Những người Kitô hữu cũng đang tìm ra những giải pháp tài trí cho các vấn đề đạo đức do công nghệ hiện đại đặt ra. Chúng ta hãy xem xét về việc nhận nuôi phôi thai. Việc hủy phôi thai trong quá trình nghiên cứu thường được cho là chính đáng vì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tạo ra dư thừa phôi thai. IVF là một quá trình trong đó trứng được lấy ra từ người vợ và được tinh trùng của chồng cô ấy thụ tinh trong đĩa Petri. Phôi thu được sau đó sẽ được cấy vào người vợ. Thông thường, số phôi được tạo ra nhiều hơn số phôi thực sự được cấy ghép và số phôi dư thừa bị sử dụng cho nghiên cứu hoặc đơn giản là đổ xuống cống như chất thải y tế.
Những cặp vợ chồng có nguyên tắc đạo đức cao thường yêu cầu phòng khám chỉ thụ tinh cho số lượng phôi thực sự sẽ được cấy ghép. Nhưng điều đó vẫn để lại câu hỏi phải làm gì với số phôi thừa mà các phòng khám IVF đang tạo ra cho các cặp vợ chồng khác. Trong một số trường hợp, phôi thừa được đông lạnh và bảo quản trong trường hợp cặp vợ chồng muốn có thêm con. Điều đáng kinh ngạc là khi những phôi đông lạnh này được rã đông và cấy vào tử cung người mẹ, những phôi thai này phát triển giống hệt như một thai kỳ bình thường. Những người nhỏ bé này được mệnh danh là những em bé “bông tuyết”.
Nếu phôi đông lạnh có thể được cấy ghép, tại sao không cho phép chúng được nhận nuôi? Các tổ chức như Nightlight Christian Adoptions và National Embryo Donation Center tập hợp các cặp vợ chồng và phòng khám lại với nhau để tạo điều kiện đón nhận nuôi phôi đông lạnh. Một người bạn và đồng nghiệp của tôi tại Houston Baptist University, Bruce Gordon, phát hiện ra rằng vợ chồng anh ấy không thể có con. Ở phía bên kia của nước Mỹ, một cặp vợ chồng Kitô hữu khác gặp vấn đề về khả năng sinh sản đã trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm và có thêm hai phôi đông lạnh. Vợ chồng Bruce đã nhận nuôi chúng và rất vui khi có gia đình riêng qua cách đó.
Ưu điểm của việc nhận nuôi phôi là gì? “Nó rẻ hơn nhiều so với việc nhận con nuôi thông thường,” Bruce nói. “Và nó mang lại cho cha mẹ cơ hội kiểm soát việc chăm sóc trước khi sinh để đảm bảo em bé khỏe mạnh – người mang thai không hút thuốc hay uống rượu.”
Mari-Anne, vợ anh, nói thêm: “Các trẻ cũng gắn bó với cha mẹ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.” Theo một báo cáo, “Thai nhi có thể nghe tiếng nói khi còn trong bụng mẹ và kết quả là trẻ sơ sinh đã quen với giọng nói của mẹ mình. Trong các thí nghiệm sử dụng tính năng phát lại giọng nói được ghi âm, trẻ sơ sinh thích giọng nói của mẹ hơn giọng nói của những người phụ nữ khác”.81
Tôi đọc bản hợp đồng của gia đình Gordon do phòng khám sinh sản soạn thảo, và thật buồn cười khi thấy những câu chữ phức tạp được sử dụng để tránh thừa nhận rằng phôi thai đông lạnh là một con người. Thủ tục này không được mô tả là nhận phôi mà là “cấy ghép mô”. Bản thân phôi thai là một “mẫu vật được bảo quản lạnh / cryopreserved specimen” bao gồm “vật liệu sinh học / biological materials” nhằm mục đích “đạt được sự mang thai / achieve a pregnancy”. Điều gì có thể “đưa đến thụ thai” ngoại trừ một phôi thai người còn sống?
Việc nhận nuôi phôi thai đang chứng tỏ là một chiến lược sáng tạo và nhân đạo nhằm bảo tồn sự sống của những con người nhỏ bé vốn đang sống và cho chúng cơ hội được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ yêu thương.
81. Gwen Dewar, “The Social Abilities of Newborns,” Parenting Science, http://www.parentingscience.com/newborns-and-the-social-world.html.
Leave a Reply