Hãy tìm về nguồn
Hàng trăm năm trước, có một người thanh niên đã phải chiến đấu rất vất vả với những cơn cám dỗ. Anh ta có một người con ngoài giá thú, và có thời điểm anh ta đã phải xin Chúa ban cho anh ta đức khiết tịnh…”nhưng mà từ từ thôi”.35 Anh ta viết: “yêu và được yêu quả thật ngọt ngào đối với tôi, và còn ngọt ngào hơn thế nữa khi tôi được hưởng niềm vui sướng nơi thân xác người tôi yêu. Vì thế tôi đã làm ô nhiễm suối nguồn tình bằng hữu bằng thứ ô uế đến từ dục vọng và tôi đã làm lu mờ vẻ rực rỡ của tình bạn ấy bằng sứ chất lỏng sền sệt của thói tham dục”.36
Ngày nay, chúng ta biết người thanh niên đó là thánh Augustine. Sau này, ngài nhận ra rằng khi còn trẻ ngài đã quá cậy dựa vào sức mình hơn là vào Chúa. Ngài viết: “tôi đã nghĩ rằng sự tiết dục phát xuất từ sức mạnh của con người, là điều tôi không nhận ra nơi bản thân tôi. Con đã quá ngu xuẩn đến độ con không biết…rằng không ai có thể tiết dục được nếu Người không ban ơn cho họ. Vì chắc chắn Người sẽ ban nó cho con nếu những tiếng rên rỉ từ nội tâm con vọng thấu đến tai Người, và nếu con dám tin tưởng đặt mình cho tay Người săn sóc”.37
Giống như thánh Augustine, chúng ta thường thất bại trong việc đạt được đức khiết tịnh vì thói cậy dựa vào chính mình quá mức. Chúng ta là phận người yếu đuối. Nhưng chúng ta không thể dùng điều này làm cớ để phạm tội. Devin Schadt giải thích rằng: “con người có thể tin là bản thân họ yếu đuối trong lãnh vực khiết tịnh, nhưng thay vì dâng sự yếu đuối đó cho Chúa và trải qua quá trình chuộc tội, họ lại đầu hàng trước Satan, tin rằng chìm đắm trong dục vọng sẽ cho họ sức mạnh nam tính. Sức mạnh của con người, nếu không được đầu phục cho Thiên Chúa, sẽ trở thành điểm yếu của họ, và ngược lại, sự yếu đuối của con người, nếu dám dâng cho Thiên Chúa, sẽ trở nên sức mạnh cho họ”.38
Vì thế, sức mạnh lớn nhất của chúng ta là nhận biết sự yếu đuối của mình. Nếu kiêu ngạo luôn xuất hiện trước một cuộc sa ngã, thì chỉ riêng đức khiêm nhường thôi cũng đủ để nuôi dưỡng một đời khiết tịnh rồi. Có lẽ đây là lí do vì sao Chúa Giêsu bảo các tông đồ rằng: “anh em hãy cầu nguyện để khỏi rơi vào cơn cám dỗ”. 39 Người biết chúng ta yếu đuối thế nào, và chúng ta nên nghe theo lời Người dạy. Tuy nhiên, chúng ta thường không cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, bởi vì chúng ta muốn có được chút vui thú trong nó. Thay vì tránh xa cơn cám dỗ, chúng ta lại thích nếm thử, thưởng thức nó trong một khoảnh khắc, và sau đó mới dùng đến ý chí anh hùng để vượt thắng nó. Nhưng, như thánh Josemaria Escriva có viết: “ngay khi bạn thuận tình cho phép cơn cám dỗ bắt chuyện với mình, linh hồn bạn ngay lập tức bị tước đoạt mất sự bình an, cũng giống như việc đồng thuận với điều ô uế sẽ hủy diệt ân sủng vậy”.40
Đừng căm thù khiết tịnh
Khi đứng trước thử thách của đức khiết tịnh, một số người coi đó như là một rào cản ngăn họ đạt được sự hoan lạc. Karol Wojtyla giải thích như sau:
“Thực tế là đạt được hay nhận ra một giá trị cao hơn đòi hỏi nỗ lực ý chí phi thường hơn. Vì vậy để tránh cho bản thân khỏi phải nỗ lực, để biện hộ cho sự thất bại của chúng ta trong việc đạt lấy giá trị này, chúng ta thường tối giản hoá tầm quan trọng của nó, chối bỏ sự tôn trọng mà nó đáng phải có, thậm chí coi nó là điều xấu xa trong một khía cạnh nào đó, mặc dù tính khách quan đòi buộc chúng ta phải công nhận điều đó là thiện hảo… Sự căm tức…nó không chỉ bóp méo những đặc tính của sự thiện hảo, nhưng còn giảm giá trị mà đáng lý ra nó đáng phải được tôn trọng, để con người không cần phải chiến đấu nâng bản thân lên tầm mức của sự thiện hảo chân chính, nhưng thay vào đó công nhận một cách “hời hợt” những gì phù hợp, những gì tiện lợi, những gì thoải mái cho bản thân thì đó mới là điều tốt”.41
Đức khiết tịnh không đòi hỏi chúng ta đè nén khát vọng tính dục. Nó đòi hỏi sự làm chủ bản thân trên những khát vọng trong mình. Đó là lí do vì sao Dietrich Bonhoeffer có viết: “điểm cốt yếu của khiết tịnh không phải là dập tắt lửa dục, nhưng là sự quy hướng đời sống con người hoàn toàn về một cùng đích. Nếu không có cùng đích, khiết tịnh chắc chắn sẽ trờ thành trò nhảm nhí. Khiết tịnh là điều kiện thiết yếu cho sự minh mẫn và khả năng tập trung”.42
Mặc dù niềm tin đại chúng đã định nghĩa sai lầm, nhưng nhân đức liên quan tới tính dục không dẫn đến chứng loạn thần kinh chức năng hay bất kì hình thức đau khổ nào khác. Trái lại, chính sự dâm dục mới dẫn đến những điều này. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen nhấn mạnh: “cảm thức về sự trống rỗng, u uất và thất vọng là hậu quả do thất bại trong việc tìm kiếm sự thoả mãn vô tận trong những gì là xác thịt và hữu hạn. Tuyệt vọng là khi con người đi theo chủ nghĩa khoái lạc nhưng không được thoả mãn. Những tâm hồn thất vọng nhiều nhất là khi chúng tìm kiếm Thiên Chúa nơi các thần hư ảo!”.43
Vì thế, nếu cùng đích của chúng ta là yêu một người phụ nữ cách chính đáng, vậy thì chúng ta không cần phải căm thù thông điệp của đức khiết tịnh. Khiết tịnh không bao giờ hủy diệt tình yêu. Khiết tịnh bảo vệ tình yêu.
Cũng như tình yêu làm cho khiết tịnh trở nên khả dĩ đạt đáo, thì khiết tịnh cũng làm cho tình yêu khả dĩ chạm đến. Giống như tình yêu, khiết tịnh không bắt nguồn từ thể xác, nhưng là từ ý chí. Chúng ta chọn yêu, và do đó chúng ta cũng chọn sống khiết tịnh. Đem sự khiết tịnh vào trong một mối quan hệ cũng chính là mời Chúa Kitô đến cư ngụ giữa mối quan hệ ấy, và nơi đâu có Chúa, nơi đó có an bình và hoan hỉ. Tuy điều này cũng sẽ đem lại nhiều thử thách, nhưng như thánh GH Gioan Phaolô II có chép: “tình yêu chân chính…luôn đòi hỏi. Nhưng vẻ đẹp của nó nằm trong những gì mà nó đòi hỏi”.44
Tái thiết
Nhiều cặp đôi muốn rèn luyện đức khiết tịnh nhưng dường như họ lại liên tục quay trở về với thói quen đi quá giới hạn. Họ muốn biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho nhau, nhưng thường thường lại chỉ thể hiện tình cảm mà không có tình yêu Thiên Chúa. Tôi có biết một cặp đôi nọ đã liên tục đi quá giới hạn, và thường xuyên có kiểu đối thoại đáng e ngại như sau: “Anh xin lỗi. Anh không có ý đi xa tới như vậy”. “Em cũng thế, hãy làm lại từ đầu”. Sau nhiều tháng sống trong cái vòng lặp của khoái lạc, kèm theo đó là nỗi ân hận và cảm giác bị cô lập triền miên, họ đã nhận ra rằng thực chất họ đang hủy diệt tình yêu của họ. Mặc dù đôi bên đều cảm thấy sự hấp dẫn nơi đối phương và cảm xúc dành cho nhau là chân thật, họ biết rằng cả hai đều chưa đủ chín chắn về mặt tâm linh để hẹn hò. Đây chính là vấn đề cốt lõi nhưng lại không được chữa lành vì họ thường xuyên nói về việc họ “không muốn tái phạm điều đó lần nữa”.
Vì thế, họ quyết định là sẽ không chia tay, nhưng tạm thời rời xa nhau một thời gian, để thiết lập lại đời sống tâm linh của họ. Họ tạm thời rời xa nhau vài tháng – không phải để hẹn hò với ai khác, nhưng để Chúa củng cố họ trong khả năng yêu thương. Người nam làm việc với một cha linh hướng để có thể giải phóng bản thân khỏi chứng nghiện phim khiêu dâm, trong khi đó người nữ dành thời gian với chuyên viên tư vấn để chữa lành những vết thương trong quá khứ. Đó là quãng thời gian chỉ chuyên tập trung vào Thiên Chúa mà thôi. Trong suốt quãng thời gian này, cảm giác thật nhức nhối khi không được ở bên nhau, nhưng đây lại là điều họ cần. Họ cần phải cảm được điều gì họ có thể đánh mất nếu như họ không cứu vớt tình yêu của mình bằng cách tái thiết trật tự đời sống tâm linh.
Sau vài tháng lìa xa, họ lại quay về bên nhau, và có một mối quan hệ hẹn hò thanh khiết. Đó là một cuộc chiến đáng để chiến đấu, và sau cùng họ đã cứu được mối quan hệ của mình, đã đính hôn trong sự thanh khiết và đã cùng nhau bắt đầu đời sống gia đình. (Chiến lược tiếp theo)
35 Confessions, Book VIII, chapter 7, 17.
36 Confessions, III, chapter 1.
37 Confessions, VI, chapter 11, 20.
38 Devin Schadt, Joseph’s Way: Sponsus (Fathers of St. Joseph: United States, 2013), 27.
39 Matt. 26:41.
40 Saint Josemaría Escrivá, Furrow (New York: Scepter, 2002), 189.
41 Love and Responsibility, 143, 144.
42 Bonhoeffer, quoted in Metaxas, Bonhoeffer, 486.
43 Fulton J. Sheen, Three to Get Married (Princeton, N.J.: Scepter Publishers, Inc., 1951), 2.
44 Message of the Holy Father John Paul II to the Young People of Cuba, Camagüey, January 23, 1998.
Leave a Reply