Vậy sự trung tín với lời hôn ước có hàm ý rằng các đôi vợ chồng có quyền phó mặc cho sự thụ thai và sinh sản hoàn toàn cho ngẫu nhiên hay không? Thưa không. Khi mời gọi các đôi vợ chồng yêu một cách có trách nhiệm, Giáo Hội cũng kêu gọi họ hãy là cha mẹ có trách nhiệm.
ĐGH Phaolô VI đã nói rất rõ rằng các cặp vợ chồng nên biết rằng “trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là: biết cân nhắc suy nghĩ để rồi sẵn sàng làm cho gia đình mình tăng thêm nhân số, hoặc để rồi căn cứ vào những lý do xác đáng, và trong tinh thần tôn trọng lề luật luân lý quyết định tạm ngưng việc sinh sản trong một thời gian ngắn hay vô hạn định”.33 Bạn hãy chú ý rằng một đại gia đình phải đến từ sự suy tư thấu đáo và quảng đại, chứ không phải phó mặc cho may rủi. Bạn cũng hãy nhớ rằng các đôi vợ chồng phải có “lí do nghiêm túc” để tránh có thai, và phải tôn trọng luật lương tâm, nền tảng luân lý của dấu chỉ.
Lấy ví dụ, một cặp vợ chồng có một lí do nghiêm túc để tránh có thai (có thể là vì gánh nặng tài chính, hoặc về thể chất hay tâm lí của cha mẹ, vân vân), thì họ có thể làm gì để không lỗi phạm đến sự trọn hảo của bí tích? Nói cách khác, họ có thể làm gì để tránh thai mà lại không hề thất tín với lời hôn ước? Tôi dám cá là các bạn cũng đang làm điều này. Đó là họ có thể tránh quan hệ tình dục. Nếu chúng ta hiểu được phẩm giá con người và ý nghĩa tuyệt vời của việc trở nên một xương một thịt, chúng ta sẽ đi đến kết luận một cách lôgic, như Giáo Hội xưa nay vẫn làm, rằng cách duy nhất để “hạn chế sinh nở” mà vẫn duy trì phẩm giá con người đó là hãy tự làm chủ bản thân.
Lại có một câu hỏi: nếu đôi vợ chồng quan hệ với nhau trong thời kỳ không thể thụ thai tự nhiên, thì liệu họ có làm sai lệch sự kết hợp tính dục hay không? Vậy thì ta hãy lấy ví dụ về một cặp vợ chồng đã quá tuổi sinh con. Họ biết họ sẽ không còn thụ thai nữa. Nếu họ tiếp tục quan hệ, dù biết bản thân không thể có con được nữa, thì họ có lỗi phạm tới dấu chỉ bí tích nơi cuộc hôn nhân của họ không? Liệu họ có đang ngừa thai nhân tạo hay không? Thưa không. Ngừa thai nhân tạo, theo định nghĩa, là hành vi giao hợp, có kèm theo một hành động nhằm triệt sinh sự giao hợp đó. Người ta có thể triệt sinh bằng nhiều công cụ, hoặc là sử dụng hoóc-môn, hoặc phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, cắt buồng trứng, và phương pháp cổ điển là xuất ra ngoài (coitus interruptus).
Những cặp vợ chồng “kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên” (natural family planning – NFP) khi họ có lí do chính đáng để tránh mang thai thì không bao giờ triệt sinh hành vi giao hợp; họ không bao giờ ngừa thai nhân tạo. Họ kiểm tra khả năng thụ thai của người vợ, và ngưng quan hệ khi cô ấy đang trong thời kỳ đỏ, và nếu họ muốn, thì có thể quan hệ trở lại khi cô ấy không có thể mang thai cách tự nhiên nữa. Bạn đọc nào chưa quen thuộc với phương pháp NFP hiện đại thì nên lưu ý rằng phương pháp này hiệu quả tới 98-99% trong việc tránh thai nếu sử dụng đúng cách. Hơn nữa, bất cứ người phụ nữ nào, bất chấp sự đều đặn của chu kì cô ấy, đều có thể sử dụng phương pháp NFP thành công. Phương pháp này không hề lỗi thời và kém chính xác như “phương pháp theo chu kỳ kinh nguyệt [đơn thuần] / rhythm method”
33 ĐGH Paul VI, Humanae Vitae 10.
Leave a Reply