Một hôm lái xe trở về từ bãi biển, tôi bật radio và nghe thấy anh chàng DJ mời mọi người gọi điện đến đài phát thanh và nói cho anh nghe về định nghĩa tình yêu của họ. Người gọi số một nói về những cảm giác “ấm áp, thỏa mãn”; người gọi số hai nói điều gì đó lúng túng về sự đổ mồ hôi và cảm giác hồi hộp. Cuộc gọi này đến cuộc gọi khác, tình yêu được định nghĩa bởi cảm giác và cung bậc cảm xúc.
Nếu đây là cách chúng ta hiểu về tình yêu, thì các mối quan hệ của chúng ta đều tiêu tùng trước khi chúng bắt đầu. Một số có thể nói:
Nhưng không phải có thứ gọi là tình yêu sét đánh sao? Hồi cấp ba, thầy giáo dạy lịch sử của tôi nói rằng lần đầu tiên nhìn thấy vợ ông qua đường, ông ấy đã biết đó là tình yêu. Ông băng qua dòng xe cộ, ngay lập tức rủ bà đi ăn trưa và cầu hôn bà ngay tại đó.
Liệu có tồn tại thứ gọi là tình yêu sét đánh không? Để trả lời điều này, người ta phải định nghĩa tình yêu là gì. Hầu hết mọi người nghĩ về tình yêu như một loại cảm xúc tạo ra niềm vui. Trong trường hợp đó, hẳn là có rất nhiều người trải qua việc “yêu” từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nếu tình yêu là quyết định làm những gì tốt nhất cho người kia, hầu hết mọi người còn không nghĩ về điều này khi họ gặp một người lần đầu tiên.
Thông thường, tình yêu sét đánh xảy ra khi hai người ngay lập tức say mê, rồi mối quan hệ may thay cũng có cái kết đẹp. Nhưng lý do mối quan hệ này lâu bền không phải nhờ vào cảm giác bí ẩn mà họ có khi lần đầu tiên chạm mắt nhau. Nó thành công bởi vì họ chọn yêu nhau thông qua những hành động tử tế và hy sinh sau khi sự say đắm mất dần đi.
Một nhà nghiên cứu não bộ cho biết:
Nhiều người . . . cho rằng sự mất cảm giác lãng mạn của tình yêu thuở ban đầu là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ một cặp đôi đang vụn vỡ dần. Tuy nhiên, trên thực tế, cặp đôi này có thể đang chuyển sang giai đoạn quan trọng và lâu dài hơn của một mối quan hệ do các mạch thần kinh bổ sung thúc đẩy. Các nhà khoa học lập luận rằng “mạng lưới gắn kết” là một hệ thống não bộ riêng biệt – một hệ thống não bộ thay thế cường độ thích thú của sự lãng mạn bằng một cảm giác lâu bền hơn của sự yên bình, tĩnh lặng và gắn kết.1
Cảm giác “đang yêu” rất thú vị, nhưng chúng không nên bị nhầm lẫn với tình yêu. Một người có thể trao lời hứa nguyện sẽ yêu thương, nhưng không ai có thể hứa chắc với cảm xúc của họ cả. Cảm xúc đến và đi. Nếu đánh đồng cảm xúc với tình yêu, chúng ta sẽ kết luận rằng khi cảm xúc phai nhạt thì tình yêu cũng biến mất. Khi chuyện này xảy ra, bạn có thể nghe thấy mọi người nói mấy điều như, “Anh yêu em nhưng anh không còn ở trong tình yêu với em nữa.” Nếu đúng như vậy thì từ đầu người đó đã chẳng yêu người kia bao giờ. Họ yêu cảm xúc của chính mình.
1. Brizendine, The Female Brain, 70.
Trở về chương 2 của Trang Mục lục
Leave a Reply