Hãy tưởng tượng bạn gặp phải một vụ tai nạn xe hơi lớn trên đường cao tốc, bạn bị gãy một vài xương sườn và bị chấn động não, nhưng bạn nói với các nhân viên y tế rằng:
Đừng lo lắng. Tôi ổn. Tôi không cần đến bệnh viện đâu, họ sẽ chỉ trách tôi vì lái xe quá nhanh. Với lại, tôi sợ kim tiêm, họ sẽ chích tôi bằng đường tiêm tĩnh mạch và tiêm thuốc giảm đau. Tôi có thể tự chữa lành được.
Bạn sẽ sống sót được chứ? Có thể. Nhưng bạn sẽ nhanh chóng được chữa lành hơn nếu đưa vết thương cho bác sĩ. Cũng như cô gái đã phải chịu những tổn thương do lạm dụng tình dục mà vẫn muốn lên kế hoạch tự chữa lành trong im lặng. Bệnh viện tồn tại là có lý do, và gia đình, bạn bè, các chuyên gia tư vấn cũng vậy.
Từ góc độ khoa học, thật đáng chú ý khi ghi nhận những gì xảy ra trong tâm trí của các phụ nữ trẻ khi bị lạm dụng. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas Southwestern Medical School đã phát hiện ra rằng: sự đe dọa do xâm hại và bạo hành dẫn đến mức độ căng thẳng cao, làm tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF). Khi điều này xảy ra, một số gen nhất định trong não được kích hoạt, khiến nạn nhân bị lạm dụng có những biểu hiện như thu mình với xã hội, trầm cảm, sợ hãi, gia tăng xu hướng hành vi gây nghiện và giảm khả năng thích gần gũi trong tương lai. 1
Nếu bạn đã từng bị lạm dụng tình dục và đang gặp phải những hậu quả này mà coi đó là việc bình thường. Hãy đặt niềm tin và tìm một người lớn mà bạn có thể tâm sự. Đó có thể là một thành viên trong gia đình, họ hàng, giáo viên, cố vấn, mục sư thanh niên, hoặc bất kỳ ai đáng tin cậy và yêu thương bạn. Nếu bạn không biết phải nói với ai, hãy cầu nguyện với Chúa để Ngài sẽ chỉ người đó cho bạn.
Tốt hơn hết, hãy nói với cha mẹ của bạn. Chỉ cần nghĩ: Nếu một ngày nào đó, nỗi đau tương tự xảy ra với con gái bạn, bạn sẽ muốn cô ấy làm gì? Bạn có thể muốn nói với cha mẹ, nhưng bạn lo sợ. Có lẽ bạn sợ họ sẽ nhìn bạn bằng một con mắt khác hoặc khó chịu với bạn. Những lo lắng của bạn là điều dễ hiểu. Nhưng đừng để nỗi sợ hãi trở thành một trở ngại cho việc chữa lành của bạn. Nếu bạn đã cố che giấu vết thương lòng của mình mà những ký ức đó không hề biến mất, điều đó có nghĩa bạn nên thử một cách mới để chữa lành.
Nếu bạn là một nạn nhân trưởng thành của lạm dụng tình dục, thì bất kể hành vi lạm dụng xảy ra trong cuộc sống vào thời điểm nào, đừng tước đi sự chữa lành mà bạn xứng đáng nhận được. Bỏ qua những ký ức về sự lạm dụng sẽ không làm chúng biến mất hoặc hỗ trợ cho quá trình chữa lành. Nó chỉ ngăn cản việc bạn trở về con người mình đã từng trước khi thảm kịch xảy ra. Khi những vết thương thể xác bị bỏ mặc, chúng thường dẫn đến nhiễm trùng và những cơn đau không đáng có. Điều này cũng đúng với những vết thương của trái tim.
Để trở nên cởi mở với ai đó về lạm dụng tình dục không phải là điều dễ dàng. Khi bạn kể lại các sự kiện, nó có thể sẽ mang lại nhiều nước mắt và nhiều cảm xúc. Một quá trình như vậy có thể đáng sợ, và bạn có thể bị cám dỗ để nghĩ, “Tại sao tôi cần phải đào sâu lại những vết thương cũ này? Chỉ cần nghĩ về những gì đã xảy ra là tôi rất đau, tôi đã trải qua nhiều tổn thương rồi. Tôi chỉ cần mạnh mẽ và bước tiếp”. Tuy nhiên, việc từ chối để than khóc không phải là một điểm mạnh. Đó là một điểm yếu. Bạn cần sự can đảm to lớn để khóc và cho phép bản thân được an ủi bởi người khác. Biết đâu, bạn có thể biết được những người phụ nữ khác – những người mà đã sống sót sau trải nghiệm tương tự và sẵn sàng cho bạn những lời khuyên một cách đồng cảm dựa trên cách mà họ tìm thấy sự chữa lành. Bạn không hề đơn độc: Hơn 30% phụ nữ đã bị ép buộc vào một số hình thức hoạt động tình dục trái với ý muốn của họ.2
Một số phụ nữ đã quá quen với việc che giấu sự tổn thương đến nỗi họ không còn biết cách bày tỏ nỗi buồn về điều đó. Họ có thể đi xa đến mức giảm thiểu sự lạm dụng, duy trì một thái độ nghiêm khắc: “Tất cả đã là quá khứ rồi. Tôi ổn. Đó không phải là một vấn đề lớn.” Nếu bạn bị lạm dụng, thì điều gì đã xảy ra với bạn mới là vấn đề. Đau buồn về nó cho phép bạn thừa nhận điều này. Một phần của quá trình chữa bệnh là cho phép những cảm giác này bộc lộ ra ngoài, cho phép người khác chứng thực nỗi đau và đồng cảm với bạn. Bạn có thể nghĩ, “Chà, điều đó sẽ làm được gì chứ? Mọi thứ đã xảy ra và không ai có thể thay đổi được.” Mặc dù đúng là không ai có thể thay đổi quá khứ, nhưng những ký ức có thể được chữa lành và trái tim bạn có thể được đổi mới. Đôi khi bạn cần đặt một niềm tin để tin rằng việc chữa lành là hoàn toàn có thể.
Một khó khăn khác trong việc chia sẻ về lạm dụng tình dục đó là nó có thể nguy hiểm cho bạn: Liệu họ có tin bạn không? Liệu cảnh sát có vào cuộc? Đừng cho phép những nỗi sợ hãi này ngăn cản bạn. Đúng là: Đôi khi người con gái sẽ tâm sự với một người không tin mình. Điều này có thể xảy ra khi một cô gái nói với mẹ rằng một thành viên trong gia đình hoặc họ hàng đã lạm dụng cô. Như thể việc lạm dụng còn chưa đủ gây tổn thương, đôi khi người mẹ có thể bênh vực lại kẻ ngược đãi. Người mẹ có thể nói những điều chẳng hạn như, “Con chỉ đang bịa ra để gây sự chú ý hoặc do con không thích anh ấy phải không.” Người mẹ có thể tin con gái mình nhưng lại sợ đối mặt với thực tế. Mỗi người mẹ đều có bản năng làm mẹ để bảo vệ và nuôi dưỡng con cái mình. Đây là lý do tại sao điều này thật bi thảm khi chính những người mẹ đứng về phía người đàn ông đã làm hại con mình.
Cô gái phải làm gì trong trường hợp này? Cô ấy không nên bỏ cuộc mà nên đến gặp một người lớn khác, những người không thiên vị về tình huống này, chẳng hạn như một chuyên gia tư vấn. Cô ấy cũng nên nhớ Thánh vịnh 27, trong đó có câu: “Dù cha mẹ bỏ tôi, nhưng Chúa sẽ tiếp nhận tôi.” 3
Khi cảnh sát tham gia vào một vụ án lạm dụng tình dục, nhiều nạn nhân hiểu việc của họ sẽ trở thành chuyện mà ai cũng biết hoặc họ sẽ bị kéo vào các phiên tòa dài hạn ở tòa án. Tuy nhiên, khi nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy, bạn có thể thảo luận về cách mà bạn muốn tiến hành. Khi bạn quyết định đưa ra tòa án, hãy thừa nhận rằng hầu hết tội phạm tình dục đều đang nhởn nhơ ngày nay vì không ai đưa họ ra trước công lý. Nếu mọi nạn nhân đều buộc tội họ, tỷ lệ lạm dụng tình dục sẽ giảm mạnh. Lạm dụng tình dục sẽ không biến mất hoàn toàn khi bạn đưa những tội phạm tình dục ra tòa. Nhưng việc này sẽ giúp cho vô số nạn nhân trong tương lai không phải chịu đựng nỗi đau mà bạn đã trải qua. Hầu hết những kẻ lạm dụng không chỉ làm tổn thương một nạn nhân. Nếu ai đó đã lạm dụng bạn, bạn có thể không phải là nạn nhân đầu tiên, và bạn cũng không phải là người cuối cùng. Vì lý do này, chúng tôi khuyến khích bạn hãy dũng cảm và đưa họ ra trước công lý.
Trở về chương 17 của Trang Mục lục
1 Oliver Berton et al., “Essential Role of BDNF in Mesolimbic Dopamine Pathway in Social Defeat Stress,” Science 311 (February 2006), 864–868; McIlhaney and Bush, Hooked, 85.
2 C. Pacifici, et al., “Evaluating a Prevention Program for Teenagers on Sexual Coercion: A Differential Effectiveness Program,” Journal of Consulting Clinical Psychologists 69 (2001): 552–59; M. Blythe et al., “Incidence and Correlates of Unwanted Sex in Relationships in Middle and Late Adolescent Women,” Archives of Pediatric Adolescent Medicine 160 (2005): 591–95; A. Biglan, et al., “Does Sexual Coercion Play a role in the High-Risk Sexual Behavior of Adolescent and Young Adult Women?” Journal of Behavioral Medicine 18 (1995): 549–68.
3 Thánh vịnh 27:10.
Leave a Reply