Cuộc gặp gỡ kế tiếp diễn ra hai tuần sau đó. Mặc dù Jeremy vẫn cứ khăng khăng cho rằng Giáo hội không đúng trong việc lên án người đồng tính, nhưng anh ta lại cảm thấy bị cuốn hút bởi lối giải đáp đầy nhân ái của cha JP chúng vừa hấp dẫn anh, lại vừa khiến anh cảm thấy có chút xao xuyến.
Nhằm tìm kiếm người ủng hộ lập trường của mình, Jeremy thuyết phục BillyLu rằng anh ta cần sự trợ giúp để bảo vệ tình dục đồng giới như là quyền con người. Mặc dù BillyLu đồng ý, chị ta lại có vẻ chùn chân khi Jeremy nói sẽ gặp nhau tại giáo xứ của cha JP. Do đó, theo lời đề nghị của cha JP, họ quyết định gặp nhau tại một cửa hàng pizza địa phương, nơi mà BillyLu hay ghé tới. Sam cũng mang theo bạn gái của anh ta là Margie. Mọi người gặp nhau và bắt đầu gọi các loại đồ uống có gas, riêng BillyLu gọi một li bia đen hạng nặng. Và ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy cha JP cũng gọi một ly bia như thế.
Jeremy: BillyLu, tôi chắc là cha JP đây rất muốn biết một chút gì đó về chị, trước khi chúng ta bắt đầu. Vậy sao chị không tự giới thiệu về bản thân mình?
BillyLu: Để mấy người có thể dò xét tôi bằng phân tâm học à? Thôi khỏi. Tôi không cần bác sĩ tâm thần nào nói cho tôi biết tại sao tôi lại suy nghĩ thế này hay thế kia.
Cha JP: BillyLu, chúng tôi đến đây để tiếp tục cuộc đối thoại diễn ra vài tuần trước giữa Sam, Jeremy và tôi. Sam và Jeremy cho rằng chị có nhiều điều để chia sẻ cho cuộc đối thoại này. Có lẽ họ sợ rằng họ không thể theo kịp Giáo hội chăng…
Sam: Cha JP, đó là hơi tự cao tự đại đấy nhé?
Cha JP: Ồ, tôi chỉ đùa mà thôi. Chúng ta không nên có một bầu khí quá nghiêm trọng làm gì.
BillyLu: Vậy đề tài nóng bỏng mà mấy người đang tranh luận là gì vậy?
Jeremy: Về cơ bản, chúng tôi đang bàn luận xem Kinh Thánh nói gì về đồng tính. Cha JP ủng hộ sự diễn dịch Kinh Thánh theo truyền thống, đó là Kinh Thánh lên án người đồng tính chúng ta.
BillyLu: Vậy thì có gì mới đâu? Chủ nghĩa toàn thống (fundamentalism – hiểu toàn thể Kinh Thánh theo nghĩa đen) đã tồn tại hàng thế kỉ nay, và tôi nghĩ là chúng ta sẽ không bao giờ dẹp được nó. Vậy nên nếu Kinh Thánh là Chúa của ông thì cứ việc đi mà thờ lạy, nhưng làm ơn để cho chúng tôi yên thân.
Cha JP: BillyLu, tôi là một người Công giáo, đây là niềm tin của tôi. Và, nhân tiện, chúng tôi không hề thờ lạy quyển Kinh Thánh, bởi đó là một dạng thờ ngẫu tượng. Chúng tôi thờ lạy Thiên Chúa và tin vào những gì Ngài đã mặc khải. Không hẳn là lúc nào tôi cũng có thể hiểu đầy đủ tính lôgic của Lời Ngài và Tình Yêu của Ngài. Có lúc tôi phải chật vật, phải cố gắng hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng tôi tin, không phải vì niềm tin đó hợp lý, nhưng là vì tôi yêu mến Thiên Chúa và chọn tin vào Ngài.
Người Kitô hữu Công giáo chúng tôi tin rằng Thiên Chúa dạy bất cứ mọi hành vi tính dục ngoài hôn nhân đều là tội xúc phạm tới Ngài, Đấng tạo thành chúng ta. Có thể chị không tin điều này, và chắc chắn tôi cũng sẽ không ép chị phải tin. Tuy nhiên, tôi xin chị tôn trọng đức tin của tôi, bằng không chúng ta sẽ không thể đối thoại được.
BillyLu: Vậy thì tôi cũng xin ông tôn trọng con người và niềm tin của tôi, bởi tôi tin rằng hành vi tính dục giữa bất cứ cặp đôi nghiêm túc nào – dù là đồng giới hay khác giới – đều thánh thiêng như hôn nhân Kitô giáo. Tôi không phải là người Công giáo, chưa hề là người Công giáo, và sẽ không bao giờ là người Công giáo. Ông có sẵn lòng tôn trọng điều đó không?
Cha JP: Tôi sẽ tôn trọng chị và yêu mến chị như chính chị là. Tôi hứa sẽ tôn trọng tự do để đi theo lương tâm chị, và sẽ cố hết sức để không sỉ nhục hay nhiếc móc niềm tin của chị, ngay cả khi niềm tin đó trái ngược với những gì tôi tin tưởng. Tôi coi trọng lương tâm chị như là một điều thánh thiêng.
BillyLu: Thật à…? Lương tâm đồng tính của tôi ư…?
BillyLu có một chút lưỡng lự..
Ừ, thì cũng được… Tôi đoán là tôi có thể chấp nhận điều đó.
Thật đúng lúc, người phục vụ mang đồ uống đến cho chúng tôi, và lấy đơn đặt pizza
Chúng ta có thể nói đồng tính tự bản chất là thác loạn không?
Sam: Vậy thì Giáo hội dạy gì về đồng tính vậy cha JP? Từ những gì tôi thu thập được, thì Giáo hội nói người đồng tính tự bản chất là thác loạn.
Cha JP: Này Sam, tôi tin rằng cả Jeremy và BillyLu sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi nghe từ đó đấy.
BillyLu: Chính thế. Đó chính là loại phát ngôn thù ghét đã khiến nhiều đứa trẻ đồng tính phải tự tử đấy.
Cha JP: Ừm, câu nói đó không thuộc về Giáo hội Công giáo hay Kitô giáo nói chung. Vì thế, điều đó có nghĩa là chị không hề ghét Giáo hội Công giáo hay Kitô giáo, nhưng mà chị ghét cái hoạ ảnh sai lầm về chúng tôi. Nhân tiện, tôi cũng ghét từ đó, đó là một sự sai lầm và tàn nhẫn.
Margie: Nhưng cha JP, con có đọc qua sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhằm chuẩn bị cho buổi gặp gỡ hôm nay, và con nhớ là sách có ghi rõ ràng đồng tính luyến ái là “tự bản chất là thác loạn” (GLCG 2358). Con nghĩ đó là một trong nhiều lí do vì sao BillyLu và Jeremy luôn mang trong mình ấn tượng xấu về Giáo hội. Ý con là, con cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi Giáo hội Công giáo nói rằng yêu một người Do Thái là “tự bản chất là thác loạn”.
Margie chuyển ánh nhìn từ BillyLu sang Sam, bạn trai người Do Thái của cô.
Cha JP: Nhưng, khi chị dùng từ “đồng tính luyến ái”, thì chị đang muốn nói về điều gì? Chị đang ám chỉ một con người? Hay hành vi tính dục giữa hai người đồng giới? Hay là xu hướng nghiêng về những hành vi đó? Có phải đồng tính luyến ái ám chỉ một người cảm thấy bị hấp dẫn bởi một người khác có cùng giới tính với mình không?
Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng đó là lí do tại sao có quá nhiều người hiểu lầm Giáo hội Công giáo, và cả sự đồng tính luyến ái nữa. Bởi vì một từ đó có thể ám chỉ nhiều thực tại khác nhau: đó có thể là một nhóm người, một sự thực hiện một số hành vi nhất định, xu hướng thực hiện những hành vi đó, hoặc là sự hấp dẫn lẫn nhau giữa hai người cùng giới.
BillyLu: Thì hiển nhiên là cụm từ đồng tính luyến ái dùng để chỉ những người đồng tính, có thể là gay hoặc lesbian.
Cha JP: Nếu là vậy, thì nghe tôi nói này BillyLu, Giáo hội lại dạy rằng những người đồng tính tự bản chất lại là tốt.
Con người ta tự bản chất là tốt
Lúc này, cha JP lấy cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ra để trưng dẫn cho cuộc đối thoại
Jeremy: Làm thế nào mà chúng tôi lại vừa tự bản chất là tốt, vừa “tự bản chất là thác loạn” như Margie chỉ ra trong sách Giáo lý vậy?
Cha JP: Bởi vì vấn đề ở đây là một con người – dù có xu hướng đồng tính hay không – thì vẫn tự bản chất là tốt lành. Phẩm giá cao quý của con người là bất khả xâm phạm. Giáo lý Hội thánh Công giáo đã đi sâu vào vấn đề này, dạy rằng mỗi nhân vị đã được tạo nên theo giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26 – 27; 5, 1 – 2):
Phẩm giá con người bắt nguồn từ việc con người được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (GLCG 1700).
Mỗi con người đều mang hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông nhân vị, giống sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa (GLCG 1702).
Nhờ có linh hồn với các khả năng tinh thần là lý trí và ý chí, con người được hưởng tự do, “dấu chỉ rõ ràng nhất con người là hình ảnh Thiên Chúa:
Tất cả chúng ta được lãnh nhận phẩm giá cao quý ấy từ giây phút chúng ta bước vào hiện hữu – thậm chí là trước đó nó, bởi vì “Người đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4). Và tự do của chúng ta là “dấu chỉ rõ ràng nhất con người là hình ảnh Thiên Chúa” (GLCG 1705).
Phẩm giá của chúng ta, dù được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và hoàn toàn tự do, lại có thể bị biến dạng bởi tội lỗi (GLCG 1701). Nhưng dù cho có trở nên nô lệ cho tội, thì phẩm giá cao quý của chúng ta sẽ không thể nào bị xóa sổ hoàn toàn, hay bị đánh mất vĩnh viễn.
Margie: Vậy sách Giáo Lý nói là mỗi con người, dù là đàn ông hay đàn bà, thánh nhân hay tội nhân, đồng tính hay thẳng, đều được Chúa yêu thương, và được Người trao ban phẩm giá vô lường?
Cha JP: Đúng vậy, đó là một lời tóm tắt sách Giáo Lý vô cùng súc tích và chính xác đấy, Margie.
Margie: Cho nên người Công giáo chúng ta phải yêu mến BillyLu và Jeremy như Thiên Chúa yêu thương họ. Ta phải yêu mến họ bằng thứ tình yêu đặc biệt, xứng với phẩm giá cao vời họ đón nhận là được làm con cái Chúa.
Cha JP: Chuẩn không cần chỉnh.
Tội lỗi tự bản chất là xấu
Sam: Nếu không phải là nhân vị, vậy cái thứ tự bản chất là xấu và cái xấu về mặt khách quan là gì?
Cha JP: Tất cả những gì làm tổn hại đến mối tương quan với Chúa và với tha nhân đều là lệch lạc – nói một cách khác, đó là tội lỗi.
Sách Giáo lý nói rõ như sau:
Có những hành vi cụ thể luôn luôn là sai, vì ngay khi chọn lựa, ý chí đã lệch lạc; đó là một điều xấu luân lý. Không được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt (GLCG 1761).
Jeremy: Ý của cha là thứ lệch lạc ở đây không phải là nhân vị, nhưng là tội lỗi mà họ có thể phạm.
Margie: Vì thế chúng ta được mời gọi yêu mến tội nhân – bởi tự bản chất họ tốt lành – và ghét tội lỗi – vì chúng tự bản chất là xấu xa.
Cha JP: Cả hai người đều đúng. Đó là lí do vì sao tất cả mọi người, vì là con người nên họ tốt lành, dù họ có phạm tội hay không đi chăng nữa. Tội, theo định nghĩa, là hành vi vô trật tự.
BillyLu: Nhưng Giáo hội Công Giáo chỉ chọn riêng hành vi tình dục đồng giới là lệch lạc. Hành vi đó được xem là tội lỗi nhất trong mọi thứ xấu xa, cho nên nó đáng bị xóa sổ bằng cách phải xóa sổ những người đồng tính như chúng tôi.
Cha JP: Không hẳn là vậy đâu, BillyLu. Có nhiều tội bị coi là lệch lạc, nhưng lại được chinh phục bằng ân sủng của Thiên Chúa và nỗ lực của bản thân – chứ không phải nhờ vào việc xóa sổ tội nhân. Ví dụ:
Có những hành vi cụ thể, như tội tà dâm, luôn luôn là sai, vì ngay khi chọn lựa, ý chí đã lệch lạc, đó là một điều xấu luân lý. (GLCG 1755).
Vì vậy, tội tà dâm – là hành vi tính dục giữa hai người không kết hôn – là một hành vi lệch lạc. Tôi có thể nêu ra một số tội khác, ví dụ như li dị cách bất công:
Ly dị là phi luân vì làm xáo trộn gia đình và xã hội. Việc xáo trộn này kéo theo nhiều tổn hại nghiêm trọng: cho người phối ngẫu vì bị ruồng bỏ; cho con cái phải đau khổ vì cha mẹ phân ly, và lắm khi còn bị dằng co không biết theo ai; cho xã hội vì hiệu quả lây lan của nó, nó thực sự là một tai ương cho xã hội (GLCG 2385).
Sam: Có vẻ như cha đang muốn nói là sự xáo trộn, lệch lạc, là hậu quả đến từ những quyết định trái luân lý trong các mối tương quan và giữa người với người.
Cha JP: Nhận xét tinh tế lắm, Sam. Mọi hành vi của chúng ra, dù chỉ là tư tưởng, ánh nhìn, những điều chúng ta có thể làm nhưng lại không làm… đều có thể tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Jeremy: Giống như một anh chàng kia vừa đi vào bốt điện thoại, vừa ngắm nghi một cô nàng nóng bỏng… Sam có kể cho tôi nghe về phép loại suy này rồi.
Cha JP: Đúng vậy đó, Jeremy. Nếu một người con gái bắt gặp bạn trai cô đang thèm thuồng một người con gái khác, hẳn đó sẽ là dấu chấm hết cho anh ta. Vì lí do đó, Giáo hội kết án các loại hình khiêu dâm và hành vi thủ dâm, bằng giáo huấn rõ ràng và mạnh mẽ như sau:
Dựa theo truyền thống ngàn đời và bất biến, huấn quyền cũng như cảm thức luân lý của các tín hữu không ngần ngại khẳng định rằng, thủ dâm tự bản chất là một hành động sai trái nghiêm trọng (GLCG 2352).
Jeremy: Như thế thì có vẻ gắt gao quá, JP. Chẳng lẽ Giáo hội lại không nhận ra là con người – đặc biệt là người trẻ khó có thể tự chủ bản thân được hay sao? Và chắc hẳn là việc thủ dâm không gây hại cho ai cả.
Cha JP: Cũng trong đoạn này, sách Giáo lý dạy rằng mặc dù hành vi đó tự bản chất là sai trái, nhưng người thủ dâm có thể sẽ không mắc tội trọng hoặc phải chịu trách nhiệm luân lý cho hành động của mình:
Để phán đoán đúng đắn về trách nhiệm luân lý của đương sự, cũng như đưa ra một đường hướng mục vụ, chúng ta cần lưu ý đến tình trạng thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen, tâm trạng lo âu cũng như những yếu tố khác về tâm lý xã hội. Các nhân tố này có thể làm trách nhiệm luân lý của đương sự được giảm khinh ngay cả đến mức tối thiểu (GLCG 2352).
Cho nên, anh nói đúng đấy, Jeremy. Có thể người thủ dâm sẽ không thấy áy náy gì, nhưng sự sai trái nằm ở chỗ thiếu sự tiết độ. Con người ta khi lớn lên và bước vào một mối quan hệ nghiêm túc – cứ cho là họ sẽ lấy vợ lấy chồng – thì những hành vi như thủ dâm hay xem phim khiêu dâm, nếu bị bạn đời phát hiện, có thể gây phương hại rất lớn, thậm chí là hủy hoại cả mối quan hệ đó.
Jeremy: Nếu Tommy bạn trai tôi mà bắt gặp tôi đang thủ dâm, thì hoặc là anh ấy sẽ phá lên cười, hoặc là sẽ cùng tham gia với tôi luôn.
Margie: Anh có đùa không đấy? Tôi biết là tôi sẽ bị xúc phạm nếu tôi cưới Sam và sau đó phát hiện ra anh ấy xem phim khiêu dâm và thủ dâm. Đó chắc chắn là một cú tát vào mặt cho tôi… vì cứ như thể là một mình tôi vẫn không đủ cho anh ấy vậy.
Jeremy, anh hãy nhìn sự việc theo hướng này, giả như Tommy bắt gặp anh đang vụng trộm với một người phụ nữ, hay một anh chàng khác thì sao?
BillyLu: Đó là điều đã xảy ra với tôi.
BillyLu nói ra câu này một cách thản nhiên. Cả nhóm đều hướng cặp mắt về chị ấy, để xem xem chị có tiếp tục giãi bày điều đang suy nghĩ hay không. Margie ra hiệu cho BillyLu biết rằng chị cứ kể đi, sẽ không có gì đâu. Một ít lâu sau, chị mới tiếp tục câu chuyện của mình:
Phải, chồng tôi bắt quả tang tôi lừa gạt anh ta mà ngoại tình với bạn gái mình. Nhưng tôi và anh ta cũng chẳng có gì mấy để đáng được gọi là vợ chồng, và sự việc đó kết thúc mối quan hệ của hai chúng tôi. Nhưng mối quan hệ vợ chồng ảo tưởng đó giữa tôi và anh ta thì còn hơn là tội, so với những gì tôi có với Leslie – người bạn gái hiện giờ của tôi.
BillyLu bỏ ngỏ câu chuyện tại đây. Chị ấy chẳng hề xấu hổ về những gì đã xảy ra, nhưng cũng không muốn tiếp tục câu chuyện đời mình. Jeremy phá vỡ bầu không khí im lặng bằng việc gọi người phục vụ mang cho mình một li bia. Đến nước này thì Sam cảm thấy mình cũng cần một li.
Margie: Cha JP, tội trọng là điều xấu. Con nghĩ là tụi con đều hiểu rồi. Nhưng, Thiên Chúa không phải là Đấng hay tha thứ hay sao?
Cha JP: Đúng thế, Margie. Ngài chính là Đấng hay tha thứ. Ngài biểu lộ bản thân mình là một Người Cha, là Người Cha của đứa con hoang đàng đã tiêu phá hết gia tài thừa tự của nó cho những hành vi vô trật tự. Nhưng Người Cha lại chào đón nó trở về, chạy tới bên nó khi thấy nó còn ở đàng xa, và ôm chầm lấy nó bằng tình yêu và lòng thương xót (Lc 15, 11 – 32). Thiên Chúa cũng muốn làm thế với từng người chúng ta.
Margie: Nhưng, Thiên Chúa cũng không phải là một người mẹ bảo bọc hay sao, thưa cha?
Cha JP: Mặc dù đôi lúc mặc khải gán cho Thiên Chúa “sự hoàn hảo của người mẹ” (GLCG 370), và so sánh tình yêu của Ngài như tình yêu hiền mẫu (Is 66, 13), nhưng phần lớn thì hình ảnh người mẹ được quy cho Giáo hội. Mẹ Giáo hội luôn bảo bọc và tràn đầy tình thương. Mẹ Giáo hội luôn chào đón tội nhân biết hoán cải, đảm bảo cho họ được an toàn đi trên con đường về nhà Cha và đón nhận tình yêu của Ngài.
Margie: Nhưng chúng ta tất cả đều là tội nhân. Không phải là chúng ta đều có những xu hướng và hành động sai trái hay sao? Còn những tội nhỏ thì sao hả cha, chúng có sai trái không?
Cha JP: Ngay cả những tội nhỏ – Giáo hội gọi là tội nhẹ – cũng bao hàm một sự lệch lạc, gây hại cho tương quan của con người với Thiên Chúa:
Tội nhẹ làm suy yếu đức mến, cho thấy lòng quyến luyến lệch lạc của cải trần thế… Ai cố tình phạm tội nhẹ và không sám hối sẽ đi dần đến chỗ phạm tội trọng. Tuy nhiên, người phạm tội nhẹ không cắt đứt giao ước với Thiên Chúa (GLCG 1863).
Tội nhẹ gây nên một xáo trộn luân lý. Điều này có thể được sửa chữa nhờ đức mến vẫn còn tồn tại trong ta (GLCG 1875).
Do đó, như chị nói, tất cả chúng ta đều có xu hướng thực hiện những hành vi lệch lạc. Nhưng, các giám mục của Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ có nói:
Điều vô cùng quan trọng cần phải hiểu là, khi chúng ta nói một ai đó có một xu hướng nào đó lệch lạc, thì không có nghĩa toàn thể con người người đó cũng lệch lạc. Và nó cũng không đồng nghĩa với việc người ấy bị Thiên Chúa và Giáo hội bỏ rơi.
Những hành vi tình dục đồng tính là lệch lạc?
BillyLu: Thôi, đi vào điểm chính yếu đi, JP. Điều ông đang muốn nói ở đây là đồng tính luyến ái là thác loạn. Chúng tôi là những kẻ lệch lạc, là quân hạ đẳng trong mắt ông. Chúng tôi đã biết tư tưởng đó từ lâu rồi.
Cha JP: Tôi có thể thấy là chị bị tổn thương vì những gì tôi đang nói. Nhưng tôi xin chị tin ở tôi điều này: rằng tôi rất quan tâm đến chị và Jeremy, như cái cách tôi quan tâm đến Sam và Margie vậy. Tôi muốn mọi người được thật sự hạnh phúc, và hơn thế, tôi muốn được ở cùng mọi người trên thiên đàng. Tôi hy vọng chúng ta có thể cùng nhau thưởng thức bia tươi, bánh pizza và trò chuyện thân mật thế này trên thiên đàng, mà không phải lo lắng về việc thức dậy mỗi sáng để đi làm.
Jeremy: Nhưng BillyLu nói đúng mà JP. Không phải là Giáo hội Công giáo xem đồng tính là vô trật tự hay sao?
Cha JP: Hãy nhớ thế này, con người như là nhân vị thì không bao giờ vô trật tự, nhưng họ luôn được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế, nếu Thiên Chúa yêu thương và tôn trọng một ai đó, thì cả nhân loại cũng được mời gọi để yêu mến người ấy, dù cho người đó có là thánh nhân hay tội nhân đi chăng nữa.
Giáo hội luôn coi các mối quan hệ tính dục giữa hai người đồng giới là lệch lạc và tội lỗi, và bất kì mọi hành vi tính dục nào bên ngoài hôn nhân giữa đàn ông và đàn bà cũng thế.
Margie, phiền chị đọc cho chúng tôi nghe sách Giáo Lý nói gì về đồng tính được không?
Margie: Dĩ nhiên rồi, thưa cha. Đây rồi…sách viết như sau:
Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1 – 29; Rm 1,24 – 27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. CDF, décl “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào. (GLCG 2357).
Jeremy: Tại sao Giáo hội lại tách riêng chúng tôi ra như vậy?
Cha JP: Giáo hội không hề tách biệt hành vi tình dục đồng tính ra để luận tội. Trong phần nói về luân lí tính dục – về điều răn thứ 6 và thứ 9 (điều răn thứ 6: sách Giáo lý số 2331 – 2400, điều răn thứ 9: sách Giáo lý số 2514 – 2533) – sách Giáo lý mô tả tội đồng tính cũng là một trong nhiều thứ tội khác. Thật ra, trong hơn 100 đoạn Giáo lý, thì đã có hơn 70 đoạn tập trung vào khía cạnh tích cực của luân lí tính dục.
Trong những đoạn văn mô tả tội về tính dục, thì có 11 đoạn liên quan tới tội lỗi đức khiết tịnh (ví như dâm dục, gian dâm, khiêu dâm, bán dâm, cưỡng hiếp, các loại hình giải trí gợi dục, thụ động luân lí, nhìn người với lòng tà dâm), và 14 đoạn liên quan tới tội lỗi luật hôn phối (như là ngoại tình, li dị, đa thê, loạn luân, lạm dụng trẻ vị thành niên, sống thử, và chung sống không có hôn thú). Chỉ có hai đoạn nói về tội trong hành vi tình dục đồng tính, trong đó đoạn sau cùng nói về tội đồng tính và một số tội khác liên quan.
Nói một cách khác, tình dục đồng tính chắc chắn là lệch lạc: nó có thể giết chết mối tương giao của con người với Thiên Chúa, và gây hại cho nhiều mối quan hệ khác. Nhưng anh không thể nói rằng riêng mỗi tội này bị xem là trầm trọng, xấu xa hơn các tội khá được. Thực ra, li dị mới bị kết án nhiều hơn cả trong các tội kể trên.
Margie: Vậy là, sách Giáo lý dạy rằng tất cả mọi hành vi tội lỗi đều lệch lạc – chứ không riêng gì xu hướng đồng tính luyến ái – và bởi vì thế, không một ai đáng bị gọi là rác rưởi cả.
Xu hướng ấy có là lệch lạc hay không?
Sam: Em nói có lý đấy, Margie. Nhưng cha JP, dù là cha có đề cập rằng hành vi tình dục đồng tính bị xem là lệch lạc, con lại nghĩ là chính xu hướng đồng tính nam và nữ (gay và lesbian) cũng bị coi là lệch lạc khách quan, không cần biết hành vi đó có được thực hiện hay không. Cha thấy có đúng như vậy không?
Cha JP: Bất cứ thứ gì khiến cho con người nghiêng về sự lệch lạc, sai trái thì Giáo hội Công giáo xem thứ đó là sai trái. Do vậy nên những đam mê của con người có thể là ngay chính hoặc thác loạn:
Về mặt luân lý, đam mê sẽ tốt nếu góp phần vào một hành động tốt, và xấu trong trường hợp ngược lại. Ý chí ngay thẳng hướng các cảm xúc về điều thiện và hạnh phúc đích thực, ý chí xấu không chống nổi các đam mê hỗn loạn và làm cho chúng trở nên dữ dội hơn. Các cảm xúc và tình cảm có thể được đón nhận trong các nhân đức, hoặc bị băng hoại trong các thói xấu (GLCG 1768).
Do đó, nếu một người cuồng mê việc giao cấu với trẻ em, hay lạm dụng chất kích thích, thì đó sẽ là đam mê hỗn loạn, bởi vì đam mê đó hướng người ấy về hành vi thác loạn. Chúng sẽ gây hại cho bản thân người đó và những người xung quanh.
Jeremy: Nhưng đôi khi có người khi sinh ra đã có những dục vọng như vậy rồi. Họ bị thế bẩm sinh. Người có những dục vọng bẩm sinh như thế, nếu mà cố gắng phớt lờ nó đi thì thật là bất thường.
Cha JP: Vậy ý anh muốn nói rằng những ai có dục vọng bẩm sinh, ví dụ như ham thích giao cấu với trẻ em, thì họ cứ mặc tình thoả theo dục vọng cá nhân vậy sao?
Jeremy: Không, JP. Đó lại là một câu chuyện khác. Như thế thì thành ra người đó đang hãm hại trẻ em vô tội.
Cha JP: Vậy, điều khiến cho một hành vi nào đó là vô lối, thác loạn, không nhất thiết phải xuất phát từ dục vọng bẩm sinh, nhưng trái lại, bất cứ mọi hành vi gây hại cho người vô tội đều bị coi là rối loạn. Cho nên, nếu một ai đó có khát vọng mãnh liệt hướng về một hành vi rối loạn, thì khát vọng đó tự nó cũng rối loạn.
Giáo hội Công giáo cũng dạy y như thế về sự thiếu hiểu biết. Nếu một người còn quá trẻ, đến nỗi không biết điều gì là sai quấy – ví dụ như thủ dâm – thì sự thiếu hiểu biết của người đó có thể miễn cho họ không phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, bởu vì nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát của anh ta. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết “điều xấu ấy vẫn là điều xấu, một khiếm khuyết, một rối loạn; do đó, phải ra sức uốn nắn lương tâm cho khỏi sai lầm (GLCG 1793).
BillyLu: Được rồi, chúng tôi hiểu rồi, JP. Ông muốn nói rằng xu hướng đồng tính luyến ái là một sự lệch lạc khách quan, bởi vì hành vi tình dục đồng tính là thác loạn. Cũng không khó lắm để nghiệm ra điều đó.
Cha JP: Chị nói đúng đấy, BillyLu. Bởi vì “các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (GLCG 2357), cho nên “khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn” cũng là “lệch lạc” (GLCG 2358). Nhưng sách Giáo Lý tiếp tục viết rằng:
Đối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công (GLCG 2358).
Vậy nên, nhân vị không bao giờ bị rối loạn. Và con người phải luôn luôn được đón nhận với sự tôn trọng, cảm thông và tế nhị.
BillyLu: Nhưng chúng tôi không cần lòng thương cảm chó chết của ông, chúng tôi chỉ muốn được đối xử như người bình thường. Còn ông thì coi chúng tôi như đồ bệnh hoạn. Mọi thứ về chúng tôi đều là “thác loạn”.
Margie: Chị BillyLu này, có vẻ chị cảm thấy bị tổn thương vì những điều cha JP vừa nói. Em biết em cũng sẽ đau lòng nếu như có người tỏ thái độ trịch thượng, kẻ cả, lên mặt bề trên với em.
BillyLu: Đúng vậy Margie. Tôi rất ghét người ta coi thường tôi như thể tôi là kẻ bại liệt vậy.
Margie: Nhưng, có những lúc em bị bắt nạt bởi vài tên khốn kiếp, thì em cảm thấy rất cảm kích khi có ai đó đến bảo vệ em, đuổi lũ khốn kia đi, và đối xử với em bằng sự tôn trọng và lòng cảm thông. Em nghĩ đó là điều cha JP đang cố làm.
Cha JP: Tôi rất xin lỗi, BillyLu. Tôi không có ý xúc phạm hay lên mặt với chị. Tôi chỉ muốn trình bày giáo huấn này theo cách mà chị sẽ thấy là Giáo hội không hề biệt lập, cách ly chị hay bất kì ai cả.
Sam: Nhưng cha không nghĩ điều này thật sự bất công hay sao, khi Giáo hội tuyên bố xu hướng đồng tính là lệch lạc, trong khi đó những đam mê và xu hướng rối loạn khác lại không hề được nhắc tới?
Cha JP: Giáo hội thật sự có đề cập đấy, Sam ạ. Ví dụ như tà dâm:
Dâm ô là ham muốn sai trái hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục. Khoái lạc tình dục trở thành sai trái, khi con người chỉ tìm hưởng thụ để thỏa mãn chính mình, chứ không nhằm mục đích truyền sinh và kết hợp trong tình yêu (GLCG 2351).
Do đó, mê dâm dục là một thứ đam mê rối loạn, không cần biết đam mê đó hướng về người đồng giới hay khác giới với mình. Vấn đề ở đây, là có rất ít người coi dâm dục là một thứ tội.
Jeremy: Đúng thế. Ngày nay anh không thể xem TV mà không nhìn thấy những hình ảnh gợi dục được đâu. Nhưng bản thân tôi thì không thấy chuyện đó có gì sai cả.
Margie: Sam, em tin là anh không nghĩ như thế, đúng chứ?
Sam: Không có đâu, Margie…
Cha JP: Ngay cả mê tiền bạc cũng bị xem là xu hướng và đam mê vô trật tự:
Sự ham mê tiền của quá độ đưa đến những hậu quả tai hại. Đây là một trong những nguyên nhân gây rối loạn trật tự xã hội (GLCG 2424).
BillyLu: Rồi rồi, sao cũng được. Đối với ông thì thật dễ dàng để phán cái này hay cái kia là đam mê lệch lạc. Nhưng JP, ông đâu có ở trong hoàn cảnh như chúng tôi.
Margie: Em đảm bảo với chị là không ai trong tụi em đã từng trải qua tình cảnh giống chị. Ngay cả hoàn cảnh của Jeremy đây cũng khác mà.
Cha JP: BillyLu, tôi biết là tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu được cảm giác của chị, cũng như cảm giác của nhiều người khác, là những người tôi đang tìm cách để hiểu, khích lệ tinh thần và hướng dẫn. Ví dụ, tôi chưa hề cảm thấy tức giận tới độ muốn giết một ai đó. Và nếu tôi làm thế, liệu cơn giận dữ có làm cho hành vi sát nhân trở nên đúng đắn hay không? Có thể chúng ta sẽ không kiểm soát được hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm tiết chế hành vi của mình. Đó là điểm mấu chốt Giáo hội muốn trình bày.
Leave a Reply