Khi nói đến các mối quan hệ của người Kitô hữu, canh giữ trái tim có lẽ là một trong những lời khuyên bạn thường nghe.
Nhưng canh giữ trái tim có nghĩa là gì?
Ranh giới cảm xúc cũng quan trọng như ranh giới thể lý.
Bao xa thì quá xa? Tôi chắc rằng bạn không ngạc nhiên khi nghe tôi luôn nhận được câu hỏi này từ những người trẻ tuổi có thiện chí, đang tìm cách thiết lập một số ranh giới trong các mối quan hệ của họ.
Nhưng tại sao khi trả lời câu hỏi này, chúng ta lại có xu hướng tập trung vào thể lý?
Không, đừng hiểu lầm ý của tôi. Với tư cách là một cố vấn chuyên nghiệp và là một phụ nữ đã từng trải qua việc hẹn hò, tôi nghĩ câu hỏi về ranh giới thể lý thực sự quan trọng và cần phải suy nghĩ và cân nhắc cách nghiêm túc. Điều quan trọng là bạn phải dành thời gian và sức lực cho những câu hỏi như thế này và đưa ra giới hạn của mình trong mối quan hệ hẹn hò – đó là lý do tại sao tôi đã dành cả một chương cho nó trong True Love Dates (chương 8).
Nhưng khía cạnh thể lý có phải là điều quan trọng nhất không?
Đối với tôi, các Kitô hữu có thể quá tập trung vào các khía cạnh “thể lý” của sự thân mật, đến mức chúng ta bỏ qua những ranh giới về cảm xúc và thiêng liêng có khả năng ràng buộc và có thể gây nên những hậu quả tàn khốc không kém.
Có một sức mạnh sâu xa nào đó về sự thân mật tình cảm, mạnh mẽ hơn những gì chúng ta thực sự nhận ra.
Mạnh mẽ hơn một nụ hôn, quyến rũ hơn một cái ôm, có sự gì đó xảy ra khi hai người kết nối với nhau về mặt tình cảm.
Có cái gì đó có khả năng vượt trội hơn cả về thể lý. Một kiểu “tình dục tình cảm” có thể gây hại và đau lòng không kém khi nó tiến quá sâu, quá nhanh.
Emily, bạn tôi đã học được điều này một cách khó khăn. Cô quyết định không thể “cứ thế mà hẹn hò”, mà muốn đợi cho đến khi cô cảm thấy việc hẹn hò chắc chắn sẽ dẫn đến hôn nhân. Quyết định có vẻ khôn ngoan vào thời điểm đó, và khi cuối cùng cô ấy bắt đầu hẹn hò với Brian ở tuổi cuối hai mươi, cô ấy đã đi quá sâu, quá nhanh. Cô ấy đã kìm nén cảm xúc của mình quá lâu nên cuối cùng khi bước vào một mối quan hệ, cô ấy đã để cảm xúc như nước lũ tuôn trào.
Nhưng hẹn hò theo cách lành mạnh về mặt cảm xúc là đây – điều quan trọng là phải đảm bảo rằng mối quan hệ tình cảm của bạn đang phát triển theo tỷ lệ thuận với mức độ cam kết của bạn. Emily cảm thấy gắn bó với Brian đến mức khi mối quan hệ của họ không còn có thể tiếp tục – cô ấy cảm thấy rất bối rối, trống rỗng và tổn thương vô cùng.
Cho phép tôi chỉ ra một số điều cần cân nhắc để tránh nỗi đau do gắn kết tình cảm quá sớm trong một mối quan hệ hẹn hò –mối quan hệ mà có thể không bao giờ đưa đến hôn nhân.
Dưới đây là 3 cách để bảo vệ trái tim của bạn:
1. Chân thành với nhau… nhưng không cầu nguyện cùng nhau ngay lập tức:
Nó có vẻ mâu thuẫn với niềm tin Kitô giáo của bạn. Chúng ta luôn được dạy rằng cầu nguyện là một phần quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng bắt đầu mối quan hệ của họ bằng cách đầu tư thời gian vào việc cầu nguyện sâu sắc với nhau và cùng nhau dành thời gian đọc Lời Chúa. Mặc dù điều này nghe có vẻ tốt lành… theo tôi, đó là một con đường thực sự nguy hiểm trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ.
Việc tìm kiếm Thiên Chúa và trút hết trái tim và tâm hồn của bạn cho Ngài qua lời cầu nguyện là một trong những tình huống khiến bạn dễ bị tổn thương nhất về mặt cảm xúc. Nó như thể bạn trở nên trần trụi về mặt thiêng liêng trước mặt Chúa, bạn không che giấu cảm xúc gì.
Thật tốt khi cầu nguyện cho mối quan hệ của bạn và tìm kiếm giọng nói của Thiên Chúa, nhưng hãy khoan CÙNG NHAU tìm kiếm thánh ý Chúa. Trong giai đoạn đầu của cuộc hẹn hò, hãy tìm cách theo đuổi Chúa cho cá nhân mình, trước khi cho phép mối quan hệ của bạn với Chúa sớm trở thành một bộ ba bằng cách bao gồm cả người yêu của bạn. Sẽ đến lúc hai bạn cần đến sự hiệp nhất tinh thần sâu sắc và mật thiết… nhưng điều đó không phải là lúc này.
Mối quan hệ hẹn hò của bạn trong giai đoạn đầu là khoảng thời gian để tìm hiểu nhau và tìm hiểu tất cả những thứ trên bề mặt mà bạn có thể biết, trước khi đưa nó lên một tầm cao mới. Hãy sử dụng thời gian này chỉ để làm điều đó! Đừng đi quá sâu quá nhanh, bởi vì sự thân mật về cảm xúc đi kèm với những khoảnh khắc được chia sẻ sâu sắc trong việc cầu nguyện, thực sự có thể kéo bạn vào sâu hơn nhiều so với những gì bạn dự định sẽ đi, và cuối cùng, để lại cho bạn một trái tim tan vỡ… và một tinh thần tan vỡ.
2. Biết khi nào nên cởi mở và khi nào không:
Hẹn hò là một thời gian đặc biệt. Đây là thời điểm để thực sự tìm hiểu ai đó và đầu tư vào con người họ. Đó là thời gian bạn mở lòng từ từ và bắt đầu chia sẻ sự thật về con người bạn.
Nhưng chìa khóa là: Mỗi… lần… một… chút. Khi bước vào một mối quan hệ, bạn phải ở một thời điểm trong cuộc sống mà bạn sẵn sàng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và sẵn sàng giao tiếp. Nhưng luôn phải có những giới hạn đối với kiểu cởi mở này. Có những lúc bạn có thể cởi mở và chia sẻ trái tim mình nhưng cũng có những lúc phải kìm nén.
Tôi không khuyên bạn nên ngồi xuống trong buổi hẹn hò đầu tiên và tiết lộ mọi chi tiết cũng như bí mật trong cuộc sống của bạn. Các mối quan hệ nên được coi là một hành trình xây dựng niềm tin. Bạn xây dựng từng chút một. Hãy chân thật, chân thành và trung thực – nhưng không bao giờ thiếu những ranh giới và cân nhắc lí trí.
3. Tránh nói về việc cam kết trước khi bạn cảm nhận được bạn thực sự có thể cam kết:
Xu hướng muốn nói về tương lai khi đang hẹn hò có thể rất hấp dẫn. Các bạn muốn cùng nhau mơ ước, cùng nhau hình dung về tương lai và cùng nhau tạo ra thế giới phía trước cho cuộc sống. Tôi nghĩ rằng cần phải chờ dịp thích hợp kiểu thảo luận này. Sau này trong một mối quan hệ, điều quan trọng là phải có cùng quan điểm và cùng tâm trạng với nhau về những gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ.
Nhưng hãy thành thật mà nói… cuộc trò chuyện đó không nên diễn ra sớm trong mối quan hệ hẹn hò. Khi người ta dấn thân cam kết về những điều vượt xa thời điểm hiện tại của mối quan hệ. Cam kết với tương lai trước khi bạn có sự cam kết của hiện tại là một vấn đề.
Hãy từ từ và cho phép mối quan hệ của bạn trải qua những giai đoạn cần thiết trước khi bạn cho phép cuộc trò chuyện của mình nhảy bước trước. Bởi vì cuộc trò chuyện đi đến nơi nào… trái tim của bạn cũng sẽ hướng tới đó.
Chúng ta luôn nghe các Kitô hữu nói “hãy bảo vệ trái tim của bạn”. Nó trở nên sáo rỗng đến mức tôi e rằng cụm từ đó có thể đã thực sự mất đi ý nghĩa của nó. Thiên Chúa biết trái tim chúng ta mỏng manh đến mức nào, và Người chỉ dạy, van nài chúng ta hãy dành thời gian để bảo vệ, trông chừng và chăm sóc nó. Nhưng việc bảo vệ trái tim không đến từ công thức kỳ diệu hay lời kinh tuyệt vời nào đó… mà là những quyết định thực tế hàng ngày.
Canh giữ trái tim… vì từ đó phát sinh trọn vẹn sự sống của bạn (Châm ngôn 4:23). Câu đó thật hợp tình hợp lý.
Chuyển ngữ từ How to Guard Your Heart: 3 Practical Steps To Preventing “Emotional Sex”
Leave a Reply