, ví dụ tài năng về hội hoạ hay trí tuệ, vân vân. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ tự tin bước vào cuộc sống và thậm chí dám đối đầu với thế gian, và sẽ không dễ bị hiếp đáp.
Margie: Liệu có những dấu chỉ nào để biết đâu là kẻ biến thái thích lạm dụng trẻ em không cha? Làm cách nào để chúng con có thể xác định được kẻ lạm dụng tiềm tàng, nhờ đó chúng con có thể giữ con cái mình được an toàn cách xa chúng?
Cha JP: Chuyện này không dễ đâu, Margie. Thường thì những kẻ lạm dụng là những kẻ được gia đình tin cậy, cũng có thể hắn là bạn bè, nhân viên tại trường học hoặc tại nhà thờ. Chúng thường sẽ tìm cách lấy được lòng tin của cha mẹ trước, rồi mới đến đứa trẻ. Hình ảnh một lão già điên khùng dơ dáy, thường lảng vảng ở khu vui chơi, hay cho trẻ em ăn kẹo, là một hình mẫu vô cùng xa rời thực tế. Đại đa số những kẻ lạm dụng có vẻ ngoài là người rất đàng hoàng – ví dụ như một anh hàng xóm chẳng hạn. Những kẻ đó có thể thực hiện hành vi của chúng chỉ vì chúng trông có vẻ rất đáng tin cậy trong mắt các bậc cha mẹ.
Vì vậy, cha mẹ phải vô cùng thận trọng và đừng cho cho những dấu hiệu bề ngoài xuất hiện, tức là có chuyện gì đó đã xảy ra với con mình, rồi mới hành động.
Margie: Vậy con nên cẩn trọng với những biểu hiện nào?
Cha JP: Nếu chị phát hiện thấy con mình có vẻ né tránh một người nào đó, hãy tìm hiểu với đứa trẻ ngay. Đối với cha mẹ, kẻ lạm dụng trông rất thân thiện, vui vẻ, an toàn và đáng tin, nhưng đứa trẻ sẽ bộc lộ sự sợ sệt và không hứng thú với người đó. Kẻ lạm dụng thường sẽ tặng đứa trẻ những món quà hấp dẫn để lấy lòng chúng – cho nên, cha mẹ nên dạy con nhớ phải kể cho cha mẹ nghe về việc được người khác tặng quà, ngay cả khi người đó nói với chúng rằng “đừng kể cho cha mẹ nghe nhé…có thể họ sẽ không cho cháu giữ món quà này đâu”.
Margie: Việc hàng giáo sĩ hoặc thừa tác viên trong giáo xứ xâm hại tình dục có thường xảy ra không, thưa cha?
Cha JP: Thật đáng buồn là chuyện đó đã xảy ra. Tuy nhiên, cho tới nay đại đa số các linh mục đều trung tín với lời cam kết sống độc thân. Nhưng, một số ít quả thực đã gây tổn thương nghiêm trọng đến những con chiên được giao phó họ cho chăm sóc, cũng như đến toàn thể Giáo Hội. Trong số ít đó, dựa theo “Bản báo cáo của John Jay” về khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo, cho thấy 80% nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ là trẻ vị thành niên nam giới, chứ không phải là con nít.
Đáng buồn thay, các chuyên gia báo cáo rằng 10% trong tổng số các bé trai và 20% trong tổng số các bé gái đã bị xâm hại trước tuổi 18. Tuy vậy, phần trăm kẻ lạm dụng là linh mục thì cực kì thấp. Đại đa số các kẻ xâm hại tình dục không phải là linh mục hay nhân viên giáo xứ, nhưng là thành viên gia đình, họ hàng của nạn nhân: đó có thể là một người chú, anh em họ, hoặc cha dượng. Không phải cứ lập gia đình là ngăn ngừa được khả năng con người ta trở thành kẻ lạm dụng đâu. Nhóm người có tỉ lệ lạm dụng tình dục cao nhất là cha dượng hoặc mẹ kế.
Giáo viên, cảnh sát và huấn luyện viên thể dục có tỉ lệ lạm dụng trẻ em cao hơn so với linh mục Công Giáo; giáo sĩ lập gia đình có tỉ lệ lạm dụng cao hơn so với giáo sĩ độc thân. Tiến sĩ Charol Shakeshaft đến từ Đại học Hofstra công bố một bản báo cáo cho thấy một học sinh Mỹ có nguy cơ bị xâm hại tình dục bởi một nhà giáo cao gấp 100 lần so với tỉ lệ bị lạm dụng bởi một linh mục.
Nhưng sau cùng thì đa số những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em đó cũng đã từng bị lạm dụng khi còn nhỏ – mặc dù điều đó không miễn tội cho chúng. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy cách mà thứ tội này tiếp diễn như thế nào.
Margie: Những chuyện này thật đáng sợ, khi biết rằng chúng ta không thể kiểm soát được những gì có thể xảy ra cho con cái mình. Có lẽ tốt hơn là nên ở độc thân và như thế con người sẽ không phải lo lắng về chuyện này.
Cha JP: Đúng là những gì ta có thể làm với tự do của mình quả thật rất đáng sợ. Thiên Chúa thật sự đã đánh cược rất lớn với mỗi người chúng ta. ĐGH Bênêđictô XVI có nói:
Sự thật về tình yêu Thiên Chúa đã đến với người nam và người nữ trong dòng lịch sử, mời gọi họ tự do đón nhận sự mới mẻ tuyệt đối này…người ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã chấp nhận đánh cược khi trao ban cho con người sự tự do.
Chúng ta nên bắt chước Thiên Chúa, tập trung vào những gì có thể kiểm soát được và khuyến khích tha nhân – bao gồm cả trẻ em nữa – sử dụng tự do của mình một cách hợp lý, qua việc từng người biết chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Margie: Cảm ơn cha JP, những lời này quả thật làm con an lòng. Cha đã gợi cho con một số ý tưởng, và chúng sẽ hữu ích trong hôn nhân của con sau này, cũng như trong việc giúp đỡ chị BillyLu.
Leave a Reply