Khi chúng ta càng theo đuổi hạnh phúc trần gian bao nhiêu, thì đời sống nội tâm của chúng ta càng bị đe dọa bấy nhiêu. Chỉ có ai biết tự chủ mới sống thanh thản vì người ấy đã thiết lập được cho mình những điều kiện để bình an và kiểm soát được chúng. Những người khác lại là nạn nhân của hoàn cảnh, làm nô lệ cho rượu chè, kẻ tham lam làm nô lệ cho tiền tài, kẻ đua đòi ăn diện làm nô lệ cho thời trang. Vũ trụ của họ đều có thể bị tước đoạt. Không ai trong chúng ta đủ sức kiểm soát hành vi của người khác nhắm vào chúng ta, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được hành vi của mình đối với tha nhân.
Mọi liên hệ giữa chúng ta với thế giới bên ngoài đều được tóm gọn bằng hai chữ: có và không có. Nhưng cuộc sống nội tâm lại tập trung vào một chữ: “là”. Con người thường làm hỏng đời mình khi khao khát cái có, đang khi lẽ ra phải chăm lo cho cái “là” mới đúng, vì trên đời này điều cao trọng nhất là tinh thần và nhân vị. Vì thế, mỗi lần chúng ta nhượng bộ bản thân để đạt được khát vọng vật dục là chúng ta bị thiệt thòi. Càng có được nhiều, người ta càng phải đối phó với nhiều vấn đề phát sinh. Nhưng nếu không có đủ nhu cầu thiết yếu để sống thì cũng ê chề lắm. Người nào diệt dục được, người ấy sẽ tự do. Người ấy đón nhận tất cả những gì xảy đến cho mình và dù có bị tước đọat đi nữa họ cũng không bận tâm. Tự chủ nghĩa là khước từ giá trị của vật chất bên ngoài. Để có được sự thanh thản hạnh phúc, chúng ta phải thoát khỏi vòng cương tỏa của các sự vật hỗn độn quanh mình. Nếu để cho tâm hồn mình bị chúng tràn ngập, chúng sẽ đẩy Thiên Chúa ra ngoài. Ai muốn tìm thỏa mãn hời hợt bên ngoài, người ấy sẽ bị giằng co, tự xâu xé tâm hồn mình và không thể đứng vững được.
Thời nay có nhiều thôi thúc xô đẩy con người tìm hạnh phúc trong việc thỏa mãn lạc thú vật chất rẻ rúng, ít đòi hỏi công sức và không cần dùng đến lý trí và ý chí. Báo chí nghiêng về việc dùng hình ảnh hơn là chữ viết, để độc giả đọc bớt mệt. Sân khấu, màn ảnh cuốn hút con người bằng những pha tình cảm ướt át, làm cho con người sống trong mớ hỗn mang. Lối sống này làm chúng ta trở thành nạn nhân cho chính cảm giác của mình. Thế giới cảm xúc là một bạo chúa. Ai chấp nhận nó, người ấy sẽ bị suy sụp thần kinh.
Để tái lập bình an nội tâm, con người bị căng thẳng dằn vặt, ngày nay phải tạo cho mình một khoảng cách im lặng giữa mình và thế giới. Như thế, con người mới LÀ thay vì CÓ hoặc CẢM THẤY. Khi nào chúng ta không còn lưu tâm đến bản ngã cùng những nhu cầu vị kỷ nữa, đó là lúc chúng ta đã bắt đầu rồi. Bước kế tiếp là cố gắng chu toàn thánh ý Chúa và chúng ta đạt được bình an. Sức khoẻ về mặt thể lý và lành mạnh về luân lý đều như nhau. Vi phạm luật luân lý khiến chúng ta xáo trộn tinh thần và thể xác. Nhưng nếu biết vâng phục ý Chúa, thể xác sẽ mạnh khoẻ và linh hồn được an lành.
Lúc đầu, việc hãm mình hy sinh là cả một vấn đề khó khăn. Nhưng ai biết đặt ý Chúa lên trên ý riêng thì vấn đề hy sinh không đáng kể nữa. Các giai đoạn đầu tiên của lối sống tâm linh giống như những năm tháng học chơi đàn. Lúc đầu phải biết hy sinh tiệc tùng để dành thời giờ thực tập, tập trung thao luyện các ngón đàn. Nhưng sau đó người học đàn sẽ vui thích khi ngồi vào đàn. Ai yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn sẽ nhận thấy Lời Chúa là phương thế để vươn tới Chân – Thiện – Mỹ. Sét chỉ đánh vào cột thu lôi kim loại có khả năng nạp được điện chứ không đánh vào cột gỗ trợ trợ. Cũng vậy, sự thanh thản của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai có chuẩn bị tâm hồn tốt nhất để đón nhận. Chuẩn bị bằng cách yêu mến Ngài.
Chúng ta chỉ có bình an nội tâm khi biết nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa Tể mọi hành động của mình. Nhiều người tuy tin Thiên Chúa, nhưng không dám triệt để như vậy. Họ chỉ dành cho Thiên Chúa một góc nhỏ trong tâm hồn họ. Họ hoạch định công việc mà không hỏi ý Chúa. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống rồi, mà họ không thể nhận ra rằng tình yêu có hai đặc tính: vừa cay đắng, vừa dịu ngọt. Họ kéo dài kiếp sống cô đơn và mỏi mệt dù rằng cũng đôi lúc họ có được những phút giây ngọt ngào.
Đối với những người này, chỉ cần một khoảnh khắc ân sủng cũng đủ biến đổi tâm hồn họ. Thế là họ bỗng nhận ra rằng “Thiên Chúa đang ngự trong nhà mình.” Dĩ nhiên, Thiên Chúa vẫn hằng ở trong mọi người. Họ không còn qui hướng về mình nữa, mà hướng về Thiên Chúa. Những biến động xảy ra trong đời không còn phá vỡ bình an trong lòng họ. Những gì có được không còn quan trọng nữa. Điều hệ trọng hơn cả là “những gì họ là” và “họ là gì? Họ chính là con của Thiên Chúa. Cuối cùng, họ có thể lắng nghe lời Chúa: “Ta ban cho con sự bình an. Bình an Ta ban cho con không như kiểu thế gian ban tặng. Đừng để lòng trí con xao xuyến nữa.”
Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen; Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn chuyển ngữ
Leave a Reply