Thời Giáo hội sơ khai, quan điểm đề cao thân xác trong Kinh thánh đi ngược lại trào lưu văn hóa cách triệt để. Nền văn hóa đa thần cổ đại đã bị thấm nhuần bởi những triết lý phủ nhận thế giới vật chất như phái Manikêu (Manichaeism), thuyết Platon và phái linh trí (Gnosticism), tất cả đều miệt thị thế giới vật chất là cõi của sự chết, sự suy tàn và sự hủy diệt—nguồn gốc của sự ác. Thuyết ngộ đạo về cơ bản đã kết hợp hai học thuyết về sự sáng tạo và sự sa ngã: Coi câu chuyện sáng thế là một câu chuyện về linh hồn bị sa từ cõi tâm linh cao hơn xuống cõi vật chất hư nát.
Phái linh trí (Thuyết Ngộ đạo) vì thế đã huấn luyện mọi người nghĩ về thân xác “như một bản thể hoàn toàn khác biệt”, nhà sử học Peter Brown của Princeton University viết. Đó là một “mảnh vật chất” ngang ngược mà linh hồn phải đấu tranh để kiểm soát và quản lý.28 Mục tiêu của sự cứu rỗi là thoát ra khỏi thế giới vật chất—bỏ lại nó phía sau và bay trở lại cõi thiêng liêng. Một cách chơi chữ phổ biến vào thời điểm đó là thân thể (tiếng Hy Lạp: soma) là một ngôi mộ (tiếng Hy Lạp: sema).
Phái linh trí dạy rằng thế giới quá tội lỗi, phải là một thần ác đã dựng nên nó. Trong vũ trụ học của thuyết ngộ đạo, tồn tại nhiều cấp độ linh hồn từ vị thần cao nhất đến vị thần thấp nhất, thực chất là một vị thần thấp hơn và độc ác. Chính vị thần cấp thấp nhất này đã tạo ra thế giới vật chất. Vì không có vị thần tự trọng nào lại tự hạ thấp mình bằng làm bản thân ghê tởm khi nhúng tay vào vật chất.
Trong bối cảnh văn hóa này, những tuyên bố của Kitô giáo không gì khác là một cuộc cách mạng. Vì Kitô giáo dạy rằng vật chất không được tạo ra bởi một vị thần phụ độc ác mà là bởi Đấng Tối Cao – thế giới vật chất do đó về bản chất là tốt. Trong sách Sáng thế, không có sự khinh miệt thế giới vật chất. Thay vào đó nó được khẳng định nhiều lần là tốt: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:10, 12, 18, 21, 25).
Con người được thể hiện như những sinh vật có tư cách nhân vị, bao gồm việc trở thành một phần của trái đất mà từ đó họ được dựng nên. Chương thứ hai của sách Sáng thế nói rằng Thiên Chúa đã tạo nên Ađam “từ bụi đất” (2:7). Tên của loài người, Adam, thậm chí còn là một cách chơi chữ trong nguyên bản tiếng Do Thái, có nghĩa là “từ trái đất” (adamah = trái đất).
Chính thứ đất sét sống động biết đi này đã được Chúa tuyên bố là “rất tốt đẹp” (1:31). Chính tạo vật trần thế, có thân xác này được Thiên Chúa mô tả là phản ánh hình ảnh thần tính của chính Ngài: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (c. 26). Ráp-bi Lord Jonathan Sacks, cựu ráp-bi trưởng của Vương quốc Anh, giải thích: “Trong thế giới cổ xưa, những người cai trị, hoàng đế và pharaoh được coi là giống hình ảnh của Chúa. Vì vậy, điều mà sách Sáng Thế Ký muốn nói là tất cả chúng ta đều là hoàng tộc.”29 Những độc giả đầu tiên của sách Sáng Thế biết rằng văn bản này đang đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc rằng tất cả con người, không chỉ những người cai trị, đều là đại diện của Chúa trên trái đất.
28. Peter Brown, The Body and Society: Men, Women, and Sexual Renunciation in Early Christianity (New York: Columbia University Press, 1988), lix–lx.
29. Rabbi Lord Jonathan Sacks, “The Love That Brings New Life into the World,” keynote speech delivered to the Vatican, November 17, 2014, http://rabbisacks.org/love-brings-new-life-world-rabbi-sacks-institution-marriage/.
Leave a Reply