Nếu bạn đã trải qua sự bức bối giới tính hoặc tự nhận mình là chuyển giới, thì bạn xứng đáng được nghe những điều này:
Tôi thật lấy làm tiếc nếu có ai đó đã khiến bạn cảm thấy rằng bạn không thuộc về Giáo Hội. Bạn không phải là kẻ thù của Giáo Hội, và trong Giáo Hội vẫn có một chỗ dành riêng cho bạn, ngay cả khi bạn đang phải cố gắng vượt qua những nghi nan về căn tính của mình. Tôi rất xin lỗi nếu trong quá khứ bạn chưa hề được nghe ai nói những lời này. Chúng tôi đón nhận bạn. Chúng tôi hiểu bạn không lựa chọn điều này. Cảm giác bạn đang trải qua, và những nghi vấn vạn đang tự hỏi, thì không phải là hành động làm phiền lòng Chúa. Bạn có thể đã bị gia đình, cộng đoàn tín hữu, nơi học tập hay chỗ làm việc chối bỏ. Bạn có thể đang vật lộn để chấp nhận chính bản thân. Nhưng tôi sẵn sàng cá rằng bạn không hề gây chiến với Giáo hội Công giáo. Bạn thực chất ao ước được sống an bình và được là chính mình. Có lẽ bạn rất cởi mở trong việc đón nhận Chúa bước vào trong cuộc sống, nhưng chắc là bạn không rõ điều đó sẽ xảy đến như thế nào. Điều bạn muốn là được trở nên chính mình, không hề giả dối, và ước muốn đó đáng được công nhận. Bạn không hề đánh lừa ai cả. Đơn giản là bạn chỉ muốn khám phá và sống trọn vẹn với căn tính phù hợp với những trải nghiệm cá nhân. Bạn không hề tìm kiếm sự chú ý từ người khác. Chắc hẳn bạn muốn được hoà mình vào đám đông mà không sợ bị người lạ phải nhìn bạn đến hai lần.
Nếu bạn đang tự hỏi Chúa nghĩ gì về tất cả những điều này, hãy biết rằng câu trả lời của Giáo hội sẽ không bao giờ là: “Hãy sám hối và vác lấy thập giá mình”. Đúng là chúng ta có nhiều điều cần sám hối, và thập giá là một yếu tố cần thiết cho việc sống đời Kitô hữu. Nhưng ngay lúc này đây, không cần biết bạn đang tự nhận hay thể hiện bản thân là gì, thì Chúa vẫn luôn yêu bạn, ngay chính lúc bạn đang đọc những dòng chữ này. Bạn không hề bị bỏ rơi đâu. Nghe thì có vẻ sáo rỗng đấy, nhưng thật sự Chúa có kế hoạch cho đời bạn. Nếu quả thật Người muốn nói với bạn điều gì đó, chắc hẳn Người sẽ nói rằng: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai đang vất vả gồng gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Nếu bạn mở lòng mình ra và đón nhận lời mời gọi này, thì tôi chỉ yêu cầu bạn một điều: hãy kiên nhẫn với Giáo hội trong lúc chúng ta mò mẫm học cách vượt qua vấn đề này. Mặc dù Giáo hội sở hữu một kho tàng khôn ngoan bất khả hiểu thấu, nhưng người Kitô hữu thì chỉ mới bắt đầu học hiểu và tiếp xúc với những cá nhân có xu hướng tự nhận là chuyển giới mà thôi. Vì vậy, chắc hẳn sự việc đôi lúc sẽ không được như ý muốn. Thường thì luôn có một vài chỗ trong sách tôi sẽ phải chỉnh sửa thêm, ngay cả khi đã nộp cho xưởng in, ước gì tôi đã biên tập cuốn sách cách chỉn chu, nhiều màu sắc hơn trước khi đem giao bản thảo cuối cùng.
Những công cụ hỗ trợ có thể được tìm thấy trong Giáo hội, hoặc thậm chí là không hề được thấy dù bạn nghĩ là sẽ có, có thể sẽ làm bạn thất vọng. Thật vậy, một người đã nhắn tin cho tôi và than rằng: “Tôi chưa hề tìm được bất kỳ nguồn dữ liệu nào của Giáo hội Công giáo mà lại có ý nghĩa, có thể tư vấn, hỗ trợ, hoặc chia sẻ tĩnh tâm, hay thậm chỉ chỉ đơn giản là gửi lời chào đón cách nồng ấm đến với những ai đang bị chứng bức bối giới tính”. Điều duy nhất tôi có thể nói, đó là: chúng tôi đang làm việc để hoàn thiện chúng. Rất nhiều người Công giáo với tấm lòng đầy khoan dung và thành tín đang nỗ lực phát triển các nguồn dữ liệu này.
Bởi vì bạn xứng đáng được yêu thương, thì bạn cũng xứng đáng được đón nhận chân lý. Tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy cả hai điều đó trong khi đọc cuốn sách này. Những trang sách này sẽ đem lại cho bạn sự ủi an cũng như cả những thách đố. Nó sẽ kêu mời bạn tự đặt nghi vấn cho những ý tưởng bạn đã từng nghe trước đây, cùng lúc đó, nó cũng sẽ nhắc nhở bạn rằng: “Bạn không phải là một thứ vấn đề cần được giải quyết, nhưng là một điều bí nhiệm đáng được yêu thương”. Đó cũng là điều mà một người bị chứng bức bối giới tính đã nhắc nhở tôi.
Leave a Reply