Nếu bạn là một thành viên trong gia đình, một nhà giáo dục, hay một người bạn của một ai đó tự nhận mình là chuyển giới, thì chắc chắn chủ đề về giới tính thường khiến bạn cảm thấy bối rối. Bạn có thể đã được nghe rằng mỗi người có một thứ được gọi là “bản dạng giới / nhân dạng giới” nằm trong não bộ, chứ không ở trên cơ thể; nó là một dạng cấu trúc xã hội, nhưng không được định nghĩa bằng sự rập khuôn; nó là thứ bẩm sinh và không thay đổi, nhưng đôi khi lại có thể “thay đổi nhanh chóng hằng ngày, thậm chí cứ cách vài giờ là thay đổi một lần”.6 Đặc biệt là đối với những người trưởng thành không hiểu biết mấy về thuật ngữ đương thời, thì điều này thật sự gây hoang mang.
Bạn không phải là người duy nhất đâu. Người trẻ cũng thường có kinh nghiệm về sự hoang mang này. Ví dụ, tại đại học Essex, tập tài liệu mang tên “Hướng dẫn về hòa đồng với chuyển giới / Trans Inclusion Guidance” dạy cho các sinh viên biết là đa giới tính bao gồm nhiều, hoặc có thể, là một số lượng vô tận các loại nhân dạng giới.7 Một cá nhân cảm thấy sửng sốt về điều này, đã liên lạc với trường, thông qua quyền tự do truy cập thông tin, để được giải thích cho một vài ví dụ về số lượng vô tận các nhân dạng giới thì có thể bao gồm những gì. Trường đã hồi đáp bằng một danh sách khoảng 12 các loại nhân dạng giới và thêm rằng những nhân dạng giới khác thì “vẫn chưa được nhận dạng” hoặc “chưa biết”. Không hề nao núng, người này tiếp tục hỏi rằng nếu các nhân dạng giới còn lại vẫn chưa được nhận dạng hay chưa được biết đến, thì làm cách nào nhà trường có thể đong đếm được số lượng? Người này thừa nhận là việc liệt kê toàn bộ số lượng là bất khả thi, cho nên anh ta chỉ yêu cầu một biểu mẫu gồm 500 nhân dạng giới mà thôi. Trường đại học Essex đã không thể thực hiện được yêu cầu của anh, viện cớ là “bởi vì tính chất tự phân định của nó, cũng như số lượng vô hạn các giới tính mà mỗi cá nhân có thể tự gán cho mình, khiến cho việc lên danh sách là bất khả thi”. Anh ta phản hồi như sau: “Tôi cho rằng lý do mà nhà trường không thể lên danh sách đó là vì danh sách ấy thậm chí sẽ còn lớn hơn tổng diện tích ngôi trường (ngay cả khi dùng phông chữ siêu nhỏ)”.8
Cuộc trao đổi này đã tóm lược vấn đề thường gây khó chịu trong các buổi thảo luận về nhân dạng giới. Một nhóm dành rất nhiều thời gian cho các cá nhân tự cho mình là chuyển giới, mà lại không hề chất vấn tính logic trong hệ tư tưởng của họ. Trong khi đó, nhóm kia lại tập trung vào sự mâu thuẫn trong tư tưởng, nhưng lại không dành nhiều thì giờ cho những con người ấy. Nhưng nếu ta có thể gồm thâu sự minh bạch và tình bác ái với nhau thì sẽ như thế nào?
Nhiều người không nhận mình là chuyển giới thì bị dẫn dắt để tin rằng chỉ có hai cách để đối đáp với những ai tự nhận là chuyển giới: công nhận họ hoặc chối bỏ họ. Vì hầu hết mọi người không muốn bị gọi là “kẻ ghét người chuyển giới cách mù quáng”, nên họ sẽ giữ kín mọi nghi nan trong lòng và tự chọn cách khẳng định chắc chắn nhất, đó là: bạn khẳng định chính mình.
Hiếm có ai nói đến sự hỗ tương, đối thoại với người chuyển giới trong chân lý và tình yêu mến. Cũng chẳng có ai đặt câu hỏi: khẳng định căn tính đích thực của một người nghĩa là gì? Thật vậy, căn tính con người chúng ta nên được khẳng định. Nhưng khẳng định một tư tưởng sai trái thì không phải là lòng bác ái. Đó lại là lòng trắc ẩn sai lệch.
Vì hầu hết mọi người đều không được trang bị kiến thức để thảo luận các chủ đề liên quan tới chuyển giới, do đó họ thường chủ động im lặng. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Để có thể đối đáp với người ta một cách có ý nghĩa về những chủ đề như thế này, đòi hỏi một sự hiểu biết sâu rộng về nội tiết, dược phẩm khoa nhi, thần kinh học, sinh học, tâm lý học, thần học, thuyết bình đẳng giới, giới tính học, nhân loại học và chính sách cộng đồng. Nhưng chẳng có chuyên gia nào lại có thể quán thông mọi lãnh vực. Như thánh Edith Stein có nói: “Sức mạnh của mỗi cá nhân thì hạn chế tới mức người ấy phải chấp nhận rằng: trong lãnh vực này mình đã đạt được thành tựu cao nhất, nhưng trong lãnh vực kia thì mình lại thiếu sót đủ điều.”9
Vì vậy, để viết nên cuốn sách này, tôi đã phải rút ra từ nhiều nghiên cứu tiên tiến nhất trong từng lãnh vực nêu trên. Nếu bạn muốn đi sâu vào bất cứ chủ đề nào, thì có lẽ bạn sẽ phải nghiên cứu hơn một nghìn nguồn trích dẫn, cùng vô số các tạp chí khoa học đã được bình duyệt. Tôi cũng đã gửi bản thảo cho nhiều tiến sĩ, chuyên gia, thuộc mọi lĩnh vực nêu trên. Họ đã giúp tôi chỉnh sửa và làm sáng tỏ nhiều điều. Tôi cũng đã chia sẻ bản thảo này với những người không đồng tình với giáo huấn của Hội Thánh. Tuy thế, họ vẫn vui vẻ giúp đỡ tôi tô điểm thêm cho nội dung tác phẩm. Nhưng, điều quan trọng nhất, có lẽ là: tôi cũng đã chia sẻ tài liệu mà bạn chuẩn bị đọc đây cho những ai nhận mình là chuyển giới hoặc có rối loạn giới tính. Những hồi đáp của họ quả thật vô cùng hữu ích.
Những vấn đề được đề cập trong sách này thì được trình bày như cách thánh Tôma Aquinô viết nên cuốn “Tổng luận thần học / Summa Theologiae” của ngài. Trong đó, ngài trình bày những ý kiến phản đối, cùng với những luận điểm ủng hộ sự phản đối đó. Bằng cách này, ngài không tạo nên một cuộc tranh luận kém sức thuyết phục, dễ bị bẻ gãy như rơm. Nhưng ngài muốn trình bày ý kiến đối lập một cách rõ ràng, sáng tỏ, và thậm chí còn thuyết phục hơn cả đối thủ của ngài có thể làm. Sau đó, ngài mới xác nhận chân lý được tìm thấy nơi những ý kiến đối lập ấy, rồi xây dựng luận đề của ngài trên hệ thống đó, để đi đến một kết luận hoàn toàn khác. Đối với thánh Tôma Aquinô, mục đích của tranh luận là cùng nhau hướng về chân lý, chứ không phải là để lao vào những cuộc bút chiến rẻ tiền.
Dưới đây là 18 lời khẳng định phổ biến nhất trong việc hỗ trợ lý thuyết về giới. Một vài chương có thể sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên đang tham gia các lớp nghiên cứu về giới, trong trường hợp họ không biết chắc phải đối đáp thế nào với các giáo sư về những gì mà họ tuyên bố. Một vài chương khác thì có thể sẽ giúp các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, cùng các nhà lãnh đạo, những ai quan tâm đến con cái mình đang bị chứng bức bối về giới tính, được sáng tỏ vấn đề. Cuối cùng, tôi hy vọng là nội dung cuốn sách này sẽ kích thích tư duy những ai đang phải trải qua sự bất hài hoà giữa giới tính và căn tính của mình.
Tổng chung, mục đích của sách này là để đáp lại thách đố mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra, ngay trước khi ngài đem đến cho nhân loại điều mà ngày nay được gọi là “Thần học Thân xác”. Ngài nói rằng: “Sự thật trước hết mà chúng ta nợ nhân loại, đó chính là sự thật về nhân loại”.10
Jason Evert
Ngày 7 tháng 10 năm 2022, Lễ Đức Mẹ Mân Côi
6. Lauren Booker, “What it means to be gender-fluid,” CNN.com (April 13, 2016).
7. Cf. University of Essex, “Working with Schools and Colleges: Trans Inclusion Guidance,” https://www.essex.ac.uk/-/media/documents/study/outreach/transgender-guidance.pdf.
8. “Please list some of the infinite number of genders,” https://www.whatdotheyknow.com/request/please_list_some_of_the_infinite.
9. Edith Stein, Finite and Eternal Beings (Washington, D.C.: ICS Publications, 2002), 507.
10. Pope John Paul II, “Third General Conference of the Latin American Episcopate,” Puebla, Mexico: The Holy See (January 28, 1979).
Leave a Reply