Đức khiết tịnh, dù thường bị xem là “tiêu cực” và “hà khắc”, thực chất lại vô cùng tích cực và thanh thoát. Đó là nhân đức giúp giải phóng khát vọng tính dục khỏi thái độ vụ lợi, và xu hướng lợi dụng người khác để thỏa mãn chính mình. Đức khiết tịnh “đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải chọn lựa: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh” (GLCG số 2339)
Thực tế mà nói, có một sự căng thẳng, chật vật và khó khăn không thể chối cãi mà con người phải đối mặt, đó là cơ quan sinh dục là để truyền sinh. Để giảm tải sự căng thẳng chật vật ấy, chúng ta buộc phải học cách kiểm soát bộ phận sinh dục, hoặc phải học cách khống chế khả năng truyền sinh của chúng: phải chọn một trong hai cách. Với những phương thức ngừa thai nhân tạo, cũng như phá thai hiện đại ngày nay, cách nào dễ dàng hơn thì không còn là vấn đề. Nhưng liệu những ai không thể kiểm soát được dục vọng của họ có thật sự tự do chăng, hay họ đang bị nô lệ hoá cho dục vọng ấy? Phải chăng sự tự do là giấy thông hành cho phép chúng ta đắm chìm vào dục vọng khi nó nổi lên, hay tự do là sự giải phóng khỏi những ràng buộc của dục vọng ép chúng ta chiều theo nó?
Làm chủ bản thân không chỉ là kháng cự lại những ràng buộc của dục vọng bằng sức mạnh ý chí mà thôi. Đó chỉ là mặt tiêu cực của bức tranh. Khi tăng tiến trong sự tự chủ, chúng ta sẽ đạt được “khả năng điều khiển các phản ứng tương ứng, xét về cả nội dung cũng như về đặc tính của chúng” (TOB 129, 5; ngày 31 tháng 10 năm 1984). Ai thật sự khiết tịnh sẽ có khả năng hướng khát vọng ái tình về “hướng tới chân, thiện, mỹ, và cũng là cái mà nhờ đó dục tình erotico mới có thể trở nên thật, tốt và đẹp” (TOB 48, 1; ngày 12 tháng 11 năm 1980). Và một khi đôi vợ chồng được thoát ra khỏi những ràng buộc của dục vọng, của thỏa mãn xác thịt, thì họ thật sự đạt tới đỉnh cao là sự trao hiến chính mình – đó mới chính là tự do đích thực. Tự do ấy cho phép họ biểu lộ “ngôn ngữ thân xác” với sự thống nhất toàn thể chiều sâu, sự đơn giản và vẻ đẹp của nó cho đến những gì ta còn chưa biết được” (TOB 117b, 5).
Đúng là đức khiết tịnh đòi hỏi một sự “khổ hạnh”. Sự khổ hạnh ấy được hiểu như là một tâm thái sẵn sàng chống chọi lại với những thôi thúc của nhục dục. Nhưng đức khiết tịnh thật sự thì không đè nén khát vọng tính dục, nhưng đem dâng khát vọng ấy như một đồng tế phẩm trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô. Dục vọng càng bị đóng đinh vào thập giá bao nhiêu, thì tình yêu chân chính càng trỗi dậy nhiều bấy nhiêu. ĐGH Gioan Phaolô II đã nói như sau: “Nếu đức khiết tịnh vợ chồng (và khiết tịnh nói chung) bộc lộ trước hết như là khả năng kháng cự lại dục vọng xác thịt, thì sau đó dần dần tỏ lộ như là một khả năng riêng về nhận thức, yêu mến và thực hiện các ý nghĩa ấy của ‘ngôn ngữ thân xác’, những ý nghĩa ấy dục vọng vẫn còn hoàn toàn chưa biết đến” (TOB 128, 3; ngày 24 tháng 10 năm 1984). Vì thế, những kỉ luật, tự chủ mà đức khiết tịnh đòi hỏi không hề ngăn trở, hay làm nghèo nàn đi những cách thế đôi vợ chồng thể hiện tình yêu và cảm xúc. Trái lại, sự tự chủ và kỉ luật “làm cho những biểu lộ ấy đậm đà tâm linh hơn, và vì thế mà làm phong phú chúng hơn” (TOB 128, 3; ngày 24 tháng 10 năm 1984).
Leave a Reply