Từ xa xưa, nguyên tắc cho rằng nền văn hóa phá thai, giết trẻ sơ sinh và phóng túng tình dục là nền văn hóa không tôn trọng phụ nữ. Thoạt nhìn, các xã hội hiện đại có vẻ mâu thuẫn với nguyên tắc đó. Suy cho cùng, văn hóa phương Tây chấp nhận những tập tục này nhưng phụ nữ ở đó có nhiều quyền và cơ hội hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Có, nhưng ở một mức giá. Nhà kinh tế học Jennifer Roback Morse viết: “Đây là cuộc mặc cả mà những phụ nữ chuyên nghiệp đã phải thực hiện”.73 Để đạt được trình độ học vấn và tính chuyên nghiệp cao hơn, phụ nữ buộc phải hạn chế khả năng sinh sản của mình bằng biện pháp tránh thai nhân tạo – triệt sản bằng các hóa chất độc hại trong những năm dễ có thai. (Tổ chức Y tế Thế giới/WHO phân loại các biện pháp tránh thai nội tiết tố là “chất gây ung thư loại một”, tức là một chất được biết là gây ung thư nơi người.) Vì tất cả các biện pháp tránh thai đều có tỷ lệ thất bại nên phụ nữ sau đó phải dùng đến biện pháp phá thai. (Theo thống kê của Viện Guttmacher, khoảng một nửa số phụ nữ phá thai cho biết họ đã sử dụng biện pháp tránh thai trong tháng họ có thai.)74
Để tránh bị chệch khỏi con đường học tập hoặc sự nghiệp, phụ nữ được khuyến khích “đáp ứng nhu cầu tình dục của mình” thông qua những cuộc tình không ràng buộc, không cam kết. Phóng viên Hanna Rosin viết (với sự tán thành) rằng trong thời gian học đại học, “phụ nữ được hưởng rất nhiều lợi ích khi sống trong một thế giới nơi họ có thể phiêu lưu tình dục mà không cần phải cam kết. . . và nơi họ có thể tham gia vào những mối quan hệ tạm thời mà không cản trở thành công trong tương lai.”75
Vấn đề là khi phụ nữ cuối cùng đã có sự nghiệp, nhiều người nhận ra rằng khả năng sinh sản của họ đã giảm sút – đôi khi bị tổn hại do các bệnh lây truyền qua đường tình dục – và họ không còn có thể gầy dựng gia đình mà họ đã mong muốn. Vào thời điểm đó, họ phải áp dụng các phương pháp điều trị sinh sản xâm nhập, tốn kém và thường gây thất vọng, hoặc chuyển sang các phương pháp có vấn đề về mặt đạo đức như mang thai hộ. Khi có được thai, những phụ nữ đã phá thai trong quá khứ, có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng như sinh non, do đó con của họ phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh hàng tháng trời.76
Đây có phải là ủng hộ phụ nữ không?
Morse đang viết từ kinh nghiệm của chính mình. Cô gác lại hôn nhân và gia đình để thăng tiến trong sự nghiệp, rồi nhận ra mình không thể có con khi muốn. Cô và chồng đã trải qua nhiều năm vô sinh trước khi nhận nuôi một đứa trẻ từ nước ngoài. Cô kết luận rằng những phụ nữ trẻ “đang bị thuyết phục bởi những lời dối trá”. Họ đã chấp nhận mệnh lệnh từ văn hóa là họ phải đạt được vị trí cao trong sự nghiệp trước khi có thể suy nghĩ nghiêm túc về hôn nhân và việc làm mẹ. “Họ không nhận ra rằng họ đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp trong những năm có khả năng sinh sản cao nhất, với kỳ vọng rằng bằng cách nào đó, một ngày nào đó, họ có thể ‘có mọi sự họ muốn.’”77
Tiêu chuẩn công nhân lý tưởng trong doanh nghiệp Mỹ đã được thiết lập ở thời trước đó, khi mà đàn ông có thể làm việc nơi công xưởng như thể họ còn độc thân vì vợ họ ở nhà toàn thời gian để nấu ăn, mua sắm, trông nhà và nuôi con. Ngày nay, tiêu chuẩn tương tự vẫn còn phổ biến trong thế giới doanh nghiệp, dẫn đến kết quả là phụ nữ, cơ bản cũng phải hoạt động giống như đàn ông độc thân nếu họ muốn có sự nghiệp chuyên môn. Nhiều phụ nữ trẻ sợ hãi vì có thai và trượt khỏi con đường sự nghiệp.
Đây là vấn đề cá nhân đối với tôi vì tôi mang thai đứa con đầu lòng khi còn học [thần học] trong chủng viện. Con đường duy nhất mà tôi biết để thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của mình là vào thế giới học thuật, nên việc bỏ học để nuôi con thì như thể rơi vào lỗ đen. Sau này tôi phát hiện ra rằng tôi thích làm mẹ, nhưng lúc đó tôi cảm thấy vô cùng lừng chừng về việc mang thai. Đối với tôi, có vẻ như thật không công bằng khi chồng tôi, không phải đối mặt với nguy cơ mất đi nghề nghiệp chuyên môn của mình. Những hy sinh mà phụ nữ buộc phải thực hiện trong các xã hội công nghiệp hóa bằng cách từ bỏ cuộc sống công cộng và sự nghiệp của mình là lý do chính khiến nhiều người có quan điểm tiêu cực về việc mang thai và nuôi con, và rồi tìm đến biện pháp phá thai.78
Một giải pháp tốt hơn sẽ là các trường đại học và nơi làm việc đáp ứng nhu cầu của cả những ông bố bà mẹ đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và gia đình tốt hơn. Các tiêu chuẩn công nhân lý tưởng của những năm 1950 không là bất khả xâm phạm và chúng ta không nên cảm thấy bị buộc phải tuân theo chúng, khi chúng không còn hiệu quả nữa. (Vào thời điểm đó, họ cũng không đặc biệt vui vẻ vì trẻ em hiếm khi có mối quan hệ thân thiết với người cha. Có rất nhiều cảnh “đói kém tình cảm và quan tâm của người cha” ngay cả khi người cha thực sự có mặt ở nhà.)
Morse tóm tắt: “Cho đến nay, chúng tôi [phụ nữ] đã điều chỉnh thân thể của mình để phù hợp với trường đại học và thị trường. Tôi muốn lên tiếng, chúng ta nên tôn trọng thân thể mình đủ để yêu cầu trường đại học và thị trường phải thích ứng với chúng ta và thân thể chúng ta.”79 Nghĩa là, thay vì yêu cầu phụ nữ hành hạ cơ thể mình bằng hóa chất độc hại (thuốc tránh thai), hành vi bạo lực (phá thai), và các phương pháp điều trị sinh sản cách xâm nhập hầu phụ nữ có thể tham gia vào con đường sự nghiệp được thiết kế chủ yếu cho những người đàn ông độc thân, chúng ta nên thiết kế những con đường sự nghiệp có tính hỗ trợ cho cha mẹ — cả cha và mẹ.
Một nền văn hóa tôn trọng thân thể phụ nữ sẽ tạo ra những con đường sự nghiệp linh hoạt hơn, cho phép phụ nữ có gia đình vào thời điểm tối ưu về mặt sinh học. Nó sẽ tạo ra các mô hình giáo dục và việc làm phù hợp với trách nhiệm gia đình. Khi điều đó được thực hiện, chúng ta sẽ giảm thiểu được nguyên nhân chính dẫn đến phá thai.
73. Jennifer Roback Morse, “Young Women Are Gambling On a Losing Game,” The Blaze, June 1, 2016.
74. Morse, “Sexual Revolution Reconsidered.”
75. Hanna Rosin, “Boys on the Side,” The Atlantic, September 2013.
76. C. Moreau et al., “Previous Induced Abortions and the Risk of Very Preterm Delivery: Results of the EPIPAGE Study,” BJOG: An International Journal of Obstetrics and Gynecology 112, no. 4 (April 2005): 430–37.
77. Morse, “Young Women Are Gambling On a Losing Game.”
78. Nancy Pearcey, “Why I Am Not a Feminist (Any More),” Human Life Review, Summer 1987. For a fuller discussion, see my book Total Truth, chapter 12.
79. Morse, “Young Women Are Gambling On a Losing Game.”
Leave a Reply