Trong chương 2, chúng ta đã biết được bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của thế giới quan hai tầng là thuyết tiến hóa của Darwin. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhân vật lãnh đạo, những người kêu gọi phá thai và an tử trước tiên lại là những người ủng hộ thuyết Darwin. Nhiều người trong số họ ủng hộ thuyết ưu sinh, nỗ lực cải thiện loài người bằng cách loại bỏ những người khuyết tật và khiếm khuyết về di truyền, cũng như những người được coi là thuộc chủng tộc “thấp hơn”. Trong suy nghĩ của công chúng, thuyết ưu sinh có liên quan đến Đức Quốc xã, nhưng trên thực tế, nó đã được thực hiện và quảng bá trên khắp thế giới phương Tây ngay cả trước khi Chủ nghĩa Quốc xã trỗi dậy.
Vào thế kỷ 19, nhà sinh vật học người Đức Ernst Haeckel nổi tiếng là người thẳng thắn ủng hộ thuyết của Darwin. Theo ông, các nền văn minh hiện đại quan tâm đến người khuyết tật đang can thiệp vào nguyên tắc tiến hóa về sự sinh tồn của những người khỏe mạnh nhất. Ông kêu gọi họ noi theo “tấm gương của người Sparta và người da đỏ” đã giết những đứa trẻ khuyết tật ngay sau khi sinh. Ông cũng ủng hộ chế độ an tử cho người lớn khuyết tật.10
Ở bên này Đại Tây Dương cũng vậy, học thuyết Darwin đã khiến nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc chấp nhận việc phá thai và an tử. Một nhà sử học viết: “Bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử ban đầu của phong trào an tử là sự xuất hiện của thuyết Darwin ở Mỹ.”11
Ví dụ, hầu hết mọi người đều quen thuộc với những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jack London, chẳng hạn như Tiếng gọi nơi hoang dã/ The Call of the Wild. Nhưng điều họ không biết là London ủng hộ nhiệt tình cho cả thuyết an tử và thuyết ưu sinh. Khi còn trẻ, London đã trải qua điều mà một sử gia gọi là “trải nghiệm hoán cải”12 sang chủ nghĩa duy vật cấp tiến bằng cách đọc các tác phẩm của Charles Darwin. Ông ghi nhớ những đoạn văn dài của Darwin và có thể thuộc lòng trích dẫn chúng, như cách người Kitô hữu ghi nhớ Kinh thánh.
Trong truyện ngắn “Luật Đời/The Law of Life” viết năm 1901, London miêu tả một người Eskimo già nua bị bộ tộc du mục của ông bỏ lại và chết trong tuyết. Khi bầy sói bao vây ăn thịt ông, ông già Eskimo suy nghĩ rằng xét cho cùng thì quá trình tiến hóa chỉ giao cho sinh vật một nhiệm vụ duy nhất: sinh sản để loài ấy tồn tại. Sau đó, nếu một sinh vật chết đi, “Rốt cuộc điều đó có quan trọng gì? Đó chẳng phải là quy luật của cuộc sống sao?”13
Câu chuyện nhấn mạnh đến chủ đề rằng con người không có mục đích nào cao hơn ngoài sự tồn tại sinh học đơn thuần—rằng những người không còn hữu ích về mặt sinh học nên sẵn lòng chết.14
Margaret Sanger, người thành lập tổ chức Planned Parenthood vào năm 1921, là một đệ tử khác của Darwin. Các nhà nữ quyền hiện đại tôn vinh bà như người cổ vũ việc kiểm soát sinh sản thuở ban đầu, nhưng nhiều người không biết rằng bà cũng cổ vũ an tử (euthanasia) – “một cách dẫn lối vào sự sống dưới sự kiểm soát của lý trí, và cách kia đưa lối ra khỏi sự sống dưới sự kiểm soát đó.” Cô ấy viết, “Điều nhân từ nhất mà một gia đình lớn làm với một trong những thành viên còn sơ sinh của mình là giết nó.”15
Oliver Wendell Holmes Jr. là một trong những thẩm phán Tòa án Tối cao được kính trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng ông cũng là một người theo thuyết Darwin nhiệt thành, người ủng hộ an tử và thuyết ưu sinh. Ông đã viết phán quyết của vụ Buck v. Bell (1927) ủng hộ luật triệt sản, một bắt buộc mà nhiều bang đã ban hành để thúc đẩy thuyết ưu sinh. Trong thư từ riêng tư, ông cũng chủ trương “giết chết những trẻ sơ sinh không vượt qua khám nghiệm”. Holmes bày tỏ sự “khinh miệt” đối với bất kỳ ai “không sẵn sàng”. . . giết bất cứ ai dưới tiêu chuẩn.”16
Một người ủng hộ an tử khác là Clarence Darrow, một luật sư xét sử được biết đến cho lập luận ủng hộ thuyết Darwin trong phiên tòa Scopes năm 1925. Nhiều người biết đến tên ông từ bộ phim nổi tiếng Inherit the Wind. Darrow ủng hộ việc giết trẻ sơ sinh, kêu gọi mọi người “an tử những đứa trẻ khuyết tật bằng cloroform. Hãy tỏ cùng mức độ xót thương như đối với những con thú không còn đáng để sống.”17
10. Cited in Richard Weikart, The Death of Humanity and the Case for Life (Washington, DC: Regnery, 2016), 272. Về phong trào ưu sinh ở Mỹ, xem John West, Darwin Day in America: How Our Politics and Culture Have Been Dehumanized in the Name of Science (Wilmington, DE: ISI Books, 2007), especially chapter 7.
11. Ian Dowbiggin, cited in Weikart, Death of Humanity, 274.
12. Cynthia Eagle Russett, Darwin in America: The Intellectual Response 1865–1912 (San Francisco: W. H. Freeman, 1976), 175.
13. Jack London, “The Law of Life,” McClure’s Magazine 16 (March 1901).
14. Để thảo luận về tác động của học thuyết Darwin đối với nghệ thuật và nhân văn, hãy xem cuốn sách Saving Leonardo của tôi.
15. Margaret Sanger, “The Wickedness of Creating Large Families,” Women and the New Race (1920), http://www.bartleby.com/1013/5.html.
16. Cited in Albert W. Alschuler, Law without Values: The Life, Work, and Legacy of Justice Holmes (Chicago: Chicago University Press, 2000), 28, 27. Để biết thêm về ảnh hưởng của học thuyết Darwin đối với Holmes, xem sách Total Truth, chapter 8 của tôi.
17. Clarence Darrow, Washington Post, November 18, 1915.
Leave a Reply