Làm sao chúng ta có thể có cái nhìn trung dung về những điều Kinh Thánh dạy về tình dục? Kinh Thánh dạy rằng mọi tạo vật đều tham gia vào câu chuyện của trời đất. Câu chuyện ấy có ba phần: sáng thế, con người sa ngã, và công trình cứu chuộc. Nếu chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng tình dục là đồi bại hoặc dơ bẩn, chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng chính Chúa đã tạo ra tình dục ngay từ thuở ban đầu. Tình dục không phải là thứ được đưa vào sau khi loài người sa ngã. Nó là một phần của con người được sáng tạo theo giống hình ảnh Thiên Chúa ngay từ lúc ban đầu, và Thiên Chúa tuyên bố là “rất tốt lành”. Sau khi tạo ra con người có nam và nữ, Thiên Chúa truyền lệnh cho họ “sinh sản và sinh sôi nảy nở”. Việc tạo dựng một nền văn hóa bắt đầu từ việc tạo ra những đứa trẻ.
Kinh Thánh dạy rằng chúng ta được dựng nên theo giống hình ảnh Thiên Chúa, có nghĩa là mặc dù con người là một phần của thế giới tự nhiên, chúng ta không tìm thấy danh tính đầy đủ của mình trong thế giới tự nhiên. Chúng ta không thể bị giảm xuống để chỉ còn là một phần của thế giới tự nhiên. Ngay cả những đặc điểm mà chúng ta chia sẻ với các sinh vật khác, chẳng hạn như khả năng tình dục của chúng ta, cũng không thể được hiểu đầy đủ bằng thuật ngữ sinh học. Tình dục không chỉ là động cơ và nhu cầu sinh học, để giải trí hay cho việc sinh sản, mà còn là sự hiệp thông giữa con người với nhau. Sự hiệp thông giữa nam và nữ có mục đích phản ánh sự hiệp thông của các Ngôi Vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Định nghĩa thần học kinh điển về Chúa Ba Ngôi là Ba Ngôi là một Chúa vì có cùng một bản thể trong ba Ngôi Vị. Ý nghĩa thiết thực là Thiên Chúa không phải là một thế lực vô ngã như trong các tôn giáo phương Đông; trái lại, Thiên Chúa hiện hữu như những Ngôi Vị riêng biệt, trao dâng trọn vẹn chính mình cho nhau trong tình yêu. John Wyatt viết: “Vì con người được tạo ra theo giống hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta phản ánh bản chất của Chúa nơi con người của chúng ta; chúng ta được tạo dựng để hiến thân cho Thiên Chúa và cho người khác trong tình yêu.”64
Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô gọi mối quan hệ hôn nhân là một “mầu nhiệm cao cả” (Ep 5,32). Từ mầu nhiệm trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự gì đó bí ẩn được biết đến nhờ mặc khải.65 Tính dục của chúng ta có mục đích bày tỏ bản tính của chính Thiên Chúa. Thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rôma chương 1 nói trật tự của thụ tạo là bằng chứng về Thiên Chúa, và vì thân thể chúng ta là một phần của thế giới thụ tạo nên chúng cũng nói về Thiên Chúa và đưa ra bằng chứng về bản chất của Ngài. Chúng ta phải điều chỉnh đôi tai của mình để “nghe” những gì thân thể nói với chúng ta về bản chất của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện hữu như một sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị, Thiên Chúa đã tạo dựng nên những con người có thân xác, với mục đích là trao ban cho nhau về mặt thể lý với tư cách là nam và là nữ.
64. Wyatt, “What Is a Person?”
65. Ví dụ: “khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ” (Rom. 16:25–26 ESV); “và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật” (Eph. 3:9 ESV).
Leave a Reply