Hàng trăm năm trước, có một người thanh niên đã phải chiến đấu rất vất vả với những cơn cám dỗ. Anh ta có một người con ngoài giá thú, và có thời điểm anh ta đã phải xin Chúa ban cho anh ta đức khiết tịnh…”nhưng mà từ từ thôi”.35 Anh ta viết: “yêu và được yêu quả thật ngọt ngào đối với tôi, và còn ngọt ngào hơn thế nữa khi tôi được hưởng niềm vui sướng nơi thân xác người tôi yêu. Vì thế tôi đã làm ô nhiễm suối nguồn tình bằng hữu bằng thứ ô uế đến từ dục vọng và tôi đã làm lu mờ vẻ rực rỡ của tình bạn ấy bằng sứ chất lỏng sền sệt của thói tham dục”.36
Ngày nay, chúng ta biết người thanh niên đó là thánh Augustine. Sau này, ngài nhận ra rằng khi còn trẻ ngài đã quá cậy dựa vào sức mình hơn là vào Chúa. Ngài viết: “tôi đã nghĩ rằng sự tiết dục phát xuất từ sức mạnh của con người, là điều tôi không nhận ra nơi bản thân tôi. Con đã quá ngu xuẩn đến độ con không biết…rằng không ai có thể tiết dục được nếu Người không ban ơn cho họ. Vì chắc chắn Người sẽ ban nó cho con nếu những tiếng rên rỉ từ nội tâm con vọng thấu đến tai Người, và nếu con dám tin tưởng đặt mình cho tay Người săn sóc”.37
Giống như thánh Augustine, chúng ta thường thất bại trong việc đạt được đức khiết tịnh vì thói cậy dựa vào chính mình quá mức. Chúng ta là phận người yếu đuối. Nhưng chúng ta không thể dùng điều này làm cớ để phạm tội. Devin Schadt giải thích rằng: “con người có thể tin là bản thân họ yếu đuối trong lãnh vực khiết tịnh, nhưng thay vì dâng sự yếu đuối đó cho Chúa và trải qua quá trình chuộc tội, họ lại đầu hàng trước Satan, tin rằng chìm đắm trong dục vọng sẽ cho họ sức mạnh nam tính. Sức mạnh của con người, nếu không được đầu phục cho Thiên Chúa, sẽ trở thành điểm yếu của họ, và ngược lại, sự yếu đuối của con người, nếu dám dâng cho Thiên Chúa, sẽ trở nên sức mạnh cho họ”.38
Vì thế, sức mạnh lớn nhất của chúng ta là nhận biết sự yếu đuối của mình. Nếu kiêu ngạo luôn xuất hiện trước một cuộc sa ngã, thì chỉ riêng đức khiêm nhường thôi cũng đủ để nuôi dưỡng một đời khiết tịnh rồi. Có lẽ đây là lí do vì sao Chúa Giêsu bảo các tông đồ rằng: “anh em hãy cầu nguyện để khỏi rơi vào cơn cám dỗ”. 39 Người biết chúng ta yếu đuối thế nào, và chúng ta nên nghe theo lời Người dạy. Tuy nhiên, chúng ta thường không cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, bởi vì chúng ta muốn có được chút vui thú trong nó. Thay vì tránh xa cơn cám dỗ, chúng ta lại thích nếm thử, thưởng thức nó trong một khoảnh khắc, và sau đó mới dùng đến ý chí anh hùng để vượt thắng nó. Nhưng, như thánh Josemaria Escriva có viết: “ngay khi bạn thuận tình cho phép cơn cám dỗ bắt chuyện với mình, linh hồn bạn ngay lập tức bị tước đoạt mất sự bình an, cũng giống như việc đồng thuận với điều ô uế sẽ hủy diệt ân sủng vậy”.40
35 Confessions, Book VIII, chapter 7, 17.
36 Confessions, III, chapter 1.
37 Confessions, VI, chapter 11, 20.
38 Devin Schadt, Joseph’s Way: Sponsus (Fathers of St. Joseph: United States, 2013), 27.
39 Matt. 26:41.
40 Saint Josemaría Escrivá, Furrow (New York: Scepter, 2002), 189.
Leave a Reply