Trong một dịp kỉ niệm hôn phối, tôi đã có làm một cặp bàn quỳ như là một món quà cho vợ tôi, để chúng tôi có thể quỳ bên nhau khi cầu nguyện. Trong một giai đoạn hôn nhân gặp khó khăn, sau khi đã cãi nhau với vợ tôi, tôi bước vào phòng, quỳ xuống và ngước nhìn Thánh Giá. Chúng tôi đang gặp bế tắc và không thể có chung tiếng nói trên một số điều mà giờ đây tôi không thể nhớ nổi. Không ai trong chúng tôi mở lời trước, nên tôi hỏi Chúa rằng: “Lạy Chúa, ai mới là người đúng? Con hay vợ con? Nếu cô ấy đúng, xin chỉ cho con thấy. Nhưng con khá chắc là con mới là người đúng”.
Tôi không phải là người thường xuyên nghe rõ lời Chúa phán, nhưng trong hôm ấy, tôi đã nghe tiếng Người. Người bảo tôi: “Bất kể ai đúng ai sai không quan trọng, hãy cứ yêu thương nàng”. Thành thực mà nói, tôi cảm thấy thất vọng về câu trả lời của Chúa, vì tôi rất tò mò không biết tôi sai hay đúng. Nhưng tôi biết chắc đó là điều tôi cần được nghe .
Một người bạn có nói với tôi: “Trong hôn nhân, hoặc là anh đúng, hoặc là anh là người hạnh phúc. Nhưng anh không thể có cả hai”. Đối với những ai có tính hay cứng đầu, điều này có thể tạo ra một động lực thú vị. Mọi người nam đều có cái tôi và lòng kiêu hãnh, và có lẽ không có phương thuốc điều trị nào hữu hiệu cho bằng bí tích hôn phối. Một tác giả thiêng liêng nhấn mạnh: “tình trạng hôn nhân là điều đòi hỏi nhiều nhân đức và sự kiên định hơn mọi thứ khác; hôn nhân là một quá trình thực hành sự hi sinh hãm mình dài bất tận”. Dù vậy, đừng sợ những thách đố, vì như Joseph Barth có nói: “hôn nhân là cơ hội tốt nhất và cũng là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể trưởng thành”.
Vì những thách đố trong hôn nhân có thể rất dữ dội, nên người nam cần phải biết sức mạnh của mình đến từ đâu. Nói ngắn gọn, người nam sẽ biết yêu khi họ cầu nguyện. Tôi có biết một người chồng sống đời cầu nguyện, ông ấy nói với tôi rằng tình yêu của người đàn ông dành cho vợ và gia đình ông ấy có thể được đong đếm bằng cách xem thử ông ấy bảo vệ đời sống nội tâm của mình nhiều tới mức nào. Bạn hãy suy tư về sự thâm sâu trong điều ông ấy nói: mức độ mà người nam gìn giữ đời sống cầu nguyện và linh hồn của họ chính là thước đo để đo lấy tình yêu mà họ dành cho vợ con mình.
Làm thế nào mà tình yêu của người nam lại có thể được đo lường theo lối này? Thiên Chúa là tình yêu, và con người không thể cho đi những gì mà họ không được nhận lãnh. Người nào muốn lớn lên trong tình yêu phải tạo lấy cho mình một khoảng thời gian để tương quan với Chúa mỗi ngày. Họ phải dành lấy một chỗ trong đời cho việc chiêm ngắm nếu họ muốn truyền tải tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân. Sau hết, sự nam tính trong hình thái thuần khiết nhất của nó không phải là những gì mà người đàn ông có thể đạt được. Con người chỉ có thể nhận lấy sự nam tính khi họ nhận lãnh tình yêu của Chúa Cha mà thôi.
Một số người có thể sẽ nghĩ: “Chậc, tôi không phải kiểu người tin vào tâm linh”. Nhưng nói thế thì cũng giống hệt với lối suy nghĩ “tôi không thật sự hữu hình”. Con người gồm cả xác và hồn, và chúng ta chỉ mới sống được “một nửa” nếu chúng ta bỏ quên đi đời sống thiêng liêng. Trong lúc nói chuyện với các sinh viên đại học, Đức Karol Wojtyła có nói: “Các con không bao giờ được phép cho rằng sự thiếu cầu nguyện có nghĩa là tôi không cần cầu nguyện. Thật vậy, chúng ta càng bỏ bê việc cầu nguyện nhiều chừng nào, thì nhu cầu cần được cầu nguyện lại lớn lên nhiều chừng ấy, để khi đến một khoảnh khắc nào đó, nhu cầu đó nổ tung mà đi tìm lối thoát”.
Trong đời sống thiêng liêng, không một ai đứng yên cả. Chúng ta hoặc là tiến tới hoặc là bước lùi. Nếu bạn cảm thấy bạn không tiến gần về phía Chúa bởi vì đời sống thiêng liêng của bạn có vẻ như khô khan, hãy nhớ rằng con người được cứu rỗi nhờ Thiên Chúa, chứ không nhờ vào cảm giác gần gũi với Người. Có lúc, sự khô khan trong cầu nguyện được gây ra bởi thái độ lười biếng và hâm hẩm đối với việc cầu nguyện. Có lúc, Chúa cất đi sự an ủi về mặt giác quan khỏi chúng ta khi cầu nguyện, nhằm để thanh luyện đức tin của chúng ta. Nhưng dù có là gì đi nữa, bạn nên bắt đầu từ chỗ nào?
Kế hoạch đơn giản là thế này: hãy làm bất cứ điều gì Chúa bảo bạn làm. Nhưng làm thế nào ta biết được điều Người muốn nói? Hãy lắng nghe Người. Làm thế nào để có thể lắng nghe? Hãy cho Người cơ hội nói chuyện với con tim bạn trong thinh lặng. Làm thế nào để ta làm được điều đó? Hãy dành thời gian cho việc cầu nguyện. Nếu chúng ta gìn giữ được đời sống cầu nguyện nội tâm, chúng ta sẽ chạm đến được vực sâu của tình yêu vô biên. Nếu chúng ta rút ra khỏi chốn ấy, thì giếng nước chứa đựng khả năng yêu thương của con người chúng ta sẽ cạn khô.
Leave a Reply