Nhưng chẳng phải thế giới này đã sa ngã, đã phạm tội và điều đó không có nghĩa là nó đã hư nát sao? Đúng vậy, nhưng khi nhấn mạnh quá mức đến về sự sa ngã, chúng ta có nguy cơ làm nó mất cân bằng với các tín điều khác trong Kinh thánh.
Thần học Kinh Thánh được dệt nên từ ba chủ đề: công cuộc sáng tạo, sự sa ngã và ơn cứu chuộc. Toàn thể tạo vật đều đến từ bàn tay Thiên Chúa và do đó có bản chất tốt đẹp ở thuở ban đầu. Con người được mời gọi trở thành người quản lý thế giới vật chất – bao gồm cả thân xác của chúng ta – chúng ta có trách nhiệm trước Đấng tạo hóa và Chủ của nó.
Tuy nhiên, mọi thực tại được tạo dựng đều bị tội lỗi làm hoen ố và hư nát. Bởi vì con người được giao trách nhiệm cho tạo vật nên số phận của nó gắn liền với chúng ta. Chúng ta thấy điều này ngay cả trong kinh nghiệm của con người – khi một người cha bạo hành, cả gia đình có thể sẽ gặp phải rối loạn chức năng; khi một người lãnh đạo quốc gia tham nhũng thì cả quốc gia phải gánh chịu. Tương tự như vậy, khi con người phạm tội, mọi tạo vật đều không còn như trước nữa.
Sau cùng, vào ngày cánh chung, mọi tạo vật sẽ được phục hồi và đổi mới nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói về sự cứu rỗi bằng những thuật ngữ như khôi phục, đổi mới, cứu chuộc—tất cả đều hàm ý sự phục hồi một điều gì đó ban đầu là tốt đẹp. Nếu con người vốn đã xấu xa thì sẽ không có gì có thể khôi phục. Chúa sẽ phải tiêu diệt loài người và bắt đầu lại. Chính vì tội là một thế lực xa lạ trong sự sáng tạo tốt lành của Chúa, nên chúng ta mới có thể được giải cứu, giải thoát, được tự do và phục hồi. Thân xác một lần nữa có thể trở thành một công cụ cho một đời sống tốt lành thánh thiện mà nó được tạo dựng nên để là: “Hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rô-ma 6:13).
Thật vậy, lý do khiến sự sa ngã trở thành một thảm kịch như vậy chính là vì con người đã có giá trị cao quý từ lúc ban đầu. Khi một món đồ rẻ tiền bị vỡ, chúng ta vứt nó sang một bên và không cần đắn đo. Nhưng khi một tác phẩm nghệ thuật vô giá bị phá hủy, chúng ta rất đau lòng. Lý do tội lỗi bi thảm đến vậy là vì nó hủy diệt con người—một kiệt tác vô giá phản ánh phẩm chất của Người nghệ sĩ Tối cao.
Tất nhiên, Kitô hữu biết rằng thế giới tạo dựng không phải là thực tại tối thượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó vô giá trị, hoặc đáng khinh chê. Có những khoảnh khắc khủng hoảng, đau đớn và khổ sở khiến chúng ta biết ơn sâu sắc rằng thế giới vật chất không phải là thực tại duy nhất mà còn tồn tại một thế giới thiêng liêng siêu việt chân thực. Thiên Chúa là thực tại tối thượng duy nhất Tự Hữu; thế giới vật chất phụ thuộc vào Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi “hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cô-lô-xê 3:2). Những câu này Kinh thánh này không có mục đích làm cho chúng ta khinh thường sự sáng tạo của Chúa mà là để chúng ta tăng cường sự nương cậy của chúng ta vào Chúa.
Giáo phụ Justin Martyr, viết vào thế kỷ thứ hai, cũng phải đối mặt với những phản đối tương tự mà chúng ta gặp phải ngày nay. Trong “Phẩm giá của Thân xác”, ngài viết đoạn văn tuyệt vời này:
Bây giờ chúng ta phải lên tiếng về những người coi thường xác thịt. . . . Những người này dường như không biết gì về toàn bộ công việc của Chúa… Vì chẳng phải Kinh thánh nói: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”? Loại người nào? Rõ ràng Ngài muốn nói đến con người có thân xác, vì từ này nói rằng: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người”. Do đó, rõ ràng là con người được tạo ra theo giống hình ảnh Thiên Chúa và có xác thịt. Vậy thì có phải là vô lý khi nói rằng xác thịt được Thiên Chúa tạo ra theo hình ảnh của Ngài là hèn hạ và chẳng có giá trị gì?44
Những hiểu biết thần học sâu sắc của thánh Justinô Tử đạo trong thế kỷ thứ hai vẫn cần thiết trong thế kỷ XXI. Khi đối mặt với những tệ nạn xã hội của thời đại chúng ta, chúng ta phải vượt ra ngoài những lời tố cáo nghe có vẻ gay gắt, giận dữ hoặc phán xét và thay vào đó nỗ lực chứng tỏ rằng đạo đức Kinh thánh dựa trên quan điểm tích cực coi thân xác là một phần hình ảnh của Chúa. Mục tiêu không phải là giành chiến thắng trong cuộc chiến văn hóa hay áp đặt quan điểm của chúng ta lên người khác, mà là yêu thương người lân cận, nghĩa là làm việc vì lợi ích của tha nhân.
Bối cảnh lịch sử và Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta những công cụ tốt hơn như thế nào để hiểu được đạo đức thế tục? Chúng ta đã khảo sát các vấn đề gây tranh cãi nhất, bây giờ hãy đi sâu vào từng vấn đề cách chi tiết hơn, trả lời những phản đối phổ biến nhất và xác định tận gốc rễ của thế giới quan làm mất tính người, bắt đầu từ việc phá thai.
44. Justin Martyr (attributed), “The Dignity of the Body,” https://www.ewtn.com/catholicism/teachings/st-justin-martyr-the-dignity-of-the-body-205.
Leave a Reply