Ở tuổi 12, Claire bắt đầu cảm thấy một nỗi khó chịu ngày càng gia tăng với cơ thể mình. Cô bé vật lộn với chứng lo âu và trầm cảm, cô hiểu rằng tuổi dậy thì là một giai đoạn nhiều rối ren. Nhưng riêng trường hợp của cô thì có cái gì đó khác. Cô bé là một học sinh đơn độc, không thể nhập bọn được với các nữ sinh khác, và cô bắt đầu tự đặt câu hỏi rằng nỗi ưu phiền này đến từ đâu.
Một ngày kia, cô tình cờ xem được một video tự đề xuất trên mạng về một nhân vật có tiếng, người cũng đã từng vật lộn với giới tính sinh học là nữ của mình, nhưng cuối cùng đã tìm thấy được “bình an” khi tự nhận mình là bản dạng giới đàn ông. Sau khi xem qua một chuỗi các video tương tự, Claire cảm thấy có lẽ cô đã tìm ra được nguyên nhân. Cô bé nghĩ “lý do giải thích cho việc tại sao mình không thoải mái với cơ thể mình, có lẽ là vì đáng lý ra mình nên là đàn ông”. Cô bé cuối cùng cũng dồn hết can đảm để nói cho cha mẹ hay rằng cô cảm thấy cô là một đứa con trai, và muốn chuyển giới, thông qua việc tiêm hoóc-môn và thực hiện mổ loại bỏ bầu vú.
Cha mẹ cô – cả hai đều là nhà khoa học – rất thương con mình và bắt đầu ra sức nghiên cứu để con được chăm sóc cách tốt nhất. Những gì họ xem trên mạng thì đều có cùng một nội dung: “Nếu con bạn nói nó là người chuyển giới, thì nó là người chuyển giới. Hãy chấp nhận thực tế đó và giúp con được chuyển giới để nó có thể phát triển.” Nhưng mẹ của Claire, vốn có bằng tiến sĩ về dược lý, cảm thấy có gì đó thiếu thiếu trong phương pháp điều trị này. Và khi gia đình cô bé bớt thời gian lên mạng và quây quần bên nhau nhiều hơn, Claire bắt đầu tự hỏi không biết có phải định kiến phái tính cứng nhắc mới là căn nguyên cho sự trầm cảm nơi mình hay không.
Một ngày nọ, đang khi nhìn vào gương, và cố tỏ ra dáng đàn ông, cô bé nhớ lại rằng: “Những bộ đồ rộng thùng thình, khó chịu, mái tóc ngắn và đầy hư tổn, gương mặt trông rất thiểu não của mình…chẳng giúp mình cảm thấy khá hơn tí nào. Mình vẫn cảm thấy đau khổ, và ghét chính bản thân.” Nhưng nỗi ưu phiền của cô bé từ từ được giải toả. “Đột nhiên mình lại nghĩ: biết đâu đây không phải là câu trả lời mình cần – có lẽ là một điều gì khác… nhưng thật sự là phải trải qua một quãng thời gian dài để có thể chấp nhận rằng: phải, mình thật sự là con gái”.1
Tình trạng bức bối của Claire biến mất và cô bé dần cảm thấy là chính mình ngay trong cơ thể của cô. Tuy nhiên, nhiều người trải qua tình trạng rối loạn giới tính, hoặc tự coi mình là “chuyển giới”, thì lại không có được hướng giải quyết như vậy. Sự mệt mỏi phiền lụy họ đối mặt từ ngày này sang tháng nọ thật không phải là điều người khác có thể thấu hiểu.
Bạn hãy tưởng tượng mình ăn mặc như một người khác giới trong một ngày thử xem. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng trong khu mua sắm, tại công sở, trong phòng tập gym, trong nhà thờ. Bạn cảm thấy như thế nào? Có khó chịu không? Có cảm thấy là chính mình không? Có cảm thấy bị phán xét không? Nhưng không cần biết sự trải nghiệm ấy có mệt mỏi tới đâu, ít ra bạn vẫn có thể trông mong cho ngày tàn và rũ bỏ lớp trang điểm đầy giả dối ấy. Nhưng nếu có gì đó thật sự bất thường nơi cơ thể bạn thì sao?
Sự phơi phới (euphoria) là một tình trạng bạn cảm thấy hạnh phúc, hân hoan và phấn khích. Trái ngược với nó là tình trạng bức bối (dysphoria), là một chuỗi những cảm xúc buồn bã, khó chịu và bất mãn. Có gốc từ Hy Lạp là dys (khó khăn) và pherein (chịu đựng), sự bức bối về giới tính (gender dysphoria) là khi một người cảm thấy chán chường vì sự bất hợp lý giữa giới tính của người đó và cảm quan về căn tính thật sự của anh/cô ta. Một người từng nói với tôi, “Tôi có thể mô tả sự bức bối như là bạn đang ở nhầm cơ thể, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một sự mô tả nhẹ nhàng cho một điều gì đó rất khó để diễn tả”. Sự mệt mỏi có thể dao động, và đối với một số người thì rất dễ để kiểm soát nó. Tuy nhiên, một số khác nói rằng họ liên tục có cảm giác ghét bỏ chính mình và nó làm họ suy nhược khủng khiếp. Một người nam chia sẻ với tôi như sau: “Nếu tôi phải coi bản thân là nam để làm vui lòng người khác, thật nó khiến tôi rất đỗi cô đơn vì… tôi bị ép phải sống theo cách nghĩ của họ, thay vì tôi được tự do bày tỏ nội tâm của mình”. Tương tự, một người nữ mô tả bản thân cô rằng “Cô đã sống hàng thập kỷ trong một cơ thể đã chết, nó giống như là một suối nguồn đau thương vĩnh cửu vậy”.2
Những người trải qua sự bức bối về giới tính, hoặc nhìn nhận bản thân như là chuyển giới (trans) – hai thứ này không đồng nghĩa với nhau – thường phải đối mặt với nhiều thách đố vượt trên sự phi lí họ cảm thấy nơi chính thân thể mình. Trong một cuộc điều tra hơn 6000 người tự coi mình là chuyển giới, 57% trong số họ có thân nhân không muốn nói chuyện với họ nữa.3 Họ cũng phải chật vật để kiếm việc làm, và đôi khi phải bán thân hoặc ăn xin để tồn tại. Những điều này khiến bản thân họ gặp nhiều nguy hiểm trong cả hai lối sống.4 Một người từng mất việc làm, phải vào cảnh vô gia cư, đã chia sẻ sự tuyệt vọng mà anh đã trải qua như sau: “Tôi đã gào lên với Chúa và nói: ‘Sao ông lại để chuyện này xảy ra cho tôi? Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm gì sai cho ông?’”5
Nếu người Kitô hữu chúng ta cũng dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ với người chuyển giới, như cách chúng ta bàn luận về các bản tin liên quan tới chuyển giới, thì thế giới này thật sẽ tốt đẹp hơn. Thật không may, người chuyển giới đôi khi bị coi như một hệ tư tưởng lầm lạc, cần phải bị bác bỏ và diệt trừ.
Cùng với chủ đề giới tính được xem như một bãi chiến trường, những người bị dán nhãn là “quân cuồng tín cánh hữu đáng ghét chuyên nghi kỵ người chuyển giới” thì liên minh với nhau trong cuộc chiến văn hoá này, trong khi đó “hội những con người cánh tả mỏng giòn, đầy bối rối như bông tuyết” thì cũng dàn trận để sẵn sàng phản công. Cảnh tượng này có thể so sánh như một cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng, còn đứa con tội nghiệp thì ngồi giữa hai chiến tuyến, bỗng chốc trở nên vô hình trong mắt cha mẹ.
Đúng là một bài diễn thuyết về vấn đề dân sự thì cần có thời gian và địa điểm – và đây là một vấn đề rất khẩn thiết đến nỗi những cuộc tranh luận hoàn toàn có thể được khơi lên một cách hợp pháp – nhưng chỉ tranh luận không thôi thì không đủ để giải đáp cho vấn nạn chuyển giới này. Chúng ta cần có đối thoại. Các hệ tư tưởng phải được xem xét kỹ càng, nhưng trước hết, những người trong cuộc cần phải được lắng nghe.
1. Jesse Singal, “When Children Say They’re Trans,” The Atlantic, July/August 2018.
2. Gabriel Mac, “My Penis, Myself,” New York magazine (December 20, 2021).
3. Cf. A. Haas et al., “Suicide Attempts among Transgender and Gender Non-Conforming Adults: Findings of the National Transgender Discrimination Survey” (New York: American Foundation for Suicide Prevention / Los Angeles: Williams Institute, 2014).
4. Cf. E. Wilson et al., “Transgender Female Youth and Sex Work: HIV Risk and a Comparison of Life Factors Related to Engagement in Sex Work,” AIDS and Behavior 13:5 (2009), 902–913.
5. “Tranzformed—Finding Peace with Your God Given Gender,” https://youtu.be/Ebodf8rWpv4.
Leave a Reply