Ai trong hai người đàn ông dưới đây tự do?
Người thứ nhất sống cho bản thân và không có một mối quan hệ nào vì anh ta không muốn bị ràng buộc bởi sự cam kết. Anh ấy thường qua đêm bên ngoài, vui thú vì không cần phải trả lời ai việc mình có về nhà hay không. Còn những buổi tối khác, anh ta bỏ ra hàng giờ để xem khiêu dâm trên mạng. Thực ra nhiều năm nay, anh ta chưa có tuần nào bỏ xem khiêu dâm. Thỉnh thoảng, anh ta đến câu lạc bộ thoát y với bạn bè và và uống bao nhiêu tùy thích. Anh ta có một đứa con từ mối quan hệ trước đây, nhưng anh ta vui mừng vì người mẹ nhận nuôi con, và anh ấy coi đứa trẻ không mong muốn ấy như một gánh nặng.
Người thứ hai, kết hôn và có ba đứa con. Anh ta về nhà sau giờ làm giúp vợ tắm cho con và chuẩn bị cho con đi ngủ. Anh ta có nhiều bạn bè nhưng không thể dành thời gian cho bạn bè nhiều như hồi còn độc thân. Thay vì nội dung khiêu dâm và cám dỗ bởi những người phụ nữ khác trong đời mình, anh ấy luôn để mắt đến cô dâu của mình.
Thế gian sẽ nói với bạn rằng người độc thân là tự do còn người chồng là nô lệ. Nhưng nhìn sâu hơn nữa đi. Trừ khi chàng trai năm ấy thay đổi cuộc đời mình, còn không anh ta sẽ nằm trên giường bệnh một ngày nào đó và nhận ra rằng anh đã lãng phí cả cuộc đời cho chính mình. Anh được tạo ra để trở thành một món quà cho đi, nhưng anh ta dành cả cuộc đời để gia tăng tối đa những khoái lạc cá nhân. Sự ích kỷ đã làm anh mù quáng không thấy rằng có một thứ mà chúng ta còn khao khát hơn cả tự do đó là tình yêu. Chúng ta được tạo ra cho tình yêu.
Nhưng tình yêu này đặt ra cho chúng ta một số đòi buộc và nó phải trả giá cao: trả bằng bản thân mình. Đó là lý do vì sao một số chàng trai lùi bước. Như một người nói rằng “Tôi muốn trông như hiệp sĩ nhưng tôi không muốn đổ máu như họ”. [19]
Chúng ta cần loại bỏ quan niệm sai lầm rằng tự do có nghĩa là làm tất cả những gì mình muốn. Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nhắc nhở chúng ta: Nếu tự do không được sử dụng, không được tình yêu tận dụng, thì nó trở nên một thứ tiêu cực và mang lại cho con người cảm giác trống rỗng, không được trọn vẹn. [20]
Anh chàng độc thân nói trên không tự do. Anh ta làm nô lệ cho chính sự dâm dục và ích kỷ của bản thân. Người chồng, trông có vẻ bị trói buộc, là hình ảnh của tình yêu Chúa Ki-tô, Đấng đã từng nói, “Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:18). Người chồng hiểu rằng trao tặng “tự do” vì yêu, sẽ cứu được bạn ra khỏi chính mình. Nó cho bạn được tự do nhờ giải thoát bạn để bạn yêu thương. Dù tình yêu đó dành cho vợ, con, hay Thiên Chúa, thì bạn đều đang dâng hiến tự do của mình như một món quà cho người khác.
Chúng ta tự do để chối bỏ những thách đố của tình yêu, nhưng chúng ta sẽ tìm thấy tự do thật sự chỉ khi chấp nhận những thách đố đó. Đây là nghịch lý to lớn của Ki-tô giáo: trừ khi bạn giũ bỏ chính mình, thì bạn không thể tìm thấy chính mình; trừ khi bạn giũ bỏ tự do của mình, bạn sẽ không tìm thấy tự do. Khi nói về trong sạch, bạn phải bỏ qua nỗi sợ hãi ban đầu rằng bạn có thể mất mát điều gì đó, vì sau một hy sinh nhỏ bé, là một phần thưởng to lớn. Một khi bạn nhận ra rằng sự tự chủ khiến bạn tự do yêu thương, bạn sẽ không còn thấy trong sạch là một sự mất mát. Đừng sợ trở thành một quý ông đích thực, vì Thánh Josemaria Escriva đã đoan chắc với chúng ta rằng: “Khi bạn quyết định sống trong sạch, khiết tịnh sẽ không phải là gánh nặng đối với bạn. Nó là triều thiên chiến thắng”. [21]
Trích từ sách Đúng chất nam tính
19. Elredge, Wild at Heart, 184.
20. Karol Wojtyla, Love and Responsibility (San Francisco: Ignatius Press, 1993), 135.
21. St. Josemaria Escriva, The Way, 40.
Leave a Reply