Sống trong sạch không dẫn đến ức chế sao?
Thiên Chúa không phải là người chuyên phá các cuộc vui. Nếu Thiên Chúa muốn phá tan các niềm vui của chúng ta, thì hẳn Kinh Thánh đã thêm vào ba điều răn này:
– Thứ mười một chớ đi chơi trượt bè vượt thác.
– Thứ mười hai chớ chơi trò nhảy dây từ trên cao (bungee jump).
– Thứ mười ba chớ chơi tàu lượn siêu tốc.
Thiên Chúa thật sự muốn cho chúng ta tận hưởng niềm vui. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên tính dục, biết rõ nó đem lại vui thú. Thiên Chúa có thể làm cho tình dục vô vị và nhàm chán, nhưng Ngài đã không làm thế. Và Thiên Chúa cũng không làm cho tình dục tốt đẹp với người này và xấu tệ với người khác. Thiên Chúa muốn cho tình dục tốt đẹp đối với mọi người!
Thế thì tại sao Thiên Chúa đã tạo nên một điều vui thú và đầy khoái cảm như tình dục mà lại không cho chúng ta cơ hội tận hưởng nó trước hôn nhân? Nếu tình dục tốt lành như thế, tại sao chúng ta không thể sử dụng khi chúng ta muốn? Tình dục, giống như bất kỳ một ước vọng hay phận vụ nào khác của con người, có một mục đích, thời gian và nơi chốn rõ ràng.
Tình dục là ước muốn tự nhiên
Tính dục là một phần thuộc bản chất của chúng ta, và khát khao tình dục là một phần tự nhiên của tính dục. Chúng ta có thể rất hấp dẫn về mặt tình dục và khát khao quan hệ tình dục với nhiều người, nhưng việc sử dụng tự nhiên những khích động và hoàn hợp tình dục là nhằm kết hợp chúng ta trọn vẹn với một người và để sinh sản con cái. Có vẻ như ta ức chế nếu không cho phép hành động theo những khát khao tự nhiên của chúng ta. Thế nhưng, có những cách thích hợp và thỏa đáng để thực hiện những khát khao tự nhiên, và cũng có những cách không thích hợp và không thỏa đáng.
Để hiểu được quan niệm này, chúng ta hãy xét ước muốn tự nhiên của con người về thức ăn. Khi chúng ta đói, cơ thể chúng ta muốn ăn. Khi chúng ta ăn, thường chúng ta đáp ứng nhu cầu đó, nhưng một số cách thức ăn uống lại không đáp ứng. Nếu chúng ta quá mê ăn hay ăn không đúng loại thức ăn cần thiết thì có lẽ chúng ta sẽ không thấy thỏa mãn. Thiên Chúa muốn chúng ta ăn để bổ dưỡng cơ thể, và Ngài yêu thích việc chúng ta vui hưởng những thức chúng ta ăn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể ăn bất cứ thứ gì và bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Tôi có thể ngửi thấy mùi bánh quế và cảm thấy đói bụng, muốn ăn ngay miếng bánh ngọt ngào. Nhưng nếu tôi nhận ra đó chỉ là cây nến đang cháy tỏa mùi quế, thì tôi không thể thỏa mãn sự thèm thuồng mà ăn chất sáp ấy, điều đó thật không khôn ngoan. Có một cách tốt hơn để đáp ứng các ước muốn của tôi.
Tình dục, giống như ăn uống, là một khát vọng nhân bản, có nghĩa là chúng ta không thể thực hiện bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu hay với bất cứ ai mà chúng ta thích.
Mục đích tự nhiên của tình dục là liên kết hai người cả đời và để sinh sản con cái. Khoái lạc và sự thân mật phát sinh từ tình dục là điều gắn kết một người nam và một người nữ với nhau. Việc liên kết này mang ý nghĩa vĩnh viễn để có thể chào đón em bé, là mục đích thứ hai của tình dục. Tình dục là một sự giao tiếp tuyệt diệu có ý hướng gắn kết hai người suốt đời, cho dù thế nào thì cũng nhắm tới một hay nhiều đứa con. Bởi thế, thật là trái tự nhiên khi chúng ta tự hiến thân cho bất cứ ai mà ta muốn trên đường đời. Tình dục ngoài hôn nhân không đáp ứng được khát vọng tự nhiên của chúng ta về quan hệ tình dục lành mạnh. Nhưng đức trong sạch thì đáp ứng được. Đức trong sạch nhận thấy và tìm ra được cách sử dụng tính dục một cách tự nhiên và sáng tạo.
Ức chế
Trong tất cả những khao khát tự nhiên của chúng ta, thường chỉ có những khao khát tình dục được xem là bị ức chế nếu không thực hiện được. Cơn đói có thể tự nhiên dẫn đến sự thèm ăn chính đáng. Nhưng nếu thỏa mãn cơn đói lúc đó không đúng giờ, không đúng chỗ, không đúng thức ăn, thì việc ấy không được xem là ức chế. Nhịn không ăn bánh ngọt trước để khỏi làm hỏng bữa ăn tối thì không phải là một sự ức chế. Cũng tương tự như thế, đức trong sạch giúp nhận ra sức hấp dẫn và khát khao tình dục nhưng can ngăn việc thỏa mãn không chính đáng (dâm ô). Chúng ta có ức chế dục tình hay chăng khi chúng ta không thỏa mãn nó? Không. Sự ức chế không chỉ là không thỏa mãn các khao khát của con người.
Ức chế dục tình là dẹp bỏ hẳn hoặc làm giảm đi sức mạnh của tính dục con người. Sự ức chế này có thể xảy ra trong suy nghĩ hay trong hành động của chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta cố từ chối, giảm thiểu hay phớt lờ bản năng tính dục là chúng ta ức chế nó. Nếu chúng ta quan niệm tình dục là xấu xa hay tội lỗi thì chúng ta đang bị ức chế. Giáo Hội dạy rằng tính dục của chúng ta, là những người nam, người nữ có tính dục, thì đẹp, độc đáo và cao quý, không chỉ khi chúng ta thực hiện hành vi tính dục trong hôn nhân mà còn ở mọi thời điểm khác trong cuộc sống chúng ta. Vì thế, sự đè nén tình dục, cố gắng giảm thiểu hay phá hủy quà tặng này của Thiên Chúa, là đi ngược lại với giáo huấn của Hội Thánh.24
Sự ức chế và cái nhìn của Giáo Hội
Nếu bạn nghĩ rằng Kinh Thánh và Giáo hội Công giáo xem luân lý tính dục chỉ là dạy “Đừng có làm nhé”, “Tình dục là xấu xa” và “Không, không và không”, thì bạn có trước mặt một thế giới với đầy những khám phá kinh khủng. Thử đọc lại sách Diễm Ca trong Cựu Ước đi. Bạn sẽ thấy sách này không chỉ mô tả sự quyến rũ và hôn nhân, mà còn trình bày chi tiết những khao khát tính dục và quan hệ tình dục trong hôn nhân.
Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã dành ưu tiên cho việc giảng dạy về tính dục con người trong triều đại giáo hoàng của ngài. Mục tiêu của ngài là làm sáng tỏ sự thật về tính dục của chúng ta trong một thế giới thường ngả về hai thái cực, hoặc là ức chế hoặc là tự do phóng đãng. Trong các bài huấn giáo hàng tuần trong năm năm đầu triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bảo đảm rằng người Công giáo hiểu chắc chắn Giáo Hội tin tưởng ở vẻ đẹp và sức mạnh của tính dục đến mức nào. Qua giáo huấn của mình, Đức Thánh Cha kiên trì bảo vệ quan điểm đức trong sạch là sống tính dục viên mãn, là thăng hoa tình dục chứ không phải ức chế nó.25
Ức chế: hoàn toàn khép kín
Ức chế tính dục có thể có nhiều hình thức khác nhau. Loại đầu tiên xem tình dục tự bản chất là sai trái hay xấu xa. Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về tình dục đều được coi như điều gì xấu xa đến nỗi bằng mọi giá cần phải tránh bất cứ tơ tưởng hay ước muốn về tình dục. Làm như thế triệt bỏ hoàn toàn tính dục của chúng ta.
Mặc dù Brandon không bao giờ nói “tình dục là xấu xa”, nhưng mỗi lần anh có ý nghĩ về dục tình, anh cảm thấy mình có lỗi nặng nề. Thay vì nhận biết những ý nghĩ ấy của anh là một phần tự nhiên của cuộc sống, trong thâm tâm anh lại tự trừng phạt mình, luôn từ chối sự thật rằng anh được tạo thành làm một con người có tính dục. Phải mất nhiều năm sau hôn nhân, cuối cùng anh mới mở lòng mình ra và thật sự vui hưởng tình dục.
Sự ức chế: khép lại trước lúc giao hợp
Một số người chủ trương chỉ tiết chế không giao hợp nhưng cho phép bất cứ hành vi nào khác dẫn đến đó. Tuy nhiên, sự kích thích trong tình dục sở dĩ là nhằm để hoàn hợp, đưa đến kết hợp trọn vẹn và hoàn toàn với người kia. Kích dục chỉ vì mục đích gây vui thú trong giây lát là dâm ô, hoàn toàn không lành mạnh, không trong sạch. Lặp đi lặp lại việc kích thích và dừng lại trước giao hợp là vô hình chung đã luyện tập cho cơ thể chúng ta quen với việc dừng lại thay vì hoàn tất hành vi tình dục, sẽ dẫn đến ức chế.
Vì việc đùa cợt kích thích tình dục rồi làm câm bặt nó là không lành mạnh và thiếu yêu thương, nên Giáo Hội dạy chúng ta không được sử dụng việc kích thích ấy trước hôn nhân. Giáo Hội muốn chúng ta chỉ trải nghiệm trọn vẹn tiến trình từ những khơi gợi dục tình ban đầu cho đến khi hoàn hợp một cách tự nhiên và sâu sắc.26
Ức chế: khép kín do tội lỗi
Những người có quan hệ tình dục trước hôn nhân về sau có thể có cảm giác tội lỗi về những kinh nghiệm đó. Và rồi họ gắn những cảm giác tội lỗi và xấu hổ đó với tình dục. Khi họ kết hôn, có thể họ phải giằng co khi vui hưởng khoái cảm tình dục, vì nó nhắc họ nhớ những tổn thương từ các kinh nghiệm quá khứ.
Rebecca, một thiếu nữ có nghề nghiệp, thành đạt, chỉ “âu yếm” với bạn trai và mong để dành chuyện quan hệ tình dục cho đến ngày cưới. Nhưng rồi họ đã quá “gần gũi” và cô mang thai. Ban trai của cô không chịu nhận là cha của đứa bé. Lúc bấy giờ, việc phá thai là vi phạm pháp luật ở tiểu bang cô đang sinh sống, nhưng cô nghĩ đó là chọn lựa duy nhất. Cô đến một nơi cách đó hai tiểu bang để phá thai, và vì quyết định đó cô bị rối loạn cảm xúc nghiêm trọng. Cô giữ bí mật không cho những người thân yêu biết chuyện. Trong tiềm thức Rebecca đã gán tội ác phá thai dính liền với chính hành vi quan hệ tình dục và với quyết định ham mê chuyện đó của mình. Cô đã lập gia đình nhiều năm và dù sao cô cũng kinh nghiệm được những khơi động tình dục thật sự từ người chồng của mình.
Tránh ức chế
Chúa Giêsu dạy chúng ta sử dụng người khác để tìm vui thỏa, dù là trong tâm trí, là có tội. Người nói: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Như thế làm sao chúng ta có thể đối phó với ước muốn hay sự lôi cuốn tình dục mà không đè nén nó? Chúng ta phải nhớ rằng những tư tưởng hay ước ao tình dục với người khác là tự nhiên, nhất là trong các mối quan hệ yêu đương. Khi những điều ấy xảy đến, chúng ta nên tạ ơn Chúa vì món quà là sự hấp dẫn và tính dục lành mạnh. Như chúng tôi đã mô tả trong chương “Chỉ là ý nghĩ của tôi thôi mà,” chúng ta cũng nên làm chủ những ý nghĩ đó để tránh dâm ô. Cầu nguyện có thể giúp chúng ta đối phó được với tình huống như thế. “Chúng ta càng mời Chúa Kitô vào trong những đam mê và khao khát của chúng ta và để Người thanh tẩy chúng, thì chúng ta càng thấy mình có thể tập kiểm soát được những đam mê khao khát ấy một cách thích đáng.”27
Bất cứ khi nào Heather bị cám dỗ mơ tưởng đến việc thân mật tình dục hay nhớ đến những khoảnh khắc nhục dục trong quá khứ, cô chỉ cầu khẩn Danh Thánh Chúa Giêsu nhiều lần cho đến khi các ý nghĩ của cô chuyển thành sự thật. Sự thật là đòi hỏi về tình dục thì tự nhiên thôi. Sự thật là việc chọn sống trong sạch sẽ làm cho tính dục của chúng ta nên trọn vẹn. Sự thật là quá khứ đã được Thiên Chúa tha thứ.
Kế hoạch của Thiên Chúa không bao giờ làm cho chúng ta triệt bỏ tính dục của chúng ta, nhưng trái lại là giúp nhận ra đó là một quà tặng. Để đối xử với tính dục như một món quà, chúng ta cần học biết cách tránh xa hoặc chuyển hướng các tình huống gây cám dỗ. Việc ức chế ở các mức độ đều làm mất đi tính toàn vẹn và hoàn hảo của tính dục. Mặt khác, sống trong sạch giúp chúng ta tránh được việc ức chế món quà này qua việc nhận ra giá trị của tình dục và biết sử dụng nó theo đúng mục đích tự nhiên được Thiên Chúa tạo thành.
24 Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 2395.
25 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thần Học Về Thân Xác: Tình yêu Phàm nhân trong Kế hoạch Thần Linh, Boston: Pauline Books, 1997, bản dịch Việt ngữ của Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, NXB Tôn Giáo 2016.
26 Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 2353.
27 West, Christopher. Tin Mừng về tình dục và hôn nhân. Ann Arbor, Mich.: Servant Publications, 2000, trang 81.
Leave a Reply